Chỉ thị số 15/2001/CT.UB ngày 07/06/2001 Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002 do tỉnh An Giang ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 15/2001/CT.UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 07-06-2001
- Ngày có hiệu lực: 07-06-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4695 ngày (12 năm 10 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:15/2001/CT.UB | Long Xuyên, ngày 07 tháng 6 năm 2001 |
CHỈ THỊ
V/V XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2002
Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm tiếp tục phát triển và đạt thắng lợi trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại do giá cả các mặt hàng nông thủy sản sụt giảm ảnh hưởng đến giá trị tăng thêm của khu vực nông nghiệp; thu nhập và tiêu dùng xã hội kém tác động đến sự tăng trưởng của khu vực thương mại dịch vụ ở mức trung bình. Khu vực công nghiệp tăng trưởng khá nhờ các nhà máy đã đầu tư trước đây nay đưa vào sản xuất. Nhìn chung cơ cấu kinh tế của tỉnh có bước chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, song tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm.
Nhiệm vụ của những tháng cuối năm còn rất nặng nề, các ngành các cấp cần khẩn trương xây dựng kế hoạch và tiến độ thực hiện các chương trình trọng điểm của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu, nhất là trong nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh tiến độ đầu tư thì mới có khả năng đạt một số chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra cho năm 2001. Đồng thời, căn cứ vào tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Tỉnh Đảng Bộ An Giang, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005; xây dựng kế hoạch năm 2002 theo nội dung và tiến độ sau đây:
I. Nhiệm vụ chủ yếu kế hoạch phát triển KT-XH năm 2002.
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển kinh tế với tốc độ nhanh - bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, trên cơ sở phát huy nội lực và khai thác chiều sâu các tiềm năng lợi thế: lúa gạo, thủy sản, vật liệu xây dựng, thương mại, du lịch và kinh tế biên giới, thu hút các nguồn vốn tham gia đầu tư nhằm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng tỷ trọng khu vực II và III.
- Coi trọng công tác nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm và có chính sách tổ chức tốt thị trường trong và ngoài nước. Đây là khâu đột phá và quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- áp dụng đồng bộ những giải pháp khoa học hữu hiệu nhằm thực hiện phương châm "thoát lũ, vượt lũ, chống lũ và né lũ", khai thác triệt để các lợi thế của lũ và hạn chế đến mức thấp nhất những tác hại của nó để ổn định và phát triển.
- Tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, tăng nhanh hàm lượng “chất xám” kết tinh trong sản phẩm; đồng thời tổ chức sản xuất tốt nhằm giảm được chi phí đến mức thấp nhất để phấn đấu hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả.
- Thực hiện chiến lược phát triển con người một cách toàn diện. Đào tạo nguồn nhân lực, lao động có trình độ kỹ thuật và tay nghề, cán bộ quản lý giỏi.
- Phát triển kinh tế gắn với phát triển xã hội; giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở phúc lợi công cộng; chú trọng đầu tư phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc, biên giới.
- Giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự xã hội: củng cố an ninh quốc phòng gắn phát triển kinh tế biên giới với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
2. Mục tiêu phát triển:
Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2000 và ước thực hiện năm 2001, và dựa vào mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 5 năm 2001-2005 để đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2002 là:
- Thực hiện định hướng xuất khẩu của tỉnh; xây dựng chiến lược sản phẩm, tập trung những mặt hàng có lợi thế, đặc sản địa phương nhằm khai thác tốt thị trường nội địa và nước ngoài.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia, chương trình kinh tế của tỉnh đồng bộ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, khai thác lợi thế kinh tế biên giới và khu vực. Đầu tư phát triển theo vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
- Gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống con người: tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe và nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc ở địa phương.
II. Phân công thực hiện và tiến độ xây dựng.
1. Phân công thực hiện:
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn nội dung để Sở ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố lập và tổng hợp kế hoạch kinh tế - xã hội. Chủ trì phối hợp cùng Sở Tài chính - Vật giá dự kiến kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư xây dựng.
- Sở Tài Chính - Vật Giá hướng dẫn nội dung và tổng hợp kế hoạch phát triển lập dự toán thu chi ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố.
- Cục Thống kê cung cấp tình hình và số liệu thực hiện năm 2000, ước thực hiện kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2001 để Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2002.
- Trên cơ sở nội dung hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá, các Sở ban ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển, dự toán ngân sách và đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện.
- Các doanh nghiệp Nhà nước đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị năm 2001, phân tích những thuận lợi khó khăn, nhận định diễn biến thị trường, về khả năng cạnh tranh để xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2002.
2. Tiến độ xây dựng:
- Giai đoạn 1: Các Sở, ban ngành, doanh nghiệp Nhà nước khẩn trương lập kế hoạch 2002 gởi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá chậm nhất đến ngày 10/8/2001 để tổng hợp. Trong thời gian này Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá tổ chức làm việc trực tiếp với các Sở, ban ngành và các doanh nghiệp Nhà nước để trao đổi thống nhất định hướng mục tiêu phát triển và những chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh.
Từ 10-15/8/2000, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá trình UBND tỉnh về dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo dự toán ngân sách năm 2002 của tỉnh; sau đó 2 ngành hoàn chỉnh gởi báo cáo cho TW trước ngày 30/8/2001.
Giai đoạn 2: Các Sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch năm 2002 của ngành và đơn vị mình, để thông qua UBND tỉnh vào tháng 9/2001.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |