Quyết định số 37/2001/QĐ-UB ngày 30/07/2001 Ban hành Quy định khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề TTCN-Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 37/2001/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Ngày ban hành: 30-07-2001
- Ngày có hiệu lực: 14-08-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2005
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1236 ngày (3 năm 4 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 01-01-2005
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/2001/QĐ-UB | Tam Kỳ, ngày 30 tháng 7 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ TTCN - LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20/5/1998;
Căn cứ Luật đất đai ngày 14/7/1993 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật đất đai ngày 02/12/1993;
Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 03/1997/QH 9 ngày 10/5/1997;
Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) số 03/1998/QH10 ngày 20/5/1998;
Căn cứ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Nghị quyết số 14/2001/NQ-HĐND ngày 22/2/2001 của HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua tại kỳ họp lần thứ 4, khoá VI;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và ý kiến tham gia của các ngành liên quan;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định nầy "Quy định về khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề TTCN - Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Nam".
Điều 2: Quyết định nầy được áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân thuộc đối tượng điều chỉnh có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Nơi nhận | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM |
QUY ĐỊNH
VỀ KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ TTCN - LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37 /2001/QĐ-UB ngày 30 / 7 /2001 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)
CHƯƠNG I:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi điều chỉnh
1. Ngành nghề Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và làng nghề truyền thống trong quy định nầy bao gồm:
1.1 Nghề truyền thống và làng nghề truyền thống gồm:
- Nghề ươm tơ, dệt lụa trên khu vực sông Thu Bồn và sông Vu Gia;
- Nghề mộc Kim Bồng (Thị xã Hội An và huyện Điện Bàn);
- Nghề đúc nhôm, đồng Phước Kiều;
- Nghề gốm Thanh Hà;
- Nghề dệt thổ cẩm (dệt dồ) thuộc 4 huyện miền núi cao;
- Nghề dệt chiếu Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ.
1.2 Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp
Chế biến nông, lâm, thuỷ sản;
- Sản xuất gốm mỹ nghệ, sành sứ, cơ khí nhỏ, đóng sửa tàu thuyền;
- Sản xuất đồ gỗ, mây tre, nứa, cói, sợi dừa;
- Chế biến trà hương, sản xuất trống da;
- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm.
2. Các hoạt động đầu tư trong quy định nầy bao gồm:
- Đầu tư thành lập mới cơ sở sản xuất của các thành phần kinh tế;
- Đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã;
- Đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống;
- Đầu tư di dời các cơ sở sản xuất cũ chật hẹp, ô nhiễm môi trường.
Điều 2: Đối tượng áp dụng bao gồm:
1. Doanh nghiệp Nhà nước;
2. Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã;
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn;
4. Công ty cổ phần;
5. Công ty hợp danh;
6. Doanh nghiệp tư nhân;
7. Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của Pháp luật.
8. Hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân, tổ, nhóm hợp tác được đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.
Các đối tượng trên sau đây gọi tắc là nhà đầu tư.
Điều 3: Một số quy định khác
1. Các khoản hỗ trợ theo quy định nầy chỉ được sử dụng vào việc hoàn vốn đầu tư hoặc tái đầu tư.
2. Trong quy định nầy từ " Hỗ trợ" về thuế và tiền thuê đất được hiểu là không hành thu.
CHƯƠNG II:
ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ
Điều 4: Điều kiện ưu đãi
Dự án đầu tư vào ngành nghề TTCN và Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đáp ứng một trong các điều kiện sau đây sẽ được ưu đãi đầu tư:
1. Đầu tư vào ngành nghề TTCN có sử dụng số lao động bình quân trong năm ít nhất là 10 người;
2. Sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đạt giá trị trên 30% giá trị sản xuất của doanh nghiệp trong năm tài chính;
3. Đầu tư ngành nghề TTCN vào 6 huyện miền núi (Hiệp Đức, Hiên, Nam Giang, Tiên Phước, Phước Sơn, Trà My), các xã miền núi và xã đảo;
4. Đầu tư khôi phục làng nghề truyền thống.
Điều 5: Về đất đai
1. Nhà đầu tư được miễn, giảm tiền thuê đất với thời hạn theo quy định của Chính phủ, ngoài ra tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 10 (mười) năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm 1.1 điều 1 và được hỗ trợ 08 (tám) năm tiếp theo đối với các dự án thuộc nhóm 1.2 điều 1.
