Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18/06/2002 Về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 27/2002/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 18-06-2002
- Ngày có hiệu lực: 03-07-2002
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 14-03-2003
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-10-2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1565 ngày (4 năm 3 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-10-2006
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2002/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 27/2002/QĐ-BCN NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM 2002 CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp.
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 08 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hànhkèm theo Quyết định này Quy định điều kiện trình tự, và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Hoàng Trung Hải (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN)ngày 18 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghíệp)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều1. Điện năng là hàng hoá đặc biệt. Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động điện lực và sử dụng điện trong phạm vi cả nước bằng pháp luật, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển điện lực. Sản xuất kinh doanh điện là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tổ chức, cá nhân chỉ được phép hoạt động điện lực trong những lĩnh vực quy định tại Điều 2 dưới đây khi có giấy phép hoạt động điện lực và phải duy trì các điều kiện đã đăng ký trong suốt thời gian hoạt động.
Điều 2. Quy định này hướng dẫn điều kiện, trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với những lĩnh vực hoạt động điện lực dưới đây, trừ các lĩnh vực quy định tại Điều 3 của Quy định này:
1. Tư vấn quy hoạch: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông.
2. Tư vấn đầu tư xây dựng điện: Lập dự án dầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo đầu tư), thiết kế (thiết kế kỹ thuật, thiết kế kỹ thuật thi công - tổng dự toán), Đấu thầu (lập hồ sơ mời thầu tổ chức đấu thầu. xét thầu) giám sát thi công.
3. Sản xuất điện.
4. Truyền tải điện.
5. Phân phối và kinh doanh điện.
Điều 3. Những lĩnh vực sau đây không cần phải có giấy phép hoạt động điện lực:
1. Tư vấn thẩm định và phản biện các dự án điện.
2. Tư vấn quy hoạch phát triển điện lực quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
3. Sản xuất điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
4. Sản xuất điện có công suất lắp dặt dưới 50 kW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
5. Hộ kinh doanh cá thể, đăng ký kinh doanh điện nông thôn quy mô nhỏ (tổng dung lượng máy biến áp từ 50 kVA trở xuống), mua điện từ lưới điện quốc gia và bán điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn.
6. Xây lắp điện.
Điều 4. Cơ quan có thẩm quyền cấp một giấy phép hoạt động một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động điện lực.
Điều 5. Giấy phép hoạt động điện lực được cấp có thời hạn hoặc không có thời hạn căn cứ vào lĩnh vực, phạm vi hoạt động, loại công trình điện, thời hạn đăng ký, năng lực, trình độ chuyên môn của đơn vị hoạt động điện lực. Giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn được gia hạn nếu đáp ứng các điều kiện quy định.
Điều 6. Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch điện, tư vấn đầu tư xây dựng điện, tư vấn giám sát thi công công trình điện có giá trị sử dụng trong phạm vi cả nước.
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện được cấp cho từng nhà máy điện cụ thể.
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực truyền tải điện được cấp cho lưới điện truyền tải khu vực, theo phạm vi quản lý lưới điện truyền tải.
Giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối kinh doanh điện được cấp cho lưới điện phân phối có phạm vi địa lý cụ thể.
Điều 7. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực phải nộp đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí cấp giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Chương III của Quy định này.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Điều 8. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép hoạt động điện lực phải đáp ứng các điều kiện chung sau:
1. Là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh (hoặc đăng ký hoạt động tư vấn khoa học công nghệ), được thành lập và hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật, gồm:
a. Doanh nghiệp nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước.
b. Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
c. Doanh nghiệp có vốn đâu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
d. Hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
đ. Hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh hoạt động điện lực theo Nghị định 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
e. Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành của pháp luật.
3. Có năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu đối với lĩnh vực hoạt động điện lực đăng ký.
4. Có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân viên tham gia hoạt động điện lực được đào tạo đảm bảo yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động điện lực đăng ký.
Điều 9. Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn quy hoạch, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với tư vấn quy hoạch phát triển điện lực quốc gia:
a. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về quy hoạch các dạng năng lượng sơ cấp, quy hoạch nguồn và lưới điện, dự báo nhu cầu, nghiên cứu phân tích thị trường tiêu thụ, tính toán phân tích quy hoạch tối ưu hệ thống điện, phân tích kỹ thuật, kinh tế - tài chính dự án.
b. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về các loại nhà máy điện, hệ thống điện, kinh tế - tài chính và môi trường. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính của tổ chức tư vấn phải có kinh nghiệm công tác ít nhất bảy năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia lập ít nhất một quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
c. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết đáp ứng yêu cầu của việc lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
2. Đối với tư vấn quy hoạch phát triển điện lực tỉnh:
a. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về quy hoạch phát triển nguồn và lưới điện nghiên cứu và dự báo phụ tải, tính toán phân tích tối ưu lưới điện phân phối, phân tích kinh tế - tài chính.
b. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm về dự báo phụ tải, kết cấu và chế độ vận hành nguồn và lưới điện, phân tích kinh tế - tài chính dự án. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có kinh nghiệm công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia lập ít nhất một quy hoạch điện lực tỉnh.
c. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
3. Đối với tư vấn quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông:
a. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành thuỷ điện, có năng lực chuyên môn về thuỷ công, thuỷ văn, thuỷ năng, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện và các lĩnh vực khác có liên quan đến việc lập quy hoạch bậc thang thuỷ điện.
b. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực thuỷ văn, thuỷ công, thuỷ điện, xây dựng thuỷ điện. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính của tổ chức tư vấn phải có kinh nghiệm công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tư vấn và phải đã tham gia lập ít nhất một quy hoạch bậc thang thuỷ điện.
c. Có các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho lập quy hoạch bậc thang thuỷ điện.
Điều 10. Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn đầu tư xây dựng điện, tuỳ theo trình độ năng lực chuyên môn có thể đăng ký hoạt động trong một hoặc nhiều phạm vi chuyên môn (lập dự án đầu tư, thiết kế, đấu thầu), cho một hoặc nhiều loại công trình điện (nhà máy điện, đường dây và trạm), ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với công trình nhà máy điện:
a. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công nghệ và công trình các nhà máy điện, phân tích kỹ thuật, kinh tế - tài chính dự án, đánh giá tác động môi trường.
b. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực lò hơi, tua bin, máy phát điện, thiết bị điện, xử lý nước, điều khiển tự động, thuỷ công, thuỷ văn, thuỷ năng, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện và các lĩnh vực có liên quan đến các loại nhà máy điện. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia tư vấn ít nhất một dự án nhà máy điện.
c. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình nhà máy nhiệt điện, nhà máy thuỷ điện.
2. Đối với công trình đường dây và trạm biến áp:
a. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về thiết kế công trình, thiết bị đường dây và trạm, bảo vệ rơ le, điều khiển tự động, đánh giá tác động môi trường, phân tích kinh tế - tài chính dự án cho các công trình đường dây và trạm với cấp điện áp phù hợp.
b. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực cơ lý đường dây, thiết bị điện, điều khiển tự động, bảo vệ rơ le, kết cấu xây dựng. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia thực hiện ít nhất một dự án đường dây và trạm với cấp điện áp tương đương.
c. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng cần thiết cho việc tư vấn đầu tư xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp.
Điều 11. Tổ chức đăng ký hoạt động tư vấn giám sát thi công công trình điện, tuỳ theo trình độ năng lực chuyên môn, có thể đăng ký hoạt động cho một hoặc nhiều loại công trình điện (nhà máy điện, đường dây và trạm với các cấp điện áp khác nhau), ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là tổ chức tư vấn chuyên ngành, có năng lực chuyên môn về công trình nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện, công trình thiết bị đường dây và trạm với cấp điện áp phù hợp.
2. Có đội ngũ chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm trong các lĩnh vực lò hơi, tua bin, máy phát điện, thiết bị điện, xử lý nước, điều khiển tự động, thuỷ công, thuỷ văn, địa chất công trình, xây dựng thuỷ điện, cơ lý đường dây, thiết bị điện, điều khiển tự động, bảo vệ rơ le, kết cấu xây dựng. Chuyên gia chủ trì các lĩnh vực chuyên môn chính phải có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác ít nhất 5 năm trong lĩnh vực tư vấn và đã tham gia giám sát thi công ít nhất một công trình điện cùng loại.
3. Có trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết cho việc giám sát thi công các công trình nhà máy điện hoặc đường dây và trạm với cấp điện áp tương ứng.
Điều 12. Tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật dược duyệt, được xây dựng, lắp đặt kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật hiện hành.
2. Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc người trực tiếp quản lý kỹ thuật, sản xuất phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện hoặc kỹ thuật phù hợp và có thời gian làm việc trong lĩnh vực sản xuất điện ít nhất 5 năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy trình an toàn.
Điều 13. Tổ chức đăng ký hoạt động truyền tải điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị, công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt, được xây dựng, lắp đặt, kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy phạm hiện hành đáp ứng được các yêu cầu của công tác bảo dưỡng, sửa chữa kiểm tra các tuyến đường dây tải điện, các trạm biến áp, trạm cắt, trạm bù trong hệ thống truyền tải điện.
2. Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện và có kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền tải điện ít nhất 5 năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo và kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn.
Điều 14. Tổ chức cá nhân đăng ký hoạt động phân phối và kinh doanh điện, ngoài các điều kiện quy định tại Điều 8 còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Có trang thiết bị công nghệ, phương tiện phục vụ, nhà xưởng, công trình kiến trúc được xây dựng, lắp đặt kiểm tra nghiệm thu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt và quy phạm hiện hành đáp ứng các yêu cầu của công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện phân phối, các trạm biến áp và các thiết bị đồng bộ kèm theo.
2. Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc người trực tiếp quản lý kỹ thuật, sản xuất phải có bằng trung cấp chuyên ngành điện trở lên và có thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối và kinh doanh điện ít nhất 5 năm. Đội ngũ công nhân trực tiếp vận hành phải được đào tạo chuyên ngành và được kiểm tra quy trình vận hành và quy định an toàn theo ngạch bậc quy định. Đối với hộ cá thể kinh doanh điện nông thôn, phải có đội ngũ thợ điện nông thôn được đào tạo chuyên ngành điện, có giấy chứng nhận tốt nghiệp do cơ sở dậy nghề có thẩm quyền cấp, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn. Thợ điện nông thôn phải được huấn luyện và sát hạch về an toàn điện hàng năm và được cấp thẻ an toàn làm việc trong lưới điện nông thôn.
Chương 3:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Điều 15. Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định như sau:
1. Bộ Công nghiệp cấp giấy phép hoạt động điện lực cho:
a. Các tổ chức tư vấn lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, Quy hoạch bậc thang thuỷ điện các dòng sông.
b. Các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng điện, hoạt động trong một hoặc nhiều lĩnh vực như: Lập dự án đầu tư, thiết kế, đấu thầu, cho một hoặc nhiều loại công trình điện như: nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp theo các cấp điện áp.
c. Các tổ chức tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy điện, công trình đường dây và trạm biến áp theo các cấp điện áp.
d. Các nhà máy điện do Tổng công ty Điện lực Việt Nam trực tiếp quản lý và các nhà máy điện do các tổ chức, cá nhân khác quản lý có công suất lắp đặt trên 10.000 kW.
đ. Các Công ty truyền tải điện thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
e. Các Công ty Điện lực, Điện lực tỉnh thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác quản lý và vận hành lưới điện phân phối có điện áp từ 110 kV trở xuống hoạt động trên phạm vi địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.
g. Các tổ chức hoạt động xuất, nhập khẩu điện.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp hoặc ủy quyền cho Sở Công nghiệp cấp giấy phép hoạt động điện lực cho:
a. Tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 35 kV trở xuống, đăng ký kinh doanh tại địa phương.
b. Tổ chức tư vấn giám sát thi công các công trình đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 35 kV trở xuống, đăng ký kinh doanh tại địa phương.
c. Tổ chức, cá nhân quản lý vận hành các nhà máy điện, trạm phát điện, sản xuất điện để kinh doanh bán điện có công suất lắp đặt từ 50 kW đến 10.000 kW đặt tại địa phương.
d. Tổ chức quản lý và vận hành lưới điện phân phối có điện áp từ 35 kV trở xuống hoạt động tại địa phương.
đ. Tổ chức, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh điện nông thôn tại tỉnh, hoạt động tại địa phương.
Điều 16. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có nghĩa vụ và quyền hạn sau:
1. Tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép. Hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực thực hiện đúng nội dung, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép tại Quy định này.
2. Cấp, bổ sung hoặc gia hạn giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn quy đinh tại Điều 19 Quy định này. Trường hợp không cấp giấy phép, phải thông báo lý do và trả hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn giấy phép.
3. Giải quyết các khiếu nại về giấy phép hoạt động điện lực theo thẩm quyền.
4. Kiểm tra việc sử dụng giấy phép và các điều kiện đã đăng ký trong hồ sơ cấp giấy phép hoạt động điện lực.
5. Cảnh cáo, đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
6. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 22 Quy định này.
Điều 17. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực có nghĩa vụ và quyền hạn sau:
1. Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép.
2. Đề nghị gia hạn, bổ sung lĩnh vực và nội dung hoạt động điện lực khi có đủ điều kiện.
3. Duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký trong suốt thời gian hoạt động.
4. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép, chậm nhất 60 ngày trước khi ngừng hoạt động điện lực.
5. Không được sửa chữa nội dung, chuyển nhượng hoặc cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép.
6. Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và các điều kiện hoạt động đã đăng ký.
7. Đề nghị bổ sung khi thay đổi lĩnh vực và nội dung hoạt động điện lực.
8. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép về hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép, những khó khăn và kiến nghị, trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:
1. Đối với tổ chức tư vấn:
a. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).
b. Bản sao hợp lệ đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
c. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chủ trì các lĩnh vực tư vấn chính (theo Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này), kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp.
d. Danh sách các dự án tương tự mà tổ chức tư vấn đã thực hiện hoặc các chuyên gia chính của tổ chức tư vấn đã chủ trì, tham gia thực hiện trong thời gian 5 năm gần nhất.
đ. Danh mục trang thiết bị, phương tiện, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn.
e. Báo cáo tài chính ba năm gần nhất (đối với tổ chức đang hoạt động).
2. Đối với tổ chức sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện:
a. Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực (theo Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này);
b. Bản sao hợp lệ đăng ký kinh doanh kèm theo sơ đồ tổ chức, danh sách các đơn vị, chi nhánh trực thuộc.
c. Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý như Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp, các chuyên gia chính trong lĩnh vực đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, người trực tiếp quản lý kỹ thuật hợp tác xã kinh doanh điện (theo Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này) kèm theo bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.
d. Danh mục các hạng mục công trình điện chính do tổ chức đang quản lý vận hành hoặc chuẩn bị tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
đ. Báo cáo tài chính năm gần nhất trước khi nộp đơn đăng ký cấp giấy phép (đối với tổ chức đang hoạt động).
e. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đảm bảo đủ điều kiện đối với các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
g. Đối với tổ chức mới thành lập để quản lý các công trình điện sắp đưa vào vận hành cần phải có các văn bản sau:
- Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình điện được cấp có thẩm quyền duyệt; Bản sao biên bản thí nghiệm, nghiệm thu công trình điện trước khi vào vận hành.
h. Bản sao hợp lệ văn bản xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền cấp.
Điều 19. Trình tự và thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực nộp tại cơ quan cấp giấy phép ba bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 18 của Quy định này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
2. Cơ quan cấp giấy phép có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, phát hành giấy hẹn cấp giấy phép nếu hồ sơ đã hợp lệ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải hướng dẫn tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép bổ sung hồ sơ.
3. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép phải tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép.
4. Giấy phép hoạt động điện lực được làm thành ba bản chính, một bản giao cho tổ chức, cá nhân được cấp, hai bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép.
Điều 20. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực phải nộp lệ phí cấp giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính cho cơ quan cấp giấy phép.
Cơ quan cấp giấy phép được phép sử dụng một phần lệ phí cấp giấy phép để phục vụ cho công tác thẩm định, quản lý hồ sơ cấp phép, kiểm tra và xử lý các vi phạm. Việc thu nộp và sử dụng lệ phí cấp giấy phép theo quy định của Bộ Tài chính.
Chương 4:
KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21
1. Cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng giấy phép hoạt động điện lực được cấp; nếu phát hiện có vi phạm thì lập biên bản và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Công nghiệp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này trong phạm vi cả nước; giải quyết các vướng mắc và sửa đổi, bổ sung Quy định này khi cần thiết.
