cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1584/QĐ-UB ngày 14/06/2002 Quy định tạm thời chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp hàng hóa và dịch vụ do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1584/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Ngày ban hành: 14-06-2002
  • Ngày có hiệu lực: 14-06-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-03-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2092 ngày (5 năm 8 tháng 27 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 06-03-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 06-03-2008, Quyết định số 1584/QĐ-UB ngày 14/06/2002 Quy định tạm thời chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp hàng hóa và dịch vụ do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 06/03/2008 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2000 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 nay đã hết hiệu lực pháp luật”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1584/QĐ-UB

Huế, ngày 14 tháng 06 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU TRỰC TIẾP HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật NSNN;

- Căn cứ Thông tư số 61/2001/TT-BTC ngày 01/08/2001 và công văn số 4713 TC/TCDN ngày 17/5/2002 của Bộ Tài chính Hướng dẫn chi hỗ trợ cho hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại;

- Căn cứ Quyết định số 02/2002/QĐ-BTM ngày 02/01/2002 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế xét thưởng xuất khẩu;

- Căn cứ Nghị quyết số 6a/2002/NQ/HĐND4 ngày 24/01/2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế -xã hội năm 2002;

Theo đề nghị của Giám đốc các Sở: Tài chính Vật giá, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn liên ngành số 712/CVLN-TCVG-TM-KHĐT ngày 11/4/2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Chính sách khuyến khích và hỗ trợ khẩu trực tiếp hàng hóa và dịch vụ” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại, Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- TVTU
- TT HĐND tỉnh
- CT và các PCT
- Các Sở: CN, TS, NN & PTNT,GD, Y Tế, VHTT, LĐ TB&XH, KH CNMT
- VP:LĐ và các CV: TC, TM, CN, NN, VX, TH
- Lưu VT.

TM/UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mễ

 

CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU TRỰC TIẾP HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1584/QĐ-UB ngày 14/6/2002)

Điều 1: Mục đích chung

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi tắt là thương nhân) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có trụ sở, thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và có giá trị kim ngạch xuất khẩu tại Thừa Thiên Huế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu gồm thu mua, chế biến, sản xuất để xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản, hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm công nghệ phần mềm, xuất khẩu lao động ra nước ngoài và dịch vụ khác... góp phần giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà. Ngoài việc được hưởng các ưu đãi theo chính sách chung của Nhà nước, các thương nhân còn được hưởng thêm chính sách ưu đãi của tỉnh theo quy định này.

Kim ngạch từ hàng tạm nhập tái xuất, hàng đổi hàng không được tính vào kim ngạch xuất khẩu để được hưởng ưu đãi theo quy định này.

Điều 2: Đối tượng được áp dụng chính sách:

Các đối tượng được áp dụng theo Quy định tạm thời này bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, Hợp tác xã, tổ chức kinh tế... gọi tắt là thương nhân có trụ sở, thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và có giá trị kim ngạch xuất khẩu tại Thừa Thiên Huế.

- Các đơn vị HCSN địa phương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc diện áp dụng theo quy định này.

Điều 3: Về hỗ trợ vốn và hạ tầng

- Về hỗ trợ vốn: UBND tỉnh ưu tiên cấp đủ 30% vốn lưu động cho các doanh nghiệp Nhà nước địa phương sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu cung ứng lao động đi nước ngoài có hiệu quả, có chiều hướng phát triển tốt; Cấp lại 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp NSNN trong 3 năm 2002, 2003, 2004 để bổ sung vốn kinh doanh cho các DNNN nói trên.

- Áp dụng khung giá đất ưu đãi theo Quy chế của UBND tỉnh về một số chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thừa thiên Huế cho các thương nhân có kim ngạch xuất khẩu trên 100.000 USD/năm hoặc thu hút 30 lao động trở lên, có thuê đất của Nhà nước làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh;

- UBND tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng nhằm giúp cho các thương nhân có thêm điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu

Điều 4: Về chính sách khen thưởng:

Khen thưởng các thương nhân có thành tích trong công tác xuất khẩu đã hội đủ hoặc chưa đủ tiêu chuẩn khen thưởng theo quy định tại Quyết định số 02/2002/QĐ-BTM ngày 02/01/2002 của Bộ Thương mại về việc ban hành quy chế xét thưởng xuất khẩu nhưng có đóng góp nhiều công sức với tỉnh trong lĩnh vực xuất khẩu.

I. Tiêu chuẩn xét thưởng:

1. Thương nhân xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu mặt hàng sản xuất tại Việt Nam mà lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, được bổ sung vào danh mục hàng xuất khẩu của Việt nam, hoặc lần đầu tiên xuất khẩu ra thị trường xuất khẩu mới đối với một chủng loại mặt hàng. Ưu tiên các mặt hàng nông sản, hàng thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ; hàng may mặc, giày dép, hàng sản xuất chế biến trên địa bàn tỉnh.

2. Thương nhân xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước trên 20 % trong hai năm liên tục

3. Thương nhân có các mặt hàng xuất khẩu trực tiếp có chất lượng cao được huy chương tại triển lãm, hội chợ quốc tế tổ chức ở nước ngoài hoặc được các tổ chức quốc tế về chất lượng hàng hóa cấp chứng chỉ hoặc xác nhận bằng văn bản.

4. Thương nhân xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu mặt hàng được gia công, chế biến bằng nguyên vật liệu khai thác trên địa bàn tỉnh hoặc mặt hàng sản xuất thu hút trên 30 lao động.

5. Thương nhân lần đầu tiên xuất khẩu trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 100.000 USD trở lên.

6. Các chỉ tiêu khác về giải quyết lao động, nộp NSNN.

II. Hình thức khen thưởng và mức khen thưởng:

Số lượng thương nhân được khen thưởng phụ thuộc vào kết quả thực hiện xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, dịch vụ trong năm báo cáo. Trường hợp đặc biệt, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định cụ thể. Ngoài bằng khen do UBND Tỉnh cấp, các doanh nghiệp còn được thưởng bằng tiền theo các mức cụ thể sau:

1) Thương nhân đạt tiêu chuẩn I.1 được thưởng 0,5 % kim ngạch xuất khẩu tính bằng tiền Việt Nam trên trị giá FOB theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tại thời điểm xét thưởng, mức tối đa không quá 50 triệu đồng Việt Nam cho một trường hợp.

2) Thương nhân đạt tiêu chuẩn I.2 được thưởng 0,5% kim ngạch xuất khẩu cho phần kim ngạch xuất khẩu vượt so với năm trước bằng tiền Việt Nam với cách tính toán như điểm II.1 nêu trên với mức tối đa không quá 40 triệu đồng cho một trường hợp.

3) Ngoài tiền thưởng của Bộ Thương mại, thương nhân đạt tiêu chuẩn I.3 được thưởng bằng tiền Việt Nam mức tối đa không quá 20 triệu đồng cho một trường hợp.

4) Thương nhân đạt tiêu chuẩn I.4, I.5 được thưởng 0,5% kim ngạch xuất khẩu bằng tiền Việt Nam với cách tính toán như điểm II.1 nêu trên với mức tối đa không quá 40 triệu đồng cho 1 trường hợp.

Trường hợp thương nhân đạt nhiều tiêu chuẩn thì mới tiêu chuẩn được xét thưởng riêng, nhưng tổng mức tiền thưởng tối đa không quá 80 triệu đồng.

III. Thủ tục khen thưởng

Hàng năm, thương nhân gửi hồ sơ liên quan đến khen thưởng về Sở Thương mại tổng hợp, thông qua Hội đồng xét thưởng xuất khẩu để trình UBND tỉnh Quyết định khen thưởng.

Thành phần hội đồng xét thưởng gồm: Sở Thương mại - Chủ tịch Hội đồng, và các Sở thành viên: Tài chính Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Lao động tỉnh. Tùy từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Hội đồng xem xét mời thêm các ban, ngành liên quan tham gia hợp đồng.

Hồ sơ xét thưởng gồm:

- Đơn đề nghị khen thưởng trong đó nêu rõ tiêu chuẩn khen thưởng thương nhân đạt được và số tiền đề nghị thưởng.

- Báo cáo thành tích xuất khẩu.

- Báo cáo xuất khẩu mặt hàng, nước xuất khẩu của thương nhân (theo mẫu Tổng cục Thống kê ban hành).

- Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm.

- Đối với tiêu chuẩn I.1: gửi kèm thêm giải trình cụ thể về quy trình công nghệ kỹ thuật để sản xuất mặt hàng mới (có ảnh hoặc mẫu sản phẩm kèm theo).

- Đối với tiêu chuẩn I.2 gửi thêm báo cáo xuất khẩu của năm trước

- Đối với tiêu chuẩn I.3, gửi thêm: Bản sao giấy chứng nhận hoặc văn bản chứng nhận về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi thêm bản sao giấy phép đầu tư.

IV. Sử dụng tiền được thưởng.

Thương nhân được sử dụng tiền thưởng vào việc:

- Trích quỹ khen thưởng và phúc lợi của đơn vị.

- Thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công sức đóng góp vào thành tích xuất khẩu của thương nhân.

- Bổ sung vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Điều 5: Chính sách hỗ trợ cho các hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại:

I. Các khoản chi phí hỗ trợ để phát triển thị trường và đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm khuyến khích xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ gồm:

I.1 Chi thu thập thông tin về thị trường, khách hàng và hàng hóa xuất khẩu:

- Chi mua thông tin hàng hóa, thị trường chuyên đề (có đăng ký đặt mua)

- Chi phí mua thông tin của nước ngoài (có hợp đồng đi kèm)

I.2 Chi thuê tư vấn kinh tế thương mại về xuất khẩu hàng hóa (có hợp đồng đi kèm)

I.3 Chi hoạt động tìm kiếm thị trường xuất khẩu:

Chi phí tham gia hội thảo để tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đối tác kinh doanh ở trong nước và ngoài nước.

Công tác phí cho cán bộ đi công tác nước ngoài để tìm kiếm thị trường, tìm kiếm các đối tác kinh doanh (theo chế độ công tác phí tại nước ngoài hiện hành của Bộ Tài chính)

I.4 Tổ chức gian hàng hội chợ, triển lãm ở nước ngoài:

- Chi phí thuê gian hàng.

- Chi phí vận chuyển sản phẩm trưng bày.

- Công tác phí cho cán bộ tham gia hội chợ triến hãm ở nước ngoài (theo mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính).

I.5 Đặt Trung tâm Xúc tiến thương mại hoặc Văn phòng đại diện của doanh nghiệp Hiệp hội ngành hàng Việt nam ở nước ngoài.

- Chi phí thuê trụ sở năm đầu tiên.

- Chi phí mua sắm trang thiết bị văn phòng.

- Chi phí phải nộp theo quy định cho nước sở tại để thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại hoặc Văn phòng đại diện của doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

I.6 Một số nhiệm vụ hỗ trợ xuất khẩu khác theo Quyết định của UBND tỉnh.

II. Đối tượng được hỗ trợ:

Các đơn vị hành chính, sự nghiệp địa phương được UBND tỉnh giao nhiệm vụ và các thương nhân nói ở điều 1 (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

III. Mức hỗ trợ

1. Đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp:

Thanh toán 100% chi phí hợp lý, hợp lệ cho các hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến Thương mại của đơn vị theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với các thương nhân:

Hỗ trợ tối đa không quá 0,17% kim ngạch xuất khẩu tính theo giá FOB tại Cảng Việt Nam hoặc các phương thức giao hàng tương đương thực thu trong năm, nếu kể cả khoản được Bộ Tài chính hỗ trợ (theo Thông tư 61/2001/TT-BTC ngày 1/8/2001) thì không vượt quá 70% mức chi thực tế hợp lý của thương nhân theo quy định tại điểm I.1, I.2, I.3 điều 4.

- Hỗ trợ không quá 0,03 % kim ngạch xuất khẩu tính theo giá FOB tại Cảng Việt Nam hoặc các phương thức giao hàng tương đương thực thu trong năm nhưng không được vượt quá 100% chi phí đầu tư ban đầu (kể cả khoản được Bộ Tài chính hỗ trợ) theo các nội dung chi phí quy định tại điểm I.4, I.5 điều 4.

- Các nhiệm vụ hỗ trợ xuất khẩu quy định tại mục I.1-I.6 điều 4: nếu không phát sinh kim ngạch xuất khẩu hoặc kim ngạch phát sinh quá thấp tùy theo từng trường hợp cụ thể, UBND tỉnh xem xét quyết định mức chi phí thanh toán cho thương nhân nhưng tối đa không vượt quá 70% chi phí thực tế hợp lý, hợp 1ệ của thương nhân chi phí cho nhiệm vụ được giao. Chế độ hỗ trợ này cũng áp dụng cho các doanh nghiệp du lịch được giao nhiệm vụ mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài nhằm khơi luồng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế và phát triển các tour du lịch quốc tế bằng đường hàng không.

IV. Hạch toán tiền hỗ trợ:

Toàn bộ các khoản hỗ trợ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại quy định tại mục I điều 4 của Quyết định này đều hạch toán giảm chi phí kinh doanh. Trừ trường hợp chi phí trang thiết bị văn phòng tại điểm 5 mục I điều 4 nếu đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định thì hạch toán tăng vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 6: Nguồn kinh phí

- Kinh phí hỗ trợ, khen thưởng được trích từ Quỹ khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất, nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí xúc tiến thương mại và các nguồn khác.

- Giao Giám đốc Sở Tài chính Vật giá hướng dẫn thủ tục và phương thức cấp phát kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 7: Giám đốc các Sở: Thương mại, Tài chính Vật giá, Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra các thương nhân thực hiện cơ chế này.

- Thương nhân có hành vi gian lận hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra tiêu cực trong việc đề nghị khen thưởng hoặc hỗ trợ phát triển thị trường, xúc tiến thương mại... thì phải bồi hoàn cho Nhà nước và bị xử lý nghiêm minh theo quy định hành chính và pháp luật./.