Chỉ thị số 30/1999/CT-TTg ngày 26/10/1999 Về công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 30/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 26-10-1999
- Ngày có hiệu lực: 10-11-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-03-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7065 ngày (19 năm 4 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-03-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ
Những năm qua, công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém: Quy hoạch chi tiết còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển và quản lý đô thị; chất lượng các đồ án quy hoạch nhìn chung còn hạn chế; công tác quản lý xây dựng đô thị vẫn chưa làm chủ được tình hình phát triển đô thị; thủ tục hành chính còn phiền hà; còn tình trạng xây dựng lộn xộn, không phép hoặc trái phép, phá vỡ quy hoạch; di tích văn hoá, lịch sử và cảnh quan bị vi phạm; môi trường đô thị bị ô nhiễm; kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ; trật tự trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng đô thị chưa được xác lập.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị mỗi cấp thực hiện một số việc sau đây:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị mỗi cấp tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân quán triệt quan điểm, mục tiêu và đường lỗi phát triển đô thị trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tích cực tham gia các phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp, giữ gìn nếp sống văn minh.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai phòng trào thi đua "Xây dựng và phát triển đô thị bền vững" nhằm phát triển nhiều mô hình đô thị điển hình, tiên tiến để phổ biến cho cả nước học tập, noi theo.
2. Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến của các Bộ ngành liên quan để hoàn chỉnh và ban hành trong năm 1999 Chương trình khung thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đô thị tại các vùng trọng điểm, các vùng đô thị hoá trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phổ trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị cả nước đến năm 2020 chỉ đạo việc lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống các đô thị và khu dân cư nông thôn trên địa bàn của tỉnh, thành phố sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan.
Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nghiên cứu soạn thảo Nghị định về phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị; sửa đổi bổ sung và hoàn chỉnh các tiêu chí đánh giá, phân loại đô thị và phân cấp quản lý đô thị trình Chính phủ xem xét quyết định để làm cơ sở tiếp tục chỉ đạo việc sắp xếp hệ thống các đô thị trên địa bàn cả nước.
3. Căn cứ vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng và Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị cả nước đến năm 2020, Bộ Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành ra soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng đến năm 2020 theo tinh thần Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch khảo sát, thiết kế quy hoạch xây dựng hàng năm và 5 năm, bảo đảm cho công tác quy hoạch có tác dụng thiết thực, hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính có kế hoạch bố trí kinh phí hàng năm cho công tác quy hoạch, đồng thời cùng với Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế tạo vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập, xét duyệt quy hoạch chi tiết và quy hoạch xây dựng chuyên ngành.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp tục đổi mới công tác lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng nhằm nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt, kết hợp với việc bảo đảm an ninh và quốc phòng.
4. Thực hiện Chương trình công tác năm 1999 của Chính phủ và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức việc rà soát, sửa đổi bổ sung và soạn thảo mới các văn bản quy pháp pháp luật; các chính sách về quản lý và phát triển đô thi. Bộ Tư pháp có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn thực hiện tốt công tác này.
5. Để chủ động huy động vốn đầu tư phát triển đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đến năm 2005 và xa hơn, bao gồm các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình bảo vệ môi trường, vệ sinh đô thị trình Thủ tướng Chính phủ thông qua để làm cơ sở thu hút các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo việc thực hiện các dự án xây dựng đô thị có hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, bổ sung các chính sách, cơ chế khuyến khích và ưu đãi đầu tư.
Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn, đặc biệt là vốn trong nhân dân; hình thành các quỹ phát triển đô thị ; tăng nguồn thu từ dịch vụ đô thị; sử dụng hiệu quả quỹ nhà, đất để tạo vốn phục vụ cho đầu tư cải tạo và phát triển đô thị.
6. Thực hiện nhiệm vụ lập lại trật tự kiến trúc và xây dựng đô thị, chủ dộng kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch và pháp luật, Bộ Xây dựng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kịp thời Điều lệ quản lý xây dựng theo các quy hoạch đựợc duyệt. Vào Quý IV năm 2000, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng chỉ đạo và hướng dẫn việc lập quy hoạch, xác định hành lang an toàn giao thông và có biện pháp hữu hiệu tăng cường quản lý xây dựng dọc các trục đường giao thông thuỷ, bộ; chấm dứt tình trạng xây dựng tự phát, gây tắc nghẽn, làm mất an toàn giao thông và sử dụng trái phép đất nông nghiệp.
Tổng cục Địa chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tập trung chỉ đạo công tác quản lý sử dụng đất đô thị; đẩy mạnh nhanh tiến độ đo đạc, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị mỗi cấp, theo quyền hạn và trách nhiệm của mình, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra và có biện pháp xử lý cương quyết các vi phạm pháp luật và quy hoạch; sớm lập lại trật tự kiến trúc, xây dựng và giao thông đô thị.
7. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại các đô thị, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn và bộ máy chính quyền đô thị theo hướng tăng cường quyền hạn và trách nhiệm cho chính quyền đô thị mỗi cấp trong việc quyết định những vấn đề về quản lý đô thị, đặc biệt là về quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho khu vực công cộng; quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng; thu chi ngân sách; tổ chức và nhân sự; cải tiến thủ tục hành chính; giải quyết các vụ khiếu tố, khiếu kiện và xử lý các vụ việc hành chính có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hết sức quan tâm và có kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, hướng dẫn và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Chỉ thị này.
| Ngô Xuân Lộc (Đã ký)
|