Quyết định số 13/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 06/06/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quy định tạm thời về chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn về an toàn (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 13/2001/QĐ-BKHCNMT
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Ngày ban hành: 06-06-2001
- Ngày có hiệu lực: 21-06-2001
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-09-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 5213 ngày (14 năm 3 tháng 13 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-09-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ 13/2001/QĐ-BKHCNMT | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 13/2001/QĐ-BKHCNMT NGÀY 06 THÁNG 6 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHỨNG NHẬN HÀNG HÓA PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN"
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 5397/VPCP-KG ngày 11/12/2000 về việc ban hành tạm thời một số quy định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn về an toàn” đối với hàng hóa thuộc phạm vi quản lý về chất lượng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Bùi Mạnh Hải (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ CHỨNG NHẬN HÀNG HÓA PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 06 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)
1. Quy định chung
1.1. Văn bản này quy định tạm thời nội dung chứng nhận hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn về an toàn (sau đây gọi tắt là chứng nhận an toàn) theo quy định tại Điều 15 và Điều 18 của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa 1999.
1.2. Quy định tạm thời về chứng nhận an toàn được xây dựng trên cơ sở phân công trách nhiệm thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại khoản 2 Điều 24 của Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa 1999 và nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quy định tại Điều 4 của Nghị định số 86/CP ngày 08/12/1995 của Chính phủ.
1.3 Chứng nhận an toàn được thực hiện dựa trên việc xem xét đánh giá sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn về an toàn thông qua việc thử nghiệm mẫu điển hình.
Chứng nhận an toàn áp dụng cho hàng hóa có yêu cầu về an toàn đối với người sử dụng trực tiếp, được quy định trong các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN).
Danh mục hàng hóa phải chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn về an toàn (gọi tắt là Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn) được quy định tại phụ lục 1 và sẽ được sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu quản lý.
1.4 Các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu (dưới đây gọi chung là Doanh nghiệp) có hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn, phải thực hiện việc đăng ký chứng nhận an toàn và phải được cấp giấy chứng nhận an toàn, dấu an toàn cho hàng hóa đó trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Việc đăng ký chứng nhận an toàn được áp dụng cho từng kiểu loại hàng hóa cụ thể.
Các loại hàng hóa dưới đây không thuộc diện phải chứng nhận an toàn:
- Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất;
- Hàng hóa xuất khẩu (trừ trường hợp có yêu cầu của Doanh nghiệp hoặc bên nhập khẩu);
- Hàng hóa nhập khẩu là quà biếu, hành lý cá nhân, ngoại giao, hàng mẫu không dùng để trao đổi thương mại, hàng triển lãm, hội chợ.
1.5. Tiêu chuẩn làm căn cứ để đánh giá sự phù hợp của hàng hóa (gọi tắt là tiêu chuẩn đánh giá) và tiêu chuẩn được áp dụng làm phương pháp thử nghiệm hàng hóa là các Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) được quy định trong Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn.
1.6. Việc thử nghiệm hàng hóa để chứng nhận an toàn phải được thực hiện tại phòng thử nghiệm chỉ định theo mục 2.2 của Quy định này.
1.7. Giấy chứng nhận an toàn (là giấy chứng nhận chất lượng phù hợp với Tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn) và dấu an toàn cấp cho hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn quy định tại phụ lục 1 của Quyết định này được thực hiện trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.
1.8. Hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn, nếu có bằng chứng khách quan về đảm bảo an toàn (tương tự giấy chứng nhận an toàn và dấu an toàn theo Quy định này) của nước xuất khẩu đã được Việt Nam thừa nhận, sẽ được miễn thử nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn và dấu an toàn theo Quy định này.
1.9. Đối với hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận an toàn và dấu an toàn, Doanh nghiệp được phép sử dụng giấy chứng nhận an toàn trong việc tự công bố hàng hóa phù hợp Tiêu chuẩn Việt Nam.
1.10. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây viết tắt là TCĐLCL) có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn chi tiết thực hiện việc chứng nhận an toàn và giám sát sau chứng nhận theo Quy định này.
2. Phương thức chứng nhận an toàn
2.1. Việc chứng nhận an toàn bao gồm các nội dung sau:
a. Thử nghiệm mẫu điển hình để đánh giá sự phù hợp của hàng hóa đối với các yêu cầu về an toàn của tiêu chuẩn đánh giá;
b Giám sát hàng hóa sau chứng nhận an toàn tại cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hoặc trên thị trường.
