Quyết định số 1348/2002/QĐ-UB ngày 31/05/2002 Về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh An Giang đến năm 2010 (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1348/2002/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh An Giang
- Ngày ban hành: 31-05-2002
- Ngày có hiệu lực: 31-05-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2014
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4337 ngày (11 năm 10 tháng 22 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-04-2014
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số : 1348/2002/QĐ-UB | Long Xuyên, ngày 31 tháng 5 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP KHOÁNG SẢN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 3 năm 1996 và Nghị định số 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính Phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Khoáng sản (sửa đổi );
- Xét Báo cáo Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh An Giang đến năm 2010 do Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng -Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ thuật Việt Nam, lập tháng 11 năm 2000;
- Căn cứ công văn số 1472 CV/ ĐCKS-HĐKS ngày 30 tháng 11 năm 2001 của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam- Bộ Công nghiệp về “ Báo cáo Quy hoạch khát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh An Giang đến năm 2010”;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh An Giang đến năm 2010 do Liên hiệp Khoa học địa chất môi trường và công nghệ khoáng lập tháng 11/2000 với các nội dung chính sau đây:
I. Về quan điểm và mục tiêu phát triển:
1. Về quan điểm.
- Phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng là một trong những ngành mũi nhọn, với tốc độ cao sẽ góp phần làm cho nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, với điều kiện cần đẩy mạnh phát huy nội lực và khai thác chiều sâu trên cơ sở đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại.
- Khai thác khoáng sản gắn chặt với việc bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan du lịch.
- Các khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, vì vậy khai thác và sử dụng phải thật sự tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản; Có biện pháp kết hợp với phục hồi cảnh quan môi trường và giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình khai thác, góp phần tăng trưởng bền vững kinh tế của tỉnh.
2. Về mục tiêu.
- Tập trung phát triển ngành công nghiệp khai khoáng với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân thời kỳ 2000-2010 là 5-6%/ năm, trên cơ sở phát huy thế mạnh về khai thác và chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng, nước khoáng và sản xuất phân bón.
- Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản tỉnh An Giang đến năm 2010 nhằm đáp ứng sản lượng khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2010 đạt 02 triệu m3 đá xây dựng, 100.000 m2 đá ốp lát, 02 triệu m3 cát vàng xây dựng, 600.000 m3 sét gạch ngói, 30.000 tấn bột aplit, 100.000 tấn than bùn và 10.000 lít nước khoáng đóng chai.
II. Về định hướng phát triển :
1. Tiềm năng tài nguyên khoáng sản:
An Giang là một tỉnh đồng bằng có 2 sông lớn chảy qua là sông Tiền và sông Hậu, phần Tây Bắc có nhiều núi cấu tạo bởi các đá magma xâm nhập, phun trào, trầm tích, đi kèm theo là các khoáng sản không kim loại với 14 loại khoáng sản là đá xây dựng, đá ốp lát, cát xây dựng, sét gạch ngói, đá aplit, đá vôi vỏ sò, diatomit, sét montmorillonit, than bùn, nước khoáng, kaolin, thạch cao, vàng và molibden. Trong đó vàng và molibden chỉ là điểm khoáng hóa nghèo. Thế mạnh của An Giang là các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
2. Định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp khai khoáng :
Đá xây dựng:
* Giữ nguyên hiện trạng các khu vực hiện đang cho khai thác đá xây dựng ở núi Cô Tô, núi Bà Đội, núi Giài, núi Tà Pạ và các khu vực cho khai thác tận thu ở núi Phú Cường, núi Rô, núi Num Song.
* Cho thăm dò và khai thác mỏ đá xây dựng Thmorko ở phía Bắc núi Giài thuộc xã Lê Trì huyện Tri Tôn.
* Quy hoạch tổng sản lượng các khu vực cho khai thác đá xây dựng là 1,5 triệu m3 vào năm 2005, và 02 triệu m3 vào năm 2010.
Đá ốp lát:
* Cho khai thác đá khối ốp lát ở mỏ Đông Nam núi Cấm, núi Gập Ghềnh; Cho thăm dò và khai thác mỏ đá ốp lát phía Đông núi Giài nhỏ thuộc xã An Phú huyện Tịnh Biên.
* Sản lượng khai thác đá ốp lát là 3.000 m3 đá khối và 50.000 m2 đá ốp lát vào năm 2005, và 100.000 m2 đá ốp lát vào năm 2010. Đầu tư thêm dây chuyền cưa xẻ đá, đẩy mạnh sản xuất đá ốp lát thành phẩm phục vụ trang trí nội, ngoại thất các công trình xây dựng và xuất khẩu, không được xuất khẩu đá khối.
