Quyết định số 559/2002/QĐ-NHNN ngày 03/06/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Bổ sung một số tài khoản vào hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 559/2002/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 03-06-2002
- Ngày có hiệu lực: 03-06-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-10-2004
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 851 ngày (2 năm 4 tháng 1 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-10-2004
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 559/2002/QĐ-NHNN | Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 559/2002/QĐ-NHNN NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ VIỆC BỔ SUNG MỘT SỐ TÀI KHOẢN VÀO HỆ THỐNG TÀI KHOẢN KẾ TOÁN CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997/QH10 ngày 12/12/1997;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xử lý nợ tồn đọng của các Ngân hàng thương mại; và Quyết định số 150/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc Ngân hàng thương mại;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính Ngân hàng Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Bổ sung một số tài khoản vào Hệ thống tài khoản kế toán các Tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 435/1998/QĐ-NHNN2 ngày 25/12/1998 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Tài khoản 283 - Nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ tồn đọng có tài sản đảm bảo của Ngân hàng thương mại được xử lý theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Nợ ghi : - Số nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm.
Bên Có ghi: - Số nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm đã được xử lý từ nguồn:
+ Thu hồi được từ việc người vay trả nợ; hoặc bán khoản nợ; hoặc bán, cho thuê, khai thác, kinh doanh tài sản bảo đảm nợ...
+ Bù đắp bằng dự phòng rủi ro đối với số nợ tồn đọng còn lại không thu hồi được (sau khi đã tận thu, nếu tổng số tiền thu hồi được nhỏ hơn số nợ gốc tồn đọng).
- Số nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm được chuyển giao để xử lý theo quy định.
Số dư nợ: - Phản ánh số nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm còn chưa xử lý được.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm còn chưa xử lý được; hoặc theo từng tài sản bảo đảm nợ (nếu tài sản này đã được gán nợ, theo đó, Ngân hàng đã ghi giảm nợ cho khách hàng vay theo quy định của pháp luật hiện hành) còn chưa xử lý (bán) được.
2. Tài khoản 284 - Nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu nợ.
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu của Ngân hàng thương mại được xử lý theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Nợ ghi: - Số nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu.
Bên Có ghi: - Số nợ tồn đọng đã được xử lý theo quy định.
Số dư nợ: - Phản ánh số nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu còn chưa xử lý được.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm và không còn đối tượng để thu còn chưa xử lý được.
3. Tài khoản 285 - Nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động.
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại đang hoạt động của Ngân hàng thương mại được xử lý theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Nợ ghi: - Số nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động.
Bên Có ghi: - Số nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động đã được xử lý theo quy định.
- Số nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm được chuyển giao để xử lý.
Số dư Nợ: - Phản ánh số nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động chưa xử lý được.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ tồn đọng không có tài sản bảo đảm nhưng con nợ còn tồn tại, đang hoạt động chưa xử lý được.
4. Tài khoản 365 - Chi phí xử lý tài sản bảo đảm nợ
Tài khoản này dùng để phản ánh các chi phí xử lý tài sản bảo đảm nợ như đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa tài sản bảo đảm nợ để bán hoặc khai thác; thuê trông coi bảo vệ, bảo hiểm cho tài sản bảo đảm nợ; quảng cáo, môi giới để bán, cho thuê tài sản bảo đảm nợ và các chi phí xử lý tài sản bảo đảm nợ khác theo quy định để xử lý nợ tồn đọng của Ngân hàng thương mại theo Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Nợ ghi: - Chi phí xử lý tài sản bảo đảm nợ.
Bên Có ghi: - Số tiền thu hồi chi phí tài sản bảo đảm nợ.
Số dư Nợ: - Phản ánh chi phí xử lý tài sản bảo đảm nợ chưa thu hồi được.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng tài sản bảo đảm nợ.
5. Tài khoản 3792 - Giá trị khoản nợ giao Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản.
Tài khoản này mở tại Ngân hàng thương mại, để phản ánh việc chuyển giao các khoản nợ gốc tồn đọng sang Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc theo Hợp đồng uỷ thác để xử lý theo các nội dung quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Nợ ghi: - Khoản nợ gốc tồn đọng bàn giao sang Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc.
Bên Có ghi: - Số tiền thu hồi nợ gốc tồn đọng do Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc chuyển trả;
- Xử lý số tiền còn lại của khoản nợ gốc tồn đọng không thu hồi được theo quy định (sau khi Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc đã tận thu và đã chuyển trả nếu tổng số tiền thu hồi được nhỏ hơn số nợ gốc tồn đọng).
Số dư nợ: - Phản ánh giá trị còn lại của khoản nợ gốc tồn đọng đang giao Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ đã chuyển giao sang Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc để xử lý.