2.2 Việc thử nghiệm mẫu điển hình phải tiến hành tại phòng thử nghiệm được chỉ định.
Các phòng thử nghiệm sau đây sẽ được xem xét để được chỉ định thực hiện việc thử nghiệm an toàn:
Phòng thử nghiệm đã được công nhận theo hệ thống VILAS hoặc các phòng thử nghiệm đã được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau với VILAS;
Phòng thử nghiệm chưa được công nhận nhưng có đủ năng lực thử nghiệm hàng hóa về an toàn;
Phòng thử nghiệm hoặc các tổ chức chứng nhận nước ngoài được Việt Nam thừa nhận có đủ năng lực để thử nghiệm hàng hóa về an toàn.
Tổng cục TCĐLCL công bố Danh sách các phòng thử nghiệm được chỉ định.
3. Trình tự chứng nhận an toàn
3.1. Chuẩn bị
Doanh nghiệp có hàng hóa thuộc Danh mục phải chứng nhận an toàn thực hiện các bước chuẩn bị sau:
a. Lấy mẫu: Doanh nghiệp tự lấy mẫu điển hình của hàng hóa theo tiêu chuẩn quy định và gửi tới phòng thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm.
b. Thử nghiệm: Phòng thử nghiệm được chỉ định có trách nhiệm thử nghiệm hàng hóa theo tiêu chuẩn tương ứng đã quy định tại Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn và cấp Phiếu kết quả thử nghiệm cho Doanh nghiệp.
c. Lập hồ sơ kỹ thuật: Hồ sơ kỹ thuật do Doanh nghiệp lập bao gồm các tài liệu sau:
* Bản vẽ thiết kế, ảnh chụp của hàng hóa, đặc biệt các bộ phận, chi tiết liên quan đến an toàn của hàng hóa;
* Các thông số kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, đặc biệt là các thông số về an toàn;
* Nhãn hàng hóa;
* Tài liệu hướng dẫn sử dụng;
* Các giấy chứng nhận đối với hàng hóa và doanh nghiệp (nếu có).
Tổng cục TCĐLCL hướng dẫn nội dung chi tiết hồ sơ kỹ thuật đối với từng loại hàng hóa.
3.2. Đăng ký
Doanh nghiệp lập Hồ sơ đăng ký chứng nhận an toàn và gửi về Tổng cục TCĐLCL. Hồ sơ gồm:
a. Giấy đăng ký chứng nhận hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn về an toàn (theo mẫu quy định tại phụ lục 2);
b. Hồ sơ kỹ thuật (điểm c mục 3.1);
c. Phiếu kết quả thử nghiệm (điểm b mục 3.1) bản chính hoặc bản sao hợp lệ với thời hạn không quá sáu (06) tháng kể từ ngày cấp.
3.3. Xem xét và đánh giá
Việc xem xét, đánh giá hồ sơ đăng ký được thực hiện theo các bước sau:
a. Xem xét sự phù hợp của các tài liệu trong hồ sơ với yêu cầu của chứng nhận an toàn (trong vòng 05 ngày): nếu không phù hợp, yêu cầu Doanh nghiệp bổ sung hoàn chỉnh; nếu phù hợp, chuyển sang đánh giá kỹ thuật.
b. Đánh giá kỹ thuật: đánh giá sự phù hợp của phiếu kết quả thử nghiệm với hồ sơ kỹ thuật và tiêu chuẩn đánh giá (trong vòng 12 ngày): nếu kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Doanh nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn (theo mẫu quy định tại phụ lục 3);
Nếu kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Doanh nghiệp sẽ được thông báo để có biện pháp khắc phục trong thời hạn quy định. Quá thời hạn quy định, hồ sơ sẽ được gửi trả và Doanh nghiệp phải thực hiện lại thủ tục đăng ký từ đầu.
3.4. Giám sát sau chứng nhận
Việc giám sát sự phù hợp của hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận an toàn với tiêu chuẩn đánh giá tương ứng và Quy định này được tiến hành nhằm đảm bảo duy trì sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn đánh giá.
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc giám sát sau chứng nhận an toàn 2 lần/năm. Định kỳ 6 tháng, các Chi cục TCĐLCL gửi báo cáo kết quả giám sát về Tổng cục TCĐLCL và báo cáo đột xuất nếu phát hiện vi phạm của hàng hoá và Doanh nghiệp theo Quy định này.
Định kỳ hàng năm, Doanh nghiệp có trách nhiệm gửi mẫu điển hình đến tổ chức thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm và gửi phiếu kết quả thử nghiệm này cho Chi cục TCĐLCL theo địa bàn quản lý.
Căn cứ vào phiếu kết quả thử nghiệm mẫu điển hình của hàng hóa, ý kiến phản ảnh hoặc khiếu nại của người tiêu dùng và các cơ quan quản lý, việc giám sát hàng hóa sau chứng nhận được tiến hành tại cơ sở sản xuất và/hoặc trên thị trường.
4. giấy chứng nhận an toàn
4.1. Hàng hóa đạt yêu cầu về chứng nhận an toàn sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn với thời hạn hiệu lực không quá 03 năm.
4.2. Trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận an toàn, Doanh nghiệp phải đảm bảo hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn đánh giá tương ứng và sử dụng dấu an toàn đúng quy định.
4.3. Chứng nhận lại:
Doanh nghiệp phải đăng ký chứng nhận lại khi giấy chứng nhận an toàn đối với hàng hóa hết hiệu lực; tiêu chuẩn đánh giá đã thay đổi hoặc hàng hóa đã được chứng nhận có những thay đổi làm ảnh hưởng tới sự phù hợp của hàng hóa với những yêu cầu an toàn.
Hàng hóa chứng nhận lại nếu đạt yêu cầu an toàn theo Quy định này sẽ được cấp giấy chứng nhận mới. Hàng hóa không được chứng nhận lại sẽ bị xoá tên trong Danh bạ các hàng hóa được chứng nhận an toàn. Nội dung và thủ tục chứng nhận lại được thực hiện như chứng nhận lần đầu.
4.4. Khi phát hiện hàng hóa của mình có biểu hiện không phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá tương ứng, Doanh nghiệp phải chủ động báo cáo Chi cục TCĐLCL và Tổng cục TCĐLCL; đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục đối với hàng hóa đang sản xuất hoặc nhập khẩu, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường cũng như hàng hóa đang trong quá trình sử dụng.
4.5. Giấy chứng nhận an toàn sẽ bị thu hồi và hết hiệu lực trong các trường hợp sau:
- Kết quả giám sát sau chứng nhận không đạt yêu cầu;
- Hàng hóa gây tai nạn cho người sử dụng do không đạt yêu cầu về an toàn.
5. Dấu an toàn
Dấu an toàn gồm: dấu hợp chuẩn về an toàn và số hiệu kiểm soát (mẫu dấu được quy định tại phụ lục 4)
5.1. Dấu hợp chuẩn về an toàn có hình dáng và kích thước được quy định trong TCVN 5680 - 2000 Dấu phù hợp tiêu chuẩn.
5.2. Số hiệu kiểm soát
Số hiệu kiểm soát gồm 08 chữ số ghi trong giấy chứng nhận an toàn, trong đó:
02 số đầu: số thứ tự của hàng hóa quy định trong Danh mục hàng hóa chứng nhận an toàn;
03 số tiếp theo: số thứ tự Doanh nghiệp đăng ký chứng nhận;
02 số tiếp theo: năm cấp giấy chứng nhận;
01 số cuối: lần cấp giấy chứng nhận.
Số hiệu kiểm soát phải được đặt bên dưới dấu hợp chuẩn về an toàn.
5.3. Trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường, hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận an toàn phải in/gắn dấu an toàn lên hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa tại vị trí phía trước của hàng hóa, nơi dễ nhìn thấy để tiện cho người sử dụng và cơ quan giám sát.
6. Tổ chức thực hiện
6.1. Trong thời hạn sáu (06) tháng kể từ ngày Quy định này có hiệu lực thi hành, để các tổ chức, cá nhân có liên quan có thời gian chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện việc chứng nhận an toàn, hàng hoá trong Danh mục hàng hoá chứng nhận an toàn trong khi chưa có giấy chứng nhận an toàn và dấu an toàn theo Quy định này, được phép lưu thông trên thị trường.
6.2. Sau thời hạn sáu (06) tháng nói trên, tất cả hàng hoá thuộc Danh mục hàng hoá chứng nhận an toàn phải được chứng nhận an toàn và được cấp giấy chứng nhận, dấu an toàn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
7. Kiểm tra, Thanh tra và xử lý vi phạm
Việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về chứng nhận an toàn được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Phụ lục 1
DANH MỤC HÀNG HOÁ PHẢI CHỨNG NHẬN PHÙ HỢP
TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN (DANH MỤC HÀNG HÓA
CHỨNG NHẬN AN TOÀN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2001/QĐ-BKHCNMT
ngày 06 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường )
STT | Tên hàng hóa | Tiêu chuẩn đánh giá | Phương pháp thử nghiệm |
01 | Quạt điện dân dụng, bao gồm quạt bàn, quạt đứng, quạt trần, quạt treo tường | TCVN 5699-2-80:2000 (tương đương với IEC 60335-2-80:1997) | TCVN 5699-2-80:2000 (tương đương với IEC 60335-2-80:1997) |
02 | ấm điện và các thiết bị khác dùng để đun sôi nước, có dung tích danh định không quá 10 lít | TCVN 5699-2-15:2000 (tương đương với IEC 335-2-15:1995 và Sửa đổi 1:1999) | TCVN 5699-2-15:2000 (tương đương với IEC 335-2-15:1995 và Sửa đổi 1:1999) |
03 | Bàn là điện dân dụng | TCVN 5699-2-3:2000 (tương đương với IEC 335-2-3:1993 và Sửa đổi 1:1999) | TCVN 5699-2-3:2000 (tương đương với IEC 335-2-3:1993 và Sửa đổi 1:1999) |
04 | Máy sấy tóc dân dụng | TCVN 5699-2-23:2000 (tương đương với IEC 335-2-23:1996) | TCVN 5699-2-23:2000 (tương đương với IEC 335-2-23:1996) |
Phụ lục 2
Trang 1/2 | CHỨNG NHẬN AN TOÀN Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - 70 Trần Hưng Đạo - Hà nội ĐT: 04 8 223 520 Fax: 04 9 422 418 | |||
GIẤY ĐĂNG KÝ CHỨNG NHẬN HÀNG HOÁ PHÙ HỢP |
| |||
A. Doanh nghiệp đăng ký: 1. Tên doanh nghiệp: 2. Địa chỉ: Điện thoại: Fax: 3. Giấy phép kinh doanh số: cấp ngày: Tại: A. Nhà máy sản xuất: 1. Tên nhà máy: 2. Địa chỉ: Điện thoại: Fax: A. Hàng hoá đăng ký: 1. Tên hàng hóa: 2. Nhãn hiệu hàng hoá: 3. Ký hiệu kiểu/loại (type, model): 4. Tên và số hiệu tiêu chuẩn đăng ký chứng nhận phù hợp: 5. Số hiệu kiểm soát (đã có): A. Đăng ký chứng nhận: 1. Đăng ký lần đầu 2. Đăng ký lại a. Thay đổi/bổ sung thiết kế b. Bổ sung kiểu/loại mới c. Thay đổi tên doanh nghiệp d. Hết hạn giấy chứng nhận e. Tiêu chuẩn đánh giá thay đổi |
|
| ||
Trang 2/2 | CHỨNG NHẬN AN TOÀN Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - 70 Trần Hưng Đạo - Hà nội ĐT: 04 8 223 520 Fax: 04 9 422 418 | |
GIẤY ĐĂNG KÝ CHỨNG NHẬN HÀNG HOÁ PHÙ HỢP | ||
E. Hồ sơ kỹ thuật kèm theo: 1. Bản vẽ thiết kế, ảnh chụp của hàng hoá, đặc biệt các bộ phận, chi tiết liên quan đến an toàn của hàng hoá 2. Các thông số kỹ thuật cơ bản của hàng hoá, đặc biệt là thông số về an toàn 3. Nhãn hàng hoá 4. Tài liệu hướng dẫn sử dụng 5. Các Giấy chứng nhận đối với hàng hoá và doanh nghiệp (nếu có) Giấy chứng nhận số Ngày cấp Nơi cấp 1........................ .................. ................... 2........................ .................. ................... 3........................ .................. ................... 4........................ .................. ................... 6. Phiếu kết quả thử nghiệm: Phiếu KQTN số Ngày cấp Nơi cấp 1........................ .................. ................... 2........................ .................. ................... 3........................ .................. ................... 4........................ .................. ................... F. Cam kết của doanh nghiệp: Chúng tôi cam đoan những thông tin đăng ký trên là đúng sự thật, nhãn hiệu hàng hoá không vi phạm quy định pháp luật về nhãn hiệu hàng hoá; đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo Quy định của Nhà nước về chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn về an toàn. ......., ngày..... tháng.... năm..... ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP (ký tên, đóng dấu) |
Phụ lục 3
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN AN TOÀN
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
GIẤY CHỨNG NHẬN
HÀNG HÓA PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN VỀ AN TOÀN
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng Hàng hóa 1999;
Căn cứ Quy định tạm thời về chứng nhận hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn về an toàn ban hành kèm theo Quyết định số 13 / 2001/ QĐ-BKHCNMT ngày 06 tháng 6 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Theo đề nghị của ............................................................................................
CHỨNG NHẬN
Hàng hóa:
Nhãn hiệu hàng hóa:
Kiểu/loại:
Của Doanh nghiệp (tên, địa chỉ):
Xuất xứ hàng hóa:
đã thử nghiệm phù hợp với các yêu cầu an toàn quy định trong TCVN.....: ......
Giấy chứng nhận này có giá trị từ ngày... tháng... năm…….. đến ngày...... tháng.......... năm ............
Số hiệu kiểm soát: ............................
Hà nội, ngày…. tháng… năm…..
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG
Phụ lục 4
DẤU AN TOÀN
Cách trình bày dấu an toàn:
Dấu hợp chuẩn về an toàn
00 000 00 0 : Số hiệu kiểm soát
(1) (2) (3) (4)
(1) : Thứ tự hàng hoá
(2) : Thứ tự Doanh nghiệp
(3) : Năm cấp giấy chứng nhận
(4) : Lần cấp giấy chứng nhận
|