Quyết định số 34/2002/QĐ-BCN ngày 28/08/2002 Về giao nộp báo cáo địa chất và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
- Số hiệu văn bản: 34/2002/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 28-08-2002
- Ngày có hiệu lực: 12-09-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-11-2021
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7014 ngày (19 năm 2 tháng 19 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 25-11-2021
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/2002/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ GIAO NỘP BÁO CÁO ĐỊA CHẤT VÀ CUNG CẤP TÀI LIỆU ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về giao nộp báo cáo địa chất và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 127/QĐ-ĐCKS ngày 16 tháng 01 năm 1997 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về giao nộp và cung cấp tài liệu địa chất và khoáng sản. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân được phép tiến hành điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, thăm dò khoáng sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
QUY ĐỊNH
VỀ GIAO NỘP BÁO CÁO ĐỊA CHẤT VÀ CUNG CẤP TÀI LIỆU ĐỊA CHẤT VÀ KHOÁNG SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34./2002/QĐ-BCN ngày 28 tháng 8 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trong Quy định này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tài liệu địa chất và khoáng sản (sau đây gọi tắt là tài liệu) bao gồm báo cáo địa chất và tài liệu nguyên thủy.
a) Báo cáo địa chất hoặc báo cáo kết quả thăm dò (sau đây gọi tắt là báo cáo) là báo cáo thuyết minh trình bày các kết quả thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản hoặc thăm dò khoáng sản theo các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao hoặc theo giấy phép hoạt động khoáng sản được Bộ Công nghiệp cấp;
Tài liệu kèm theo báo cáo là các dạng tài liệu được tổng hợp, xử lý từ các tài liệu nguyên thủy để chứng minh, minh hoạ cho nội dung của báo cáo;
b) Tài liệu nguyên thủy bao gồm tài liệu, số liệu, mẫu vật thu thập tại thực địa, kết quả phân tích, thí nghiệm đối với mẫu địa chất - khoáng sản, có nội dung và hình thức thể hiện phù hợp các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Lưu trữ địa chất
Lưu trữ địa chất đặt tại Viện Thông tin Lưu trữ Bảo tàng Địa chất thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (sau đây gọi tắt là Lưu trữ Địa chất)
Điều 2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức liên doanh có bên nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) được phép tiến hành điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, thăm dò khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thành lập báo cáo và nộp vào Lưu trữ Địa chất theo Quy định này.
Điều 3. Báo cáo và các tài liệu đi kèm nộp vào Lưu trữ Địa chất là tài sản quốc gia, phải được lưu giữ, bảo quản theo quy định của Nhà nước. Tài liệu đã nộp vào Lưu trữ Địa chất và tài liệu được cung cấp từ Lưu trữ Địa chất theo quy định là cơ sở pháp lý để xây dựng các đề án nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, khảo sát, thăm dò khoáng sản, nghiên cứu tiền khả thi, khả thi khai thác khoáng sản và các nhu cầu khác; giải quyết tranh chấp quyền phát hiện khoáng sản và các quyền khác có liên quan.
Điều 4. Nghiêm cấm các hành vi giả mạo tài liệu; lưu giữ, cung cấp, sử dụng và huỷ tài liệu trái phép.
Chương 2:
GIAO NỘP BÁO CÁO ĐỊA CHẤT
Điều 5.Nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân giao nộp báo cáo:
Tổ chức, cá nhân tại Điều 2 của Quy định này phải giao nộp hai bộ báo cáo in trên giấy vào Lưu trữ Địa chất có nội dung phù hợp theo quyết định định phê duyệt báo cáo hoặc theo các quy định ghi trong Giấy phép thăm dò khoáng sản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trường hợp phải dừng thực hiện các đề án địa chất trước thời hạn, các Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi hoặc được trả lại cũng phải giao nộp một bộ báo cáo kết quả các công việc đã thực hiện vào Lưu trữ Địa chất.
Điều 6. Tổ chức, cá nhân giao nộp báo cáo vào Lưu trữ Địa chất có quyền:
1. Được cấp giấy chứng nhận đã giao nộp báo cáo;
2. Được đăng ký vào danh mục các báo cáo đã giao nộp làm cơ sở pháp lý về bản quyền.
