cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 12/2001/CT-TTg ngày 23/05/2001 Về xử lý kết quả tổng kiểm kê tài sản và xác định lại giá trị tài sản doanh nghiệp nhà nước taị thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2000 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 12/2001/CT-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 23-05-2001
  • Ngày có hiệu lực: 07-06-2001
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XỬ LÝ KẾT QUẢ TỔNG KIỂM KÊ TÀI SẢN VÀ XÁC ĐỊNH LẠI GIÁ TRỊ TÀI SẢN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TẠI THỜI ĐIỂM 0 GIỜ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 2000

Qua kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước vào thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đã xác định được các số liệu cơ bản về tình hình sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá được kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước ở từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc. Về cơ bản doanh nghiệp nhà nước đã bảo toàn và phát triển được vốn, sử dụng tài sản và sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, quy mô của doanh nghiệp đã có bước phát triển.

Tuy nhiên, qua kết quả kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản lần này cho thấy quy mô doanh nghiệp nhà nước nhìn chung còn nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm, số lượng doanh nghiệp nhà nước có mức vốn thấp, kinh doanh kém hiệu quả vẫn còn nhiều, trình độ công nghệ lạc hậu đang là cản trở lớn đối với khả năng cạnh tranh và quá trình hội nhập. Nợ khó đòi, vật tư, hàng hoá ứ đọng không cần dùng, kém, mất phẩm chất chờ xử lý còn lớn. Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp chưa tương xứng với điều kiện và lợi thế có được. Những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài, mất hết vốn không còn khả năng duy trì vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và thực hiện triệt để Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX phấn đấu trong 5 năm tới, cơ bản hoàn thành việc củng cố, sắp xếp, điều chỉnh cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương triển khai thực hiện những công việc sau đây:

1. Các khoản chênh lệch thừa, thiếu tài sản và giá trị tài sản sau khi kiểm kê, doanh nghiệp phải phân tích làm rõ nguyên nhân để xử lý theo các quy định hiện hành, trên cơ sở đó chấn chỉnh công tác hạch toán của doanh nghiệp, đồng thời thực hiện điều chỉnh sổ kế toán cho phù hợp.

2. Các khoản chênh lệch tăng, giảm do đánh giá lại giá trị tài sản (kể cả tài sản cố định, tài sản lưu động kém, mất phẩm chất) của doanh nghiệp sau khi đã được các cơ quan chức năng thẩm định, cho phép điều chỉnh tăng, giảm vốn tương ứng theo số đánh giá lại. Bộ Tài chính chủ trì cùng với các cơ quan có liên quan thẩm định số liệu của các Tổng công ty 91 và các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ, ngành. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thẩm định số liệu của các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định lại giá trị tài sản của những doanh nghiệp được đầu tư bằng vốn vay, từ nguồn ODA nhưng được tiếp nhận bằng tài sản, máy móc thiết bị của nước ngoài với giá cao, có chênh lệch lớn so với mặt bằng giá hiện nay để xử lý theo đúng quy định; trường hợp vượt thẩm quyền Bộ Tài chính báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý cụ thể.

3. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, các doanh nghiệp phải tìm biện pháp tích cực để có thể đưa vào sử dụng hoặc bán số tài sản, vật tư hiện đang ứ đọng, chậm luân chuyển. Đối với những tài sản, vật tư kém, mất phẩm chất, kỹ thuật lạc hậu tồn đọng nhiều năm, nhưng không thể sử dụng được nữa thì doanh nghiệp thực hiện thanh lý, nhưng phải thực hiện đúng các nguyên tắc quản lý tài chính, bảo vệ môi trường, không để thất thoát. Các khoản chênh lệch do thanh lý tài sản hạch toán vào thu nhập doanh nghiệp theo chế độ hiện hành. Trường hợp doanh nghiệp thanh lý tài sản mà bị lỗ, không có khả năng tự bù đắp thì Bộ Tài chính xem xét để hạch toán giảm vốn. Bộ Tài chính hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện thanh lý tài sản, vật tư của doanh nghiệp bảo đảm vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa quản lý được, tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

4. Các khoản công nợ tồn đọng, nợ khó đòi :

ưa) Đối với các khoản nợ phải thu nhưng không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp nhà nước phải lập hồ sơ, xác định số liệu và nguyên nhân tồn đọng để xử lý hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo nguyên tắc sau :

+ Những khoản nợ tồn đọng khó đòi là do lỗi của cá nhân, tổ chức thì xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Những khoản nợ, tồn đọng khó đòi không thuộc lỗi của cá nhân, tổ chức thì trước hết doanh nghiệp phải tự bù đắp bằng nguồn quỹ dự phòng của các khoản phải thu khó đòi; trường hợp nguồn của quỹ này không đủ để bù đắp thì phần còn thiếu được hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp bị lỗ mà không có khả năng tự bù đắp thì tuỳ theo tính chất và mức độ của từng trường hợp cụ thể để xem xét, xử lý về tài chính cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn việc hạch toán và xử lý tài chính cho doanh nghiệp theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

b) Đối với các khoản nợ phải trả ngân sách nhưng doanh nghiệp đã chiếm dụng để đầu tư, đến nay vẫn không có khả năng thanh toán, qua kiểm kê đã xác định được doanh nghiệp thực có công trình cụ thể, giao Bộ Tài chính xem xét từng trường hợp để xử lý và tăng vốn cho doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc sai phạm này.

c) Đối với các khoản nợ tồn đọng của các Ngân hàng thương mại, thực hiện theo Quyết định của Chính phủ về đề án xử lý nợ tồn đọng của các Ngân hàng.

d) Bộ Tài chính chủ trì cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn việc xử lý nợ tồn đọng và cơ cấu lại nợ đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy tiến trình sắp xếp doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ của mình. Giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Công ty mua bán nợ và tài sản, vật tư thanh lý của doanh nghiệp, trình Chính phủ trong quý IV năm 2001.

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động vốn cho doanh nghiệp theo hướng tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tự bổ sung vốn từ các nguồn hợp pháp để đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, đặc biệt là những ngành công nghiệp chế biến, sử dụng nhiều lao động và sản xuất hàng xuất khẩu.

6. Các Bộ, ngành tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước chủ động đào tạo cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo bảo đảm nâng cao năng lực, trình độ quản lý đáp ứng yêu cầu phát huy tính năng động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

7. Trên cơ sở kết quả tổng kiểm kê tài sản và xác định lại giá trị tài sản doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 01 năm 2000. Bộ Tài chính tổ chức công bố kết quả kiểm kê và lưu trữ số liệu kiểm kê để khai thác phục vụ cho công tác nghiên cứu và quản lý doanh nghiệp của nhà nước; Bộ Tài chính chủ trì cùng với Tổng cục Thống kê phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và ban hành hệ thống báo cáo kiểm kê, chương trình phần mềm ứng dụng tin học để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cập nhật thông tin và báo cáo kết quả kiểm kê thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 01 hàng năm trong các năm tiếp theo.

8. Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nội dung của Chỉ thị này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)