Quyết định số 15/2003/QĐ-BCN ngày 03/03/2003 Ban hành Quy chế làm việc của Tổ Công tác quan hệ với Quốc hội ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
- Số hiệu văn bản: 15/2003/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 03-03-2003
- Ngày có hiệu lực: 18-03-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-01-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1388 ngày (3 năm 9 tháng 23 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-01-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2003/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA TỔ CÔNG TÁC QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Tổ Công tác quan hệ với Quốc hội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các đồng chí thành viên Tổ Công tác quan hệ với Quốc hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
QUY CHẾ
LÀM VIỆC CỦA TỔ CÔNG TÁC QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2003/QĐ-BCNngày 04 tháng 3 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ Công tác quan hệ với Quốc hội (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) và trách nhiệm của các thành viên thuộc Tổ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Điều 2. Chức năng của Tổ công tác
Tổ công tác có chức năng giúp Bộ trưởng chuẩn bị các báo cáo của Bộ trước Quốc hội, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, các kiến nghị của cử tri về trách nhiệm quản lý nhà nước ngành công nghiệp, các dịch vụ công thuộc ngành và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong ngành công nghiệp theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác
1. Chuẩn bị báo cáo giải trình của Bộ trưởng trước Quốc hội, các văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri;
2. Tham dự các phiên họp toàn thể, các phiên chất vấn của Quốc hội với tư cách đại biểu dự thính: ghi chép, tổng hợp các thông tin có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và trình Bộ trưởng cho ý kiến chỉ đạo kịp thời;
3. Đề nghị các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ cung cấp các số liệu, tài liệu liên quan phục vụ cho việc lập giải trình, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri;
4. Lưu trữ các văn bản giải trình, trả lời, băng ghi âm, băng hình (nếu có) và các tài liệu có liên quan đến việc trả lời của Bộ trưởng cũng như những tài liệu của các kỳ họp Quốc hội.
Điều 4. Chế độ làm việc của Tổ công tác
1. Các thành viên của Tổ công tác được lựa chọn từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ quản lý, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm;
2. Trong thời gian Quốc hội họp, các thành viên trong Tổ công tác phải làm việc theo chế độ tập trung, chịu sự quản lý và điều hành trực tiếp của Tổ trưởng. Các cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức tham gia Tổ công tác tạo điều kiện, không bố trí thành viên của Tổ đi công tác trong thời gian Quốc hội họp. Trong thời gian giữa các kỳ họp, các thành viên của Tổ công tác làm việc tại cơ quan, đơn vị của mình, khi có yêu cầu phải ưu tiên thời gian cho công tác của Tổ;
3. Các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác được thực hiện theo chế độ thủ trưởng. Các thành viên của Tổ công tác có trách nhiệm nghiên cứu, trao đổi với các tổ chức, cá nhân có liên quan về các kiến nghị của cử tri, các chất vấn của Đại biểu Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực được phân công, chuẩn bị văn bản trả lời hoặc chuẩn bị báo cáo giải trình thông qua Tổ trưởng trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Điều 5. Tiếp nhận thông tin
Các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ và các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ có trách nhiệm gửi về Tổ Công tác một bản văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, báo cáo sơ kết quý, tổng kết năm do đơn vị chủ trì xây dựng để giúp Tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ việc nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ của mình.
Chương 2:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁC THÀNH VIÊN VÀ PHÂN CÔNG, PHỐI HỢP CÔNG VIỆC CỦA TỔ CÔNG TÁC
Điều 6. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên trong Tổ công tác
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng.
a) Chỉ đạo Tổ công tác xây dựng chương trình làm việc; tổ chức, phân công các thành viên trong Tổ thực hiện nhiệm vụ của Tổ; đầu mối tập hợp tài liệu, số liệu giúp Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội, trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri;
b) Chuẩn bị các nội dung, các vấn đề đưa ra thảo luận. Chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác;
c) Tổng hợp và xây dựng các báo cáo giải trình; báo cáo Bộ trưởng các vấn đề thuộc phạm vi công việc của Tổ công tác;
d) Ký trình Bộ trưởng các văn bản trả lời trước Quốc hội và cử tri;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ trưởng.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ phó.