Điều 7. Báo cáo địa chất hoặc báo cáo kết quả thăm dò nộp vào Lưu trữ Địa chất gồm:
1. Báo cáo thuyết minh;
2. Các tài liệu kèm theo báo cáo (các phụ lục, bản vẽ).
Điều 8. Báo cáo thuyết minh được in trên giấy phải có:
1. Các văn bản giao nhiệm vụ, quyết định phê duyệt và điều chỉnh đề án hoặc Giấy phép thăm dò khoáng sản và các văn bản xét duyệt báo cáo của các cấp có thẩm quyền kèm theo các chỉ tiêu đánh giá, thăm dò khoáng sản, các nhận xét đánh giá báo cáo, biên bản hội nghị xét duyệt báo cáo, quyết định phê duyệt báo cáo hoặc văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền;
2. Nội dung, chương mục báo cáo theo các quy định hiện hành;
3. Danh mục các tài liệu kèm theo báo cáo;
4. Danh mục các tài liệu nguyên thủy lưu giữ, bảo quản tại đơn vị cơ sở.
5. Phải có chữ ký của tác giả chủ biên, chữ ký của thủ trưởng đơn vị và dấu của đơn vị thành lập báo cáo, chữ ký và dấu của cơ quan chủ quản đơn vị hoặc chủ đầu tư thành lập báo cáo (nếu có). Các phụ lục, các bản vẽ phải có chữ ký và ghi rõ họ tên của người thành lập, thời gian thành lập, người kiểm tra; chữ ký và dấu của thủ trưởng đơn vị thành lập báo cáo.
Điều 9. Các tài liệu kèm theo báo cáo gồm:
1. Các phụ lục, bản vẽ theo danh mục ghi trong báo cáo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Đối với các dạng tài liệu đã được cấp kinh phí Nhà nước để thực hiện tin học hoá phải nộp kèm theo đĩa CD hoặc đĩa mềm hay vật mang tin phù hợp.
Điều 10.
Báo cáo thuyết minh và các tài liệu giao nộp kèm theo phải trình bày rõ ràng, không được tẩy xoá, được đóng thành quyển theo kích thước 19x27 cm. Các bản vẽ được gấp và đặt trong hộp kích thước 21x30 cm.
Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam quy định chi tiết về thể thức, quy cách tài liệu giao nộp vào Lưu trũ Địa chất.
Chương 3:
CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG TÀI LIỆU
Điều 11. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo, sử dụng tài liệu địa chất, khoáng sản được tạo điều kiện tham khảo, cung cấp tài liệu tại Lưu trữ Địa chất theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 12. Nguyên tắc cung cấp tài liệu
1. Phục vụ đúng đối tượng, đúng mục đích;
2. Thuận lợi cho người sử dụng;
3. Nhanh chóng, chính xác;
4. Bảo mật tài liệu theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Các hình thức cung cấp tài liệu
1. Tham khảo gồm đọc, ghi chép bằng tay tại Lưu trữ địa chất;
2. Sao chụp tài liệu bằng hình thức photocopy, chụp ảnh, quay camera, sao chép dữ liệu trên máy tính.
Điều 14.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu tham khảo, cung cấp tài liệu phải có công văn hoặc đơn gửi Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nêu rõ mục đích, danh mục tài liệu và hình thức xin tham khảo, cung cấp tài liệu, đồng thời phải gửi kèm theo các văn bản pháp lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân có công văn hoặc đơn nói trên được tiến hành nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, hoạt động khoáng sản.
Đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược có nhu cầu tham khảo, cung cấp tài liệu phải có công văn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi Bộ Công nghiệp (Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đề nghị cung cấp, tham khảo tài liệu phù hợp với nội, mục đích, nhiệm vụ của đề án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam có trách nhiệm xem xét hồ sơ xin tham khảo, cung cấp tài liệu và căn cứ vào các văn bản pháp lý có liên quan để cho phép cụ thể hình thức, nội dung tham khảo, cung cấp tài liệu tại Lưu trữ Địa chất.
Việc xem xét và cho phép tham khảo, cung cấp tài liệu, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản về bảo mật tài liệu, các quy định của pháp luật khác có liên quan và Quy định này
Điều 15. Phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả khảo sát, thăm dò khoáng sản của Nhà nước được thực hiện theo Thông tư liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp số 46/2002/TTLT-BTC-BCN ngày 21 tháng 5 năm 2002
Điều 16.
1. Lưu trữ Địa chất có trách nhiệm giữ gìn bí mật Nhà nước về tài liệu. Việc cho cho phép tham khảo, cung cấp tài liệu phải thực hiện theo đúng Quy định này và theo các quy định pháp luật khác có liên quan;
2. Tổ chức, cá nhân được phép tham khảo, cung cấp tài liệu phải bảo quản và sử dụng tài liệu đúng mục đích, theo quy định của pháp luật.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên việc giao nộp, bảo quản, tham khảo, cung cấp tài liệu báo cáo tại Lưu trữ Địa chất, quyết định việc phục chế tài liệu bị hư hỏng trong quá trình lưu trữ.
Điều 18.
Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý theo các hình thức: xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.