Chỉ thị số 16/2002/CT-TTg ngày 31/07/2002 Về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 16/2002/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 31-07-2002
- Ngày có hiệu lực: 15-08-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-12-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6712 ngày (18 năm 4 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-12-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2002/CT-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHẢO SÁT, THĂM DÒ, KHAI THÁC CÁT, SỎI VÀ NẠO VÉT KẾT HỢP TẬN THU CÁT, SỎI LÒNG SÔNG
Ngày 20 tháng 01 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/1999/CT-TTg nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông. Sau hơn 3 năm thực hiện, các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi cũng như hoạt động nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông trên phạm vi cả nước bước đầu đã đi dần vào nền nếp. Công tác quản lý của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông tuy đã giảm, nhưng những tác động xấu dẫn đến xói lở bờ, làm thay đổi hoặc cản trở dòng chảy do hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn còn diễn ra. Tại một số địa phương, tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông theo quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân các tỉnh) cần tăng cường hơn nữa việc tổ chức kiểm tra các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; kiên quyết đình chỉ các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi trái phép. Lực lượng cảnh sát kết hợp với thanh tra giao thông đường thủy và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện và chủ phương tiện khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật.
2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn hoá - Thông tin theo chức năng, quyền hạn của mình khoanh vùng, xác định ranh giới các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khảo sát, thăm dò và khai thác cát, sỏi lòng sông trong phạm vi quản lý hành chính của địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
3. Ngoài các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông phải thực hiện theo các quy định như sau:
a) Bộ Công nghiệp cấp giấy phép khảo sát, thăm dò và tổ chức thẩm định, phê duyệt trữ lượng, chất lượng cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản và Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi).
b) Uỷ ban nhân dân các tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông trên các diện tích đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt trữ lượng. Trước khi cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Khoa học, Công nghệ và Môi trường về các điều kiện, bảo vệ đê điều, cầu, cống, đảm bảo giao thông đường thuỷ, bảo vệ môi trường, môi sinh... theo các quy định của pháp luật.
c) Đối với các dòng sông nhánh, ngắn thuộc các tỉnh miền núi, trung du, trữ lượng cát, sỏi ít, không phù hợp để tiến hành thăm dò, Uỷ ban nhân dân các tỉnh cấp giấy phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng và chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn, không ảnh hưỏng đến đê điều, cầu, cống, giao thông đường thủy, môi trường, môi sinh ... Khối lượng cát, sỏi được phép khai thác của một giấy phép không vượt quá 50.000m3/năm, thời hạn của một giấy phép khai thác không vượt quá 12 tháng.
4. Bộ Giao thông vận tải lập và phê duyệt các kế hoạch nạo vét bến cảng, khơi thông luồng lạch, điều chỉnh dòng chảy và tổ chức thực hiện kế hoạch nạo vét hàng năm.
Trường hợp nạo vét nếu có kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông ở trong ranh giới một tỉnh phải đăng ký khối lượng tận thu cát, sỏi tại Sở Công nghiệp của tỉnh; nếu khu vực nạo vét thuộc ranh giới hai hay nhiều tỉnh thì phải đăng ký khối lượng tận thu cát, sỏi tại Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Công nghiệp) và tại các Sở Công nghiệp có liên quan.
5. Bộ Công nghiệp với chức năng quản lý nhà nước, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến trong nhân dân các quy định của pháp luật về hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác cát, sỏi và nạo vét kết hợp tận thu cát, sỏi lòng sông; đồng thời phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác cát, sỏi lòng sông.
6. Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 03/1999/CT-TTg ngày 20 tháng 01 năm 1999 và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc tổ chức thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì vướng mắc, các cơ quan kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký)
|