2. Các dự án đầu tư vào 6 huyện miền núi và các xã miền núi, xã đảo thì không thu tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án.
3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư quy định taị điều 1 quy định nầy, mức giá thuê đất được áp dụng là mức giá thấp nhất thuộc khung giá Nhà nước quy định cho từng loại đất và mục đích sử dụng theo dự án được phê duyệt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Điều 6: Về thuế
1. Nhà đầu tư được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ, ngoài ra tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 05 (năm) năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm 1.1 điều 1 và được hỗ trợ 03 (ba) năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm 1.2 điều 1.
2. Đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm 1.1 điều1, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm (hoặc giảm) một khoản tương ứng với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn quy định của Chính phủ là 10%. Thời hạn hưởng ưu đãi là 05 (năm) năm kể từ khi hết thời hạn miễn và hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp. (Ví dụ: Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định là 25% thì sau khi được hỗ trợ doanh nghiệp còn phải nộp là: 25% - 10% = 15%)
3. Đối với các dự án đầu tư thuộc nhóm 1.2 điều1, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm (hoặc giảm) một khoản tương ứng với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn quy định của Chính phủ là 10%. Thời hạn hưởng ưu đãi là 03 (ba) năm kể từ khi hết thời hạn miễn và hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp.
4. Riêng nghệ nhân được giảm thuế thu nhập cá nhân trong 3 (ba) năm đầu.
Điều 7: Về các loại phụ thu
Nhà đầu tư có dự án đầu tư thuộc nhóm 1.1 điều 1 được miễn các loại phụ thu về cơ sở hạ tầng, điện, nước, lệ phí qua đường (trừ các dự án BOT) và những ưu đãi khác do UBND tỉnh Quảng Nam quy định.
CHƯƠNG III:
HỖ TRỢ ĐẦU TƯ
Điều 8: Đầu tư, tín dụng
1. Các dự án đầu tư sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi, vay vốn giải quyết việc làm.
2. Hàng năm, tỉnh sẽ dành vốn của chương trình cho vay giải quyết việc làm để giải quyết vay vốn cho việc phát triển ngành nghề TTCN và Làng nghề truyền thống.
Điều 9: Nguyên liệu phục vụ sản xuất
1. Nhà đầu tư có nhu cầu khai thác nguyên liệu liên quan đến tài nguyên khoáng sản phục vụ các dự án sẽ được UBND tỉnh ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác theo quy định của Pháp luật hiện hành.
2. Đối với nguyên liệu thuộc tài nguyên rừng, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cân đối kế hoạch khai thác và sử dụng hàng năm để hỗ trợ nguồn nguyên liệu cho các nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng và nguyên liệu nhập khẩu.
Điều 10: Về đào tạo
1. Lao động đào tạo ngành nghề TTCN và Làng nghề truyền thống được đào tạo tại trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề của tỉnh, các lớp dạy nghề, truyền nghề do các tổ chức, hội nghề nghiệp, đoàn thể trong tỉnh tổ chức.
2. Các nghệ nhân được tổ chức tuyên truyền nghề trực tiếp và được thu tiền của học viên trên nguyên tắc thoả thuận, được miễn các loại thuế trong hoạt động tuyên truyền nghề.
3. Chương trình khuyến công hỗ trợ đào tạo nghề, tỉnh sẽ cân đối hỗ trợ một khoản kinh phí để mời nghệ nhân truyền nghề truyền thống và nghề mới.
Điều 11: Chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ
1. Dự án đầu tư phát triển được ưu tiên đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, kiểu dáng công nghiệp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.
2. Hàng năm tỉnh sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí để thực hiện cung cấp thông tin thị trường cho các nhà đầu tư.
CHƯƠNG IV:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12: Thủ tục xét, cấp ưu đãi đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư (hoặc UBND các huyện, thị xã) tiếp nhận hồ sơ, thụ lý giải quyết các thủ tục xét, cấp ưu đãi đầu tư với các cơ quan Nhà nước có liên quan và thông báo kết quả cho nhà đầu tư trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Điều 13: Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc triển khai thực hiện Quy định
Các cơ quan liên quan bố trí cán bộ thực hiện công vụ liên quan thuộc phạm vi quy định nầy. Mọi sự chậm trễ, từ chối giải quyết hoặc giải quyết vượt quá thẩm quyền làm ảnh hưởng đến lợi ích và gây phiền hà cho các nhà đầu tư phải chịu xử lý theo quy định của Pháp luật.