Chỉ thị số 25/1999/CT-TTg ngày 30/08/1999 Về việc đẩy mạnh công tác Y, Dược học cổ truyền (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 25/1999/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Ngày ban hành: 30-08-1999
- Ngày có hiệu lực: 14-09-1999
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 03-01-2020
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7416 ngày (20 năm 3 tháng 26 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 03-01-2020
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/1999/CT-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC Y, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN
Trong những năm qua, ngành y tế cùng các ngành, ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức xã hội có liên quan đã kiên trì thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ về công tác Y, Dược học cổ truyền (YDHCT) và đã đạt được một số thành tựu trên các mặt kế thừa, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, phòng bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc, nuôi trồng dược liệu..., góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng nền y tế, y học nước nhà và nâng cao vị thế của YDHCT Việt Nam trên thế giới.
Tuy nhiên, công tác YDHCT còn nhiều thiếu sót và tồn tại. Sự phối hợp giữa Bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ nên hệ thống tổ chức YDHCT từ Trung ương đến cơ sở chậm được củng cố, hoàn thiện và phát triển. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu về YDHCT và kết hợp YDHCT với YDHHĐ, công tác điều tra, tổng kết và nghiên cứu khoa học, điều trị và sản xuất thuốc cổ truyền chưa được đầu tư đúng mức và chậm được hiện đại hoá. Các văn bản quy phạm pháp luật về công tác YDHCT chậm được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Một số cán bộ ở một số cấp, ngành, tổ chức xã hội chưa thực sự quan tâm triển khai đầy đủ công tác YDHCT. Công tác xã hội hoá, sử dụng YDHCT trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu ở cộng đồng chưa được đẩy mạnh. Việc quản lý hành nghề YDHCT tư nhân còn lỏng lẻo.
Thực tiễn cho thấy nền YDHCT của nước ta rất phong phú, đa dạng, có giá trị lâu dài về nhiều mặt mà chúng ta cần phải kế thừa và phát triển.
Để khắc phục những tồn tại và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác YDHCT đã được ghi trong Nghị quyết lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VlI "Về những vấn đề cấp bách trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân", các Nghị quyết hội nghị lần thứ 3, Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII; Nghị quyết số 37/CP ngày 20 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ về "Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong thời gian 1996 - 2000 và chính sách Quốc gia về thuốc của Việt Nam", công tác phát triển YDHCT cần được tập trung vào một số nội dung cơ bản sau : đẩy mạnh việc kế thừa và phổ biến rộng rãi các bài thuốc và phương pháp chữa bệnh cổ truyền; nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa YHCT, kết hợp YHHĐ và YHCT; phát triển dược liệu, dược phẩm cổ truyền; tăng cường công tác quản lý hành nghề y dược học cổ truyền, làm tốt công tác kế thừa, đào tạo cán bộ YDHCT.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
1. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo cán bộ y học cổ truyền ở các bậc học theo quy định của Nhà nước về đào tạo; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đào tạo cán bộ YDHCT, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ YDHCT, kết hợp đào tạo về YDHCT với đào tạo về y học hiện đại.
2. Hàng năm, Bộ Y tế giành tỷ lệ ngân sách y tế thoả đáng cho các hoạt động khám chữa bệnh bằng YDHCT.
3. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ :
- Nghiên cứu, từng bước củng cố, hoàn thiện và phát triển các cơ sở YDHCT từ Trung ương đến cơ sở, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.
- Nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án về công tác quản lý YDHCT, chỉ đạo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi và chỉ đạo công tác YDHCT.
- Xây dựng khoa y học cổ truyền hoặc một số giường bệnh y học cổ truyền tại các bệnh viện, viện y học hiện đại.
4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực YDHCT; sửa đổi, bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích những người hành nghề YDHCT cống hiến những bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý, đặc biệt là kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh bằng YDHCT của đồng bào các dân tộc ít người; xây dựng đề án phát triển YDHCT, để ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành.
Nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Nhà nước ban hành các hình thức khen thưởng, các danh hiệu vinh dự cho những người có nhiều công lao trong YDHCT.
5. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức công tác nghiên cứu khoa học về YDHCT.
6. Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong việc mở rộng quan hệ về nghiên cứu, đào tạo, điều trị, sản xuất thuốc và thiết bị trong lĩnh vực YDHCT với các nước, nhất là các nước trong khu vực có nền YDHCT phát triển.
7. Bộ Thương mại cùng với Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Hải quan và các Bộ, ngành liên quan quản lý chặt chẽ, hợp lý việc xuất, nhập khẩu dược liệu và các chế phẩm thuốc cổ truyền.
8. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các trường phổ thông trồng vào vườn thực vật của trường một số cây thuốc; đặc biệt là các cây thuốc sẵn có ở địa phương, hướng dẫn cách sử dụng và giới thiệu truyền thống YDHCT cho học sinh.
9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu xây dựng đề án, bảo vệ, tái sinh và tổ chức nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là việc thuần hoá, phát triển những dược liệu quý đã di thực được, đồng thời có kế hoạch nuôi trồng tập trung những dược liệu có nhu cầu sử dụng lớn và giá trị kinh tế cao; tạo ra và duy trì nguồn cây thuốc, trồng cây thuốc sẵn có ở địa phương phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
10. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngành y tế của địa phương có trách nhiệm chỉ đạo phát triển YDHCT trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các Hội Y học cổ truyền và Hội Châm cứu hoạt động, phát triển và góp phần tích cực vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Khuyến khích các trạm y tế xã, phường, thị trấn sử dụng y dược học cổ truyền để khám chữa bệnh cho nhân dân.
Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp ở địa phương tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân khôi phục phong trào trồng, sử dụng các cây thuốc gia đình và những phương pháp chữa bệnh đơn giản của YHCT không dùng thuốc để phòng và chữa một số chứng bệnh thông thường tại cộng đồng. Tăng cường xã hội hoá, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh bằng YDHCT nhằm huy động mọi lực lượng YDHCT phục vụ cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.Việc trồng cây thuốc gia đình nên gắn liền với phát triển kinh tế gia đình, cải tạo môi trường và phong trào xoá đói giảm nghèo.
11. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước, các quy chế chuyên môn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sản xuất kinh doanh thuốc cổ truyền để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức triển khai Chỉ thị này.
Giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.
Tháng 10 hàng năm, Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và đề xuất biện pháp để tiếp tục thực hiện Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |