Quyết định số 22/2004/QĐ-BCN ngày 02/04/2004 Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 22/2004/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 02-04-2004
- Ngày có hiệu lực: 02-05-2004
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-09-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3788 ngày (10 năm 4 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-09-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2004/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG CÂY THUỐC LÁ ĐẾN NĂM 2010
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 76/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (công văn số 6212 BKH/KTNN ngày 10 tháng 10 năm 2003) và của các Bộ, ngành liên quan góp ý về Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công nghiệp thẩm định và phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 (Công văn số 5558/VPCP-NN ngày 11 tháng 11 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Tiêu dùng và Thực phẩm,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng trồng cây thuốc lá đến năm 2010 với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
Đẩy mạnh phát triển sản xuất cây thuốc lá có năng suất, chất lượng cao theo hướng chuyên canh, sản phẩm mang tính hàng hóa cao, phấn đấu hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh, giảm thiểu độc hại cho người tiêu dùng, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.
Quy hoạch các vùng chuyên canh, vùng trồng cây thuốc lá chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu sản xuất nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao thay thế nhập khẩu và tăng xuất khẩu.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển vùng trồng cây thuốc lá, có trách nhiệm thực hiện các chương trình nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật canh tác để đạt hiệu quả cao trong việc trồng và sản xuất nguyên liệu thuốc lá, sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước để sản xuất sản phẩm thuốc lá chất lượng cao và chế biến xuất khẩu.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao theo quy hoạch.
2. Định hướng phát triển
a) Về nghiên cứu khoa học, công nghệ, giống, kỹ thuật canh tác
- Đầu tư cho Viện Kinh tế-Kỹ thuật Thuốc lá cả về cơ sở vật chất và cán bộ nghiên cứu, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong việc tạo giống, trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá. Quy hoạch và xây dựng các phòng thí nghiệm đủ điều kiện giám sát chất lượng nguyên liệu thuốc lá theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng của nguyên liệu thuốc lá.
- Coi trọng việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại trong việc trồng và sản xuất nguyên liệu thuốc lá, làm chủ và cải tiến công nghệ nhập từ nước ngoài cho phù hợp để sản xuất thuốc lá nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu độc hại cho người tiêu dùng.
- Sử dụng giống thuốc lá có chất lượng cao, thích hợp với từng vùng trồng. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong việc lai tạo giống thuốc lá, đầu tư cơ sở vật chất cho các trại giống thuốc lá đủ điều kiện tiếp thu tiến bộ khoa học công nghệ của nước ngoài, nghiên cứu sản xuất hạt giống chất lượng cao cung cấp cho vùng trồng thuốc lá ở hai miền Nam, Bắc.
- Nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác (gieo trồng, thu hoạch, hái, sấy); cơ giới hoá đạt mức tiên tiến so với thế giới. Đảm bảo 100 % diện tích được trồng đúng quy trình kỹ thuật.
b) Về đầu tư
- Tập trung đầu tư vùng chuyên canh, vùng trồng cây thuốc lá chất lượng cao để sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu.
- Đầu tư mới các nhà máy chế biến nguyên liệu có công nghệ và thiết bị tiên tiến phù hợp, đồng thời đầu tư mở rộng năng lực chế biến nguyên liệu của các nhà máy hiện có.
- Đa dạng hoá hình thức đầu tư, tranh thủ cơ hội thu hút Dự án đầu tư nước ngoài, hợp tác liên doanh với các hãng thuốc lá nước ngoài trong lĩnh vực trồng nguyên liệu, chế biến sợi thuốc lá để tiếp thu công nghệ mới. Khuyến khích huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh việc cổ phần hoá các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc lá.
c) Về đào tạo nguồn nhân lực
- Đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có đủ trình độ và khả năng trong việc triển khai công tác nghiên cứu, quản lý khoa học kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật cho người trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá.
- Chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có khả năng tiếp thu công nghệ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu
a) Diện tích, năng suất, sản lượng và xuất khẩu
| Năm 2005 | Năm 2010 |
Diện tích (ha) | 29.950 | 39.150 |
Năng suất bình quân (tấn/ha) | 1,76 | 1,96 |
Sản lượng (tấn) | 52.575 | 76.710 |
Xuất khẩu nguyên liệu (tấn) | 6.000 | 10.500 |
b) Quy hoạch vùng trồng cây thuốc lá
Quy hoạch các vùng chuyên canh cây thuốc lá theo hướng tập trung ở các vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và thổ nhưỡng phù hợp và có định hướng phát triển ổn định, lâu dài theo yêu cầu sản xuất của ngành thuốc lá. Quy hoạch vùng trồng cây thuốc lá của các tỉnh theo hướng ổn định hiện trạng vùng trồng thuốc lá của năm 2000; ưu tiên phát triển những vùng sản xuất nguyên liệu truyền thống, có tiềm năng về đất đai, có chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất thuốc lá điếu và xuất khẩu để phát triển thành vùng chuyên canh; những vùng khác không có các điều kiện thích hợp, chất lượng nguyên liệu thấp thì duy trì hiện trạng hoặc giảm diện tích, tăng đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng. Diện tích, năng xuất, sản lượng sản xuất nguyên liệu trong nước ( theo chủng loại nguyên liệu ) :
| Năm 2005 | Năm 2010 |
1. Thuốc lá vàng sấy lò : |
|
|
- Diện tích (ha) | 23.600 | 34.350 |
- Năng suất (tấn/ha) | 1,81 | 1,98 |
- Sản lượng (tấn) | 42.810 | 67.950 |
- Tỷ lệ cấp 1 + 2 (%) | 40 | 50 |
2. Thuốc lá burley: |
|
|
- Diện tích (ha) | 850 | 1.300 |
- Năng suất (tấn/ha) | 1,84 | 2,01 |
- Sản lượng (tấn) | 1.565 | 2.610 |
- Tỷ lệ cấp 1 + 2 (%) | 50 | 55 |
3. Thuốc lá nâu: |
|
|
- Diện tích (ha) | 5.500 | 3.500 |
- Năng suất (tấn/ha) | 1,49 | 1,76 |
- Sản lượng (tấn) | 8.200 | 6.150 |
- Tỷ lệ cấp 1 + 2 (%) | 50 | 55 |
c) Quy hoạch chế biến nguyên liệu : Đầu tư dây chuyền chế biến nguyên liệu tách cọng, trương nở cọng.
- Năm 2005 tỷ lệ sử dụng nguyên liệu qua chế biến trong sản xuất thuốc lá điếu là 50%.
- Năm 2010 tỷ lệ sử dụng nguyên liệu qua chế biến trong sản xuất thuốc lá điếu là 80%.
d) Tổng mức đầu tư cho thực hiện quy hoạch :
Nhu cầu vốn đầu tư từ năm 2003 đến năm 2010 khoảng 1.176,96 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2006- 2010 là 891,296 tỷ đồng.
Điều 2. Một số chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch
1. Giải pháp thị trường
- Nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu trong nước. Từng bước giảm dần và tiến tới không nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu chất lượng trung bình mà trong nước đã sản xuất được, nâng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước, tiến tới xuất khẩu nguyên liệu thuốc lá.
- Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước xây dựng thương hiệu thuốc lá nguyên liệu Việt Nam.
- Giữ vững các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới và đa dạng hoá sản phẩm nguyên liệu thuốc lá.
2. Giải pháp về khoa học kỹ thuật
- Đổi mới công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ theo hướng đi tắt đón đầu, gắn chiến lược đổi mới công nghệ với chiến lược phát triển nguyên liệu thuốc lá, với đầu tư và tổ chức lại sản xuất.
- Nghiên cứu tuyển chọn các giống thuốc lá có tiềm năng về năng suất và chất lượng, phù hợp điều kiện nước ta; nghiên cứu tạo giống mới bằng lai hữu tính, giống ưu thế lai để cung cấp giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng trồng.
- Áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) dùng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm phân bón có nguồn gốc thực vật, vi sinh vật để sản xuất nguyên liệu an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái. Nghiên cứu ứng dụng cơ giới hoá các khâu làm đất, bón phân, thu hoạch...
- Hiện đại hoá khâu sấy, nghiên cứu các mô hình lò sấy thích hợp và nhập các dạng lò sấy tiên tiến từ nước ngoài để sấy thử nghiệm và ứng dụng cho từng vùng trồng thuốc lá. Sử dụng đa dạng nhiên liệu sấy thuốc lá như than, khí thiên nhiên, năng lượng mặt trời, trấu, vỏ cà phê ...
- Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000-2000 cho các đơn vị chế biến nguyên liệu, đầu tư thiết bị kiểm tra chất lượng nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cấp đồng bộ và tự động hoá dây chuyền chế biến nguyên liệu, nghiên cứu hương, gu thuốc lá và tiêu chuẩn nguyên liệu của các hãng thuốc lá nước ngoài.
- Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn phân cấp nguyên liệu phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
- Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho các Viện, Công ty nguyên liệu để có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm và nhân giống mới nhằm phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá chất lượng cao.
3. Giải pháp về nguồn nhân lực
Bố trí sắp xếp lại lao động sản xuất và đào tạo chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho công nhân theo từng dự án đầu tư.
Kết hợp với các trường kỹ thuật, đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, có đủ trình độ tiếp nhận công nghệ mới.
Thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại lực lượng công nhân trồng trọt, công nhân công nghệ có đủ trình độ thực hành và hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho nông dân, phát triển vùng trồng.
Đào tạo và đào tạo lại cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học, tinh giảm bộ máy gián tiếp.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Cử cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học đi tu nghiệp ở nước ngoài.
Có cơ chế khen thưởng, chính sách đãi ngộ phù hợp để động viên cán bộ công nhân viên phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, nghiên cứu khoa học và quản lý.
4. Giải pháp về đầu tư và thu mua nguyên liệu
Hình thức đầu tư trực tiếp vùng trồng nguyên liệu thuốc lá là phương thức đầu tư cơ bản. Xem xét một số mô hình đầu tư khác để rút kinh nghiệm như : kinh tế trang trại, liên kết sản xuất, mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Đầu tư có chọn lọc, có trọng điểm vùng nguyên liệu chất lượng cao. Đầu tư ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác sản xuất nguyên liệu.
Tạo môi trường đầu tư thích hợp, tăng cường hợp tác giữa các đơn vị sản xuất nguyên liệu với chính quyền địa phương và các hộ nông dân.
Đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư tăng năng lực chế biến nguyên liệu, đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng và xuất khẩu.
Trực tiếp đầu tư bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng kinh tế, nghiên cứu tổ chức mua bán nguyên liệu qua giao dịch, tiến tới tổ chức các sàn đấu giá theo mô hình các nước sản xuất thuốc lá tiên tiến đang áp dụng.
Nhà nước có chính sách ưu đãi cho việc đầu tư trồng cây thuốc lá tại các vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay thế cây thuốc phiện trước đây như : xây dựng hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, cho vay vốn lãi suất ưu đãi...
5. Giải pháp về hợp tác sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu
Tăng cường hợp tác giữa các đơn vị sản xuất nguyên liệu thuốc lá trong nước thông qua Hiệp hội Thuốc lá Việt
Phối hợp chặt chẽ giữa ngành thuốc lá với các địa phương có quy hoạch vùng trồng nguyên liệu thuốc lá.
Phát triển quan hệ liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp trong đầu tư trồng nguyên liệu, quản lý vùng trồng thuốc lá, giữa các doanh nghiệp nguyên liệu với cơ quan nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ.
Tăng cường hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ về sản xuất nguyên liệu với các nước sản xuất thuốc lá tiên tiến trên thế giới. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh công nghiệp, kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Bảo hộ vùng thuốc lá nguyên liệu trong nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với các quy định và các cam kết thương mại quốc tế.
6. Giải pháp về nguồn vốn
Dự kiến nguồn vốn đầu tư đến năm 2010 : 1.176.960 triệu đồng.
Từ Quỹ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu : 656.862 triệu đồng.
Ngân sách cấp cho nghiên cứu khoa học : 9.000 triệu đồng.
Vay tín dụng thương mại và từ nguồn khác : 511.098 triệu đồng.
Vốn Ngân sách tập trung cho nghiên cứu đầu tư giống có năng suất và chất lượng cao, cho công trình thủy lợi, giao thông nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa phục vụ cho vùng trồng cây thuốc lá.
Vốn từ Quỹ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá (được trích không quá 5% giá thành nguyên liệu) phục vụ cho trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá.
Tranh thủ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác thông qua các mô hình hợp tác xã, liên doanh, liên kết, phát hành cổ phiếu.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam triển khai thực hiện :
- Tổ chức triển khai chi tiết Quy hoạch theo vùng lãnh thổ;
- Tổ chức quản lý phát triển vùng trồng cây thuốc lá theo Quy hoạch;
- Phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động sản xuất nguyên liệu thuốc lá và việc triển khai Quy hoạch vùng trồng cây thuốc lá;
- Xây dựng lộ trình sắp xếp các Doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu thuốc lá và tổ chức thực hiện;
- Căn cứ vào mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu trong Quy hoạch vùng trồng cây thuốc lá, chỉ đạo thực hiện, tổ chức đánh giá định kỳ việc thực hiện quy hoạch và đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể của cả nước.
2. Các Bộ, ngành : Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển theo chức năng của mình, phối hợp với Bộ Công nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch đã được phê duyệt.
Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ, khai thác nguồn vốn đầu tư cho các Dự án phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá và chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu.
3. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá của địa phương thực hiện tốt việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo Quy hoạch. Chủ trì quy hoạch chi tiết và bố trí đất cho việc phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá chuyên canh, vùng nguyên liệu xuất khẩu và các cơ sở chế biến nguyên liệu. Thông qua hệ thống quỹ khuyến nông và các chính sách của địa phương, khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu: hỗ trợ đường giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng...
4. Giao cho Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và có trách nhiệm : Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, các địa phương triển khai Quy hoạch đã được phê duyệt. Chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc sử dụng nguyên liệu trong nước theo quy định và ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu thuốc lá với nông dân, thực hiện đúng Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Chính phủ.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng giám đốc và Giám đốc các doanh nghiệp ngành thuốc lá chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |