Quyết định số 142/2002/QĐ-TTg ngày 21/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020
- Số hiệu văn bản: 142/2002/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 21-10-2002
- Ngày có hiệu lực: 05-11-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-02-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5946 ngày (16 năm 3 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-02-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/2002/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 142/2002/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VỊNH HẠ LONG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Xét đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (Công văn số 1438/UB ngày 07 tháng 11 năm 2000 và Công văn số 125/TT-UB ngày 16 tháng 01 năm 2001) và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 1620 BKH/VPTĐ ngày 18 tháng 3 năm 2002),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long đến năm 2020, làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch chi tiết và các dự án thành phần, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a. Xác định các căn cứ có tính pháp lý trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long theo Luật Di sản văn hoá của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, đồng thời kết hợp các quy hoạch thuộc các chuyên ngành khác trong phát triển vùng Vịnh Hạ Long, theo hướng phát triển bền vững trong một quy hoạch thống nhất.
b. Xây dựng các chương trình đầu tư và các dự án cụ thể nhằm bảo vệ, khôi phục và khai thác có hiệu quả Vịnh Hạ Long mà quần thể đảo là những điểm hội tụ; xây dựng kế hoạch đầu tư theo phân kỳ và theo thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng đáp ứng nhu cầu và huy động vốn, bảo đảm các mục tiêu và tiến độ đề ra.
2. Phạm vi nghiên cứu:
a. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp có diện tích 1553 km2, bao gồm:
- Khu vực Di sản Thế giới: diện tích 434km2, nằm ở trung tâm Vịnh Hạ Long, gồm 775 hòn đảo có giá trị cảnh quan và khoa học.
- Khu vực đệm: theo ranh giới vùng đệm do UNESCO đã hoạch định, bao gồm một số vùng tác động trực tiếp đến khu vực Di sản Thế giới.
- Khu vực từ vùng đệm đến ranh giới bảo tồn quốc gia.
b. Phạm vi nghiên cứu gián tiếp: bao gồm đảo Cát Bà và khu vực phía bắc đường 18A.
3. Đối tượng:
Đối tượng chủ yếu của quy hoạch là "Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long", bao gồm các đảo, hang động, bãi tắm, các hệ động và thực vật, cảnh quan tự nhiên do các yếu tố vật chất tạo thành và các giá trị tổng hợp của di sản (sinh học, thẩm mỹ, lịch sử, văn hoá, địa chất, kinh tế...), trong đó có di sản văn hoá, di chỉ khảo cổ thuộc khu vực Vịnh Hạ Long.
4. Quan điểm:
a. Quy hoạch phải có tính khả thi, tính hiện đại và dân tộc, thiên tạo và nhân tạo, tính giáo dục và khoa học, tính kế thừa. Lấy văn hoá làm nền tảng phát triển và phát huy có hiệu quả các quy hoạch chuyên ngành đã và đang triển khai trong khu vực.
b. Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải bảo đảm "bảo vệ môi trường và phát triển bền vững", kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn, phát huy di sản với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; tương hỗ giữa bảo tồn, khai thác và bảo đảm an ninh quốc phòng.
5. Nội dung quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản bao gồm:
a. Quy hoạch phạm vi bảo tồn:
- Khu vực 1: Nằm ở trung tâm Vịnh Hạ Long (khu Di sản Thế giới... toàn thể khu vực bảo tồn cảnh quan, địa chất, địa mạo, văn hoá, lịch sử;..... sinh thái, là khu vực bảo tồn tuyệt đối đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
- Khu vực 2: Khu vực quản lý chủ động (khu vực đệm).
- Khu vực 3: (khu vực phát triển) bao gồm: vùng phát triển công nghiệp, vùng phát triển cảng, vùng phát triển du lịch, vùng phát triển nuôi trồng và đánh bắt thuỷ - hải sản, vùng phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng.
b. Nội dung bảo tồn:
- Xác định giới hạn các vùng bảo vệ.
