Chỉ thị số 14/2000/CT-UB ngày 17/05/2000 Về tiếp tục triển khai thi hành luật thuế GTGT, luật thuế TNDN và chế độ kế toán áp dụng đối với hộ SX-KD CTN và dịch vụ NQD do Tỉnh Lâm Đồng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 14/2000/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Ngày ban hành: 17-05-2000
- Ngày có hiệu lực: 17-05-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-08-2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4478 ngày (12 năm 3 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 20-08-2012
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:14/2000/CT-UB | Đà Lạt, ngày 17 tháng 5 năm 2000 |
CHỈ THỊ
"V/V TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THUẾ GTGT, LUẬT THUẾ TNDN VÀ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN ÁP DỤNG ĐỐI VỚI HỘ SX-KD CTN VÀ DỊCH VỤ NQD"
Qua hơn một năm thi hành luật thuế giá trị gia tăng (GTGT ), luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN ) theo chỉ thị số 55/1998/CT-UB ngày 27/11/1998 và chỉ thị số 17/CT-UB ngày 30/5/1996 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai thực hiện chế độ kế toán công thương nghiệp ngoài quốc doanh , đã đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo được các yêu cầu cơ bản của luật thuế, đối tượng sử dụng hóa đơn chứng từ và hộ sử dụng sổ sách kế toán có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần cho việc thi hành luật thuế mới ở địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện 2 luật thuế mới vẫn còn một số mặt hạn chế như công tác tuyên truyền trong nhân dân, đối tượng SX-KD dịch vụ chưa được đều khắp, hầu hết các hộ SX-KD và các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc theo chế độ SSKT, hóa đơn, chứng từ, nhất là hộ cá thể chưa mạnh dạn đăng ký sử dụng hóa đơn, chứng từ khi mua bán hàng hóa, dịch vụ, người mua hàng chưa xác định tầm quan trọng của hóa đơn, chứng từ...
Để khắc phục tình trạng trên và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Ban chỉ đạo TW với các Ban chỉ đạo của Tỉnh, Thành phố trong cả nước ngày 24 và 25/4/2000 và chỉ thị số 03/2000/CT-BTC ngày 10/4/2000 của Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh triển khai chế độ kế toán áp dụng đối với hộ SX-KD CTN và dịch vụ NQD trong năm 2000. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương khẩn trương thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
1/ Củng cố và kiện toàn các Ban chỉ đạo triển khai các luật thuế mới tại các huyện, TX, TP và triển khai thực hiện chế độ kế toán hộ kinh doanh từ tỉnh đến huyện, TX, TP trong tỉnh, qua đó tổ chức sơ kết và tổ chức hoạt động của các Ban chỉ đạo trong thời gian qua, rút kinh nghiệm về những mặt còn tồn tại chưa làm được theo yêu cầu chỉ đạo của TW-ĐP, từ đó xây dựng chương trình công tác của năm 2000 tại địa phương mình.
2/ Ban chỉ đạo của tỉnh và các huyện, TX, TP trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp với UBMT Tổ quốc Việt Nam, Ban tuyên giáo, các ngành Tư pháp, VHTT, Đài PTTH địa phương, cơ quan báo chí TW-ĐP trên địa bàn để xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể về công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân làm cho mọi công dân nhận thức hơn nữa để chấp hành các luật thuế mới và thực hiện nghiêm túc chế độ hóa đơn, chứng từ khi mua bán hàng hóa, dịch vụ (kể cả người bán và đối tượng mua).
3/ Giám đốc Sở Tài chính- Vật giá, Cục trưởng Cục thuế tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành và địa phương để hướng dẫn về nghiệp vụ, quy trình quản lý thu nộp thuế, chế độ kế toán thống kê, chế độ hóa đơn chứng từ,....cho tất cả các doanh nghiệp, các đối tượng nộp thuế. Qua đó tổ chức thực hiện dự toán năm 2000 đạt và vượt nhiệm vụ đã giao.
4/ Ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các chủ doanh nghiệp, các hộ SX-KD dịch vụ trong tỉnh vừa phải chấp hành nghiêm túc các quy định về sử dụng chứng từ hóa đơn, SSKT, vừa phải tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại SX-KD, tăng cường công tác quản lý, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nhằm phát triển SX-KD, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trên cơ sở đó phải nộp đầy đủ, kịp thời số thuế phải nộp vào NSNN.
5/ Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, qua đó xác định những mặt được và chưa được trong việc thực hiện chính sách, chế độ, cũng như quá trình thực thi nhiệm vụ công tác thuế, kịp thời xử lý và phản ánh với cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
6/ Chủ tịch UBND các huyện TX, TP trong tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương mình lập kế hoạch cụ thể về đối tượng, thời gian thực hiện trên địa bàn, tiến hành phân loại và quyết định số lượng và giao đến từng đối tượng phải mở sổ sách, chứng từ hoá đơn. Chỉ đạo cho các ngành tài chính, thống kê, thuế có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra đối tượng được quy định về mở sổ sách kế toán. Theo dõi, đôn đốc và xử lý kịp thời, đúng chế độ đối với những đối tượng cố ý vi phạm về chế độ SSKT và chứng từ hóa đơn.
7/ Tiến hành đồng thời với những nội dung nêu trên, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện TX, TP, thủ trưởng các ngành ở tỉnh, giám đốc các doanh nghiệp phải kiểm tra, xử lý và thu (gồm tồn đọng, phát sinh hàng tháng) và nộp kịp thời vào NSNN. Nếu đối tượng nào chây ỳ dây dưa, hoặc chống đối người thi hành công vụ, thì phải kiên quyết xử lý đúng pháp luật hiện hành.
8/ Hàng tháng Ban chỉ đạo các huyện họp, đánh giá kết quả và có kế hoạch biện pháp chỉ đạo tiếp cho những tháng tới. Đồng thời hàng quý, năm có sơ, tổng kết rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chỉ thị này.
Nhận được chỉ thị này, yêu cầu các cấp, các ngành căn cứ vào tình hình cụ thể và nhiệm vụ của mình để xác định nội dung, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh hàng tháng theo định kỳ giao ban của UBND tỉnh, để xem xét và chỉ đạo.
| TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |