Quyết định số 02/2003/QĐ-TTg ngày 02/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ Về Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 02/2003/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 02-01-2003
- Ngày có hiệu lực: 01-01-2003
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-07-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-04-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1580 ngày (4 năm 4 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-04-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 02/2003/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội;
Căn cứ Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 58/1998/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ về ban hành Điều lệ Bảo hiểm y tế;
Căn cứ Nghị định số 100/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2003, những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành bản Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này áp dụng cho hoạt động quản lý tài chính đối với toàn bộ hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Điều 2. Bộ Tài chính cấp đủ kinh phí cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để chi trả cho các đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995.
Điều 3.
1. Quỹ Bảo hiểm xã hội được hình thành từ đóng góp của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đóng góp của người sử dụng lao động; Nhà nước đóng và hỗ trợ; tiền sinh lời từ hoạt động bảo toàn, tăng trưởng quỹ và nguồn thu hợp pháp khác.
2. Quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý tập trung, thống nhất, dân chủ và công khai trong toàn hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam; hạch toán theo quỹ thành phần, độc lập với ngân sách nhà nước và được Nhà nước bảo hộ.
Điều 4. Quỹ bảo hiểm xã hội dùng để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội từ sau ngày 01 tháng 10 năm 1995; chi bảo hiểm y tế cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; chi quản lý bộ máy của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam; chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi khác.
Điều 5. Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được trích từ tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ.
Điều 6.
1. Hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm lập dự toán thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội (chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất,...) trình Hội đồng quản lý thông qua, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2. Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi được Chính phủ giao và dự toán đã được Hội đồng quản lý thông qua, phân bổ và giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nguyên tắc tổng số thu không thấp hơn, tổng chi không được cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao.
3. Quyết toán thu, chi Quỹ Bảo hiểm theo quy định hiện hành của Nhà nước; chế độ kế toán bảo hiểm xã hội do Bộ Tài chính ban hành và hướng dẫn thực hiện.
Điều 7. Việc chi trả cho các đối tượng được hưởng các chế độ bảo hiểm được thực hiện như sau:
1. Cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chi cho các đối tượng hưởng bảo hiểm, kịp thời, đầy đủ đúng chế độ, chính sách của Nhà nước.
2. Việc chi trả các chế độ bảo hiểm do cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp trực tiếp thực hiện hoặc hợp đồng với các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở khám, chữa bệnh, các đại diện xã, phường, thị trấn và phải bảo đảm đúng quy định của Nhà nước.
3. Bảo hiểm xã hội các cấp được ngừng chi trả với các đối tượng đang hưởng bảo hiểm khi có kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về hành vi man trá, làm giả hồ sơ, tài liệu để hưởng chế độ bảo hiểm; đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp thu hồi số tiền đã chi trả sai; thông báo cho đối tượng, đơn vị sử dụng lao động hoặc chính quyền nơi đối tượng cư trú đang hưởng chế độ bảo hiểm để xử lý theo thẩm quyền; phối hợp và chuyển hồ sơ cho các cơ quan pháp luật để xử lý theo pháp luật.
Chương 2:
NGUỒN HÌNH THÀNH, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 8. Quỹ Bảo hiểm xã hội được hình thành từ các nguồn sau:
1. Người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đóng.
2. Người sử dụng lao động, người lao động tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc và tự nguyện đóng.
3. Nhà nước đóng và hỗ trợ để đảm bảo các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
4. Nhà nước hỗ trợ, đóng bảo hiểm y tế đối với người nghèo và đối tượng chính sách.
5. Tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ Bảo hiểm xã hội.
6. Nguồn thu hợp pháp khác.
Điều 9. Việc thu tiền đóng góp của các đối tượng tham gia bảo hiểm theo quy định của pháp luật được thực hiện như sau :
1. Bảo hiểm xã hội các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thu tiền bảo hiểm của tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm đúng quy định.
2. Hàng tháng, các đơn vị sử dụng lao động (kể cả các đơn vị, cơ quan, tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Cơ yếu Chính phủ) có trách nhiệm đóng đầy đủ, kịp thời vào Quỹ Bảo hiểm xã hội, ngay sau khi thanh toán tiền lương hàng tháng cho người lao động.
3. Trường hợp các đơn vị sử dụng lao động chậm nộp bảo hiểm từ 30 ngày trở lên so với quy định, thì ngoài việc phải nộp số tiền chậm nộp và nộp phạt hành chính theo quy định hiện hành, còn phải nộp số tiền phạt chậm nộp theo mức lãi suất tiền vay quá hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm truy nộp. Đối với những đơn vị cố tình vi phạm hoặc chây ì thì cơ quan Bảo hiểm xã hội được quyền đề nghị Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng nơi đơn vị giao dịch trích tiền từ tài khoản của đơn vị để nộp đủ tiền đóng bảo hiểm xã hội và tiền phạt chậm nộp mà không cần có sự chấp nhận thanh toán của đơn vị sử dụng lao động (trừ các đơn vị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép chậm nộp).
4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan quy định các mức, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với từng loại đối tượng, kể cả các đối tượng chính sách theo quy định hiện hành.
Điều 10. Hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bảo hiểm xã hội tại hệ thống Kho bạc Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước. Số dư trên tài khoản tiền gửi được hưởng lãi suất tiền gửi theo quy định của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước.
Điều 11. Quỹ Bảo hiểm xã hội được quản lý thống nhất trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, được hạch toán riêng và cân đối thu - chi theo từng quỹ thành phần (Quỹ Hưu trí và Trợ cấp; Quỹ Khám, chữa bệnh bắt buộc và Quỹ Khám, chữa bệnh tự nguyện). Hàng năm, nếu quỹ thành phần có tổng số thu lớn hơn tổng số chi thì số dư được chuyển sang năm sau; nếu tổng số thu nhỏ hơn tổng số chi thì được phép dùng các nguồn quỹ còn dư khác để đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ cho đối tượng được hưởng theo quy định.
Sau khi báo cáo quyết toán tài chính năm của toàn ngành được phê duyệt Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết số kinh phí chênh lệch thiếu của từng quỹ thành phần.
Điều 12. Quỹ Hưu trí và Trợ cấp.
1. Quỹ Hưu trí và Trợ cấp được hình thành từ các nguồn sau :
a) Tiền đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động và người lao động.
b) Nhà nước đóng và hỗ trợ để đảm bảo thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
c) Tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.
d) Các khoản thu hợp pháp khác.
2. Quỹ Hưu trí và Trợ cấp sử dụng để chi:
a) Chi lương hưu (thường xuyên và một lần).
b) Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động và người phục vụ người bị tai nạn lao động, trang cấp dụng cụ cho người bị tai nạn lao động.
c) Chi trợ cấp ốm đau.
d) Chi trợ cấp thai sản.
đ) Trợ cấp bệnh nghề nghiệp.
e) Tiền tuất (định xuất cơ bản và nuôi dưỡng) và mai táng phí.
g) Chi nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khoẻ.
h) Đóng bảo hiểm y tế theo quy định.
i) Lệ phí chi trả.
k) Các khoản chi khác.
Điều 13. Quỹ Khám, chữa bệnh bắt buộc.
1. Quỹ Khám, chữa bệnh bắt buộc được hình thành từ các nguồn sau:
a) Người sử dụng lao động và người lao động thuộc đối tượng bắt buộc đóng.
b) Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng theo chế độ.
c) Tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.
d) Thu từ nguồn tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
đ) Các khoản thu hợp pháp khác.
2. Quỹ Khám, chữa bệnh bắt buộc dùng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc gồm có :
a) Khám bệnh, chẩn đoán và điều trị.
b) Xét nghiệm, chiếu chụp X - quang, thăm dò chức năng.
c) Thuốc trong danh mục theo quy định của Bộ Y tế.
d) Máu, dịch truyền.
đ) Các thủ thuật, phẫu thuật.
e) Sử dụng vật tư, thiết bị y tế và giường bệnh.
Điều 14. Quỹ Khám, chữa bệnh tự nguyện.
1. Quỹ Khám, chữa bệnh tự nguyện được hình thành từ các nguồn sau:
a) Người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đóng.
b) Nhà nước hỗ trợ.
c) Tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng Quỹ.
d) Thu từ nguồn tài trợ, viện trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
đ) Các khoản thu hợp pháp khác.
2. Quỹ Khám, chữa bệnh tự nguyện dùng để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng ứng với mức đóng và phạm vi bảo hiểm mà người tham gia bảo hiểm lựa chọn. Các mức đóng và mức hưởng, quyền lợi khám chữa bệnh ứng với từng mức đóng được thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Chương 3:
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CẤP ĐỂ CHI BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 15. Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đầy đủ các quy định về việc lập dự toán, sử dụng kinh phí và quyết toán kinh phí chi cho các đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước cấp theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 16. Ngân sách nhà nước cấp đủ kinh phí theo số quyết toán chi trả cho các đối tượng đang hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995 bao gồm các khoản:
1. Lương hưu.
2. Trợ cấp mất sức lao động.
3. Trợ cấp cho người bị tai nạn lao động và người phục vụ người bị tai nạn lao động, trang cấp dụng cụ cho người bị tai nạn lao động.
4. Trợ cấp bệnh nghề nghiệp.
5. Trợ cấp công nhân cao su.
6. Tiền tuất (định xuất cơ bản và nuôi dưỡng) và mai táng phí.
7. Đóng bảo hiểm y tế theo chế độ.