- Xác định các nguồn tác động tiêu cực, tích cực và đề ra các biện pháp bảo vệ.
- Xác định giá trị hệ thống đảo, hang động, các yếu tố cấu thành di sản như: địa chất, địa mạo, thảm thực vật, hệ thống động vật, số đảo và hang động tại các vùng bảo vệ; các giá trị văn hoá, lịch sử, khảo cổ và các yếu tố liên quan như địa chất thuỷ văn, khí hậu.
- Xác định các đối tượng cần bảo tồn cụ thể như: các loại hang động, bãi tắm, tùng, áng, hệ thực vật, động vật trên cạn và động, thực vật biển.
- Xác định và hệ thống hoá các giá trị văn hoá phi vật thể; xây dựng kế hoạch sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý, giới thiệu, phổ biến và phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể.
c. Quy hoạch phát huy giá trị di sản:
- Quy hoạch các khu chức năng phục vụ du lịch
- Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp nước, cấp điện, thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường, thu gom chất thải rắn).
d. Quy hoạch bảo vệ môi trường: quản lý môi trường không khí, quản lý môi trường nước, tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái vịnh Hạ Long; xử lý chất thải, quản lý môi trường đối với các ngành kinh tế khác.
6. Giải pháp thực hiện:
a. Các chương trình thực hiện bao gồm: chương trình khảo sát - sưu tầm bảo tồn; chương trình bảo tồn, khai thác, phát huy di sản; chương trình nâng cao nhận thức... nằm trong chương trình hợp nhất về phát triển kinh tế - xã hội vùng vịnh Hạ Long.
b. Xây dựng điều lệ quản lý hoạt động du lịch trong phạm vi khu di sản.
c. Lập các dự án khả thi được xác định là các dự án ưu tiên trong giai đoạn đến 2005. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn đến 2005.
7. Phân kỳ đầu tư:
a. Giai đoạn đến 2005: Ưu tiên bảo tồn từng bước các đảo, hang động nằm trong khu vực bảo vệ tuyệt đối - Di sản thế giới, khu vực Ngọc Vừng, Quan Lạn. Đặc biệt là các công viên hang động, hồ Ba Hầm, hang Trai và các điểm du lịch sinh thái.
b. Giai đoạn 2005 - 2010: Tiếp tục bảo tồn kết hợp đầu tư khai thác, phát huy các khu vực còn lại trong khu vực bảo vệ tuyệt đối - Di sản thế giới và một số khu vực nằm trong vùng đệm của Di sản thế giới.
c. Giai đoạn sau 2010: Hoàn thiện các tuyến tham quan du lịch, các khu vực chức năng phục vụ bảo tồn - du lịch.
Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cập nhật và cụ thể hoá nội dung quy hoạch, trong đó cần chú trọng một số nội dung sau:
1. Làm rõ những lợi thế và những thách thức phải giải quyết đối với các điều kiện về tự nhiên, kinh tế, xã hội, truyền thống, lịch sử, văn hoá: Phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, của cư dân tại khu vực vịnh Hạ Long và vùng phụ cận trong bối cảnh, xu thế hội nhập kinh tế và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
2. Những nội dung và giải pháp nhằm gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản vịnh Hạ Long với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng.
3. Lựa chọn một số đề án chủ lực, ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến 2005 để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện các dự án tiếp theo, trong đó, đặc biệt ưu tiên triển khai thực hiện dự án "Bảo tàng sinh thái Hạ Long", coi đó là giải pháp tổng thể nhằm bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị cả di sản.
4. Nghiên cứu xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách huy động các nguồn lực, các giải pháp về tổ chức quản lý nhằm phát huy có hiệu quả các yếu tố và tiềm năng trong nước và nước ngoài vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản vịnh Hạ Long.
Điều 3. Các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và của tỉnh Quảng Ninh được cụ thể hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và vùng vịnh Hạ Long nói riêng, phải tính đến quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long.
Trong quá trình thực hiện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kịp thời kiến nghị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy hoạch khi cần thiết.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |