Quyết định số 88/2001/QĐ-UB ngày 03/10/2001 Về thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 88/2001/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 03-10-2001
- Ngày có hiệu lực: 03-10-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2834 ngày (7 năm 9 tháng 9 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 88/2001/QĐ-UB | TP.Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 10 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2000 ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường tại Công văn số 1220/SKHCNMT-KHCN ngày 12 tháng 7 năm 2001 và Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố tại Tờ trình số 80/TCCQ ngày 09 tháng 8 năm 2001 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay thành lập Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố với chức năng là tổ chức tư vấn của Ủy ban nhân dân thành phố về phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố.
Điều 2.- Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố có nhiệm vụ :
2.1- Đề xuất và góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và áp dụng những thành tựu tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống ở thành phố, tư vấn về phương hướng, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân có tay nghề giỏi.
2.2- Đề xuất các biện pháp để thực hiện chính sách phát triển khoa học và công nghệ. Xét duyệt, đánh giá, lựa chọn các đề án và kiến nghị khen thưởng về các sáng kiến, các đề tài nghiên cứu có giá trị và những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả kinh tế cao.
Điều 3.- Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố gồm có :
3.1- Chủ tịch Hội đồng do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách Khoa học-Công nghệ và Môi trường đảm nhiệm.
3.2- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng do Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường đảm nhiệm và các Phó Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên và 01 Ủy viên Thư ký Hội đồng.
3.3- Ban Thường trực của Hội đồng Khoa học và Công nghệ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng và Ủy viên Thư ký Hội đồng.
3.4- Các Thành viên của Hội đồng do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử, theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và các cơ quan chức năng có liên quan.
3.5- Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố hoạt động theo quy chế được ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 4.- Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố được sử dụng con dấu của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường trong phạm vi công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố được đưa vào dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học, công nghệ hàng năm của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường.
Điều 5.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 130/QĐ-UB ngày 13 tháng 6 năm 1985 và Quyết định số 195/QĐ-UB ngày 28 tháng 5 năm 1990 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các Sở-Ngành và đơn vị có liên quan lập danh sách thành viên Hội đồng trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 6.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các thành viên của Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88 /2001/QĐ-UB ngày 03 tháng 10 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố) .
Chương 1:
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ
Điều 1.- Hội đồng Khoa học và Công nghệ thành phố (dưới đây gọi tắt là Hội đồng) là tổ chức tư vấn về khoa học và công nghệ cho Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 2.- Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban nhân dân thành phố về các vấn đề sau :
2.1- Phương hướng phát triển khoa học và công nghệ của thành phố.
2.2- Nhiệm vụ, nội dung chủ yếu của kế hoạch khoa học và công nghệ thành phố, bao gồm kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm ; đặc biệt là nhiệm vụ áp dụng các thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, liên kết hợp tác khoa học, kỹ thuật với các tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài.
2.3- Phương hướng, biện pháp về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật.
2.4- Xác minh, đánh giá, kiến nghị khen thưởng các sáng kiến, sáng chế, các đề tài nghiên cứu có giá trị, các công trình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn trong sản xuất và đời sống trên địa bàn thành phố.
2.5- Kiến nghị việc triển khai hoặc đình chỉ các công trình nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư, xây dựng, ... có tính chất quan trọng, quy mô lớn, ảnh hưởng rộng trên cơ sở các kết luận của Hội đồng.
2.6- Chính sách khoa học và công nghệ của thành phố và biện pháp tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm lực khoa học, kỹ thuật bao gồm đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, các nguồn thông tin, các nguồn tài chính trên địa bàn và tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong nước và trí thức Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 3.- Hội đồng có các quyền hạn sau :
3.1- Được các cơ quan chức năng cung cấp các tài liệu, thông tin về hoạt động khoa học, kỹ thuật và kinh tế-xã hội của thành phố có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành.
3.2- Được tham khảo các dự án phát triển của thành phố và nghe các cơ quan chức năng trình bày các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.
3.3- Được bảo đảm các điều kiện cần thiết theo các quy định của Nhà nước và thành phố để thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng.
Chương 2:
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 4.- Thành phần của Hội đồng gồm có :
- Chủ tịch ;
- Các Phó Chủ tịch ;
- Các Ủy viên ;
- Ủy viên thư ký.
Ban Thường trực Hội đồng gồm : Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên thư ký.
Các thành viên của Hội đồng do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định cử theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, có tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng liên quan.
Số thành viên của Hội đồng từ 50 người đến 55 người.
Điều 5.- Ban Thường trực Hội đồng có nhiệm vụ :
5.1- Chuẩn bị nội dung và chương trình làm việc tại các kỳ họp của Hội đồng.
5.2- Quyết định danh sách các đại biểu (ngoài các thành viên chính thức) của các ngành được mời dự các kỳ họp hoặc tham gia các hoạt động của Hội đồng.
5.3- Thay mặt Hội đồng giải quyết các công việc giữa hai kỳ họp Hội đồng và báo cáo lại Hội đồng.
5.4- Báo cáo để Hội đồng thông qua dự toán kinh phí hoạt động hàng năm và báo cáo thanh quyết toán kinh phí hoạt động hàng năm của Hội đồng.
5.5- Triệu tập các cuộc họp liên Tiểu ban khi cần thiết.
5.6- Kiến nghị cho thôi hoặc bãi miễn các thành viên Hội đồng không có điều kiện thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao và đề nghị khen thưởng các thành viên Hội đồng hoạt động tích cực, có hiệu quả.
Điều 6.- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng ; Chủ tịch Hội đồng có các nhiệm vụ sau :
6.1- Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo các quy định của Bản quy chế này.
6.2- Lãnh đạo Ban Thường trực chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết về các vấn đề sẽ đưa ra thảoluận tại các kỳ họp Hội đồng ; duyệt các báo cáo, tài liệu trước khi đưa ra thảo luận ở Hội đồng.
6.3- Thực hiện các chế độ, quy định và đảm bảo các điều kiện cho mọi hoạt động của Hội đồng.
6.4- Triệu tập và chủ trì các kỳ họp của Ban Thường trực và kỳ họp toàn thể Hội đồng.
Điều 7.- Hội đồng có từ 3 đến 4 Phó Chủ tịch. Trong trường hợp Chủ tịch vắng mặt, Phó Chủ tịch Thường trực được Chủ tịch Ủy quyền để điều hành công việc của Hội đồng.
7.1- Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Phó Chủ tịch Thường trực có các nhiệm vụ chủ yếu sau :
+ Duyệt chương trình làm việc của Hội đồng giữa hai kỳ họp của Ban Thường trực.
+ Cử cán bộ tham gia Ban thư ký.
+ Thay mặt Chủ tịch Hội đồng giải quyết các công việc trong thời gian Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.
7.2- Mỗi Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách một lĩnh vực công việc do Chủ tịch Hội đồng phân công. Các Phó Chủ tịch Hội đồng có các nhiệm vụ :
+ Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng theo dõi, chỉ đạo hoạt động của một số Tiểu ban, chuyên ngành cụ thể theo sự phân công.
+ Kiến nghị thành lập các Tiểu ban chuyên ngành khi cần thiết.
+ Chuẩn bị và có ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác được giao trong các kỳ họp của Ban Thường trực.
Điều 8.- Thành viên Hội đồng gồm các cán bộ khoa học và cán bộ quản lý ở các ngành kinh tế-kỹ thuật chủ yếu của địa phương và một số cán bộ ở các cơ quan, đơn vị thuộc các ngành Trung ương đóng trên địa bàn thành phố.
Việc mời thành viên của các cơ quan, đơn vị tham gia Hội đồng phải được sự đồng ý của cá nhân và thủ trưởng cơ quan quản lý cán bộ được mời.
Tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng :
+ Có trình độ, khả năng và kinh nghiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ, trong công tác quản lý khoa học và kỹ thuật, quản lý kinh tế hoặc chỉ đạo kỹ thuật sản xuất.
+ Có uy tín trong đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của thành phố.
+ Có nhiệt tình, có khả năng và có điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng giao.
Điều 9.- Ủy viên Hội đồng có các nhiệm vụ sau :
9.1- Tham gia đầy đủ các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng.
9.2- Nghiên cứu trước các tài liệu để đóng góp ý kiến về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận tại Hội đồng.
9.3- Giữ gìn tài liệu, số liệu theo quy định về bảo mật của Nhà nước.
