cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 2426/2000/CT-BKHCNMT ngày 12/12/2000 Về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương năm 2001 do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2426/2000/CT-BKHCNMT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Ngày ban hành: 12-12-2000
  • Ngày có hiệu lực: 12-12-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-11-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5466 ngày (14 năm 11 tháng 26 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-11-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-11-2015, Chỉ thị số 2426/2000/CT-BKHCNMT ngày 12/12/2000 Về công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương năm 2001 do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3436/QĐ-BKHCN ngày 30/11/2015 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
VÀ MÔI TRƯỜNG
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2426/2000/CT-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2000 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2001

Pháp lệnh Đo lường (sửa đổi) và Pháp lệnh Chất lượng Hàng hóa (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành. Các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện hai Pháp lệnh đang được khẩn trương soạn thảo và sẽ được ban hành trong thời gian tới. Để triển khai hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với quy định của hai Pháp lệnh, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường yêu cầu các đơn vị thuộc hệ thống Cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, ưu tiên thực hiện các công việc cấp bách sau đây :

Về công tác đo lường:

Tiếp tục thực hiện chương trình hành động về đo lường, gắn nội dung thực hiện thư của Tổng Bí thư với nội dung triển khai thực hiện Pháp lệnh Đo lường (sửa đổi) nhằm phát triển công tác đo lường trong cả nước.

Triển khai việc khảo nghiệm hệ thống kiểm định lưu động theo đúng chương trình kế hoạch đã được duyệt.

Thực hiện việc trang bị cân đối chứng tại các Trung tâm thương mại ở các địa phương, trong năm 2000 trang bị tại 30 điểm, năm 2001 tại 70 điểm.

Tổng kết rút kinh nghiệm nói tại Điểm 1.2 và 1.3 để mở rộng việc trang bị cho các địa phương trong các năm tiếp theo.

Củng cố và tăng cường khả năng kiểm định, hiệu chuẩn đối với các thiết bị đo kiểm nói chung và các đối tượng phục vụ cho hoạt động công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn và thử nghiệm an toàn.

Về công tác tiêu chuẩn và quản lý chất lượng:

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn thủ tục, trình tự, nội dung xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để phổ biến cho các đơn vị và các doanh nghiệp áp dụng, nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa tại các doanh nghiệp.

Triển khai hoạt động các doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn chất lượng áp dụng cho hàng hóa của mình theo các quy định tại Quyết định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Triển khai hoạt động các doanh nghiệp tự công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn từ ngày 01/01/2001 theo các quy định tại Quyết định của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Các công việc nói tại Điểm 2.3 và 2.4 được triển khai để thay thế cho công tác đăng ký chất lượng. Tổ chức thống kê, theo dõi việc công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của các doanh nghiệp và việc doanh nghiệp tự công bố hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, đồng thời tổ chức kiểm tra sau khi doanh nghiệp thực hiện các công việc này.

Tập huấn, đào tạo cho cán bộ của các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ động tổ chức triển khai các hoạt động nói trên tại các địa phương.

Từ ngày 01/01/2001, triển khai hoạt động thử nghiệm an toàn đối với hàng hóa có yêu cầu về an toàn để thay thế cho hoạt động chứng nhận hàng hóa bắt buộc. Củng cố, nâng cấp trang thiết bị thử nghiệm và mở rộng khả năng thử nghiệm đối với các hàng hóa để đáp ứng yêu cầu chứng nhận an toàn.

Trên cơ sở đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn hóa, quản lý đo lường và quản lý chất lượng tại chính các doanh nghiệp, tiếp tục khuyến khích các hoạt động chứng nhận tự nguyện đối với hàng hóa (chứng nhận chất lượng) và hệ thống quản lý chất lượng (chứng nhận phù hợp ISO 9000, phù hợp các hệ thống quản lý chất lượng khác).

Giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hướng dẫn thực hiện các công việc trên đây, tổng hợp tình hình, kịp thời đề xuất các kiến nghị cần thiết báo cáo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

 

 

Nơi nhận:
- Tổng cục TCĐLCL;
- Vụ KH, TTra (Bộ KHCNMT);
- Các Sở KHCNMT;
- Các Chi cục TCĐLCL;
- Lưu VP.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC
CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG



 
Bùi Mạnh Hải