8. Lệ phí chi trả.
9. Các khoản chi khác (nếu có).
Điều 17. Hàng tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ứng trước nguồn kinh phí từ Quỹ Hưu trí và Trợ cấp để trả lương hưu và trợ cấp kịp thời, đầy đủ cho các đối tượng do ngân sách nhà nước cấp; sau đó ngân sách nhà nước sẽ thanh toán trả Quỹ Hưu trí và Trợ cấp theo số thực chi đúng chính sách, chế độ của Nhà nước.
Chương 4:
CHI PHÍ QUẢN LÝ CỦA HỆ THỐNG BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Điều 18.
1. Chi phí quản lý hoạt động của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam :
a) Chi thường xuyên của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam (kể cả chi nghiên cứu khoa học, chi đào tạo, đào tạo lại) phục vụ cho hoạt động của toàn ngành; không bao gồm các khoản chi về sửa chữa lớn tài sản cố định, mua sắm tài sản từ nguồn vốn đầu tư theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được trích từ tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn các Quỹ, mức trích bằng 4% trên số thực thu bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế phần do người sử dụng lao động và các đối tượng tham gia bảo hiểm đóng, áp dụng từ năm 2003 đến năm 2005.
c) Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ, tiết kiệm chi quản lý thường xuyên thì số dôi ra được sử dụng để bổ sung các khoản chi sau:
- Bổ sung tiền lương, tiền công cho người lao động trong toàn ngành theo mức độ hoàn thành công việc, nhưng mức thu nhập tối đa không quá 2,5 lần so với quỹ tiền lương theo quy định hiện hành.
- Chi tiền lương, tiền công cho lao động hợp đồng (theo quy định của Bộ Luật Lao động) trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hoàn thành công việc.
ư- Bổ sung hai quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi không quá 3 tháng lương thực tế bình quân của toàn ngành.
- Trợ cấp thêm ngoài những chính sách chung của Nhà nước cho người lao động trong ngành tự nguyện nghỉ việc khi thực hiện chính sách sắp xếp lao động, giảm biên chế. Mức trợ cấp do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
- Lập Quỹ Dự phòng ổn định thu nhập cho cán bộ, viên chức. Mức trích lập do Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định.
- Phần còn lại (nếu có) sau khi chi 5 nội dung trên phải chuyển vào các Quỹ bảo hiểm.
2. Việc đóng và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của cán bộ, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính theo hệ số mức lương quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
3. Chi phí quản lý của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Hội đồng quản lý quyết định trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn chi hiện hành của Nhà nước và hoạt động đặc thù của ngành, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm có hiệu quả.
4. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm phân bổ chi phí quản lý cho Bảo hiểm xã hội các cấp phù hợp với nhiệm vụ được giao; bảo đảm kinh phí phân bổ cho Bảo hiểm xã hội các cấp không được vượt so với tổng mức.
Điều 19.
1. Hàng năm, căn cứ vào mức chi quản lý quy định tại điểm b Điều 18, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lập dự toán chi quản lý của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình Hội đồng quản lý phê duyệt, gửi Bộ Tài chính theo dõi, giám sát việc thực hiện.
2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quyết toán và báo cáo tài chính theo đúng quy định hiện hành.
Điều 20.
1. Kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam được trích từ tiền sinh lời do thực hiện các biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quy định tại khoản 3 Điều 22 Quyết định này.
2. Khi sử dụng nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý vốn đầu tư và xây dựng cơ bản.
Chương 5:
HOẠT ĐỘNG BẢO TOÀN GIÁ TRỊ VÀ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI
Điều 21.
1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo tồn giá trị và tăng trưởng các Quỹ Bảo hiểm. Việc dùng tiền tạm thời nhàn rỗi của các Quỹ Bảo hiểm để đầu tư phải bảo đảm an toàn, bảo toàn được giá trị và có hiệu quả về kinh tế - xã hội.
2. Các biện pháp bảo toàn và tăng trưởng các Quỹ Bảo hiểm gồm:
- Mua trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái của Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại của Nhà nước.
- Cho ngân sách nhà nước, Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển, các ngân hàng thương mại của Nhà nước, Ngân hàng chính sách vay.
- Đầu tư vào một số dự án có nhu cầu về vốn do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 22. Tiền sinh lời từ đầu tư, tăng trưởng các Quỹ Bảo hiểm hàng năm được phân bổ, sử dụng như sau:
1. Trích kinh phí quản lý của hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18.
2. Trích lập 2 quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng 3 tháng lương thực tế bình quân toàn ngành.
3. Trích vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của toàn hệ thống theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Phần còn lại được bổ sung vào các Quỹ Bảo hiểm.
Chương 6:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế này.
Điều 24. Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện Quyết định này.