Chỉ thị số 03/2002/CT-UB ngày 07/01/2002 Tăng cường công tác quản lý tần số và máy phát vô tuyến điện do tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 03/2002/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 07-01-2002
- Ngày có hiệu lực: 07-01-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 23-11-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2877 ngày (7 năm 10 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 23-11-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2002/CT-UB | ĐàLạt, ngày 7 tháng 1 năm 2002 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ MÁY PHÁT VÔ TUYẾN ĐIỆN.
Thực hiện Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12/11/1997 về Bưu chính và Viễn thông, Nghị định số 79/CP ngày 19/6/1997 về qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện của Chính phủ, thời gian qua các cơ quan, đơn vị hữu quan đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm đưa công tác quản lý máy phát và tần số vô tuyến điện vào nề nếp, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc phòng. Nhưng đến nay việc kinh doanh, sử dụng các thiết bị phát vô tuyến điện, đặc biệt là chủng loại điện thoại không dây kéo dài thuê bao (điện thoại kéo dài) nhập lậu còn nhiều biểu hiện tuỳ tiện, không chấp hành đúng qui định của Nhà nước về sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện. Công tác phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc tuyên tuyền phổ biến, hướng dẫn người sử dụng chấp hành đúng qui định của Nhà nước cũng như việc kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc sử dụng kém hiệu quả, lãng phí phổ tần số và chi phí đầu tư mua sắm thiết bị. Nguy cơ can nhiễu gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh, ảnh hưởng tới an toàn thông tin, an ninh quốc phòng là không lường trước được.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tần số và máy phát vô tuyến điện, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Nghiêm cấm việc dự trữ, kinh doanh và sử dụng các thiết bị điện thoại không dây kéo dài thuê bao (sau đây gọi là Điện thoại kéo dài) không thuộc Danh mục thiết bị đã được chứng nhận hợp chuẩn của ngành Bưu điện, hoặc không áp dụng đầy đủ các qui định về ghi nhãn hàng hoá, đặc biệt là các loại có tần số sử dụng thuộc băng tần (108 - 137) MHz vì băng tần này được giành cho nghiệp vụ lưu động hàng không theo Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 16/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ.
2. Chỉ được sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài có tần số thuộc các băng tần sau: (43 - 44)MHz; (46 - 50)MHz; (72 - 73,5)MHz; (261,5 - 262,5)MHz; (263,5 - 264,5)MHz; (387,5 - 388,5)MHz; (389,5 - 390,5)MHz.
Đối với các thiết bị điện thoại kéo dài có công suất máy phát từ 1W trở lên, khi sử dụng phải có “Giấy phép sử dụng tần số và máy phát vô tuyến điện” do Tổng cục Bưu điện cấp. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang sử dụng các thiết bị điện thoại kéo dài có công suất máy phát từ 1W trở lên phải đến đăng ký tại Trung tâm Kiểm soát Tần số Khu vực VII hoặc Đại diện Cục bưu điện Khu vực 2 tại Lâm Đồng để được kiểm định và lập thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng.
3. Sở Thương mại, Công an tỉnh, Bưu điện tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát tần số Khu vực VII và Đại diện Cục bưu điện Khu vực 2 tại Lâm Đồng để duy trì thường xuyên công tác kiểm tra phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh các vi phạm về dự trữ, kinh doanh, sử dụng trái phép các thiết bị phát, thu - phát vô tuyến điện theo Nghị định số 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.
4. Công an tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực VII và Đại diện Cục bưu điện Khu vực 2 tại Lâm Đồng kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
5. Sở Thương mại phối hợp với Trung tâm Kiểm soát tần số khu vực VII, Đại diện Cục bưu điện Khu vực 2 tại Lâm Đồng và Công an tỉnh kiểm tra các vi phạm trong việc dự trữ, kinh doanh, lưu hành các thiết bị điện thoại kéo dài nhập lậu. Kiên quyết tịch thu các thiết bị điện thoại kéo dài vi phạm về băng tần sử dụng và đề xuất biện pháp xử lý lên UBND tỉnh.
6. Bưu điện tỉnh tăng cường kiểm tra đối với các trường hợp người sử dụng tự ý đấu nối điện thoại kéo dài (loại phải đăng ký cấp phép) vào thiết bị đầu cuối thuê bao, phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể có kế hoạch thực hiện nghiêm chỉ thị này và triển khai đến toàn bộ cán bộ, nhân dân thuộc đơn vị, địa phương mình quản lý.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân trong tỉnh biết, thực hiện-/.
| TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |