Quyết định số 08/2002/UB-QĐ ngày 31/01/2002 Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức và công chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 08/2002/UB-QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Ngày ban hành: 31-01-2002
- Ngày có hiệu lực: 31-01-2002
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 10-11-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2475 ngày (6 năm 9 tháng 15 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 10-11-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2002/UB-QĐ | Lạng Sơn, ngày 31 tháng 01 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ TỔ CHỨC VÀ CÔNG CHỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/ 1994;
Căn cứ quyết định số 373 QĐ- TU ngày 29/7/ 1999 của Ban thường vụ tỉnh uỷ về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức, công chức và quy trình tiến hành bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế quyết định số 218/UB-QĐ ngày 29/2/1996 của UBND tỉnh về việc phân công, phân cấp quản lý tổ chức và công chức, viên chức.
Điều 2: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ TỔ CHỨC VÀ CÔNG CHỨC
(Ban hành kèm theo QĐ số 08 /2002/ QĐ-UB ngày 31 tháng 01 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn)
I- Những quy định chung
Điều 1: Quản lý về tổ chức bao gồm các nội dung sau:
1- Quản lý về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quá trình hoạt động của tổ chức.
2- Quản lý về thành lập mới tổ chức.
3- Quản lý về việc sáp nhập, giải thể, chia tách, đổi tên và nâng cấp tổ chức.
4- Quản lý về việc thành lập và hoạt động của các Hội quần chúng, tổ chức phi chính phủ, đặt văn phòng đại diện.
Điều 2: Quản lý về công chức, viên chức gồm các nội dung sau:
1- Thi, tuyển dụng, bố trí phân công công tác đối với công chức.
2- Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng công chức.
3- Nhận xét đánh gía công chức.
4- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động công chức.
5- Khen thưởng, kỷ luật công chức.
6- Kiểm tra công chức, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức.
7- Thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức.
II. Những nguyên tắc về quản lý tổ chức và công chức.
Điều 3: Phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ:
- Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đối ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ chốt của các ngành, các cấp, các đơn vị, đồng thời phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị.
- Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định đi đôi với thực hiện đầy đủ trách nhiệm cá nhân trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.
Điều 4: Quản lý tổ chức và công chức phải phù hợp với tiến trình cải cách hành chính của Nhà nước ta hiện nay:
- Tổ chức bộ máy phải gọn, nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả.
- Việc bố trí, phân công, sử dụng công chức phải trên cơ sở công việc yêu cầu, bố trí đúng tiêu chuẩn chức danh, xây dựng cơ cấu công chức phù hợp và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ công chức.
- Cấp nào, ngành nào quản lý có hiệu quả hơn thì phân cấp cho cấp đó, ngành đó quản lý trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất giữa các ngành, các địa phương trong tỉnh và những quy định chung của tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
III- Những quy định cụ thể về phân công, phân cấp quản lý tổ chức và công chức.
Điều 5: Trách nhiệm, quyền hạn của UBND tỉnh:
1) Về tổ chức bộ máy:
Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể, chia tách, đổi tên, nâng cấp đối với các tổ chức sau:
- Các tổ chức trực thuộc UBND tỉnh.
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở, Ban, ngành tỉnh.
- Các doanh nghiệp Nhà nước.
- Các tổ chức trực thuộc UBND các huyện, thị xã.
- Các đơn vị bán công trực thuộc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã.
- Cho phép các Hội quần chúng, các tổ chức phi Chính phủ, các văn phòng đại diện hoạt động hoặc giải thể.
2) Về công chức và các chức danh bầu cử:
a) Đối với các chức danh bầu cử:
- Phê chuẩn kết quả bầu cử, miễn nhiệm các chức danh bầu cử theo quy định của pháp luật.
- Công nhận Ban chấp hành các Hội quần chúng, Hội nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong phạm vi tỉnh.
b) Quyết định các chính sách, chế độ đối với công chức. Quyết định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức hàng năm và kết quả thi tuyển công chức hàng năm.
c) Quản lý và giao biên chế hàng năm cho các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã.
d) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật xếp lương và cho nghỉ theo chế độ đối với các đối tượng sau khi trình và được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đồng ý:
- Trưởng, phó các Sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh.
- Cấp trưởng của các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh ( trừ các phòng trực thuộc các sở, ban, ngành).
- Phó giám đốc các doanh nghiệp : Công ty Xuất nhập khẩu, Công ty Vật tư tổng hợp, Công ty thương mại tổng hợp, Công ty Du lịch - Xuất nhập khẩu, Công ty sản xuất và chế biên hàng xuất khẩu. Nhà máy Xi măng, Công ty vật liệu xây dựng.
- Kế toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước.
- Chuyên viên chính trở lên.
- Công chức có học vị từ tiến sĩ, giáo sư, Phó giáo sư.
- Công chức là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc nhân dân, nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú.
Đối với những chức danh thuộc diện Ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý, sau khi trình và được Ban thường vụ tỉnh uỷ thông báo bằng văn bản thì Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định.
Điều 6: Trách nhiệm, quyền hạn của thủ trưởng các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh:
1- Về tổ chức bộ máy:
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức sau:
- Các phòng, ban chuyên môn của các Sở, ban, ngành sau khi trao đổi và được sự nhất trí bằng văn bản của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.
- Các phòng, ban, khoa, trạm v.v... cấp dưới của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, ban, ngành.
2- Về quản lý công chức:
a) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, thủ trưởng quyết định kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cơ cấu công chức, xây dựng quy hoạch đội ngũ công chức.
b) Quản lý biên chế hành chính sự nghiệp do UBND tỉnh giao hàng năm và thực hiện việc giao và điều chỉnh biên chế đối với các phòng, ban và các đơn vị trực thuộc.
c) Sau khi trao đổi và được sự nhất trí bằng văn bản của Trưởng ban Tổ chức chính quyền thì quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật, nghỉ chế độ đối với các chức danh:
- Trưởng, phó phòng, ban của Sở, ban, ngành.
- Cấp phó của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, ban, ngành.
- Phó giám đốc các doanh nghiệp nhà nước (trừ Phó giám đốc các doanh nghiệp đã được quy định tại điều 5, điểm 2, mục d trên đây.
đ) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật, nghỉ chế độ đối với các chức danh:
- Trưởng, phó trưởng phòng, trưởng, phó trưởng khoa, trưởng, phó trưởng trạm, đội và tương đương của các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành.
Trước khi quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật cho nghỉ chế độ đối với các chức danh nêu tại điểm 2 mục c điều này, các Sở, ban, ngành cần trao đổi thống nhất bằng văn bản với Chủ tịch UBND huyện, thị và phải được Chủ tịch UBND huyện, thị trả lời bằng văn bản nếu đơn vị đó làm việc tại huyện, thị xã.
e) Thực hiện việc bổ nhiệm vào ngạch, xếp bậc lương khi công chức hết thời gian tập sự đạt yêu cầu và nâng bậc lương hàng năm cho công chức theo quy định hiện hành.
g) Tiếp nhận, quyết định điều động công chức trong phạm vi tỉnh. Quyết định khen thưởng, kỷ luật, nhận xét đánh gía hàng năm và nghỉ chế độ đối với công chức thuộc diện được phân cấp quản lý.
Điều 7: Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:
1) Về tổ chức bộ máy:
Sau khi trao đổi và được sự thống nhất bằng văn bản của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, ngành chuyên môn có liên quan cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các tổ chức trực thuộc các phòng, ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp của UBND huyện, thị xã.
2) Về quản lý công chức và các chức danh bầu cử:
Chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách nhiệm và quyết định những nội dung sau:
a) Quyết định kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, cán bộ cơ sở, cán bộ dân cử hàng năm.
b) Xây dựng kế hoạch và quản lý biên chế do UBND tỉnh giao hàng năm và thực hiện việc giao, điều chỉnh biên chế đối với các đơn vị do UBND huyện, thị xã quản lý.
c) Quyết định bổ nhiệm vào ngạch, xếp lương khi công chức hết thời gian tập sự và đạt yêu cầu. Nâng bậc lương hàng năm cho công chức theo quy định hiện hành.
- Quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường trực thuộc phòng Giáo dục - Đào tạo sau khi có sự nhất trí bằng văn bản của giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.
d) Quản lý và quyết định phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh bầu cử theo luật định.
đ) Quyết định bố trí các chức danh chuyên môn và các chức danh khác của xã, phường, thị trấn. Xếp sinh hoạt phí cho các chức danh đối với các xã, phường, thị trấn theo quy định hiện hành.
e) Sau khi trao đổi và được sự thống nhất bằng văn bản của Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh và Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật trưởng phòng, ban chuyên môn và trưởng các đơn vị trực thuộc UBND huyện, thị xã.
g) Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, kỷ luật phó trưởng phòng, ban chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, thị.
Điều 8: Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Ban tổ chức cán bộ Chính phủ quy định tại thông tư số 121/ TCCP - TC ngày 14/6/ 1995, Uỷ ban nhân tỉnh Lạng Sơn uỷ quyền cho Ban Tổ chức chính quyền tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức và công chức như sau:
a) Tiếp nhận và quyết định cho công chức chuyển công tác ra ngoài tỉnh và ngược lại.
b) Quyết định chuyển công tác cho công chức từ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sang doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn và các loại hình doanh nghiệp khác và ngược lại.
c) Quyết định chuyển công tác cho công chức từ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước sang cơ quan Đảng, đoàn thể và ngược lại.
d) Tiếp nhận, bố trí công tác cho các đối tượng sau:
- Quân nhân, Công an chuyển ngành về các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
- Học sinh tốt nghiệp ra trường gồm: Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sơ cấp, công nhân, nhân viên kỹ thuật về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
đ) Quyết định tuyển dụng công chức theo chỉ tiêu biên chế của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp sau khi thi công chức đạt yêu cầu. Cho phép các cơ quan đơn vị sự nghiệp được hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế xét thấy nhu cầu lao động cần thiết và cho phép hợp đồng lao động theo quy định của UBND tỉnh.
e) Trong trường hợp do yêu cầu cần thiết, Trưởng ban Tổ chức chính quyền được quyền điều động công chức thuộc các cơ quan, đơn vị sự nghiệp để đáp ứng yêu cầu công tác chung của tỉnh.
g) Quyết định nâng bậc lương hàng năm, chuyển xếp ngạch, điều động đi, đến, nghỉ công tác theo chế độ đối với công chức thuộc Hội quần chúng được giao biên chế.
h) Quyết định phê duyệt điều lệ của các Hội quần chúng, tổ chức phi chính phủ theo quy định của pháp luật.
i) Trình UBND tỉnh thành lập và quản lý, theo dõi các văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội trong nước.
k) Thanh tra, kiểm tra và có những hình thức xử lý kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện trái với quy định này theo thẩm quyền quản lý, đồng thời báo cáo, kiến nghị với UBND tỉnh hình thức xử lý diện thuộc UBND tỉnh quản lý.
IV. Điều khoản thi hành.
Điều 9: Thủ trưởng các Sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm phổ biến, quán triệt đến tất cả các đơn vị trực thuộc và nghiêm chỉnh thực hiện bản quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu có những điều nào chưa rõ hoặc vướng mắc cần báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để giải quyết.
Điều 10: Ban Tổ chức chính quyền tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi kiểm tra việc thực hiện quy định này./.
QUY TRÌNH
TIẾN HÀNH BỔ NHIỆM VÀ BỔ NHIỆM LẠI CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO
(Ban hành kèm theo quyết định số 08 /2002/QĐ-UB ngày 31 tháng 01 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn)
Để công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo được chặt chẽ, thống nhất trong toàn tỉnh, quy trình tiến hành bổ nhiệm, bổ nhiệm lại như sau:
A - Bổ nhiệm mới:
I- Công chức lãnh đạo thuộc UBND tỉnh quản lý.
1- Các bước tiến hành ở đơn vị:
- Thủ trưởng đề xuất, báo cáo cấp uỷ cùng cấp xin chủ trương về công tác cán bộ.
- Tổ chức bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm. Nếu bổ nhiệm lãnh đạo cấp Sở, Ban, Ngành thì mời toàn thể cơ quan văn phòng, trưởng, phó, Chủ tịch công đoàn, Bí thư chi bộ các đơn vị trực thuộc dự. Nếu bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, Ban, Ngành có thể mời toàn thể công chức, viên chức trong đơn vị đó dự.
- Sau khi có kết quả tín nhiệm, kết hợp với các tiêu chuẩn cán bộ khác, các ngành tiến hành họp Ban lãnh đạo và cấp uỷ cùng cấp để xem xét.
- Làm tờ trình trình UBND tỉnh ( đồng gửi 1 bộ hồ sơ về Ban Tổ chức chính quyền).
Trong tờ trình cần nêu rõ: Yêu cầu cần thiết phải bổ nhiệm, ưu điểm, nhược điểm, triển vọng của người đề nghị bổ nhiệm, số phiếu tín nhiệm. Kèm theo tờ trình phải có sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định, biên bản họp của cấp uỷ Đảng và lãnh đạo cơ quan cùng cấp.
2- Các bước tiến hành ở Ban Tổ chức chính quyền tỉnh:
- Thẩm tra tờ trình của đơn vị gửi lên.
- Chuyển hồ sơ lý lịch sang Ban Tổ chức tỉnh uỷ để thẩm tra ( nếu bổ nhiệm trưởng, phó ngành).
- Chuẩn bị tờ trình và trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh.
3- Các bước tiến hành ở UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh:
- Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh trình Bán cán sự Đảng UBND tỉnh. Sau khi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nhất trí, có thông báo thì Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định bổ nhiệm.
Đối với công chức lãnh đạo do tỉnh uỷ quản lý, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, có văn bản báo cáo Ban thường vụ tỉnh uỷ. Sau khi có thông báo bằng văn bản của Ban thường vụ tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định bổ nhiệm. Nếu bổ nhiệm cấp trưởng của các Sở, Ban, Ngành và tương đuơng, UBND tỉnh có văn bản trao đổi với Bộ trưởng Bộ chủ quản, sau khi có văn bản nhất trí của Bộ chủ quản, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định bổ nhiệm.
- Trường hợp nếu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh không nhất trí hoặc yêu cầu chuẩn bị phương án khác thì Trưởng ban Tổ chức chính quyền tiến hành chuẩn bị lại báo cáo Ban cán sự vào kỳ họp sau.
II- Công chức lãnh đạo thuộc diện các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã quản lý.
Nhìn chung quy trình bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã quản lý về nội dung, các bước tiến hành cũng tương tự như diện UBND tỉnh quản lý. Song cần chú ý một số điểm cụ thể sau:
1- Việc tổ chức lấy ý kiến thăm dò tín nhiệm cũng tổ chức như bổ nhiệm công chức lãnh đạo thuộc UBND tỉnh quản lý nhưng đối tượng dự họp phải mở rộng hơn.
2- Trưởng phòng tổ chức có trách nhiệm chuẩn bị tờ trình và trình trước Ban cán sự Đảng ( nơi có BCS), lãnh đạo và cấp uỷ ( nơi không có BCS). Nếu là cấp huyện, thị xã thì trưởng phòng Tổ chức- Lao động - xã hội trình UBND trước khi báo cáo Ban thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, sau đó UBND trình Ban thường vụ huyện, thị uỷ.
3- Sau khi có thông báo nghị quyết của đảng uỷ cùng cấp ( đối với Sở, Ban, Ngành), của Ban thường vụ huyện, thị uỷ ( đối với các huyện, thị xã) về công tác cán bộ, thì thủ trưởng( các Sở, Ban, Ngành), Chủ tịch UBND ( các huyện, thị xã), ký quyết định bổ nhiệm.
Trước khi ký quyết định bổ nhiệm, thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành cần trao đổi bằng văn bản và được sự nhất trí bằng văn bản của Chủ tịch UBND huyện, thị xã ( nếu đơn vị có công chức được bổ nhiệm ở trên địa bàn huyện, thị) và ngược lại.
4- Tất cả các quyết định bổ nhiệm đều phải gửi 01 bản về UBND tỉnh ( qua Ban TCCQ) để bổ sung vào hệ thống tin học quản lý công chức.
B- Bổ nhiệm lại.
Việc bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo thực hiện theo quyết định số 51- QĐ/TƯ ngày 03/5/ 1999 của Bộ chính trị về việc ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ. Riêng quy trình bổ nhiệm lại thực hiện như sau:
I. Về thủ tục bổ nhiệm lại:
1- Công chức lãnh đạo làm báo cáo tự nhận xét, đánh gía việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ theo quy trình tại điều 7 và 8 trong quy chế đánh giá cán bộ.
2- Tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị tham gia góp ý kiến và bỏ phiếu tín nhiệm.
3- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức lãnh đạo nhận xét, đánh giá và đề xuất ý kiến có bổ nhiệm lại hay không bổ nhiệm lại. Sau đó tập thể lãnh đạo và cấp uỷ cùng cấp xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức.
II. Thẩm quyền quyết định bổ nhiệm lại và không bổ nhiệm lại:
1- Cấp nào ra quyết định bổ nhiệm cán bộ thì cấp đó quyết định bổ nhiệm lại.
2- Việc trình xét để bổ nhiệm lại thực hiện như việc trình xét bổ nhiệm công chức lãnh đạo mới ( riêng lý lịch không phải trình lại).
3- Những công chức lãnh đạo tuổi còn dưới 5 năm công tác thì đến tuổi về hưu, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thì cấp quản lý công chức lãnh đạo thông báo kéo dài thời gian giữ chức vụ cho đến tuổi nghỉ hưu.
Nếu công chức lãnh đạo không được bổ nhiệm lại thì sẽ quyết định bổ trí công tác khác do thủ trưởng Sở, Ban, ngành Chủ tịch UBND bố trí./.