Quyết định số 06/2003/QĐ-TTg ngày 09/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về giáo dục và đào tạo
- Số hiệu văn bản: 06/2003/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 09-01-2003
- Ngày có hiệu lực: 09-01-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2365 ngày (6 năm 5 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-07-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2003/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 1 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 06/2003/QĐ-TTG NGÀY 09 THÁNG 01NĂM 2003 VỀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2002/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về giáo dục và đào tạo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN KẾT LUẬN HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHOÁ IX VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)
A. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Chương trình hành động này nhằm xác định các nhiệm vụ của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề đã được đề ra trong Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX và Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010.
B. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
I. ĐỔI MỚI MẠNH MẼ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; đổi mới mục tiêu, chương trình giáo dục đào tạo và cải tiến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
2. Tiếp tục hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Tổng kết thực tiễn, đề xuất những sửa đổi cần thiết đối với một số điều của Luật Giáo dục để trình Quốc hội.
3. Thực hiện mạnh mẽ phân cấp quản lý giáo dục; quy định nội dung quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề.
4. Xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống đào tạo và thành lập cơ quan quản lý, chỉ đạo, điều hành quốc gia về phát triển nguồn nhân lực.
5. Chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục, tăng cường trật tự kỷ cương, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ, thu và sử dụng các khoản thu trong nhà trường và các cơ sở giáo dục - đào tạo và dạy nghề.
II. XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ
6. Điều chỉnh nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo theo hướng tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo và dạy nghề nhằm thực hiện Chỉ thị 18/ 2001/CT-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân.
Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ.
Xây dựng định mức lao động, chế độ làm việc, chế độ đãi ngộ; sàng lọc, bố trí lại, giải quyết chế độ nghỉ trước tuổi cho các nhà giáo và cán bộ quản lý không còn đủ điều kiện công tác.
III. TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ
7. Bảo đảm tỷ lệ chi Ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề để đạt ít nhất là 18% vào năm 2005 và 20% vào năm 2010. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục phổ cập, các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và vùng dân tộc thiểu số, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo trình độ cao và đào tạo các ngành nghề khó thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
8. Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu trong hệ thống giáo dục quốc dân.
9. Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2002 về việc thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học mầm non, phổ thông. Xây dựng ký túc xá cho học sinh, sinh viên và nơi ở cho giáo viên công tác tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hướng dẫn, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy hoạch đất đai cho xây dựng trường học phù hợp với từng loại trường và quy hoạch mạng lưới trường ở địa phương.
IV. TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ
10. Xác định và điều chỉnh cơ cấu quy mô phát triển đối với các cấp học, bậc học, đối với các loại hình nhà trường, các phương thức giáo dục - đào tạo và dạy nghề theo hướng đa dạng hoá, hiện đại hoá, chuẩn hoá và liên thông, đáp ứng nhu cầu nhân lực của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2005 và 2010.
11. Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 161/2002/QĐ ngày 15 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non. Hoàn thiện mô hình và kiện toàn hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ cho các địa phương người dân tộc thiểu số.
12. Chỉ đạo thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai đại học quốc gia và các trường trọng điểm. Thể chế hoá việc kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học.
13. Tiếp tục củng cố các trường sư phạm, xây dựng trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thành hai trường Đại học Sư phạm trọng điểm.
14. Tạo điều kiện để các địa phương mở trường cao đẳng cộng đồng, các trung tâm học tập cộng đồng.
V. ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HOÁ VÀ THỰC HIỆN CÔNG BẰNG XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ
15. Tập trung chỉ đạo các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở đúng tiến độ
16. Đổi mới chính sách về học phí, học bổng, tín dụng đào tạo, thực hiện chủ trương xã hội hoá và công bằng xã hội. Công khai hoá nhu cầu đầu tư, cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực trong xã hội, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục. Ban hành điều lệ của các quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục - đào tạo và dạy nghề của Chính phủ với các cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
17. Hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với các loại hình giáo dục - đào tạo và dạy nghề ngoài công lập, cơ chế và chính sách chuyển đổi loại hình giáo dục - đào tạo và dạy nghề công lập sang các loại hình ngoài công lập.
18. Thành lập kênh truyền hình riêng về giáo dục - đào tạo và dạy nghề trước năm 2005.
C. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
I. CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG, THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN
Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai tuyên truyền, quán triệt Kết luận của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về giáo dục và đào tạo và Chương trình hành động của Chính phủ.
II. THEO DÕI THỰC HIỆN
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ, cụ thể hoá thành Chương trình hành động.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động này, định kỳ sáu tháng một lần, tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tưởng Chính phủ.