Quyết định số 54/2001/QĐ-BCN ngày 14/11/2001 Quy định sử dụng điện làm phương tiên bảo vệ trực tiếp ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 54/2001/QĐ-BCN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Công nghiệp
- Ngày ban hành: 14-11-2001
- Ngày có hiệu lực: 29-11-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-05-2006
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1627 ngày (4 năm 5 tháng 17 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-05-2006
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2001/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP SỐ 54/2001/QĐ-BCN NGÀY 14 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH SỬ DỤNG ĐIỆN LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TRỰC TIẾP
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 45/2001/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về hoạt động điện lực và sử dụng điện;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Hoàng Trung Hải (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
SỬ DỤNG ĐIỆN LÀM PHƯƠNG TIỆN BẢO VỆ TRỰC TIẾP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2001/QĐ-BCN ngày 14 tháng 11 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Điều 1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp nhằm mục đích phát hiện, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vào khu vực hoặc đối tượng được bảo vệ.
Điều 2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực hoặc đối tượng được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào bảo vệ). Khi đối tượng cố ý xâm phạm vào khu vực được bảo vệ và tiếp xúc trực tiếp với hàng rào bảo vệ sẽ bị điện giật đồng thời hệ thống bảo vệ (nếu có) phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực biết.
Điều 3. Khu vực, đối tượng được phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là các cơ sở quan trọng của nhà nước về an ninh, quốc phòng, ngoại giao, chính trị, kinh tế, xã hội.
Điều 4. Cấm các tổ chức sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Cấm sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp để bảo vệ tài sản cá nhân, bẫy chim, bẫy chuột bảo vệ hoa mầu hoặc phục vụ cho mục đích khác gây nguy hiểm cho người, động vật, môi trường sống, gây sự cố làm thiệt hại tài sản nhà nước, tài sản công dân.
Điều 5. Hàng rào bảo vệ phải đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống.
Điều 6. Chỉ được phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp khi có đủ các điều kiện sau:
1. Được cấp có thẩm quyền cho phép
a) Tổ chức cần sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội phải được phép của Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Tổ chức cần sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng phải được phép của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
c) Các trường hợp khác, tổ chức cần sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp cho khu vực hoặc đối tượng cần bảo vệ của đơn vị, phải được phép của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý đơn vị đó.
2. Thiết kế hàng rào bảo vệ phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan có thẩm quyền duyệt thiết kế do cấp quyết định cho phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp quy định.
3. Hàng rào bảo vệ phải được thi công đúng thiết kế được duyệt, nghiệm thu đạt yêu cầu.
4. Có rào chắn hoặc hào ngăn cách với khu vực có điện, có biển báo "Khu vực có điện, nguy hiểm chết người" đặt ở nơi dễ thấy.
5. Có quy trình vận hành hệ thống điện sử dụng làm phương tiện bảo vệ trực tiếp và quy trình an toàn điện.
6. Người vận hành hệ thống điện sử dụng làm phương tiện bảo vệ trực tiếp phải được huấn luyện quy trình vận hành, quy trình an toàn, sát hạch đạt yêu cầu mới được đảm nhiệm công việc này.
Điều 7. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh quy định này; nếu vi phạm Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về điện thuộc Bộ Công nghiệp, các địa phương và các cơ quan ban ngành liên quan có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.