9.4- Được cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề có liên quan tới các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng.
9.5- Kiến nghị thảo luận những vấn đề thuộc phạm vi tư vấn của Hội đồng.
9.6- Được dành một số thời gian Chính quyền để thực hiện những nhiệm vụ của Hội đồng giao. Việc hoàn thành công việc của Hội đồng được ghi nhận như việc hoàn thành kế hoạch công tác cá nhân do đơn vị phân công.
Điều 10.- Ban thư ký Hội đồng có từ 3 đến 5 người do Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chọn từ các cán bộ của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ủy viên Thư ký Hội đồng phụ trách điều hành Ban thư ký.
Ban thư ký Hội đồng có nhiệm vụ và quyền hạn :
+ Giúp Ban Thường trực Hội đồng chuẩn bị tài liệu và các vấn đề có liên quan phục vụ cho các công tác của Hội đồng và của Ban Thường trực.
+ Giúp Ban Thường trực theo dõi tình hình hoạt động của Hội đồng và của các Tiểu ban.
+ Giúp Phó Chủ tịch Thường trực giải quyết các công việc của Hội đồng giữa hai kỳ họp của Ban Thường trực, chuẩn bị cho các kỳ họp của Hội đồng và Ban Thường trực.
+ Đảm trách công tác hành chính, tài chính và hậu cần của Hội đồng.
+ Được hưởng phụ cấp hoạt động.
Điều 11.- Hội đồng có các Tiểu ban chuyên ngành được tổ chức theo các ngành kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của thành phố, phù hợp với các chương trình khoa học và công nghệ của thành phố.
Tùy theo yêu cầu và nhiệm vụ đòi hỏi trong từng thời kỳ, Hội đồng sẽ xem xét việc thành lập thêm hoặc giảm bớt các Tiểu ban chuyên ngành.
11.1- Tiểu ban chuyên ngành có nhiệm vụ đề xuất và góp ý kiến về những vấn đề khoa học và kỹ thuật chuyên ngành. Các kiến nghị của Tiểu ban chuyên ngành được chuyển cho Ban Thường trực Hội đồng. Trong các biên bản, kiến nghị phải ghi rõ ý kiến chung của Tiểu ban và ý kiến riêng của từng thành viên.
11.2- Số lượng thành viên chính thức của mỗi Tiểu ban chuyên ngành không quá 15 người, gồm :
+ Trưởng Tiểu ban phải là thành viên của Hội đồng và do Chủ tịch Hội đồng cử.
+ Một số Ủy viên chính thức của Hội đồng.
+ Một số thành viên Ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ có liên quan.
+ Một số cán bộ khoa học, kỹ thuật tiêu biểu công tác trong các ngành có liên quan.
+ Các thành viên chính thức của Tiểu ban phải được Thường trực Hội đồng phê chuẩn.
+ Mỗi thành viên Hội đồng có thể tham gia hoạt động ở một vài Tiểu ban.
11.3- Tiểu ban có một thư ký do Trưởng Tiểu ban đề xuất và được Tiểu ban thông qua.
11.4- Các cuộc họp của Tiểu ban do Trưởng Tiểu ban triệu tập ; chậm nhất một tuần sau mỗi kỳ họp phải gửi biên bản cho Thường trực Hội đồng.
Điều 12.- Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng là 5 năm. Khi thành lập Hội đồng mới, số thành viên mới bổ sung phải nhiều hơn 20% tổng số thành viên của Hội đồng.
Điều 13.- Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường làm nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Hội đồng.
Chương 3:
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 14.- Hội đồng họp định kỳ 6 tháng một lần vào tháng 5 và tháng 11 hàng năm, khi cần thiết có thể họp bất thường. Hội đồng được sử dụng thời gian Chính quyền để tổ chức các kỳ họp Hội đồng.
Điều 15.- Ban Thư ký giúp cho Ban Thường trực Hội đồng chuẩn bị tài liệu về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng và chuyển đến các thành viên Hội đồng trước khi họp ít nhất là 7 (bảy) ngày. Tài liệu của các kỳ họp bất thường phải chuyển đến các thành viên của Hội đồng ít nhất là 2 (hai) ngày trước khi họp.
Điều 16.- Các phiên họp thường kỳ và bất thường của Hội đồng phải có hơn một nửa tổng số thành viên chính thức của Hội đồng tham dự, thì mới tiến hành kỳ họp.
Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng có thể tổ chức họp mở rộng với sự tham gia của đại biểu Chính quyền, tổ chức Đảng, các Đoàn thể hoặc đại biểu của một số cơ quan, đơn vị hoặc đại biểu của Hội đồng khoa học và công nghệ cấp sở-ngành, cơ sở sản xuất lớn thuộc thành phố.
Chỉ có các thành viên chính thức của Hội đồng mới có quyền biểu quyết các vấn đề của Hội đồng.
Điều 17.- Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín sẽ do Hội nghị toàn thể của Hội đồng quyết định. Các quyết định của Hội đồng chỉ có giá trị nếu được quá bán tổng số thành viên chính thức (theo số triệu tập) của Hội đồng nhất trí. Mọi ý kiến phát biểu và kiến nghị của các thành viên Hội đồng phải được ghi chép đầy đủ bằng văn bản để chuyển cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và quyết định, hoặc cho ý kiến chỉ đạo để Hội đồng nghiên cứu và thảo luận thêm các vấn đề chưa được thống nhất.
Điều 18.- Chi phí hoạt động của Hội đồng được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học của thành phố. Dự toán kinh phí hoạt động của Hội đồng được ghép chung với dự toán kinh phí của Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường và được Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt hàng năm.
Chương 4:
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG
Điều 19.- Thành viên của Hội đồng được cung cấp những thông tin cần thiết về các vấn đề có liên quan tới các kỳ họp và các hoạt động của Hội đồng, được kiến nghị thảo luận những vấn đề thuộc phạm vi tư vấn của Hội đồng. Các thành viên của Hội đồng được hưởng phụ cấp hoạt động theo quy định.
Các thành viên của các Tiểu ban chuyên ngành cũng được cung cấp thông tin và được hưởng phụ cấp về hội họp, đi lại và được trả thù lao theo tính chất công việc.
Mức phụ cấp sẽ do Ban Thường trực Hội đồng đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
Điều 20.- Khi có yêu cầu của Hội đồng, các thành viên của Hội đồng phải đến các cơ sở để khảo sát, nắm tình hình, xác minh,... Chi phí đi lại, ăn ở do Ban Thường trực Hội đồng duyệt chi theo chế độ quy định và chi từ kinh phí hoạt động của Hội đồng.
Trường hợp do cơ sở yêu cầu, thì cơ sở chịu trách nhiệm đài thọ các khoản chi phí.
Điều 21.- Các thành viên Hội đồng có nghĩa vụ :
21.1- Tham gia đầy đủ các kỳ họp và hoạt động của Hội đồng.
21.2- Nghiên cứu trước các tài liệu để đóng góp ý kiến về những vấn đề được đưa ra thảo luận tại Hội đồng.
21.3- Giữ gìn tài liệu, số liệu theo quy định về bảo mật của Nhà nước.
21.4- Khi có yêu cầu, các thành viên Hội đồng đi cơ sở nắm tình hình. Sau khi thực hiện xong công việc ở cơ sở, các thành viên phải thông báo cho lãnh đạo cơ sở đó về các ý kiến nhận xét, đánh giá ; đồng thời phải báo cáo bằng văn bản cho Ban Thường trực Hội đồng để Hội đồng có ý kiến kết luận và thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết.
Điều 22.- Thành viên Hội đồng được dành một số thời gian Chính quyền để thực hiện những nhiệm vụ của Hội đồng giao. Việc hoàn thành công việc của Hội đồng được ghi nhận như việc hoàn thành kế hoạch công tác cá nhân do đơn vị phân công.
Những thành viên có thành tích trong các hoạt động của Hội đồng, được Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng.
Những thành viên không có điều kiện thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã quy định, sau một thời gian lâu nhất là một năm thì Ban Thường trực Hội đồng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho thôi tham gia Hội đồng.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23.- Bản quy chế này thay bản quy chế đã ban hành kèm theo Quyết định số 195/QĐ-UB ngày 28 tháng 5 năm 1990 của Ủy ban nhân dân thành phố và có hiệu lực kể từ ngày quyết định ban hành.
Việc xây dựng và sửa đổi bản quy chế này do Hội đồng đề nghị và Ủy ban nhân dân thành phố xét, quyết định.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