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này trong phạm vi quản lý hành chính của mình; giải quyết các vướng mắc và kiến nghị Bộ Công nghiệp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
Điều 22
1. Các hành vi sau đây bị coi là vi phạm quy định sử dụng giấy phép hoạt động điện lực:
a. Hoạt động điện lực không đúng nội dung ghi trong giấy phép (đối với các hoạt động điện lực yêu cầu phải có giấy phép).
b. Không đảm bảo duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký.
c. Ngừng hoạt động điện lực quá ba tháng mà không báo cáo với cơ quan cấp giấy phép.
d. Hoạt động điện lực khi đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
2. Tuỳ theo mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có thể bị xử lý bằng một trong những hình thức sau: cảnh cáo, đình chỉ hoạt động điện lực hoặc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực và thông báo cho các cơ quan có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Người có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực, nếu vi phạm Quy định này hoặc các quy định hiện hành có liên quan của pháp luật thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp làm thiệt hại vật chất phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 23
1. Trong thời hạn một năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân đang hoạt động điện lực trong những lĩnh vực phải có giấy phép quy định tại Điều 2 của Quy định này, nếu tiếp tục hoạt động phải đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực và nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan cấp giấy phép. Trong thời gian chờ cấp giấy phép, tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi cơ quan cấp giấy phép có văn bản cấp hoặc từ chối cấp giấy phép hoạt động điện lực.
2. Trong thời hạn hai năm kể từ ngày Quy định này có hiệu lực, tổ chức quản lý điện nông thôn chưa đáp ứng các quy định tại chương II của Quy định này, nếu tiếp tục kinh doanh điện nông thôn phải tiến hành chuyển đổi, thành lập lại theo một trong các hình thức quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 8 Quy định này. ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Công nghiệp phối hợp với Điện lực tỉnh hướng đẫn và kiểm tra việc thực hiện. Trong thời hạn sáu tháng trước khi hết hạn chuyển đổi, nếu tổ chức nào không thực hiện chuyển đổi Sở Công nghiệp kiến nghị ủy ban nhân dân tỉnh giao cho tổ chức khác thay thế.
Điều 24
1. Vụ Kế hoạch và Đầu tư thuộc Bộ Công nghiệp là cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cho các loại giấy phép do Bộ Công nghiệp cấp.
2. Sở Công nghiệp là cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực cho các loại giấy phép do ủy ban nhân dân tỉnh cấp.
3. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân, Bộ Công nghiệp gửi bản sao Giấy phép hoạt động điện lực đến Sở Công nghiệp nơi tổ chức, cá nhân đặt trụ sở chính. Trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày cấp giấy phép hoạt động điện lực cho tổ chức, cá nhân, Sở Công nghiệp gửi bản sao Giấy phép hoạt động điện lực về Bộ Công nghiệp.
4. Định kỳ hàng năm, trước ngày 30 tháng 11, Sở Công nghiệp báo cáo Bộ Công nghiệp về tình hình cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực tại địa phương.
PHỤ LỤC 1
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...ngày... tháng... năm 200...
ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Kính gửi: Bộ Công nghiệp/Uỷ ban nhân dân tỉnh...
Họ và tên người đề nghị:
Chức danh: (Giám đốc, chủ doanh nghiệp):
Tên doanh nghiệp:
Có trụ sở đăng ký tại: Tel:................. Fax:............
Thành lập theo giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số.... ngày...
Ngành nghề kinh doanh hiện tại:
Đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực cho những lĩnh vực hoạt động và phạm vi hoạt động sau đây:
-
- Các hồ sơ kèm theo:
-
Đề nghị Bộ Công nghiệp/Uỷ ban nhân dân tỉnh...... cấp giấy phép hoạt động điện lực cho ..... Khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực, doanh nghiệp xin cam đoan hoạt động đúng lĩnh vực và phạm vi được cấp, đồng thời tuân thủ các quy định về giấy phép hoạt động điện lực.
.....ngày.... tháng.... năm.....
Đại diện theo luật pháp của đơn vị
PHỤ LỤC 2
DANH SÁCH TRÍCH NGANG CÁC CÁN BỘ QUẢN LÝ, CHUYÊN GIA CHÍNH
(Cho hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh điện)
Số TT | Họ và tên | Ngày tháng năm sinh | Quê quán | Chức vụ | Trình độ chuyên môn | Thâm niên công tác (năm) | Số dự án hoặc công trình đã tham gia | Ghi chú |
I | Cán bộ quản lý | |||||||
1. 2... |
|
|
|
|
|
|
|
|
II | Chuyên gia chính | |||||||
1. 2... |
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC 3
THỜI HẠN CỦA GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
(Kèm theo Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 18 tháng 6 năm 2002)
TT | Lĩnh vực và phạm vi hoạt động điện lực | Thời hạn của giấy phép | Ghi chú |
1 | Tư vấn quy hoạch a. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia b. Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố c. Quy hoạch bậc thang thuỷ điện | Không thời hạn | Nếu thay đổi tổ chức sẽ kiểm tra để thu hồi, gia hạn hoặc cấp mới |
2 | Tư vấn đầu tư xây dựng điện: 2.1. Tư vấn đầu tư xây dựng các nhà máy điện (một hoặc nhiều phạm vi chuyên môn tư vấn) 2.2. Tư vấn đầu tư xây dựng đường dây và trạm (một hoặc nhiều phạm vi chuyên môn tư vấn) với cấp điện áp a) Đến 500 KV b) Đến 220 KV c) Đến 11 KV d) Đến 35 KV | 10 năm 10 năm 10 năm 10 năm 5 năm | nt |
3 | Tư vấn giám sát thi công công trình điện 3.1. Nhà máy điện 3.2. Đường dây và trạm với cấp điện áp khác nhau. | 10 năm 10 năm | Như trên |
4 | Sản xuất điện a. Quản lý và vận hành nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện (than, dầu hoặc khí) có công suất lắp đặt trên 10 MW. b. Quản lý và vận hành nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện (than, dầu hoặc khí) có công suất lắp đặt từ 50 KW đến 10.000 KW | 20 năm 10 năm | Như trên |
5 | Truyền tải điện a. Quảnlý và vận hành hệ thống truyền tải điện đến 500 KV b. Quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện đến 220 KV c. Quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện đến 110 KV | Không thời hạn 20 năm 20 năm | Như trên |
6 | Phân phối và kinh doanh điện a. Quản lý, vận hành lưới điện phân phối và kinh doanh điện trên địa bàn nhiều tỉnh/thành phố b. Quản lý, vận hành lưới điện phân phối và kinh doanh điện trên địa bàn một tỉnh/thành phố c. Quản lý, vận hành lưới điện hạ thế và kinh doanh điện nông thôn (Hợp tác xã phân phối và kinh doanh điện) d. Quảnlý, vận hành lưới điện hạ thế và kinh doanh điện nông thôn (cá nhân có đăng ký kinh doanh) | 10 năm 10 năm 5 năm 5 năm | Như trên |
Số /GP-BCN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày.... tháng.... Năm 200... |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
Căn cứ Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 12/6/2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực;
Xét đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực số..ngày.... tháng.... năm..... của (tên tổ chức/cá nhân);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ kế hoạch và đầu tư
Cấp: GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Cho: (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép)
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:......... do.....................
....................................cấp ngày..................................................
Trụ sở giao dịch:...........................................................................
Điện thoại:.................................Fax:.................................................
Cơ quan cấp trên trực tiếp:..........................................................
Về các lĩnh vực, phạm vi/quy mô và thời hạn hoạt động:
1. Lĩnh vực:..................................................................................
Phạm vi/quy mô:...............................Thời hạn............năm.............
2. Lĩnh vực:.................................................................................
Phạm vi/quy mô:............ Thời hạn.................. năm.....................
3.....................................................................................................
(Tên tổ chức/cá nhân) có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Số /GP-UB | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ..., ngày.... Tháng..... Năm 200... |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
Căn cứ Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ công nghiệp vè điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực;
Xét đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động điện lực số...... ngày..... tháng..... năm của (tên tổ chức/cá nhân);
Theo đề nghị của........................
Cấp: GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC
Cho: (Tên tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép)
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:.............do.....................
..............................cấp ngày...........................................................
Trụ sở giao dịch:...............................................................................
Điện thoại:..........................................Fax:.................................................
Cơ quan cấp trên trực tiếp:..................................................................
Về các lĩnh vực, phạm vi/quy mô và thời hạn hoạt động:
1. Lĩnh vực.........................................................................................
Phạm vi/quy mô:...................Thời hạn:..............năm..............................
2. Lĩnh vực:...........................................................................................
Phạm vi/quy mô:.............Thời hạn:............... năm...................................
3..............................................................................................................
(Tên tổ chức/cá nhân) có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và Quyết định số 27/2002/QĐ-BCN ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy phép hoạt động điện lực.
T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH