Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 28/11/2001 Về Quy định quản lý lưới điện, mua bán điện và sử dụng điện ở nông thôn địa bàn tỉnh Hòa Bình (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 37/2001/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Ngày ban hành: 28-11-2001
- Ngày có hiệu lực: 28-11-2001
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 13-08-2007
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2001/QĐ-UB | Hòa Bình, ngày 28 tháng 11 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN, MUA BÁN ĐIỆN VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN Ở NÔNG THÔN ĐỊA BÀN TỈNH HOÀ BÌNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21-6-1994;
- Căn cứ Chỉ thị số 11/2000/CT-UB ngày 07-8-2000 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường quản lý lưới điện và giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn;
Xét đề nghị của Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 164TT/CN ngày 05-7-2001.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định quản lý lưới điện, mua bán điện và sử dụng điện ở nông thôn địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Điều 2: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Điện lực Hoà Bình và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN, MUA BÁN ĐIỆN VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN Ở NÔNG THÔN ĐỊA BÀN TỈNH HOÀ BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37 /2001/QĐ-UB ngày 28 tháng 11 năm 2001 của UBND tỉnh Hoà Bình).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh bao gồm :
-Hệ thống đường dây và các thiết bị bảo vệ, đo lường của lưới điện hạ áp 0,4KV (lưới điện Quốc gia) từ các trạm biến áp 6-35/0,4KV đến hộ sử dụng điện.
- Ở vùng nông thôn chưa có lưới điện hạ áp 0,4KV nhưng có các nguồn phát truyền tải điện tại chỗ (thuỷ điện vừa và nhỏ, điện Điêzen, điện dùng năng lượng mặt trời, sức gió ...).
Điều 2: Địa bàn nông thôn bao gồm: Các xã và các khu dân cư nông thôn ở các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Điều 3: Lưới điện nông thôn được đầu tư theo cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm", cụ thể là:
1- Đối với đường trục và đường nhánh lưới điện hạ thế 0,4KV Quốc gia do UBND tỉnh huy động các nguồn vốn.
Đối với đồng hồ đo đếm điện năng và cáp điện đấu nối từ lưới điện hạ thế 0,4KV đến đồng hồ và từ đồng hồ vào nhà dân do nhân dân tự đầu tư.
2- Đối với một số xã vùng cao, vùng sâu không có khả năng kéo điện lưới ,nếu xét thấy có thể xây dựng nguồn điện tại chỗ (thuỷ điện nhỏ, pin mặt trời, điện sức gió ...) thì lập dự án trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ kinh phí.
Điều 4: Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư và được phép kinh doanh theo phương thức bỏ vốn xây dựng lưới điện hạ thế, mua buôn và bán lẻ điện năng theo các quy định hiện hành .
Điều 5: Quy định này áp dụng cho mọi tổ chức, cá nhân quản lý lưới điện, mua bán điện và sử dụng điện ở nông thôn địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Chương II
QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN, MUA BÁN ĐIỆN VÀ SỬ DỤNG ĐIỆN Ở NÔNG THÔN.
Mục 1. Quản lý lưới điện
A/ Quản lý về đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện:
Điều 6: Việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ theo các quy định xây dựng cơ bản hiện hành.
1- Các đơn vị được giao làm chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải căn cứ vào Quy hoạch, kế hoạch phát triển lưới điện của tỉnh, của huyện, của thị xã đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2- Đối với các nguồn điện tại chỗ thì do tổ chức, cá nhân bỏ vốn quyết định đầu tư nhưng phải tuân theo các quy định của các cấp chính quyền địa phương, nhưng không trái với các quy định hiện hành.
Điều 7: Điều kiện để đưa lưới điện nông thôn vào sử dụng:
1- Đối với lưới điện Quốc gia do chủ đầu tư bàn giao cho tổ chức quản lý điện nông thôn về hiện trạng cùng với hồ sơ hoàn công của lưới điện, đồng thời tổ chức quản lý điện nông thôn đã ký hợp đồng mua điện với Điện lực Hoà Bình.
2- Đối với nguồn điện tại chỗ phải được UBND xã cấp phép sử dụng, đồng thời người vận hành phải có chứng chỉ qua lớp huấn luyện vận hành sử dụng nguồn điện tại chỗ do cơ quan có chức năng cấp.
B/ Hình thức tổ chức quản lý điện nông thôn.
Điều 8: Các Tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập theo một trong 4 loại hình dưới đây mới được quản lý lưới điện, mua bán điện ở nông thôn địa bàn Tỉnh:
1- HTX sản xuất nông nghiệp hoặc HTX dịch vụ có đăng ký kinh doanh điện năng hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
2- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước.
3- Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần hoạt động theo luật doanh nghiệp.
4- Xã thành lập một Ban quản lý điện để giúp UBND xã trong việc quản lý phát triển lưới điện của xã. Ban quản lý điện xã hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do UBND xã quy định.
- Số lượng nhân viên Ban quản lý điện xã tuỳ thuộc vào số hộ sử dụng điện nhưng không quá 05 người là nam giới tuổi từ 18 - 50, có đủ sức khoẻ, phẩm chất đạo đức, có bằng công nhân kỹ thuật chuyên ngành điện hoặc Chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo thợ điện nông thôn.
Điều 9: Nhiệm vụ của tổ chức quản lý điện nông thôn.
1- Quản lý lưới điện và kinh doanh điện năng từ công tơ tổng đến các hộ sử dụng điện.
2- Ký hợp đồng mua điện với Điện lực Hoà Bình và cung ứng điện cho các hộ sử dụng điện theo hợp đồng đã ký với hộ sử dụng điện.
3- Bảo vệ tài sản lưới điện, chống trộm cắp điện và phát quang hành lang lưới điện.
4- Đề xuất phương án cải tạo, phát triển lưới điện sau công tơ tổng với cấp có thẩm quyền.
5- Soạn thảo trình UBND xã ban hành quy định hoạt động và quản lý điện của xã trong khuôn khổ của pháp luật.
6- Xây dựng phương án giá bán điện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo công khai để hộ sử dụng biết thực hiện.
7- Thu tiền điện của các hộ sử dụng điện và thanh toán với Điện lực Hoà Bình theo hợp đồng đã ký kết.
8- Thống kê hạch toán rõ ràng các khoản thu chi tiền điện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
9- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng điện an toàn.
10- Phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức huấn luyện cho các cá nhân vận hành sử dụng nguồn điện tại chỗ.
11- Tổng hợp tình hình giá bán điện, tình hình phát triển lưới điện theo mẫu biểu của Sở Công nghiệp để báo cáo UBND xã, UBND huyện, Điện lực Hoà Bình và Sở Công nghiệp.
12- Lập biên bản các trường hợp vi phạm sử dụng điện báo cáo cơ quan chức năng xử lý.
Mục 2. quản lý mua, bán điện
Điều 10: Chỉ có tổ chức quản lý điện nông thôn được thành lập theo điều 8 của Quy định này mới có tư cách pháp nhân ký hợp đồng mua điện với Điện lực Hoà Bình và hợp đồng bán điện cho các hộ sử dụng điện.
Điều 11: Giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn chỉ áp dụng ở những nơi sử dụng điện lưới Quốc gia và được đặt trong tổng thể việc điều chỉnh hệ thống giá điện chung cả nước. Hiện tại quy định mức giá trần bán cho hộ dân nông thôn là 700đ/kwh.
Điều 12: Cơ cấu và phương pháp tính giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn.
Cơ cấu giá bán điện và phương pháp tính giá bán điện đến hộ dân nông thôn bao gồm các khoản mục sau:
1- Giá mua điện: Theo mức giá bán buôn ở công tơ tổng đặt tại trạm biến áp của thôn xã do Nhà nước quy định.
2- Chi phí tổn thất điện năng: Tổn thất điện năng từ công tơ tổng đặt tại trạm biến áp của thôn, xã đến hộ sử dụng điện được phân bổ đồng đều cho các Kwh điện thương phẩm trong kỳ thanh toán không phân biệt các thành phần kinh tế hoặc sinh hoạt, chiếu sáng công cộng... Tuyệt đối không được tính vào tổn thất điện năng số lượng điện năng phục vụ công cộng mà không thu tiền điện (chiếu sáng công cộng, UBND xã, trường học, trạm y tế ...).
3- Chi phí tiền công: Chi phí tiền công cho nhân viên quản lý điện thôn xã căn cứ vào kết quả kinh doanh (đối với tổ chức quản lý điện nông thôn là Hợp tác xã, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khác ), căn cứ vào mức thu nhập của thôn xã và kết quả quản lý vận hành lưới điện (đối với tổ chức quản lý điện nông thôn là Ban điện xã).
4- Chi phí khấu hao đường dây và các thiết bị bảo vệ, đo đếm: Việc tính khấu hao phải hợp lý nhằm bảo đảm giá bán điện không vượt giá trần của Chính phủ quy định.
5- Chi phí sửa chữa:
- Chi phí sửa chữa thường xuyên (sửa chữa nhỏ) căn cứ vào yêu cầu thực tế để tính cho hợp lý.
- Chi phí sửa chữa lớn được tính vào giá điện năng không được vượt mức gía trần (700đ/kwh). Nếu vượt mức giá trần thì tổ chức quản lý điện nông thôn báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét huy động các nguồn vốn sửa chữa.
6- Chi phí quản lý: Là chi phí mua văn phòng phẩm, dụng cụ và chi phí cần thiết khác phục vụ quá trình mua bán điện.
7- Đầu tư lưới điện bằng vốn vay: Trường hợp tài sản lưới điện hình thành từ vốn vay thì tính chi phí trả lãi vay vào giá bán điện.
Điều 13: Giá bán điện cho sản xuấtkinh doanh, dịch vụ và giá bán điện cho các trạm bơm thuỷ lợi theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Mục 3. Quản lý sử dụng điện.
A/ Đối với lưới điện 0,4KV quốc gia.
Điều 14: Các hộ sử dụng điện lưới quốc gia phải có hợp đồng cung ứng sử dụng điện và phải lắp đồng hồ đo đếm do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kiểm định, kẹp chì. Tuyệt đối không dùng hình thức khoán sử dụng điện.
Điều 15: Trách nhiệm của hộ sử dụng điện:
1- Thực hiện đúng hợp đồng cung ứng sử dụng điện đã ký kết và chấp hành nghiêm chỉnh quy chế sử dụng điện đã ban hành tại địa phương và các văn bản pháp luật khác về quản lý điện nông thôn.
2- Tuyệt đối không được:
- Sử dụng điện không qua đồng hồ đếm điện năng.
- Bán lại điện hoặc nhượng lại hợp đồng cung ứng sử dụng điện.
- Sử dụng điện vào những mục đích trái với quy định của Nhà nước.
- Tự lắp đặt công tơ và đấu nối vào đường dây điện trên không.
3- Phải bồi thường cho bên cung ứng điện khi cố tình làm hư hỏng đồng hồ đo đếm điện năng (kể cả phá kẹp chì) hoặc thay đổi sơ đồ đấu dây đồng hồ đếm điện năng hoặc ăn cắp điện bằng mọi hình thức khác.
4- Hàng tháng thanh toán đầy đủ tiền điện với bên cung ứng điện theo hợp đồng đã ký kết, nếu không nộp đủ tiền điện bên cung ứng điện có quyền cắt điện sau 3 lần thông báo đòi nợ (mỗi lần thông báo cách nhau 3 ngày).
B/ Đối với nguồn điện tại chỗ.
Điều 16: Các hộ sử dụng nguồn điện tại chỗ phải có đăng ký sử dụng các nguồn điện tại chỗ với UBND xã và đã được huấn luyện về vận hành, sử dụng nguồn điện tại chỗ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17: Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp.
1- Sở Công nghiệp:
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Điện lực Hoà Bình, và UBND các huyện, thị xã hướng dẫn các tổ chức quản lý điện nông thôn, thực hiện bản quy định này.
- Phối hợp với Điện lực Hoà Bình trong việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho nhân viên vận hành, quản lý lưới điện nông thôn và hướng dẫn tổ chức quản lý điện nông thôn xây dựng nội quy quản lý và quy trình vận hành, sửa chữa lưới điện bảo đảm an toàn và hiệu quả.
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Thanh tra Nhà nước thường xuyên kiểm tra, thanh tra giá bán điện đến hộ dân nông thôn đặc biệt là việc chống tổn thất điện năng và mức giá bán điện đảm bảo bằng hoặc thấp hơn giá trần của Chính phủ quy định.
3- Sở Tài chính - Vật giá: Chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp trong việc thẩm định phương án giá bán điện của các tổ chức quản lý điện nông thôn trình UBND Tỉnh quyết định hoặc uỷ quyền cho phòng Tài chính - giá cả phối hợp với phòng Xây dựng - Công nghiệp thẩm định phương án giá trình UBND huyện, thị xã quyết định..
4- Điện lực Hoà Bình: Chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp, Công an Tỉnh và các cấp chính quyền địa phương (huyện, xã) hỗ trợ kịp thời khi có đề nghị của tổ chức quản lý điện nông thôn trong việc bảo vệ tài sản lưới điện, chống trộm cắp điện và giải phóng hành lang lưới điện.
Chương IV
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM.
Điều 18: Khen thưởng:
Tổ chức, cá nhân có thành tích thực hiện Quy định này sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 19: Xử lý vi phạm:
Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ phải xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20: Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Công nghiệp, Sở Công nghiệp báo cáo UBND tỉnh để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.