Cát xây dựng và san lấp:
* Tập trung khai thác cát lòng sông Hậu, đoạn sông từ Châu Đốc đến Long Xuyên, tại 6 bãi cát đã thăm dò và được phê duyệt trữ lượng. Cho thăm dò và khai thác cát lòng sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao phục vụ cho nhu cầu xây dựng và san lấp mặt bằng các công trình.
* Thăm dò các mỏ cát An Cư, Xuân Tô, Văn Lanh, An Hảo thuộc huyện Tịnh Biên, đưa khai thác cát núi vào thay thế bớt dần việc khai thác cát lòng sông.
* Tiếp tục cho khai thác tận thu mỏ cát núi Ba Thê thuộc xã Vọng Thê huyện Thoại Sơn. Quy hoạch cho khai thác tận thu điểm cát Cống Ranh thuộc xã Nhơn Hưng huyện Tịnh Biên, và điểm cát Mai Sơn thuộc xã An Phú huyện Tịnh Biên.
* Sản lượng cát xây dựng cho khai thác là 1,2 triệu m3 vào năm 2005, và 2 triệu m3 vào năm 2010.
Sét gạch ngói:
* Thăm dò và khai thác các mỏ sét gạch ngói sau : mỏ sét Bình Đức thành phố Long Xuyên, mỏ sét An Lập thuộc xã Lê Trì huyện Tri Tôn, mỏ sét Koktreng thuộc xã Châu Lăng huyện tri Tôn, mỏ sét Châu Phong thuộc xã Lê Chánh huyện Tân Châu, mỏ sét, sét montmorillonit Tây Nam sông Hậu, để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho các lò tuynel.
* Tổ chức lại sản xuất đối với các lò nung gạch ngói truyền thống tập trung vào những cụm công nghiệp, nhằm tránh lãng phí vốn tài nguyên đất canh tác, hạn chế tối đa sự ô nhiễm môi trường trong khai thác sét và chế biến gạch ngói nung. Phát triển các cơ sở sản xuất lò Tuynen với quy mô công suất 5-7-10 triệu viên/năm; Đa dạng hóa sản phẩm gạch nung với nhiều chủng loại.
* Sản lượng sét gạch ngói cho khai thác là 400 nghìn m3 để sản xuất 200 triệu viên gạch ngói vào năm 2005, và 600 nghìn m3 để sản xuất 300 triệu viên gạch ngói vào năm 2010.
Đá aplit:
* Nâng sản lượng khai thác và chế biến đá aplit núi Bà Đắt từ 10.000 tấn/ năm lên 15.000 tấn/ năm vào năm 2005, và 20.000 tấn/ năm vào năm 2010.
* Tiến hành tìm kiếm và thăm dò mạch đá aplit núi Bà Đội thuộc xã Tân Lợi và xã An Hảo, huyện Tịnh Biên.
Đá vôi vỏ sò:
* Khai thác đá vôi vỏ sò thuộc xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn để cung cấp nguyên liệu cho lò nung vôi và phục vụ sản xuất phân lân sinh học.
Diatomit:
* Chỉ khai thác tận thu cùng với sét làm gạch ngói tại mỏ sét An Lập thuộc xã Lê Trì, huyện Tri Tôn.
Sét montmorillonit:
* Tìm kiếm thăm dò sét montmorillonit ở Tây Nam sông Hậu thuộc huyện Thoại Sơn kết hợp với khai thác sét gạch ngói.
Than bùn:
* Cho khai thác dải than bùn An Ninh làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ sinh học, đạt sản lượng 20.000 tấn/ năm vào năm 2005, và 40.000 tấn/ năm vào năm 2010.
* Sau năm 2005 khai thác mỏ than bùn núi Tô với sản lượng đạt 60.000 tấn/ năm vào năm 2010.
Nước khoáng đóng chai:
* Khai thác nước khoáng Tri Tôn đạt sản lượng 3 triệu lít/ năm vào năm 2005, và 5 triệu lít/ năm vào năm 2010.
Điều 2: Căn cứ vào Quy hoạch phát triển công nghiệp khoáng sản đã được phê duyệt, Sở Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức công bố và lập kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch theo kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, của địa phương hàng năm;
Các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản tiến hành rà soát, sắp xếp lại sản xuất, địa bàn sản xuất và đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản cho phù hợp, đạt hiệu quả, và tuân thủ đúng thep quy định của pháp luật.
Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ & Môi trường, Giám đốc các Doanh nghiệp Nhà nước, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH UBND TỈNH AN GIANG |