Quyết định số 166/2001/QĐ-UBDTMN ngày 05/09/2001 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quy định tiêu chí hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 166/2001/QĐ-UBDTMN
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Uỷ ban Dân tộc và Miền núi
- Ngày ban hành: 05-09-2001
- Ngày có hiệu lực: 05-09-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 02-04-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2035 ngày (5 năm 7 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 02-04-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/2001/QĐ-UBDTMN | Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI SỐ 166/2001/QĐ-UBDTMN NGÀY 5 THÁNG 9 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI
Căn cứ Nghị định 59/1998/NĐ-CP ngày 13/8/1998 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi.
Căn cứ Điều 2 của Quyết định số 138/2000/QĐ-TTg ngày 29/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển dự án Hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn thành chính sách hỗ trợ Hộ dân tộc đặc biệt khó khăn.
Căn cứ Văn bản số 764/CP-NN ngày 22 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ: Giao cho Uỷ ban Dân tộc và Miền núi quyết định ban hành tiêu chí Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, làm cơ sở xác định các hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của Nhà nước.
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành tiêu chí Hộ dân tộc thiểu số dặc biệt khó khăn (có bản quy định tiêu chí kèm theo Quyết định này).
Quy định tiêu chí Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, được áp dụng đối với các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách hỗ trợ Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Hoàng Đức Nghi (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 166/2001/QĐ-UBDTMN, ngày 5 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi)
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Tiêu chí Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là cơ sở để xác định Hộ gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất sớm hoà nhập với cộng đồng các dân tộc trong vùng.
2. Đối tượng áp dụng:
Tiêu chí Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được áp dụng đối với các hộ gia đình dân tộc thiểu số cư trú ở các xã khu vực III và các buôn, làng, phum, sóc khu vực III, nằm trong xã khu vực I, II, thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa (gọi tắt là Chương trình 135).
3. Các Hộ gia đình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phải đạt ba tiêu chí quy định tại mục II của quy định này.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Tiêu chí 1: Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn là các hộ gia đình dân tộc thiểu số ở vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa có mức thu nhập bình quân đầu người từ 80.000 đ/người/tháng trở xuống (dưới chuẩn đói nghèo quy định tại Văn bản số 1143/2000/BLĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
Tiêu chí 2: Hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có tập quán sản xuất còn mang nặng tính tự nhiên hái lượm, chủ yếu phát rẫy làm nương, chăn nuôi theo tập quán cũ, lạc hậu, công cụ sản xuất thô sơ, thiếu thốn, thiếu đất hoặc chưa có đất sản xuất (tính theo mức bình quân diện tích đất canh tác cho mỗi hộ gia đình của địa phương).
Tiêu chí 3: Tổng giá trị tài sản bình quân đầu người dưới một triệu đồng (không tính giá trị sử dụng của đất, giá trị các lán trại trên nương rẫy). Hộ có hoàn cảnh neo đơn, thiếu lao động hoặc có người ốm đau kéo dài, không có điều kiện tiếp cận các thông tin để phục vụ sản xuất và đời sống.