cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 69/2001/QĐ-UB ngày 03/11/2001 Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến 2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 69/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Cần Thơ
  • Ngày ban hành: 03-11-2001
  • Ngày có hiệu lực: 03-11-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 25-10-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3643 ngày (9 năm 11 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 25-10-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 25-10-2011, Quyết định số 69/2001/QĐ-UB ngày 03/11/2001 Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến 2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 25/10/2011 Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; văn hóa, thể thao và du lịch hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 69/2001/QĐ-UB

Cần Thơ, ngày 03 tháng 11 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NUÔI THỦY SẢN TỈNH CẦN THƠ ĐẾN 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định 62/2000/QĐ-TTg ngày 06/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Cần Thơ đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định 173/2001/QĐ-TTg ngày 06/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về pháttriển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001 - 2005;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cần Thơ lần thứ X (nhiệm kỳ 2001-2005);

Căn cứ Biên bản ngày 25/6/2001 của Hội đồng nghiệm thu tỉnh Cần Thơ về Quy hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 624/TTr.SKH ngày 14/11/ 2001 về việc xin phê duyệt Qui hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến năm 2010 với những nội dung chủ yếu sau :

1/ Mục tiêu phát triển :

- Mục tiêu chung:

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, phát triển bền vững theo cơ chế thị trường, gắn phát triển nuôi thủy sản với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng cùng cả nước trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm quốc gia, tăng thu ngoại tệ cho ngân sách, nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn đạm động vật thủy sản, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống nông dân, gia tăng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.

- Mục tiêu cụ thể:

Diện tích nuôi thủy sản:

- Năm 2005: 26.800Ha;

- Năm 2010: 45.000Ha;

Sản lượng nuôi thủy sản tăng bình quân 13% năm

Giá trị thủy sản tăng bình quân 15,4% năm

 2/ Những định hướng và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển nuôi thủy sản:

a) Những định hướng phát triển:

- Phát triển nuôi thủy sản phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, gắn với thị trường trong nước và thế giới, tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư với nước ngoài có hiệu quả. Phát triển nuôi thủy sản phải phù hợp với quy hoạch ngành nông nghiệp tỉnh Cần Thơ.

- Đảm bảo phát triển nuôi thủy sản gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, môi trường sinh thái để phát triển nuôi thủy sản bền vững hiệu quả.

- Phát huy tối đa các mô hình nuôi hiện có, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế, từng bước nâng cao phương thức nuôi thủy sản để người dân dễ tiếp thu, ứng dụng nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế.

- Phát triển nuôi thủy sản trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng mặt đất, mặt nước, đa dạng hóa sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả, phù hợp chủ trương chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Xây dựng các vùng nuôi thủy sản chuyên, nuôi bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp, các đối tượng nuôi chất lượng cao, nhằm tăng nhanh tỷ trọng của thủy sản trong giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo thêm ngành nghề, việc làm ở nông thôn.

- Nuôi thủy sản phải gắn với bảo quản sau thu hoạch, với chế biến thủy sản, thị trường tiêu thụ sản phẩm để đa dạng hóa sản phẩm tinh chế, tăng giá trị thủy sản, thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ phát triển.

 - Phát triển nuôi thủy sản phải kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường thiên nhiên như xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn: điện, đường, trường học, trạm xá, nước sạch. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo ở nông thôn nhất là vùng sâu, vùng sa, vùng bị ngập lụt, vùng đồng bào dân tộc.

- Khuyến khích thúc đẩy nhiều thành phần kinh tế tham gia, phát triển rộng rãi nhiều hình thức hợp tác thích hợp với điều kiện từng địa phương, đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh.

 b) Những lĩnh vực chủ yếu cho phát triển thủy sản:

- Khai thác tốt tiềm năng nuôi thủy sản tạo nguồn nguyên liệu dồi dào gắn với đầu tư hiện đại cơ sở chế biến để nhanh chóng phát triển diện tích nuôi thủy sản tương xứng với tiềm năng, theo quy hoạch phát triển nuôi thủy sản tỉnh Cần Thơ đến năm 2010.

- Xây dựng và phát triển các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế, có giá trị xuất khẩu cao, có thị trường tiêu thụ rộng lớn, tiến tới quy hoạch nuôi thủy sản chuyên canh, quy mô công nghiệp. Chú ý các mô hình nuôi thủy sản kết hợp với trồng lúa, mương vườn, rừng tràm và các loại thủy đặc sản ở các vùng bảo tồn sinh thái.

- Tập trung các nguồn lực để giải quyết giống, thức ăn, vốn, tổ chức khuyến ngư tận cơ sở tương ứng với nhịp độ phát triển nuôi thủy sản.

- Tăng cường giáo dục, tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm dần và tiến tới loại bỏ các hình thức làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của người nuôi.

 3/ Những giải pháp chủ yếu:

a)- Giải quyết giống cho nuôi thủy sản:   

Kiện toàn, sắp xếp hệ thống giống thủy sản của tỉnh trong hệ thống giống thủy sản quốc gia theo quy định. Có sự kết hợp hài hòa với các tổ chức sản xuất giống tư nhân, tập thể, phục hồi lại trại giống huyện theo hình thức hợp tác, cổ phần. Mạng lưới giống thủy sản nên gắn liền tỉnh, huyện với hệ thống giống quốc gia để có sự phối hợp phân công hợp lý.

b)- Thức ăn cho nuôi thủy sản:

Nâng cấp các cơ sở sản xuất thức ăn hiện có, xây dựng mới các xí nghiệp sản xuất thức ăn công nghiệp có công suất lớn, nhằm đến năm 2010 đảm bảo tự lực cho nuôi thủy sản trong tỉnh.

c) - Kỹ thuật - công nghệ:

Chuyển giao kỹ thuật công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ công tác khuyến ngư: tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về công nghệ nuôi, giống mới, giống nhân tạo giống chất lượng cao và sử dụng thức ăn công nghiệp, phòng trị bệnh, bảo vệ môi trường.

Xây dựng các mô hình trình diễn, tăng cường phổ biến kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d)- Đầu tư tín dụng:

Ngân hàng nông nghiệp thực hiện các chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản bằng tín dụng trung, dài hạn cho xây dựng cơ sở vật chất, công trình, tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi, đối với chi phí sản xuất theo quy định của Nhà nước.

e)- Tổ chức sản xuất:

Trên cơ sở quy hoạch từng vùng, từng địa phương: lấy kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế quốc doanh có diện tích tập trung là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu, gắn với hình thức kinh tế hợp tác thích hợp để khai thác mọi nguồn lực trong nhân dân. Hợp tác xã, các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản.

f)- Chính sách:

Các cơ quan đơn vị chuyên ngành thủy sản của tỉnh phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy sản, đề xuất bổ sung chính sách mới nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch.

g)- Tiêu thụ sản phẩm thủy sản và thị trường:

+ Đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa: tổ chức xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm nuôi thủy sản tại các trung tâm thành phố, thị trấn hoặc xã, phường lớn gần diện nuôi tập trung. Trong hệ thống tiêu thụ có bộ phận nắm bắt, thông tin thị trường trong ngoài tỉnh để điều tiết thu mua và phân phối đến các nơi có nhu cầu.

+ Đối với sản phẩm thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu: gắn chặt giữa nhà máy chế biến với vùng nuôi thủy sản nguyên liệu. Các doanh nghiệp chế biến có trách nhiệm đánh giá khả năng tiêu thụ, dự báo thị hiếu, thị trường giá cả sản phẩm xuất khẩu và tham gia đầu tư cho người nuôi thủy sản.

Sản xuất thủy sản nguyên liệu hàng hóa phải có địa chỉ tiêu thụ, là các doanh nghiệp chế iến thủy sản xuất khẩu để đảm bảo được đầu ra theo đúng tiêu chuẩn chất lượng mà thị trường yêu cầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Cần Thơ là cơ quan chủ quản của quy hoạch, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch chặt chẽ, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ tăng trưởng thủy sản trong phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp như quy hoạch đã đề ra.

Các Sở, Ban, ngành, UBND thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh, các huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy hoạch cụ thể, phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNT trong quá trình thực hiện Quy hoạch thủy sản nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cần Thơ đến năm 2010 với các quy hoạch ngành, các lĩnh vực của địa phương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Nông nghiệp & PTNT, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và các huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận: 
- Bộ NN&PTNT
- Bộ KH&ĐT
- TTTU, TTHĐND tỉnh
- TT UBND tỉnh (CT, các PCT)
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh
- MTTQ tỉnh và các đoàn thể
- UBND TPCT, TXVT và các huyện
- Lưu (HC, VT, NCTH)
QhoachThsan 

TM. UBND TỈNH CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phong Quang