Chỉ thị số 08/2000/CT.UBNDT ngày 12/10/2000 Về tăng cường hoạt động hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2000/CT.UBNDT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Ngày ban hành: 12-10-2000
- Ngày có hiệu lực: 12-10-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 08-01-2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3740 ngày (10 năm 3 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 08-01-2011
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2000/CT.UBNDT | Sóc Trăng, ngày 12 tháng 10 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Trong thời gian qua, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các địa phương cùng ngành chức năng có liên quan quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức hòa giải ở khóm, ấp, khu dân cư, đảm bảo đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và tạo ý thức “Sống và làm việc theo pháp luật” trong nhân dân. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số mặt hạn chế cần khắc phục như phương thức hoạt động của các tổ hòa giải chưa đạt hiệu quả cao, trình độ pháp lý của người làm công tác hòa giải còn hạn chế; một số ít cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhất là củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; cơ chế phối hợp hoạt động giữa các ngành chức năng có liên quan chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; ý thức chấp hành pháp luật ở một bộ phận nhân dân chưa cao..v..v.. đã làm hạn chế đến hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong tỉnh.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, góp phần phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn truyền thống đoàn kết và đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng chỉ thị:
1/- Thủ trưởng các Sở, ngành chức năng có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị, xã, phường, thị trấn cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, trong đó có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khóa X thông qua ngày 25/12/1998) và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 19/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, ra sức thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn trong cuộc sống, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp và ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư.
2/- Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức khảo sát thực trạng về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở; đồng thời hướng dẫn UBND các cấp phối hợp cùng Mặt trận và các tổ chức thành viên xem xét, lựa chọn, giới thiệu người có phẩm chất đạo đức, năng lực và các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để nhân dân bầu làm tổ hòa giải theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nâng cao nghiệp vụ hòa giải và hướng dẫn hoạt động hòa giải cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở.
- Tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hòa giải ở cơ sở; phát động phong trào thi đua hòa giải ở cơ sở, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Hàng năm, có sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm về phương pháp, nghiệp vụ hòa giải và kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiêu biểu về hoạt động hòa giải ở cơ sở.
3/- Chủ tịch UBND các huyện, thị có trách nhiệm:
- Phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thị hướng dẫn các Ban Tư pháp xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tốt các quy định về công tác hòa giải ở địa phương, không “khoán trắng” cho ngành chuyên môn.
- Tăng cường củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở địa phương, đảm bảo hoạt động có chất lượng, hiệu quả, phấn đấu trong năm 2001 có 100% cơ sở có tổ hòa giải.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ hòa giải hoặc các tổ chức thích hợp khác của nhân dân ở xóm, ấp, tổ dân phố và khu dân cư tham gia hòa giải các vụ việc tranh chấp nhỏ trong gia đình và cộng đồng dân cư đúng theo phạm vi, nguyên tắc; phương thức hòa giải phải phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân.
4/- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể các cấp tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng có liên quan thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; vận động nhân dân phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
5/- Sở Văn hóa Thông tin, Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phối hợp tổ chức tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước sâu rộng trong nhân dân, trong đó cần xây dựng chuyên mục tuyên truyền, thông tin kịp thời kết quả công tác hòa giải ở cơ sở, làm cho mọi người nhận thức rõ mục đích và nhiệm vụ của công tác hòa giải ở cơ sở là nhằm hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được sự thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vụ việc vi phạm pháp luật và những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này và thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
| TM. UBND TỈNH SÓC TRĂNG |