Quyết định số 60/2001/QĐ-BCN ngày 10/12/2001 Quy định mức chi phí đóng cắt điện ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 60/2001/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 10-12-2001
- Ngày có hiệu lực: 25-12-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-03-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1898 ngày (5 năm 2 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-03-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 60/2001/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 60/2001/QĐ-BCN NGÀY 10 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC CHI PHÍ ĐÓNG CẮT ĐIỆN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Tài chính tại văn bản số 10741TC/TCDN ngày 09 tháng 11 năm 2001;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Tài chính Kế toán,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định mức chi phí đóng cắt điện, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Giám đốc Sở Công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Hoàng Trung Hải (Đã ký) |
QUY CHẾ
MỨC CHI PHÍ ĐÓNG CẮT ĐIỆN
(Ban hành theo Quyết định số 60/2001/QĐ-BCN ngày 10 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định về mức chi phí đóng cắt điện mà bên mua điện phải trả cho bên bán điện trong trường hợp bên bán thực hiện việc đóng cắt điện do bên mua vi phạm một trong các quy định tại khoản 5 Điều 41 Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện:
1. Sử dụng thiết bị điện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn điện theo quy định có nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng cho lưới điện, đe doạ an toàn cho người và thiết bị.
2. Bên mua vi phạm quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 39 Nghị định số 45/2001/NĐ-CP:
a. Khi nhận được yêu cầu thanh toán tiền điện, nếu bên mua điện chưa thanh toán thì bên bán điện phải gửi thông báo thanh toán tiền điện cho bên mua điện. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thanh toán tiền điện của bên bán điện, bên mua điện có trách nhiệm thanh toán. Quá thời hạn nêu trên nếu bên mua chưa thanh toán thì:
- Đối với hợp đồng dân sự: Bên bán có thể thoả thuận để bên mua được lùi ngày trả nếu bên mua có lý do chính đáng. Nếu quá hạn đã thoả thuận mà bên mua vẫn chưa thanh toán thì bên bán có quyền tạm ngừng bán điện;
- Đối với hợp đồng kinh tế: Khi bên bán đã thoả thuận để bên mua được lùi ngày trả, bên mua phải chịu lãi suất vay thương mại kỳ hạn 3 tháng của Ngân hàng Công thương Việt Nam tính trên số tiền chậm trả kể từ ngày thứ 10. Quá hạn đã thoả thuận mà bên mua chưa thanh toán thì bên bán có quyền tạm ngừng bán điện.
b. Đối với điện năng phục vụ thuỷ nông, sử dụng để tưới, tiêu cho cây lúa, rau mầu, cây công nghiệp trồng xen canh trong vùng lúa, rau màu, thời hạn thanh toán do hai bên mua bán điện thoả thuận nhưng tối đa không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo thanh toán tiền điện.
3. Bên mua cản trở việc kiểm tra của bên bán điện trong việc thực hiện hợp đồng mua bán điện.
4. Có hành vi gian lận trong sử dụng điện.
5. Sử dụng điện gây nguy hiểm cho người, động vật, tài sản của Nhà nước và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu tới môi trường.
6. Cố ý làm sai lệch hoạt động của hệ thống đo lường.
7. Các trường hợp khác theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 2. Mức chi phí đóng cắt điện (bao gồm chi phí cắt và chi phí đóng) được thu một lần khi bên bán đóng điện trở lại cho bên mua. Chi phí này nhằm bù đắp cho bên bán để thực hiện việc đóng cắt điện.
Điều 3. Bên bán điện chỉ được thu tiền đóng cắt điện theo đúng quy định tại Chương II của quy định này. Tiền thu chi phí đóng cắt điện được hạch toán vào doanh thu của bên bán điện (phần doanh thu sản xuất kinh doanh khác) và nộp thuế theo quy định hiện hành.
Điều 4. Chi phí đóng cắt điện để phục vụ cho mục đích cải tạo, sửa chữa xây dựng mới các công trình điện và trong các trường hợp thiên tai, địch hoạ không thuộc phạm vi áp dụng của quy định này.
Chương 2
MỨC CHI PHÍ ĐÓNG CẮT ĐIỆN
Điều 5. Các điểm đóng cắt điện để xác định mức chi phí đóng cắt điện được chia làm 3 loại:
1. Tại điểm có điện áp từ 0,4 kV trở xuống.
2. Tại điểm có điện áp từ 6 đến 35 kV.
3. Tại điểm có điện áp từ 66 kV trở lên.
Điều 6. Mức chi phí đóng cắt điện được quy định như sau:
1. Mức chi phí một lần đóng cắt điện tại khu vực đồng bằng có khoảng cách từ đơn vị được phép đóng cắt điện đến địa điểm đóng cắt điện từ 10 km trở xuống, gồm:
a. Mức chi phí đóng cắt điện tại một điểm có cấp điện áp từ 0,4 kV trở xuống là 23.000 đ;
b. Mức chi phí đóng cắt điện tại một điểm có cấp điện áp từ 6 đến 35kV là 49.000 đ;
c. Mức phí chi đóng cắt điện tại một điểm có cấp điện áp từ 66 kV trở lên là 74000 đ;
Mức chi phí đóng cắt điện quy định tại khoản 1 điều này đã bao gồm 10% thuế giá trị gia tăng.
2. Hệ số điều chỉnh k và n
Đối với bên mua điện dùng cho mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác (không áp dụng cho mục đích sinh hoạt), nếu khoảng cách từ chỗ làm việc của đơn vị được phép đóng cắt điện đến địa điểm đóng cắt điện tăng lên thì được nhân với hệ số k; tại khu vực miền núi, hải đảo được nhân với hệ số n, cụ thể là:
a. Hệ số k:
- Dưới 10 km hệ số k = 1,00
+ Từ 10 km đến nhỏ hơn 20 km hệ số k = 1,14
+ Từ 20 km đến nhỏ hơn 30 km hệ số k = 1,28
+ Từ 30 km đến nhỏ hơn 50 km hệ số k = 1,42
+ Từ 50 km trở lên hệ số k = 1,56
b. Hệ số n = 1,15
Điều 7. Với mức chi phí quy định tại Điều 6 quy định này, bên bán thu tiền của bên mua khi thực hiện đóng điện trở lại cho bên mua như sau:
1. Khu vực đồng bằng:
a. Nếu bên mua điện dùng cho mục đích sinh hoạt thì T = M;
b. Nếu bên mua điện dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác thì T = M x k
2. Khu vực miền núi, hải đảo:
a. Nếu bên mua điện dùng cho mục đích sinh hoạt thì T = M;
b. Nếu bên mua điện dùng cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ và các mục đích khác thì T = M x k x n
Trong đó:
T: Số tiền bên bán thu của bên mua tại các điểm đóng cắt điện
M: Mức chi phí đóng cắt điện quy định tại khoản 1 Điều 6
k: Hệ số khoảng cách quy định tại khoản 2 Điều 6
n: Hệ số khu vực miền núi quy định tại khoản 2 Điều 6
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8. Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về điện thuộc Bộ Công nghiệp, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 9. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc kịp thời báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.