cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 03/2002/CT-UB ngày 15/03/2002 Về chấn chỉnh công tác liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng do tỉnh Bình Dương ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2002/CT-UB
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Ngày ban hành: 15-03-2002
  • Ngày có hiệu lực: 15-03-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-09-2014
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 4558 ngày (12 năm 5 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-09-2014
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-09-2014, Chỉ thị số 03/2002/CT-UB ngày 15/03/2002 Về chấn chỉnh công tác liên quan đến quản lý đầu tư và xây dựng do tỉnh Bình Dương ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 06/09/2014 Bãi bỏ văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 1997 đến năm 2013 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2002/CT.UB

Bình Dương, ngày 15 tháng 03 năm 2002

 

CHỈ THỊ

V/V CHẤN CHỈNH MỘT SỐ CÔNG TÁC LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

Trong năm 2001 nhìn chung đã đạt khối lượng đầu tư xây dựng rất lớn, tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt 158,6% KH năm, nhiều công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề tồn tại hạn chế cần phải được chấn chỉnh lại.

Để công tác quản lý đầu tư xây dựng được chặt chẽ. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan quản lý đầu tư và xây dựng; các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn xây dựng, các Ban quản lý dự án phải thực hiện nghiêm túc một số nội dung sau :

I. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC KHẢO SÁT, LẬP DỰ ÁN, THIẾT KẾ ĐỂ HẠN CHẾ PHÁT SINH :

1- Các đơn vị tư vấn xây dựng phải nâng cao trách nhiệm trong việc khảo sát lập dự án, thiết kế tổng dự toán, nâng cao chất lượng hồ sơ dự án, thiết kế tổng dự toán đúng theo qui định, chịu trách nhiệm về toàn bộ các kết quả khảo sát lập hồ sơ tư vấn; thực hiện nhiệm vụ tư vấn đúng thời hạn theo hợp đồng.

2- Khi thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần phải thẩm định thật kỹ nội dung qui mô từng hạng mục, tính toán đủ các công tác và các chi phí khác cần phải đầu tư xây dựng để đảm bảo thực hiện được mục tiêu của dự án và xác định tổng mức vốn đầu tư hợp lý để làm mức giá trần cho công tác chuẩn bị và thực hiện dự án.

3- Khi thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán, các sở quản lý chuyên ngành phải tổ chức thẩm định thật kỹ theo các nội dung tại điều 10 của quyết định số 17/2000/QĐ.BXD ngày 2/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành qui định quản lý chất lượng công trình xây dựng, phải thống nhất với chủ đầu tư về các loại vật liệu xây dựng được sử dụng cho công trình bằng văn bản và không được vượt quá qui mô của dự án được duyệt. Đối với những đơn vị thiết kế có những thiếu sót mang tính hệ thống mà đã nhắc nhở nhiều lần nhưng không sửa chữa, có nhiều biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm thì báo cáo và đề xuất UBND tỉnh có biện pháp xử lý.

4- Đối với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, trong quá trình quản lý giám sát thi công phải tuyệt đối tuân thủ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế kỹ thuật thi công được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu đơn vị thi công hoặc chủ đầu tư phát hiện các vấn đề cần phải xử lý khác với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt để đảm bảo độ an toàn, vẻ mỹ quan cho công trình thì phải báo cáo với chủ đầu tư mời đơn vị thiết kế cùng thống nhất báo cho giám đốc sở quản lý xây dựng chuyên ngành xem xét và báo cáo kiến nghị UBND tỉnh cho ý kiến xử lý bằng văn bản.

Trong báo cáo của Giám đốc sở quản lý xây dựng chuyên ngành kiến nghị UBND tỉnh cho ý kiến xử lý cần phải xác định rõ nguyên nhân dẫn đến phát sinh, bổ sung khối lượng hoặc phải thay đổi thiết kế, phân tích rõ tính hợp lý và ước tính giá trị tăng thêm, đề xuất nguồn kinh phí phải thanh toán để UBND tỉnh quyết định xử lý.

5- Tất cả các khối lượng phát sinh, bổ sung, thay đổi thiết kế phải được cấp có thẩm quyền tại điểm 4 của mục này có ý kiến bằng văn bản mới được thực hiện. Tuyệt đối nghiêm cấm làm trước báo cáo sau.

Cá nhân nào không đủ thẩm quyền mà tự tiện cho phép, yêu cầu đơn vị thi công làm thêm khối lượng, thay đổi thiết kế kỹ thuật, vật liệu xây dựng thì cá nhân đó sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vấn đề có liên quan và chịu trách nhiệm cá nhân thanh toán khối lượng đã tự ý cho phép, yêu cầu làm thêm.

6- UBND tỉnh sẽ không xem xét và xử lý các trường hợp phát sinh, bổ sung khối lượng, thay đổi thiết kế ... khi chưa có báo cáo đầy đủ của chủ đầu tư, sở quản lý xây dựng chuyên ngành về nguyên nhân có phát sinh, bổ sung khối lượng, thay đổi thiết kế

7- Các cơ quan cấp phát thanh quyết toán vốn đầu tư và xây dựng không được cấp phát thanh quyết toán vốn cho các khối lượng phát sinh, bổ sung, thay đổi thiết kế mà không có ý kiến chấp thuận và dự toán khối lượng phát sinh, bổ sung được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

8- Từ nay trở đi khi sắp hết hạn bảo hành công trình chủ đầu tư phải báo cáo UBND tỉnh để cho tổ chức phúc tra trước khi giải ngân chi phí bảo hành công trình. Kho bạc Nhà nước chỉ được giải ngân chi phí bảo hành công trình khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH :

1- Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng công trình do mình quản lý; các đơn vị tư vấn thiết kế; tư vấn giám sát thi công, đơn vị thi công và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng công trình có liên quan đến mình.

Tất cả các chủ đầu tư, các Ban quản lý, các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công và sở quản lý xây dựng chuyên ngành phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các qui định quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành theo Quyết định số 17/200/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng. Các cơ quan đơn vị được giao có thể từ chối làm nhiệm vụ chủ đầu tư nếu tự xét thấy mình không có đủ năng lực.

2- Yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở quản lý xây dựng chuyên ngành thường xuyên phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra qui trình giám sát kỹ thuật qui trình nghiệm thu công trình đối với các chủ đầu tư. Các đơn vị sẽ được nhận, quản lý sử dụng công trình phải được chủ đầu tư mời tham gia góp ý kiến, được giám sát thực hiện các dự án ngay từ khi có chủ trương đầu tư.

3- Các chủ đầu tư được quyền thuê các đơn vị tư vấn giám sát ( có chứng chỉ hành nghề hợp pháp ) nhưng phải có hợp đồng qui định rõ trách nhiệm; phải có chế độ giao ban báo cáo trong quá trình thi công, quá trình tổ chức nghiệm thu để chủ đầu tư quyết định xử lý các phần việc theo thẩm quyền. Chủ đầu tư không được khoán trắng cho các Ban A; các đơn vị giám sát; đơn vị thi công đối với các công trình do mình làm chủ đầu tư. Giao sở quản lý xây dựng chuyên ngành kiểm tra lại năng lực giám sát của các chủ đầu tư, Ban A để đề xuất hướng sắp xếp, tăng cường.

4- Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, nắm bắt rõ để quản lý dự án ngay từ khâu khảo sát lập dự án, thiết kế kỹ thuật đến quá trình thi công, nghiệm thu ... nhằm đảm bảo công trình có chất lượng cao.

III- ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐẤU THẦU :

1- Từ nay trở đi, các chủ đầu tư phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi; chào hàng cạnh tranh công khai đối với tất cả các gói thầu ( không phân biệt nguồn vốn ngân sách tỉnh hay ngân sách ủy quyền phân cấp cho UBND các huyện, thị xã quyết định )

Chỉ áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế đối với các gói thầu đáp ứng điều kiện cho phép đấu thầu hạn chế theo qui định của điều 4 – khoản 2 của Nghị định số 88/1999/NĐ.CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về việc ban hành qui chế đấu thầu; cụ thể là :

+ Chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.

+ Các nguồn vốn sử dụng yêu cầu phải tiến hành đấu thầu hạn chế.

+ Do tình hình cụ thể của gói thầu mà việc đấu thầu hạn chế có lợi thế.

Việc đấu thầu hạn chế chỉ do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo các điều kiện trên ( không phân biệt gói thầu đó có nguồn vốn ngân sách tỉnh hay ngân sách ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã quyết định ).

2- Trong quá trình lập và thẩm định kế hoạch đấu thầu, chủ đầu tư không được chia nhỏ các gói thầu dưới 1 tỷ đồng để chỉ định thầu; nếu trong 01 dự án có nhiều hạng mục thuộc các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau thì được chia ra các gói thầu theo từng chuyên ngành để tổ chức đấu thầu.

3- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng HĐND-UBND tỉnh theo chức năng của mình tăng cường công tác giám sát, thẩm định, kiểm tra qui trình đấu thầu trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt trong quá trình tổ chức đấu thầu theo thẩm quyền.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

UBND tỉnh yêu cầu Ban chỉ đạo điều hành công tác quản lý đầu tư và xây dựng, các cơ quan quản lý đầu tư và xây dựng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án thực hiện đúng trình tự điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận :
- TT.HĐND, TTTU
- CT, các PCT
- Các sở ban ngành
- UBND các huyện, thị
- Các BQLDA các ngành
và huyện, thị xã
- LĐVP, CV các khối
- Lưu VP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Minh Phương