cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 03/2000/CT-UB-ĐT ngày 31/01/2000 Triển khai Chỉ thị 33/1999/CT-TTg nvề việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự giao thông do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 03/2000/CT-UB-ĐT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Ngày ban hành: 31-01-2000
  • Ngày có hiệu lực: 31-01-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3445 ngày (9 năm 5 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 07-07-2009, Chỉ thị số 03/2000/CT-UB-ĐT ngày 31/01/2000 Triển khai Chỉ thị 33/1999/CT-TTg nvề việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự giao thông do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 07/07/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Bãi bỏ văn bản”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 03/2000/CT-UB-ĐT

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 01 năm 2000

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 33/1999/CT-TTG NGÀY 27/12/1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ GIAO THÔNG

Sau một thời gian thực hiện các Nghị định của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị, nhìn chung tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố bước đầu đã có chuyển biến, ý thức chấp hành luật lệ giao thông và quy tắc trật tự đô thị của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên.

Tuy nhiên, gần đây tình hình an toàn giao thông và trật tự đô thị của thành phố đã phát sinh và diễn biến rất phức tạp: nạn lấn chiếm lòng lề đường để họp chợ, mua bán, kinh doanh, giữ xe… đã phát triển trở lại ở nhiều nơi, hành lang an toàn đường thủy và đường sắt vẫn còn bị xâm phạm, tình trạng gây ùn tắc giao thông có chiều hướng tăng lên v.v… Một trong những nguyên nhân chủ quan của tình hình trên là do công tác tổ chức lực lượng và kiểm tra của một số ngành, địa phương trong việc bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị chưa được quan tâm đúng mức.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg ngày 27/12/1999 yêu cầu “Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện và đặc biệt quan tâm đến tình hình quản lý an toàn giao thông và trật tự đô thị tại các thành phố lớn.

Để thực hiện tốt Chỉ thị nói trên của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện ngay một số công việc sau đây:

1- Ban An toàn giao thông thành phố xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg ngày 27/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt ban hành và tổ chức thực hiện.

Kế hoạch phải đưa ra được các giải pháp thiết thực trên cơ sở sơ kết thực tiễn, đánh giá đúng tình hình và các nguyên nhân tồn tại. Công tác tổ chức thực hiện cần được nghiên cứu một cách cơ bản và đồng bộ để triển khai từng bước khả thi phù hợp với điều kiện và khả năng tổ chức thực tế của từng cấp có trách nhiệm trong nhiều năm; đồng thời có những nhiệm vụ và biện pháp cụ thể cho giai đoạn trước mắt trong năm 2000 và trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Ban An toàn giao thông thành phố có kế hoạch phối hợp với các Sở Giao thông công chánh, Công an Thành phố, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh, Đài truyền hình thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng và các quận - huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng và vận động nhân dân tự giác chấp hành luật lệ giao thông và trật tự đô thị, thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ (số 36/CP, 39/CP và 40/CP về đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị, số 171 và 172/1999/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đường sông và đường bộ). Nội dung tuyên truyền cần thiết thực, phù hợp với mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân để dễ tiếp thu và thực hiện.

Ban An toàn giao thông thành phố và các cơ quan thông tin báo chí cần có kế hoạch cụ thể để thường xuyên cung cấp các thông tin, sinh động và thiết thực, đặc biệt cần phát huy vai trò tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc hướng dẫn dư luận xã hội đi vào các vấn đề cấp bách cần quan tâm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị.

Các chương trình thông tin truyền hình cần được thực hiện thường xuyên và có chất lượng để giáo dục và vận động người dân có thói quen thực hiện theo nền nếp trật tự của một đô thị văn minh, sạch đẹp, an toàn.

2- Ban An toàn giao thông thành phố phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát lại tất cả những văn bản, các quy định đã được ban hành, kể cả những quy định về phân công phân nhiệm trong tổ chức thực hiện để trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định điều chỉnh cho phù hợp với tình hình theo hướng xác định rõ ràng và rất cụ thể trách nhiệm của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị và cá nhân.

3- Sở Thương mại hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5 và 10) thống kê và tổ chức kiểm tra, điều chỉnh sắp xếp lại toàn bộ các điểm giữ xe trên hè phố, lề đường. Cảnh sát trật tự thành phố hỗ trợ cho lực lượng của các quận, phường thường xuyên kiểm tra xử lý và giải tỏa ngay các điểm giữ xe trái phép và những bãi giữ xe lấn chiếm lòng lề đường, làm cản trở và gây ùn tắc giao thông. Ủy ban nhân cân các quận nội thành cần nghiên cứu quy hoạch cụ thể, trên cơ sở đó hạn chế việc cấp giấy phép cho các cơ sở kinh doanh có mật độ lưu thông cao và các bãi giữ xe trên hè phố, nhất là tại những nơi không đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Sở Thương mại chủ trì cùng với Sở Giao thông công chánh, Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận huyện nghiên cứu tổ chức thí điểm một số chợ đêm cho nhân dân buôn bán, phù hợp với điều kiện an ninh trật tự xã hội. Việc tổ chức chợ đêm phải được thực hiện đồng thời với kế hoạch xóa bỏ dần các tụ điểm buôn bán trên lòng lề đường vào ban ngày.

4- Sở Giao thông công chánh và Công an thành phố nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp lại các bãi đậu xe ôtô, giải tán các bến xe “dù”, xử lý triệt để tình trạng xe không vào bến đón khách, trả khách, chạy lòng vòng, đón khách dọc đường. Xây dựng phương án chủ động phòng chống và xử lý nạn đua xe trái phép.

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các quận củng cố công tác tổ chức lực lượng đảm bảo ở quận, phường, tập trung ưu tiên tại các phường trọng điểm để xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các ngành của thành phố, tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị trong dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra xử lý các loại xe (có hoặc không có động cơ) buôn bán lưu động trên 51 tuyến đường giao thông chính và trên các đường chính ở các quận trung tâm thành phố theo quyết định số 682/QĐ-UB-QLĐT ngày 13/2/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố, duy trì thường xuyên “đường thông, hè thoáng”.

Những tuyến đường, khu vực nào đã lập lại an toàn giao thông và trật tự đô thị, bàn giao lại cho Ủy ban nhân dân phường, xã và nhất thiết phải tổ chức đủ lực lượng quản lý, duy trì trật tự thường xuyên.

Sở Tài chánh-Vật giá làm việc với Ban An toàn giao thông thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện để có kế hoạch và cấp phát kịp thời kinh phí cho hoạt động của các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị, từ nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự đô thị. Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí này cho công tác duy trì và quản lý trật tự đô thị.

5- Ban An toàn giao thông thành phố cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt cần thực hiện tốt hướng dẫn và kiểm tra thường xuyên đối với công tác quản lý, xử lý vi phạm của các lực lượng ở quận-huyện, phường- xã.

Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức thực hiện ngay Chỉ thị này và kế hoạch triển khai Chỉ thị số 33/1999/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, định kỳ có báo cáo kết quả thực hiện và những vướng mắc phát sinh về Ban An toàn giao thông thành phố để được tổng hợp, giải quyết./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hùng Việt