cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 292/2004/QĐ-UB ngày 23/02/2004 Về Bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 292/2004/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
  • Ngày ban hành: 23-02-2004
  • Ngày có hiệu lực: 09-03-2004
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-06-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2658 ngày (7 năm 3 tháng 13 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-06-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-06-2011, Quyết định số 292/2004/QĐ-UB ngày 23/02/2004 Về Bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 09/06/2011 Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 292/2004/QĐ-UB

Long Xuyên, ngày 23 tháng 02 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc Hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 12 /11/1996; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được Quốc hội thông qua ngày16/12/2002;

Căn cứ Thông tư liên Bộ Giao thông Vận tải, Ban tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) số 93/TTLT ngày 29/3/1997 hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông Vận tải và Sở Giao thông Công chánh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành Bản quy định trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây có nội dung trái với Bản quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; Thủ trưởng các Sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3.
- TT.TU,TT. HĐND tỉnh
- Lưu

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 292/2004/QĐ.UB ngày 23/02/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ).

Để tiếp tục thực hiện cải cách hành chánh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới cơ chế phối hợp và phân định trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải ( sau đây viết tắt là GTVT ) giữa Giám đốc Sở Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ( sau đây gọi chung là UBND cấp huyện ) - Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang quy định:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy định này điều chỉnh mối quan hệ giữa Giám đốc Sở GTVT với Chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực GTVT. Phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực GTVT trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2: Sở GTVT An Giang là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

Giám đốc Sở GTVT chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về toàn bộ kết quả, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT, được quyền quyết định và giải quyết các vấn đề do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

Điều 3: Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan là cơ quan hành chánh Nhà nước ở địa phương, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT thuộc địa bàn huyện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân huyện về toàn bộ kết quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT thuộc địa bàn huyện, được quyền quyết định và giải quyết các vấn đề do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA SỞ GTVT VÀ UBND CẤP HUYỆN TRONG LĨNH VỰC GTVT .

Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở GTVT

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới GTVT hàng năm, 5 năm, 10 năm… trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án, các giải pháp và chính sách cụ thể để tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt.

2. Nghiên cứu soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải ở địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành. Phối hợp với các tổ chức có liên quan để giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về GTVT, về an toàn giao thông, bảo vệ các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

3. Cấp, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn… cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực GTVT theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện nhiệm vụ là chủ đầu tư xây dựng các công trình chuyên ngành giao thông vận tải của địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh và của Bộ GTVT.

5. Tổ chức quản lý công tác duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ và đảm bảo giao thông các tuyến giao thông thủy - bộ do tỉnh quản lý. Phối hợp, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật cho cấp huyện trong công tác xây dựng, duy tu bảo dưỡng và đảm bảo giao thông các tuyến đường do huyện quản lý.

6. Thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu, chỉ dẫn giao thông trên các tuyến giao thông của địa phương theo phân cấp.

7. Thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phân loại các tuyến đường giao thông, cấp phép sử dụng, khai thác hoặc đình chỉ khai thác sử dụng các công trình, các tuyến đường giao thông do địa phương trực tiếp quản lý.

8. Quản lý sắp xếp ổn định các tuyến vận tải hành khách và hàng hoá, chỉ đạo việc phối hợp giữa các lực lượng vận tải của địa phương để đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong phạm vi nội tỉnh và liên tỉnh.

9. Kiểm định kỹ thuật các phương tiện vận tải cơ giới đường bộ và đăng kiểm các phương tiện thi công công trình giao thông, tổ chức đăng ký quản lý hành chính các phương tiện vận tải thuỷ nội địa theo quy định của Bộ GTVT và hướng dẫn của các Cục quản lý chuyên ngành.

10. Xét duyệt thiết kế và thẩm định việc cải tạo, sữa chữa, phục hồi phương tiện vận tải theo quy định của Bộ GTVT.

11. Thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất , kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực GTVT ở địa phương theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

12. Nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sắp xếp, sáp nhập, thành lập các phòng ban chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở để đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của ngành.

13. Chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ GTVT cho các phòng, bộ phận chuyên môn GTVT thuộc cấp huyện.

14. Tổ chức thực hiện quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành GTVT. Thực hiện tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ. Hướng dẫn kiểm tra công tác đào tạo, sử dụng cán bộ công chức ngành GTVT ở địa phương theo quy định của pháp luật.

15. Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển GTVT của huyện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh trong từng giai đoạn.

2. Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến phát triển mạng lưới GTVT trên địa bàn huyện theo phân cấp. Trực tiếp quản lý hệ thống giao thông, các bến xe, bến tàu, bến đò theo phân cấp quản lý của tỉnh.

3. Tổ chức giáo dục, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về GTVT và các chủ trương chính sách của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn huyện.

4. Thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực GTVT trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Tổ chức và chỉ đạo toàn diện các hoạt động của các Phòng, bộ phận chuyên môn GTVT thuộc cấp huyện.

6. Phối hợp với Sở GTVT để chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Tổ thanh tra giao thông trên địa bàn huyện nhằm bảo vệ các công trình giao thông và đảm bảo trật tự an toàn GTVT trên địa bàn huyện.

Chương III

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁM ĐỐC SỞ GTVT VÀ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN.

Điều 6: Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở GTVT

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4.

2. Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp huyện để triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và công việc khác của ngành trên địa bàn huyện.

3. Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá thực trạng kết quả hoạt động của ngành GTVT. Tổng hợp, báo cáo, đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách, giải pháp với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được phân công tại bản quy định này.

4. Chỉ đạo hoạt động của các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Sở và chịu trách nhiệm về các hoạt động của các đơn vị này.

5. Là Phó Ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, thay mặt Trưởng ban điều hành hoạt động và giải quyết các công việc hàng ngày.

6. Tổ chức tiếp dân định kỳ và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân theo thẩm quyền. Trả lời chất vấn trước Hội đồng nhân dân tỉnh về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực GTVT ở địa phương.

Điều 7: Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5.

2. Kết hợp với Giám đốc Sở GTVT để triển khai tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển GTVT, chủ trương chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực GTVT.

3. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng và phát triển GTVT trên địa bàn.

4. Tổ chức tiếp dân theo định kỳ và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực GTVT theo thẩm quyền.

Chương IV

PHÂN ĐỊNH TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA GIÁM ĐỐC SỞ GTVT VÀ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN.

Điều 8: Đối với nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch

1. Giám đốc Sở GTVT kết hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND cấp huyện và chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn về phát triển mạng lưới GTVT trong phạm vi toàn tỉnh trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch chung của tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về phát triển mạng lưới GTVT trong địa bàn huyện.

Điều 9: Đối với công tác xây dựng, phát triển giao thông

1. Trách nhiệm của Giám đốc Sở GTVT:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc đầu tư mở rộng, nâng cấp mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh phù hợp với kế hoạch, quy hoạch phát triển giao thông trong từng giai đoạn.

b) Trực tiếp quản lý các tuyến đường tỉnh, chịu trách nhiệm bảo dưỡng, duy tu, sữa chữa, chống xuống cấp toàn bộ các công trình cầu, đường trên các tuyến đường tỉnh.

c) Hỗ trợ, hướng dẫn giúp UBND cấp huyện về chuyên môn kỹ thuật trong xây dựng, phát triển giao thông nông thôn.

2.Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện:

a) Có chính sách, biện pháp để huy động nguồn lực, nguồn vốn của nhân dân và các nguồn đầu tư khác để thực hiện quy hoạch, kế hoạch và các chủ trương mục tiêu của tỉnh về xây dựng, phát triển giao thông nông thôn, giao thông đô thị theo phân cấp quản lý. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, mục tiêu xây dựng, phát triển giao thông đô thị và giao thông nông thôn ở địa phương.

b) Trực tiếp quản lý hệ thống giao thông đô thị, giao thông nông thôn trên địa bàn huyện. Chịu trách nhiệm duy tu, sửa chữa, chống xuống cấp hệ thống cầu, đường trong phạm vi quản lý. Chịu trách nhiệm chính bảo vệ đối với các công trình giao thông đi qua địa bàn huyện.

Điều 10: Đối với công tác quản lý vận tải, bến bãi:

1. Trách nhiệm của Giám đốc Sở GTVT:

a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đề án, quy định để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, đảm bảo an toàn trật tự trong vận tải và các hoạt động kinh doanh vận tải theo quy định của Pháp luật. Có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư trong việc tổ chức đăng ký và cấp giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh vận tải.

b) Quản lý công bố, phân công hoạt động các luồng tuyến vận tải hành khách công cộng nội tỉnh và liên tỉnh theo phân cấp của Bộ GTVT. Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động, điều hành các bến xe – tàu và việc khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải hành khách công cộng nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.

c) Trực tiếp quản lý Bến xe khách Long Xuyên ở TP.Long Xuyên và Bến xe khách Châu Đốc ở Thị xã Châu Đốc, chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động, khai thác sử dụng ở 02 bến xe này.

d) Hướng dẫn, kiểm tra các huyện, các đơn vị, tổ chức có sử dụng khai thác bến bãi ( bến cảng, bến phà, bến đò nội địa, bến xe…) về việc thực hiện các quy định quản lý chuyên ngành và sự phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

đ) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quy định quản lý sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh – 3 bánh và các loại xe tương tự hoạt động trong vận chuyển hành khách, hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Trực tiếp quản lý các bến xe, bến tàu, bến đò… trên địa bàn huyện ( trừ các đơn vị do tỉnh quản lý).

b) Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển bến bãi của tỉnh và của huyện, quyết định đầu tư, khai thác sử dụng hoặc phân cấp cho xã khai thác sử dụng các bến xe, bến tàu, bến đò trong phạm vi huyện quản lý.

c) Quyết định thành lập các Hợp tác xã vận tải, thực hiện quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải trong địa bàn quy định của Pháp luật.

d) Kết hợp chặt chẽ với Giám đốc Sở GTVT để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn GTVT và trật tự an toàn ở các bến bãi trên địa bàn huyện.

đ) Trao đổi, thống nhất với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải về việc phân luồng, tuyến giao thông; cách bố trí các phương tiện hoạt động tại các bến trên địa bàn huyện.

Điều 11: Công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lụt bão và các sự cố phát sinh

1. Trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:

a) Chủ động xây dựng và thực hiện phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo giao thông trong phạm vi toàn tỉnh. Quyết định hạn chế lưu thông vận tải hoặc cấm lưu thông trên các tuyến đường tỉnh khi xét thấy việc lưu thông vận tải không đảm bảo an toàn và gây phương hại tới các công trình giao thông.

b) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo giao thông thông suốt. Trường hợp khi có sự cố vượt ngoài khả năng giải quyết thì phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý.

c) Tổ chức thực hiện việc khắc phục hậu quả lụt bão và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh trên các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý.

d) Hỗ trợ kinh phí, phương tiện cho Ủy ban nhân dân huyện khắc phục hậu quả lũ lụt, các công trình giao thông nông thôn khi có sự cố nghiêm trọng, khối lượng khắc phục lớn mà điều kiện kinh phí, phương tiện vượt quá khả năng của Ủy ban nhân dân huyện.

2. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chủ động xây dựng và thực hiện phương án phòng chống lụt bão, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đảm bảo giao thông thông suốt đối với các tuyến giao thông do huyện quản lý.

b) Tổ chức thực hiện việc khắc phục hậu quả lụt bão và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh trên các tuyến đường giao thông do huyện quản lý. Trường hợp khi có sự cố vượt ngoài khả năng giải quyết thì phải kịp thời báo với Giám đốc Sở GTVT và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để có biện pháp xử lý.

Điều 12: Công tác tổ chức cán bộ

1. Giám đốc Sở GTVT có trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ phụ trách GTVT ở cấp huyện, cấp xã. Phối hợp với Chủ tịch UBND huyện trong việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, cấp xã.

2. Giám đốc Sở bổ nhiệm các Tổ trưởng tổ Thanh tra giao thông trên địa bàn huyện theo đề nghị của Trưởng ban Thanh tra Giao thông và sau khi có ý kiến thống nhất của Chủ tịch UBND huyện. Các thanh tra viên của tổ do Trưởng ban Thanh tra Giao thông sắp xếp bố trí sau khi có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND cấp huyện.

3. Căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh cán bộ, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định bổ nhiệm cán bộ phụ trách GTVT cấp huyện. Trực tiếp sắp xếp, bố trí hoặc phân cấp cho cấp xã bố trí chức danh cán bộ giao thông xã.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có ý kiến với Giám đốc Sở GTVT và Trưởng ban Thanh tra Giao thông trong việc bổ nhiệm, sắp xếp các thành viên của Tổ Thanh tra Giao thông trên địa bàn huyện.

Điều 13: Quan hệ công tác

1. Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm việc với nhau để giải quyết những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực GTVT trên địa bàn huyện.

Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND cấp huyện có thể phân công cho cấp phó làm việc và quyết định giải quyết công việc nhưng Giám đốc Sở GTVT và Chủ tịch UBND cấp huyện là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

2. Khi Chủ tịch UBND cấp huyện có văn bản đề nghị trao đổi giải quyết công việc có liên quan đến lĩnh vực GTVT, thì Giám đốc Sở GTVT có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết và phải có văn bản trả lời cho Chủ tịch UBND cấp huyện chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Trong trường hợp đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện có liên quan đến nhiều ngành mà phạm vi chủ yếu của ngành GTVT thì Giám đốc Sở GTVT phải chủ động bàn bạc thống nhất với các Sở, Ban, Ngành có liên quan để có văn bản trả lời chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Sau các thời hạn trên mà Giám đốc Sở Giao thông Vận tải không trả lời đề nghị, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết.

3. Giám đốc Sở GTVT có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND cấp huyện về đầu tư, định hướng đầu tư các Chương trình mục tiêu thuộc lĩnh vực GTVT trên địa bàn huyện.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14: Giám đốc Sở GTVT chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện bản quy định này đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc Sở.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức triển khai và thực hiện bản quy định này đến các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã.

Điều 15: Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện quy định này và kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy trình cải cách hành chính.