a) Tổ phó là người thay mặt Tổ trưởng điều phối, giải quyết công việc thuộc quyền hạn của Tổ trưởng khi Tổ trưởng vắng mặt; giúp việc Tổ trưởng giải quyết và kiểm tra đối với từng lĩnh vực cụ thể theo phân công của Tổ trưởng;
b) Trong trường hợp cần thiết, Tổ trưởng có thể uỷ quyền cho Tổ phó chủ
trì để giải quyết các công việc của Tổ;
c) Là đầu mối giải quyết các vấn đề bảo đảm điều kiện làm việc của Tổ công tác; thực hịên các nhiệm vụ khác theo phân công của Tổ trưởng.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Tổ viên.
a) Có trách nhiệm tập hợp, nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung có liên quan đến lĩnh vực được giao; dự thảo các giải trình về trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực được phân công;
b) Có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho Tổ công tác giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Tổ trưởng.
Điều 7. Điều kiện làm việc, chế độ phụ cấp của các thành viên
1. Văn phòng Bộ có trách nhiệm tạo điều kiện giúp Tổ công tác được sử dụng các phương tiện như: điện thoại, email, fax và các cơ sở vật chất cần thiết khác trên cơ sở đề nghị của Tổ trưởng được Thủ trưởng Cơ quan Bộ duyệt để giúp Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ Bộ trưởng giao.
2. Trong thời gian tập trung làm việc phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các thành viên của Tổ công tác được hưởng chế độ bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước trên cơ sở đề nghị của Tổ trưởng và được Thủ trưởng Cơ quan Bộ duyệt.
Chương 3:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC
Điều 8. Trình tự, thủ tục giải quyết công việc của Tổ công tác
1. Khi nhận được các kiến nghị, chất vấn của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri,.. về các vấn đề có liên quan đến ngành công nghiệp, Văn phòng Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng và sao gửi ngay một bản báo cáo đồng chí Thứ trưởng phụ trách và một bản cho Tổ công tác biết để chuẩn bị.
2. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đồng chí Thứ trưởng phụ trách; Tổ công tác có trách nhiệm sao gửi tài liệu và văn bản cần thiết yêu cầu các tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo và cung cấp tài liệu cho Tổ làm báo cáo trả lời trước Quốc hội.
3. Trên cơ sở báo cáo của các tổ chức, cá nhân và các tài liệu khác có liên quan, Tổ công tác dự thảo văn bản trả lời hoặc báo cáo giải trình. Trường hợp không có sự thống nhất giữa ý kiến của Tổ công tác và ý kiến của tổ chức, cá nhân có liên quan thì phải xin ý kiến đồng chí Thứ trưởng phụ trách vấn đề này và ghi rõ trong tờ trình để Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Điều 9. Xây dựng và ban hành các văn bản.
1. Bộ trưởng ký ban hành các văn bản thuộc phạm vi công tác quan hệ với Quốc hội của Bộ. Trường hợp khác, đồng chí Thứ trưởng được giao, ký văn bản ban hành.
2. Tổ trưởng và các thành viên của Tổ công tác có trách nhiệm kiểm tra về tính chính xác của nội dung, thể thức văn bản thuộc công việc được phân công và Tổ trưởng ký tắt vào văn bản trình Bộ trưởng ký ban hành.
3. Tổ trưởng với chức danh lãnh đạo cấp Vụ, được phép ký thừa lệnh Bộ trưởng các văn bản giao dịch quan hệ giữa Bộ với các tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý theo đúng quy định của Bộ.
4. Phân công một đồng chí trong Tổ công tác làm nhiệm vụ quản lý các văn bản trả lời, các bản giải trình cũng như các tài liệu liên quan khác theo quy định hiện hành.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ công tác được quy định tại Quy chế này, Tổ trưởng quy định chi tiết quy trình làm việc của Tổ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Tổ trưởng Tổ công tác kiến nghị các nội dung cần bổ sung, sửa đổi, trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.