Quyết định số 218/2002/QĐ-NHNN ngày 22/03/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Về quy trình chuyển đổi Đồng Việt Nam thành Đô la Mỹ và chuyển ra nước ngoài cho các dự án được Chính phủ bảo lãnh và cam kết (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 218/2002/QĐ-NHNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 22-03-2002
- Ngày có hiệu lực: 06-04-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 31-01-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 6144 ngày (16 năm 10 tháng 4 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 31-01-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 218/2002/QĐ-NHNN | Hà Nội, ngày 22 Tháng 03 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUY TRÌNH CHUYỂN ĐỔI ĐỒNG VIỆT NAM THÀNH ĐÔ LA MỸ VÀ CHUYỂN RA NƯỚC NGOÀI CHO CÁC DỰ ÁN ĐƯỢC CHÍNH PHỦ BẢO LÃNH VÀ CAM KẾT.
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 ngày 12/12/1997,
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quán lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ,
Căn cứ nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30/8/1999 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;
Căn cứ nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quyết định này quy định quy trình chuyển đổi Đồng Việt Nam thành Đô la Mỹ và chuyển ra nước ngoài cho các Dự án được Chính phủ bảo lãnh và cam kết.
Điều 2. Tại Quyết định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. GGU là bản Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
2. Dự án là các dự án đặc biệt quan trọng được Chính phủ bảo lãnh và cam kết.
3. Bên Việt Nam là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam tiêu thụ sản phẩm của Dự án.
4. Nhà đầu tư là Nhà đầu tư nước ngoài dầu tư vào Dự án.
5. Ngân hàng chuyển đổi là ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối (ngân hàng được phép) được Nhà đầu tư lựa chọn để thực hiện việc chuyển đổi Đồng Việt Nam sang Đô la Mỹ cho Dự án.
6. Doanh thu là số tiền thu được từ bán sản phẩm và dịch vụ của Dự án được tính bằng Đô la Mỹ và thanh toán bằng Đồng Việt Nam.
7. Ngày thông báo tỷ giá là ngày Ngân hàng chuyển đổi thông báo tỷ giá chuyển đổi Đồng Việt Nam sang Đô la Mỹ cho Nhà đầu tư theo quy định tại bản GGU của từng Dự án.
8. Tỷ giá kỳ hạn (Forward) là tỷ giá do Ngân hàng chuyển đổi xác định với kỳ hạn tối đa là 9 ngày làm việc.
9. Ngày thanh toán là ngày bên Việt Nam chuyển số tiền Đồng Việt Nam vào tài khoản số 1 của Nhà đầu tư và là ngày Ngân hàng chuyển đổi bắt đầu thực hiện các giao dịch chuyển đổi tiền Đồng Việt Nam sang Đô la Mỹ. Ngày thanh toán được xác định sau "Ngày thông báo tỷ giá" tối đa không quá hai (02) ngày làm việc.
10. Ngày chuyển đổi là ngày Ngân hàng chuyển đổi thực hiện các giao dịch chuyển đổi tiền Đồng Việt Nam sang Đô la Mỹ. Ngày chuyển đổi được xác định sau "Ngày thanh toán" và được quy định cụ thể tại bản GGU của từng Dự án.
Điều 3. Nhà đầu tư được giao dịch với Ngân hàng chuyển đổi để chuyển đổi doanh thu Đồng Việt Nam thành Đô la Mỹ và chuyển ra nước ngoài theo quy định tại Quyết định này.
Điều 4. Quy trình chuyển đổi Đồng Việt Nam thành Đô la Mỹ như sau:
1. Tháng thứ nhất: Nhà đầu tư cung cấp sản phẩm;
2. Tháng thứ hai: Vào một ngày xác định của tháng thứ hai (ngày này được xác định theo quy định tại bản GGU của từng Dự án), Nhà đầu tư phải thông báo trước cho Ngân hàng chuyển đổi và Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch) dự liến số Đô la Mỹ cần chuyển đổi từ doanh thu của dự án trong tháng trước.
3. Tháng thứ ba: Tháng thực hiện chuyển đổi Đồng Việt Nam sang Đô la Mỹ. Việc chuyển đổi thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Không muộn hơn 12 giờ trưa của "Ngày thông báo tỷ giá", Ngân hàng chuyển đổi thông báo tỷ giá cho Nhà đầu tư để lập hóa đơn thanh toán chính thức và thông báo cho các Bên Việt Nam để thực hiện thanh toán cho Nhà đầu tư
Bước 2:
2.1. Không muộn hơn 12 giờ trưa của "Ngày thanh toán", Bên Việt Nam phải chuyển đủ số tiền Đồng Việt Nam vào tài khoản số 1 của Nhà đầu tư mở tại Ngân hàng chuyển đổi.
2.2. Trường hợp Ngân hàng chuyển đổi có đủ Đô la Mỹ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của Nhà đầu tư, Ngân hàng chuyển đổi phải tiến hành các giao dịch để chuyển đổi số tiền Đồng Việt Nam trên tài khoản số 1 sau khi trừ chi tiêu bằng Đồng Việt Nam) sang Đô la Mỹ trong phạm vi số ngày quy định tại bản GGU đối với từng Dự án sau khi Việt Nam chuyển tiền đồng Việt Nam vào tài khoản số 1 theo tỷ giá đã được Ngân hàng chuyển đổi thông báo.
2.3. Trường hợp Ngân hàng chuyển đổi không có đủ số đô la Mỹ để đáp ứng như cầu chuyển đổi cho Nhà đầu tư do trạng thái ngoại tệ không cho phép vào ngày thanh toán (sau khi Bên Việt Nam chuyển tiền Đồng Việt Nam vào tài khoản số 1 cho Nhà đầu tư), Ngân hàng chuyển đổi gửi công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước bán cho ngân hàng chuyển đổi số Đô la Mỹ còn thiếu để thực hiện mục đích trên hồ sơ gửi Ngân hàng Nhà nước. (Vụ quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch) gồm:
Đơn xin mua Đô la Mỹ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cho Nhà đầu tư;
Hóa đơn thanh toán do Nhà đầu tư lập.
Bước 3: Các cứ quy định tại bản Thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ (GGU) và căn cứ trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng chuyển đổi và các quy định tại Quyết định này, Sở Giao dịch kiểm tra các chứng từ cần thiết, thực hiện việc bán Đô la Mỹ theo tỷ giá Ngân hàng chuyển đổi đã thông báo (nêu tại điểm 8 Điều 2) từ Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng cho Ngân hàng chuyển đổi trong phạm vi năm (5) ngày làm việc kể từ Ngày thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cho và đầu tư
Bước 4: Trong vòng hai (2) ngày làm việc kể từ ngày nhận được số Đô la Mỹ mua từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyển đổi căn cứ số tiền Đồng Việt Nam có trên "tài khoản số 1" sau khi trừ số chi tiêu bằng tiền Đồng Việt Nam của Nhà đầu tư để chuyển đổi sang Đô la Mỹ theo tỷ giá đã ghi trên hóa đơn thanh toán và chuyển vào "tài khoản số 2".
Điều 5. Khi chuyển Đô la Mỹ từ "tài khoản số 2" ra nước ngoài theo đề nghị của Nhà đầu tư, Ngân hàng chuyển đổi phải kiểm soát chứng từ xác nhận nộp thuế định kỳ và các loại chứng từ khác được quy định tại bản GGU.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao dịch, Vụ Quản lý ngoại hối và các Vụ liên quan của Ngân hàng Nhà nước trong việc theo dõi và báo cáo sau khi chuyển đổi Đô la Mỹ cho Nhà đầu tư:
1. .Sở Giao dịch: Báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ngay sau khi thực hiện bán Đô la Mỹ; đồng thời, thông báo cho Vụ Quản lý ngoại hối tình hình bán Đô la Mỹ từ Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.
Thực hiện việc điều chuyển Đô la Mỹ từ quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng theo quyết định của Thống đốc sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lập sổ sách để theo dõi quy trình bán Đô la Mỹ theo Quyết định này. Thực hiện việc hạch toán kế toán và thống kê để theo dõi với nội dung sau: Ngày... tháng... năm; số Đô la Mỹ đã bán cho Ngân hàng chuyển đổi, số Đô la Mỹ điều chuyển từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều 20 của Quy chế tổ chức thực hiện những nhiệm vụ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (ban hành kèm theo Quyết định số 653/2001/QĐ-NHNN ngày 17/5/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
2. Vụ Quản lý ngoại hối:
Khi nhận được nhu cầu Đô la Mỹ cần chuyển đổi của Nhà đầu tư, tính toán số lượng Đô la Mỹ có trong "Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng, nếu không đủ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi của Nhà đầu tư thì ngay lập tức làm tờ trình báo cáo Thống đốc để trình Chính phủ xin phép được chuyển từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng số lượng Đô la Mỹ cần có để bán cho Ngân hàng chuyển đổi; Xác định trạng thái ngoại tệ của Ngân hàng chuyển đổi xin mua Đô la Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu của Nhà đầu tư;
Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sau mỗi lần điều chuyển Đô la Mỹ từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng;
Chậm nhất vào ngày 25 tháng 1 hàng năm, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bán Đô la Mỹ cho Nhà đầu tư theo Quyết định này.
3. Vụ Kế toán - Tài chính:
Phối hợp với Sở Giao dịch hạch toán kế toán các nghiệp vụ phát sinh về điều chuyển Đô la Mỹ từ Quỹ dự trữ ngoại hối sang Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng.
Điều 7. Trường hợp chậm thanh toán do lỗi của đối tác Việt Nam đầu tư sẽ gửi thông báo bổ sung trước cho Ngân hàng chuyển đổi về việc thanh toán chậm. Ngân hàng chuyển đổi báo cáo cho Ngân hàng nhà nước về việc thanh toán chậm để theo dõi và phối hợp giải quyết. Quy trình chuyển đổi Đô la Mỹ áp dụng cho trường hợp thanh toán chậm thực hiện theo quy định tại các bước trong tháng thứ ba và quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Quyết định này.
Điều 8. Chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng, Ngân hàng chuyển đổi phải báo cáo Ngàn hàng Nhà nước (vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch) về tình hình bán Đô la Mỹ cho Nhà đầu tư trong tháng; đồng thời, thông báo cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch) dự kiến về số lượng Đô la Mỹ cần chuyển đổi cho Nhà đầu tư trong tháng tới.
Cuối mỗi quý Ngân hàng chuyển đổi báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Vụ Quản lý ngoại hối và Sở Giao dịch) dự kiến nhu cầu chuyển đổi Đô la Mỹ của Nhà đầu tư trong quý tiếp theo và kế hoạch cân đối Đô la Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu đó.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 10. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Giám đốc Sở Giao dịch, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước, Tổng giám đốc Ngân hàng được phép được chọn làm Ngân hàng chuyển đổi chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |