Chỉ thị số 08/2000/CT-UB ngày 25/07/2000 Về một số biện pháp tăng cường công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2000/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 25-07-2000
- Ngày có hiệu lực: 25-07-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 13-06-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2880 ngày (7 năm 10 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 13-06-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2000/CT-UB | Lào Cai, ngày 25 tháng 7 năm 2000 |
CHỈ THỊ
VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách là một bộ phận trong tổng thể chính sách xóa đói giảm nghèo; chính sách đền ơn đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước, hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, đồng thời góp phần hoàn thiện bộ máy Nhà nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Trong thời gian qua, mặc dù công việc này còn rất mới mẻ, song các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thuộc đối tượng trợ giúp được tiếp cận với pháp luật, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức của một số ngành và một số địa phương; việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách vẫn còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ tác dụng của công tác này.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân, khẳng định vai trò nòng cốt của Nhà nước đối với việc giúp đỡ pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách, đồng thời thu hút sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức và cộng đồng, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Các Sở, Ban, Ngành, UBND các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về hoạt động trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, nhằm mục đích bảo vệ pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân. Công tác này là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách "Xóa đói, giảm nghèo"; đền ơn đáp nghĩa và chính sách về dân tộc. Đảm bảo tăng cường kỷ cương, phép nước và thực hiện công bằng xã hội.
2. Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành và UBND các huyện, thị có kế hoạch tăng cường trợ giúp pháp lý đồng thời chỉ đạo các cơ quan Tư pháp địa phương và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trợ giúp pháp lý là đầu mối phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, Tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết hợp chặt chẽ công tác trợ giúp pháp lý với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác hòa giải ở cơ sở, triển khai thực hiện thí điểm công tác trợ giúp pháp lý trên một số địa bàn để rút ra kinh nghiệm từ đó nhân ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh
Thủ trưởng các cơ quan, Ban, Ngành, chủ tịch UBND các cấp và các đơn vị trực thuộc khi nhận được văn bản kiến nghị của Trung tâm trợ giúp pháp lý phải xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.
Phối hợp với Ban tổ chức chính quyền tỉnh xây dựng phương án kiện toàn tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý, đảm bảo hoạt động hiệu quả và đáp ứng mọi nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng.
Giám đốc sở Tư pháp có trách nhiệm bố trí địa điểm làm việc, phương tiện để Trung tâm trợ giúp pháp lý hoàn thành nhiệm vụ.
3. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên, đặc biệt chú trọng hình thành mạng lưới cộng tác viên tại cơ sở. Cộng tác viên trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ không ngừng học tập, trao dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp.
Trung tâm trợ giúp pháp lý có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng trợ giúp, nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý đến cấp huyện và cấp xã để người nghèo và đối tượng chính sách ở các xã vùng cao, vùng sâu, thực sự nhận được sự trợ giúp pháp lý.
4. Sở văn hóa thông tin, Đài phát thanh - truyền hình, Báo Lào Cai phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng phương án chỉ đạo phổ biến rộng rãi thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý, thiết lập chuyên mục trợ giúp pháp lý lồng ghép với chuyên mục "tìm hiểu pháp luật" trên báo, trên đài với thời lượng thích hợp.
5. Giao Sở lao động - Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp triển khai việc xác nhận hộ đói, hộ nghèo, để các đối tượng này được hưởng quyền trợ giúp pháp lý miễn phí.
6. Đề nghị Toa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, các tổ chức Chính trị xã hội và đoàn thể quần chúng tích cực phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.
Yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ trên. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh.
| TM. UBND TỈNH LÀO CAI |