6. Tài khoản 468 - Chênh lệch mua bán nợ chờ xử lý
Tài khoản này dùng đẻ phản ánh khoản chênh lệch giữa giá bán hoặc mua nợ với nợ gốc (nợ đang được hạch toán nội bảng) được bán hoặc mua lại chưa được xử lý.
Bên Có ghi: - Số chênh lệch giá mua lại nợ nhỏ hơn khoản nợ gốc được mua lại.
- Số chênh lệch giá bán lớn hơn khoản nợ gốc được bán.
- Kết chuyển số dư Nợ (lỗ) vào tài khoản chi phí theo quy định (thực hiện sau khi đã thu hồi hoặc xử lý hết toàn bộ số nợ gốc được mua hoặc bán lại).
Bên Nợ ghi: - Số chênh lệch giá mua lại nợ lớn hơn nợ gốc được mua lại.
- Số chênh lệch giá bán nợ nhỏ hơn khoản nợ gốc được bán.
- Kết chuyển số dư Có (lãi) vào tài khoản thu nhập theo quy định (thực hiện sau khi đã thu hồi hoặc xử lý hết toàn bộ số nợ gốc được mua hoặc bán lại).
Số dư Có hoặc số dư Nợ:
- Phản ánh số chênh lệch Có hoặc số chênh lệch Nợ về mua bán nợ chưa được xử lý.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ được mua bán.
7. Trong tài khoản 469 "Các khoản chờ thanh toán khác" bổ sung các tài khoản cấp III sau:
a. Tài khoản 4691 - Tiền thu từ việc bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ.
Tài khoản này phản ánh số tiền thu được từ việc bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ và việc xử lý thu hồi nợ và các khoản nợ phải thu khác từ nguồn thu này.
Bên Có ghi: - Số tiền thu được từ việc bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ.
Bên Nợ ghi: - Xử lý thu hồi nợ và các khoản nợ phải thu khác từ số tiền thu bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ.
Số dư Có: - Phản ánh số tiền thu được từ việc bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ chưa được xử lý.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ hoặc tài sản đảm bảo nợ được bán hoặc khai thác.
b. Tài khoản 4699 - Các khoản chờ thanh toán khác
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tiền TCTD đang chờ thanh toán phát sinh trong quá trình hoạt động ngoài những nội dung đã được hạch toán vào các tài khoản thích hợp.
Bên Có ghi: - Số tiền chưa được thanh toán.
Bên Nợ ghi: - Số tiền đã được thanh toán.
Số dư Có: - Phản ánh số tiền Tổ chức tín dụng đang chờ thanh toán.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản chờ thanh toán.
8. Tài khoản 477 - Giá trị khoản nợ nhận của NHTM để quản lý và khai thác
Tài khoản này mở tại Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản, phản ánh việc tiếp nhận các khoản nợ gốc tồn đọng từ Ngân hàng thương mại thành lập Công ty theo Hợp đồng uỷ thác để xử lý theo quy định tại Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên Có ghi: - Khoản nợ gốc tồn đọng tiếp nhận được từ Ngân hàng thương mại thành lập Công ty.
Bên Nợ ghi: - Chuyển trả số tiền thu hồi nợ gốc tồn đọng cho Ngân hàng thương mại thành lập Công ty.
- Tất toán số tiền còn lại của khoản nợ gốc tồn đọng không thu hồi được để chuyển trả Ngân hàng thương mại thành lập Công ty (sau khi đã tận thu và đã chuyển trả, nếu tổng số tiền thu hồi được nhỏ hơn số nợ gốc tồn đọng).
Số dư Có: - Phản ánh giá trị còn lại của khoản nợ gốc tồn đọng nhận của NHTM thành lập Công ty.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản nợ tiếp nhận của NHTM thành lập công ty
9. Tài khoản 997 - Tài sản nhận của Ngân hàng thương mại hoặc nhận từ việc mua lại nợ.
Tài khoản này dùng để phản ánh các tài sản bảo đảm nợ mà Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản nhận uỷ thác từ NHTM thành lập Công ty hoặc từ việc mua lại nợ.
Bên Nhập ghi: - Giá trị tài sản bảo đảm nợ nhận uỷ thác từ NHTM hoặc từ việc mua lại nợ.
- Bên Xuất ghi: - Giá trị tài sản đã được xử lý theo quy định.
Số còn lại: - Phản ánh lại giá trị tài sản bảo đảm nợ nhận uỷ thác từ NHTM hoặc từ việc mua lại nợ đang quản lý tại Công ty.
Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng tài sản bảo đảm nợ nhận uỷ thác từ NHTM hoặc từ việc mua lại nợ.
Ngoài sổ tài khoản chi tiết, phải mở sổ theo dõi chi tiết tài sản bảo đảm nợ của từng tổ chức, cá nhân vay.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Vũ Thị Liên (Đã ký) |