cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 09/2001/CT.UBT ngày 12/04/2001 Triển khai tổ chức thực hiện Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực do tỉnh Vĩnh Long ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2001/CT.UBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
  • Ngày ban hành: 12-04-2001
  • Ngày có hiệu lực: 12-04-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-05-2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3309 ngày (9 năm 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 04-05-2010
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 04-05-2010, Chỉ thị số 09/2001/CT.UBT ngày 12/04/2001 Triển khai tổ chức thực hiện Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực do tỉnh Vĩnh Long ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 926/QĐ-UBND ngày 04/05/2010 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành từ năm 1976 đến ngày 30/6/2007 đã hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 09/2001/CT.UBT

Thị xã Vĩnh Long, ngày 12 tháng 4 năm 2001

 

CHỈ THỊ

V/V TRIỂN KHAI, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 75/2000/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC

Qua 5 năm thực hiện nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính Phủ về tổ chức và hoạt động của Công chứng Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định, các cơ quan được giao thực hiện việc công chứng , chứng thực đã thực hiện trên dưới 300 ngàn vụ việc công chứng, chứng thực các loại. Đã giải quyết được nhu cầu của các cá nhân và tổ chức trong thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý trong các giao dịch dân sự, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực hiện việc công chứng, chứng thực theo quy định của nhà nước có nhiều nơi nhiều lúc chưa bảo đảm đúng các quy định của nhà nước, một số cơ quan, đơn vị chưa nhận thức và hiểu đúng đắn quy định của nhà nước về công chứng, chứng thực còn tùy tiện đặt ra các yêu cầu công chứng, chứng thực khi tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu giao dịch của công dân đồng thời cũng còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc đáp ứng các nhu cầu của công dân và tổ chức khi thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật. Vấn đề trên, một mặt đã gây nhiều phiền hà, tốn kém cho công dân khi có nhu cầu công chứng, chứng thực, mặt khác thể hiện sự chậm trễ trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chánh theo chủ trương của nhà nước ở một số đơn vị.

Bên cạnh các vấn đề vừa nêu trên, trong quá trình tổ chức thực hiện nghị định 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính Phủ đã phát sinh một số mặt tồn tại, chưa đáp ứng được yêu cầu của việc công chứng, chứng thực trong tình hình hiện nay. Để khắc phục tình hình trên, ngày 8/12/2000 Chính Phủ đã ban hành nghị định 75/2000/NĐ-CP về Công Chứng, Chứng thực thay thế nghị định 31/CP ngày 18/5/1996.

Để tổ chức, thực hiện tốt Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực trong thời gian tới, nhằm chấn chỉnh phát huy vai trò, hiệu quả của hoạt động công chứng, chứng thực. Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ Thị :

1. Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành chức năng có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính Phủ và các văn bản pháp luật có liên quan trong lĩnh vực công chứng, chứng thực để mọi công dân và tổ chức hiểu đúng quy định của nhà nước về công chứng, chứng thực để chấp hành và thực hiện nghiêm túc tránh gây phiền hà tốn kém không cần thiết cho công dân.

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ công chứng, chứng thực và kiểm tra, uốn nắn hoạt động của Phòng Công chứng và các đơn vị được giao nhiệm vụ công chứng, chứng thực, thực hiện thống nhất toàn tỉnh.

- Tại trụ sở các cơ quan có chức năng thực hiện việc công chứng, chứng thực phải niêm yết công khai trình tự, thủ tục thực hiện các việc công chứng, chứng thực để cá nhân và tổ chức biết để thực hiện.

2. Thủ trưởng các các đơn vị trong tỉnh và các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chấp hành nghiêm túc quy định tại nghị định 75/CP của Chính Phủ về công chứng, chứng thực, khi tiếp nhận hồ sơ, tài liệu nhất là các văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ về hộ tịch của các cá nhân và tổ chức khác không được tùy tiện đặt ra các yêu cầu công chứng, chứng thực không đúng quy định của pháp luật.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện Nghị định 75/2000/NĐ-CP trong địa phương mình, bố trí cán bộ có đủ năng lực đảm nhận thực hiện các việc chứng thực ở cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn theo quy định tại các điều 22, điều 23 và điều 24, tạo các điều kiện thuận lợi khác để công tác chứng thực được thực hiện đúng luật, nhanh chóng, tránh sự đùn đẩy, kéo dài gây phiền hà cho công dân.

4. Trưởng Phòng công chứng chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Phòng Công chứng theo quy định và tham mưu cho Giám đốc Sở Tư Pháp trong việc triển khai thực hiện nghiệp vụ công chứng trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt nghị định 75/2000/NĐ.CP ngày 8/12/2000 của Chính Phủ và Chỉ thị này. Trong quá trình tổ chức thực hiện công chứng, chứng thực nếu có phát sinh khó khăn vướng mắc phải báo cáo để được chỉ đạo kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU &HĐND tỉnh
- CT, PCT UBT
- LĐ VPUBT
- Các sở ngành tỉnh
- Đơn vị TW trên địa bàn tỉnh
- UBND huyện, thị xã
- Các khối nc
Lưu 2.09.06.01
NC2-01/chithi/C Chung

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cao Thế Nhân