Chỉ thị số 19/1999/CT-UB ngày 24/11/1999 Nghiêm cấm săn, bắt, vận chuyển, buôn bán và giết mổ động vật hoang dã trái phép do tỉnh Lào Cai (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 19/1999/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 24-11-1999
- Ngày có hiệu lực: 24-11-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-02-2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4823 ngày (13 năm 2 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-02-2013
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/1999/CT-UB | Lào Cai, ngày 24 tháng 11 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM SẮN, BẮT, VẬN CHUYỂN, BUÔN BÁN VÀ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÁI PHÉP
Động vật hoang dã là một tài nguyên quý của nước ta. Bảo vệ động vật rừng hoang dã là nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và là vấn đề đang được cả thế giới quan tâm.
Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản, luật nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này như: Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 19/8/1991; Nghị định 18/HĐBT ngày 17/01/1992 của Chính phủ về việc quy định danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm và chế độ quản lý, bảo vệ; Chỉ thị 130/TTg ngày 27/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã chính thức tham gia công ước quốc tế (ITES) về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Thực hiện Luật và sự chỉ đạo của Chính phủ, những năm vừa qua UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên rừng trong nhân dân, đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây tại một số địa phương (nhất là tại Sa Pa và thị xã Lào Cai) vẫn còn có hiện tượng:
- Buôn bán động vật hoang dã trên các chợ (chim, thú...)
- Bày bán công khai các loại cạm, bẫy để săn, bắt muông thú.
- Giết mổ động vật hoang dã để làm thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn và gia đình.
Những hiện tượng nói trên tuy không nhiều nhưng là biểu hiện của việc coi thường pháp luật và buông lỏng quản lý Nhà nước trên địa bàn, làm giảm hiệu lực quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên và gây tâm lý thiếu thiện cảm của khách Quốc tế. UBND tỉnh yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã sử dụng các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về hiệu ích các loại động vật rừng trong hệ sinh thái, các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật rừng; Đồng thời phối hợp với các ngành liên quan chủ động chỉ đạo các lực lượng quản lý chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra để ngăn chặn việc săn, bắt, vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật hoang dã tại địa phương. Giáo dục và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ thú rừng làm thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn và sử dụng làm thức ăn gia đình; buôn bán động vật hoang dã và bày bán các loại cạm bẫy săn bắt động vật rừng tại các chợ.
2. Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng (trong đó có việc bảo vệ động vật rừng hoang dã), phối hợp với UBND các huyện, thị xã để thực hiên có hiệu quả chỉ thị của UBND tỉnh.
3. Sở Thương mại và Du lịch phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các ngành có liên quan (Công an - Kiểm lâm) tổ chức rà soát lại các nội dung kinh doanh của tất cả các nhà hàng, khách sạn (đặc biệt chú trọng địa bàn thị trấn Sa Pa và thị xã Lào Cai) để chấm dứt ngay việc niêm yết, quảng cáo các món ăn từ thị thú rừng và giết mổ động vật rừng hoang dã làm thực phẩm. Yêu cầu các nhà hàng, khách sạn làm cam kết cụ thể, nếu tái phạm phải xử lý nghiêm minh.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu các ngành và UBND các huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện thật nghiêm túc và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu còn có tình trạng vi phạm xảy ra trên địa bàn mà không được ngăn chặn, xử lý thích đáng.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |