Quyết định số 44/2004/QĐ-UBND ngày 06/03/2004 Phê duyệt dự án cho vay vốn đi xuất khẩu lao động bằng nguồn vốn địa phương đối với lao động thuộc gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 44/2004/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 06-03-2004
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2004
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 06-02-2006
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 22-05-2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2333 ngày (6 năm 4 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 22-05-2010
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2004/QĐ-UB | Đà Lạt, ngày 06 tháng 03 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT DỰ ÁN CHO VAY VỐN ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG BẰNG NGUỒN VỐN ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG THUỘC GIA ĐÌNH NGHÈO, GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ, BỘ ĐỘI XUẤT NGŨ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Quyết định số 25/2002/QĐ-UB ngày 08/3/2002 của UBND tỉnh Lâm Đồng v/v phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2002 - 2005 của tỉnh Lâm Đồng;
- Theo đề nghị tại Tờ trình số 05/TT-LC ngày 12/11/2003 của Liên cơ quan: Lao động -Thương binh và xã hội - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Lâm Đồng và Dự án cho vay vốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) bằng nguồn vốn địa phương tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với lao động thuộc gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ của Sở Lao động - Thương binh và xã hội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Dự án cho vay vốn đi xuất khẩu lao động bằng nguồn vốn địa phương tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với lao động thuộc gia đình nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ gồm các nội dung sau:
1. Mục tiêu của dự án :
· Góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, hộ nghèo.
· Hình thành một số mô hình thôn, buôn thoát nghèo, giải quyết việc làm từ xuất khẩu lao động.
· Chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, có kĩ luật lao động và tác phong công nghiệp để thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, công nghiệp hóa, hiện đại hóa các vùng nông thôn hoặc cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
2. Đối tượng, điều kiện được vay vốn :
a. Đối tượng:
Là những lao động có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Lâm Đồng, có nhu cầu vay vốn đi XKLĐ, thuộc các đối tượng sau:
1. Con em gia đình chính sách,
2. Bộ đội xuất ngũ,
3. Đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên,
4. Người lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (tiêu chí hộ cận nghèo theo qui định của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam).
b. Điều kiện:
1) Gia đình và bản thân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đối với các hộ đang còn nợ ngân hàng thì gia đình và bản thân chịu khó làm ăn nhưng do nguyên nhân khách quan (thiên tai, giá nông sản giảm, bệnh tật,...) nên chưa trả được nợ ngân hàng đã vay trước đây hoặc tài sản không đủ điều kiện thế chấp để vay các nguồn vốn khác.
2) Người lao động có hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp được phép XKLĐ. Nếu chưa ký hợp đồng lao động, thì thay bằng giấy xác nhận của doanh nghiệp về việc đã tiếp nhận hồ sơ của người lao động để làm các thủ tục XKLĐ.
3) Được UBND xã, phường, thị trấn hoặc đoàn thể cấp huyện, hoặc Phòng Tổ chức LĐXH (đối với con em đối tượng chính sách) xác nhận đối tượng và tín chấp.
3. Nguồn vốn cho vay :
Nguồn vốn cho vay là toàn bộ vốn thu hồi được từ nguồn vốn ngân sách địa phương đang cho hộ nghèo vay hiện có ở Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Nếu thiếu, ngân sách tỉnh sẽ tạm ứng thêm cho Ngân sách Chính sách Xã hội để cho vay.
Riêng trong 2 năm 2004 - 2005, doanh số cho vay là 13,5 tỉ đồng (dự kiến có từ 800 - 900 người được vay nguồn vốn này).
4. Mức cho vay : Tối đa 18 triệu đồng/lao động.
5. Thời hạn cho vay : Tối đa là 24 tháng.
6. Lãi suất cho vay : 0,5%/tháng. Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất trong hạn.
7. Hồ sơ vay vốn, qui trình xét duyệt cho vay, các qui định thu nợ, thu lãi tiền vay, kiểm tra vốn vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro:
Thực hiện theo qui định của Ngân hàng Chính sách xã hội tại văn bản số 319/NHCS-KH ngày 02/5/2003 v/v hướng dẫn vay vốn đi XKLĐ. Việc xử lý các trường hợp bị rủi ro do UBND tỉnh quyết định.
8. Phân phối và sử dụng tiền lãi cho vay:
Phân phối số tiền lãi thực thu vào Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh được phân phối như sau :
- Trích 30% để lập quỹ dự phòng rủi ro,
- Trích 40% để bù đắp chi phí liên quan đến việc quản lý cho vay, thu hồi vốn của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh,
- Trích 30% cho Sở Lao động TBXH để chi cho công tác hướng dẫn, theo dõi, đánh giá kết quả cho vay từ địa bàn cấp cơ sở (xã, phường) đến cấp huyện, cấp tỉnh.
Điều 2: Phân công trách nhiệm thực hiện dự án.
1. Sở Lao động-Thương binh và xã hội :
- Chịu trách nhiệm thông báo chỉ tiêu vốn vay XKLĐ hàng năm từ nguồn vốn trên đây cho các huyện, thành phố, thị xã. Trong trường hợp nguồn vốn cho vay không đủ thì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh bổ sung vốn để tạm ứng cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội.
- Liên hệ với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín để giới thiệu qui định hỗ trợ vốn vay của tỉnh và mời đến tư vấn, tuyển dụng trực tiếp tại các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh.
- Chịu trách nhiệm lập báo cáo hàng năm cho tỉnh về kết quả thực hiện.
- Chịu trách nhiệm phối hợp với Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu đề xuất UBND tỉnh xử lý nợ rủi ro.
2. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội : chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và xã hội hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, quy trình xét duyệt cho vay, thu nợ, thu lãi tiền vay, kiểm tra vốn vay, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, xử lý nợ rủi ro.
3. UBND các huyện, thành phố, thị xã : chịu trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể lựa chọn một số thôn, xã nghèo để tập trung tuyên truyền, thực hiện cho vay vốn XKLĐ để xây dựng mô hình xóa đói giảm nghèo từ XKLĐ.
4. Các cơ quan có thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh: có trách nhiệm kiểm tra việc triển khai thực hiện qui định hỗ trợ vốn vay đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kịp thời đề xuất các bổ sung, sửa đổi để qui định sát với thực tế.
Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2004.
Điều 4 : Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở : Lao động - Thương binh và xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Chi nhánh Ngân chính sách xã hội tỉnh Lâm Đồng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |