cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 59/2002/QĐ-UB ngày 26/08/2002 Phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ giai đoạn 2002-2010 của tỉnh Quảng Bình (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 59/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 26-08-2002
  • Ngày có hiệu lực: 26-08-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-09-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3313 ngày (9 năm 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-09-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-09-2011, Quyết định số 59/2002/QĐ-UB ngày 26/08/2002 Phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ giai đoạn 2002-2010 của tỉnh Quảng Bình (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 21/09/2011 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Ngư nghiệp, Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/8/2011 đã hết hiệu lực”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/2002/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 26 tháng 8 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CƯA XẺ GỖ GIAI ĐOẠN 2002 - 2010 CỦA TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày;

- Căn cứ Văn bản số 896 BNN/CBNLS ngày 20/3/2000 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc thực hiện Quyết định số 19/2000/TTg;

- Xét nội dung đề án “Quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ giai đoạn 2002 - 2010 tỉnh Quảng Bình”; Công văn số 561/SNN ngày 09/7/2002 của Sở Nông nghiệp và PTNT và Công văn số 613/KH-ĐT ngày 17/7/2002 của Sở Kế hoạch - Đầu tư về việc phê duyệt đề án quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt đề án “Quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2002 - 2010” với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu quy hoạch:

- Tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng đồng thời với việc tăng cường và làm tốt công tác QLBVR, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép.

- Tạo cơ sở pháp lý nhằm khuyến khích các cơ sở cưa xẻ gỗ tăng cường đầu tư, đổi mới thiết bị, quy trình công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của mặt hàng trên thị trường.

- Tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, tạo thị trường tiêu thụ nguyên liệu ổn định cho người trồng rừng.

- Tăng cường có hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành đối với hoạt động kinh doanh lâm sản gắn với bảo vệ và phát triển rừng trên từng địa bàn huyện, thị xã, xã, phường và thị trấn.

2. Nguyên tắc quy hoạch:

- Đối tượng thuộc diện quy hoạch là các cơ sở chế biến gỗ có xẻ phá nguyên liệu gỗ tròn để sản xuất các mặt hàng theo định hướng quy hoạch nhằm mục đích kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên và rừng trồng trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở chế biến gõ rừng trồng và các cơ sở đã được UBND tỉnh bố trí quy hoạch trong các quyết định trước đây.

- Tổng công suất nguyên liệu đưa vào chế biến của các cơ sở trên cùng một địa bàn không vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu hiện có của từng địa phương.

- Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về công tác QLBVR trước pháp luật và UBND tỉnh khi đề xuất cấp giấy phép kinh doanh cụ thể cho các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn.

- Không quy hoạch các cơ sở cưa xẻ gỗ đơn thuần mà phải có phương án sản xuất liên hoàn cưa xẻ đi đôi với sản xuất hàng mộc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ, ưu tiên phát triển các cơ sở sản xuất hàng mộc phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Có sự phối hợp giữa các cơ sở chế biến gỗ trong và ngoài quốc doanh nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thị trường về sản phẩm gỗ trên địa bàn.

3. Tiêu chí xét chọn quy hoạch:

- Phải có đủ nguồn nguyên liệu hợp pháp cung cấp cho hoạt động SXKD của cơ sở.

- Có phương án SXKD phù hợp với các nguyên tắc quy hoạch và định hướng sản phẩm được chế biến.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường.

- Hệ thống máy móc, thiết bị phải tương xứng phù hợp với mục tiêu sản xuất kinh doanh và định hướng sản xuất chế biến.

4. Số lượng cơ sở và địa bàn bố trí quy hoạch:

- Giai đoạn 2002 - 2010 trên phạm vi toàn tỉnh quy hoạch 57 cơ sở.

- Chi tiết số lượng, địa điểm các cơ sở quy hoạch theo phụ lục 1 đính kèm quyết định này.

Điều 2: Phân công và quy định trách nhiệm cụ thể của các ngành, các cấp trong việc thực hiện quy hoạch mạng lưới chế biến gỗ của tỉnh theo phụ lục 2 kèm theo Quyết định này.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Chủ tịch Hội đồng liên minh HTX, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan và các cơ sở cưa xẻ gỗ có trách nhiệm thực hiện quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường vụ T.U; (B/cáo)
- Thường trực HĐND; (B/cáo)
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Lưu NN,VT.

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Xuân Thu

 

PHỤ LỤC 1

BỐ TRÍ QUY HOẠCH CÁC CƠ SỞ CƯA XẺ GỖ GIAI ĐOẠN 2002 - 2010 TỈNH QUẢNG BÌNH
(Kèm theo Quyết định số 59/2002/QĐ-UB ngày 26/8/2002 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Tổng số cơ sở cưa xẻ gỗ quy hoạch giai đoạn 2002-2010 của toàn tỉnh là 57cơ sở với tổng công suất tiêu thụ nguyên liệu gỗ tròn các loại là 33.000 m3/ năm.

Chỉ tiêu số lượng và địa điểm các cơ sở được quy hoạch theo đơn vị, địa phương như sau:

1. CÔNG TY LCN LONG ĐẠI:

Bố trí quy hoạch 5 Xí nghiệp cưa xẻ và chế biến gỗ tại địa bàn 3 huyện, thị xã sau đây:

1. Xí nghiệp chế biến gỗ Nam Long (Quảng Ninh)

2. Xí nghiệp chế biến kinh doanh lâm sản Đồng Hới

Có 2 cơ sở, gồm Ba Đồn (Quảng Trạch) 1 cơ sở và Đồng Hới 1 cơ sở

3. Xí nghiệp Vật tư kinh doanh lâm sản (Đồng Hới).

4. Xí nghiệp chế biến gỗ Đồng Hới

5. Xí nghiệp sản xuất dịch vụ lâm sản (Đồng Hới).

2. CÔNG TY LCN BẮC QUẢNG BÌNH:

Bố trí quy hoạch 4 Xí nghiệp cưa xẻ và chế biến gỗ tại địa bàn 4 huyện sau:

1. Xí nghiệp chế biến gỗ Ba Đồn (Quảng Trạch)

2. Xí nghiệp chế biến lâm sản kinh doanh tổng hợp Đồng Hới

3. Xí nghiệp khai thác chế biến lâm sản (Bố Trạch).

4. Xưởng chế biến gỗ lâm trường Minh Hoá (huyện Minh Hoá)

3. HUYỆN QUẢNG TRẠCH:

Bố trí quy hoạch 10 cơ sở cưa xẻ tại địa bàn 8 xã và thị trấn sau đây:

1. Thị trấn Ba Đồn          01 cơ sở;          6. Xã Quảng Hòa            01 cơ sở

2. Xã Quảng Phú            01 cơ sở;          7. Xã Quảng Phong        01 cơ sở

3. Xã Quảng Minh          01 cơ sở;          8. Xã Quảng Lưu            01 cơ sở

4. Xã Quảng Trung         01 cơ sở;          9. Xã Quảng Thọ            01 cơ sở

5. Xã Quảng Văn            01 cơ sở;          10. Xã Quảng Thạch       01 cơ sở

4. HUYỆN BỐ TRẠCH:

Bố trí quy hoạch 17 cơ sở cưa xẻ tại địa bàn 15 xã và thị trấn sau đây:

1. Thị trấn Hoàn Lão        02 cơ sở;         9. Xã Tây Trạch                        01 cơ sở

2. Xã Lý Trạch                 01 cơ sở;         10. Xã Trung Trạch                    01 cơ sở

3. Xã Vạn Trạch              01 cơ sở;         11. Xã Đại Trạch                       01 cơ sở

4. Xã Hoàn Trạch             01 cơ sở;         12. Xã Phú Trạch                      01 cơ sở

5. Xã Nam Trạch             01 cơ sở;         13. Xã Đồng Trạch                    01 cơ sở

6. Xã Nhân Trạch             01 cơ sở;         14. Xã Thanh Trạch                   02 cơ sở

7. Xã Phú Định                01 cơ sở;         15. T.trấn NT Việt Trung            01 cơ sở

8. Xã Đức Trạch              01 cơ sở;

5. HUYỆN TUYÊN HÓA:

Bố trí quy hoạch 6 cơ sở cưa xẻ tại địa bàn 5 xã và thị trấn sau đây:

1. Xã Mai Hoá               01 cơ sở;         4. Xã Cao Quảng             01 cơ sở

2. Xã Châu Hoá             01 cơ sở          5. Xã Đức Hóa                01 cơ sở

3. Thị trấn Đồng Lê        02 cơ sở.

6. HUYỆN LỆ THỦY:

Bố trí quy hoạch 6 cơ sở cưa xẻ tại địa bàn 5 xã và thị trấn sau đây:

1. Xã Sơn Thủy             02 cơ sở            4. Xã Văn Thủy             01 cơ sở

2. Xã Xuân Thủy            01 cơ sở            5. Xã Liên Thủy             01 cơ sở

3. Xã Phú Thủy             01 cơ sở

7. THỊ XÃ ĐỒNG HỚI:

Bố trí quy hoạch 8 cơ sở cưa xẻ tại địa bàn 7 xã, phường sau đây:

1. Phường Hải Đình                    01 cơ sở;         5. Xã Đức Ninh                01 cơ sở

2. Phường Bắc Lý                      02 cơ sở;         6. Xã Thuận Đức             01 cơ sở

3. Phường Nam Lý                     01 cơ sở          7. Xã Nghĩa Ninh              01 cơ sở

4. Phường Đồng Sơn                  01 cơ sở

8. HUYỆN QUẢNG NINH:

Ngoài Xí nghiệp chế biến gỗ Nam Long trực thuộc Công ty LCN Long Đại đã được quy hoạch, bố trí thêm 01 xưởng của Xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Nhật Lệ

9. HUYỆN MINH HÓA:

UBND huyện chưa có phương án quy hoạch hệ thống các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn của huyện. Trong đề án này có bố trí 1 cơ sở cưa xẻ gỗ của Công ty LCN Bắc Quảng Bình để đáp ứng nhu cầu cho địa bàn.

Tổng số 57 cơ sở cưa xẻ gỗ, trong đó:

Quốc doanh:                 10 cơ sở

Ngoài quốc doanh:        47 cơ sở.

 

PHỤ LỤC 2

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
(Kèm theo Quyết định số 59/2002/QĐ-UB ngày 26/8/2002 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Để giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cưa xẻ gỗ giai đoạn 2002 - 2010, UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể của địa phương, Ban, ngành và các đơn vị, cơ sở liên quan trên địa bàn tỉnh như sau:

1. UBND CÁC HUYỆN, THỊ:

Chủ tịch UBND các huyện, thị phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng của địa phương gắn với trách nhiệm quản lý hệ thống cưa xẻ gỗ tư nhân trên địa bàn, tổ chức hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, kiểm tra giám sát các cơ sở cưa xẻ, không được lợi dụng việc được quy hoạch để chế biến và tiêu thụ gỗ rừng tự nhiên trái phép dưới bất kỳ hình thức nào.

Căn cứ nội dung và số lượng các cơ sở CXG được quy hoạch trong đề án, UBND các huyện, thị xã căn cứ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định để xét duyệt các cơ sở cụ thể trình cơ quan thẩm quyền cấp phép đăng ký kinh doanh, đồng thời gửi danh sách xét duyệt về Sở Nông nghiệp và PTNT để kiểm tra, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Việc xét duyệt phải phù hợp với nguyên tắc và điều kiện quy hoạch, không bố trí sắp xếp tràn lan vượt quá số lượng cơ sở, sai địa bàn quy hoạch đã được bố trí và những nơi không đảm bảo năng lực cung ứng nguyên liệu hiện có.

Quá trình tổ chức sản xuất, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chế biến gỗ thực hiện nghiêm túc phương án SXKD đã đề ra và quy định của pháp luật. Phải có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm.

Định kỳ 6 tháng 1 lần, UBND các huyện, thị xã và lãnh đạo các Công ty Lâm công nghiệp phải có báo cáo kết quả kiểm tra, theo dõi giám sát quá trình thực hiện của các cơ sở được quy hoạch thuộc quyền quản lý gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để Sở giúp UBND tỉnh hổng hợp, theo dõi và kiểm tra quá trình thực hiện.

2. SỞ KHCN VÀ MÔI TRƯỜNG:

Có trách nhiệm kiểm tra đánh giá các yếu tố liên quan đến môi trường và công nghệ của các cơ sở chế biến gỗ theo quy định của Pháp luật. Đồng thời, có đề nghị với các ngành liên quan thu hồi đăng ký kinh doanh nếu cơ sở cưa xẻ, chế biến cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

3. SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT:

Tiếp nhận danh sách quy hoạch cụ thể của các huyện, thị xã và Công ty, đơn vị để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Phối hợp với Chi cục kiểm lâm, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở cưa xẻ gỗ theo chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành. Đồng thời căn cứ kết quả kiểm tra để đề xuất UBND tỉnh biện pháp quản lý kể cả trường hợp đề nghị thu hồi quyết định quy hoạch hoặc đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế hoạt động và chấp hành pháp luật của các cơ sở và công tác quản lý bảo vệ rừng trên từng địa bàn, yêu cầu về quản lý Nhà nước và nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến gỗ và các điều kiện kinh tế - xã hội khác để tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh tăng giảm số lượng các cơ sở quy hoạch trên toàn bộ địa bàn tỉnh phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

4. SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ:

Căn cứ quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh và kết quả xét duyệt cụ thể danh sách các cơ sở của các địa phương theo quy hoạch của đề án để làm thủ tục cấp phép đăng ký kinh doanh và thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở theo quy định khi có đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT hoặc các ngành có chức năng.

5. CHI CỤC KIỂM LÂM:

Chi cục kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguyên liệu đưa vào chế biến của các cơ sở, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở lưu thông sản phẩm thuận lợi phù hợp quy định của Pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm thì phải thông báo cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch - Đầu tư để có biện pháp đề xuất xử lý thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

Ngoài việc kiểm tra thường xuyên theo chức năng, Chi cục kiểm lâm chịu trách nhiệm chủ trì cùng với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra đột xuất tình hình chấp hành pháp luật và quy định về cưa xẻ, chế biến gỗ của các cơ sở để có đề xuất hướng phát triển và biện pháp quản lý hiệu quả.

6. HỘI ĐỒNG LIÊN MINH HTX CÁC NGÀNH CÓ LIÊN QUAN:

Hội đồng liên minh HTX và các ngành có liên quan, các cơ quan chủ quản cơ sở cưa xẻ gỗ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở cưa xẻ gỗ thuộc tổ chức hoặc quyền quản lý thực hiện đúng quy định của pháp luật.

7. CÁC CƠ SỞ CƯA XẺ GỖ:

Các cơ sở cưa xẻ gỗ có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, chế biến và lưu thông lâm sản, về môi trường vá các quy định khác có liên quan, đồng thời trong quá trình hoạt động phải chịu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng.

Nghiêm cấm cưa xẻ, chế biến, mua bán, tàng trữ gỗ rừng tự nhiên không có nguồn gốc rõ ràng dưới bất kỳ hình thức nào. Các cơ sở cưa xẻ gỗ nếu bị các cơ quan chức năng phát hiện xử lý vi phạm mà còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị đình chỉ hoạt động, bị xoá tên khỏi danh sách quy hoạch.