cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 16/2001/QĐ-UB ngày 29/05/2001 Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Y tế tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2001-2010 (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 16/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Ngày ban hành: 29-05-2001
  • Ngày có hiệu lực: 29-05-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-12-2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3867 ngày (10 năm 7 tháng 7 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-12-2011
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-12-2011, Quyết định số 16/2001/QĐ-UB ngày 29/05/2001 Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Y tế tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2001-2010 (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 3524/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 Công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục thể thao, giáo dục, đời sống và y tế do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/10/2011 đã hết hiệu lực thi hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2001/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 29 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V “PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH Y TẾ TỈNH QUẢNG BÌNH THỜI KỲ 2001 - 2010”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ vào quyết định số 2371/QĐ/UB ngày 8/12/1999 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ bổ sung hoàn chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của các ngành và các huyện thị;

Căn cứ vào quyết định 25/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh thời kỳ 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 208/KHĐT-TH ngày 15/5/2001 và đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại công văn số 453/SYT ngày 3/5/2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch ngành Y tế thời kỳ 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau:

I/ Mục tiêu phát triển đến năm 2010:

- Giảm tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi còn dưới 25%.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 20%.

- 100% số trạm y tế xã phường có bác sỹ vào trước năm 2005.

- Giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét hàng năm từ 10 - 15%.

- Đạt tỷ lệ 4,6 bác sỹ/1 vạn dân.

- Giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết hàng năm do các bệnh truyền nhiễm gây nên, hạn chế tử vong do dịch lớn xảy ra. Duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh.

- Nâng cao dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Thúc đẩy hoạt động y tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các tuyến, nhất là tuyến y tế vùng sâu, vùng xa, tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

II/ Định hướng phát triển từng lĩnh vực.

1. Về hệ thống tổ chức mạng lưới y tế:

- Đối với y tế tuyến xã: phấn đấu mỗi trạm y tế có từ 3 - 5 cán bộ, 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học và cán bộ y học dân tộc, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% số xã có bác sỹ.

- Đối với y tế tuyến huyện: tiếp tục củng cố và thực hiện mô hình trung tâm y tế cấp huyện, củng cố và tăng cường các phòng khám khu vực hiện có, thành lập mới các phòng khám ở những nơi cần thiết như: Dân Hóa (Minh Hoá), Sơn Trạch (Bố Trạch), Nam Long Xuân Ninh (Quảng Ninh). Tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ cho các trạm y tế trung tâm cụm xã, xây dựng mới bệnh viện đa khoa ở thị xã Đồng Hới. Đảm bảo có đủ năng lực về cơ sở vật chất, phương tiện, đội ngủ cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý các tuyến để phục vụ nhân dân.

- Đối với tuyến tỉnh: Củng cố các trung tâm chuyên khoa đã có, chuyển các trạm chuyên khoa thành các trung tâm của tỉnh, thành lập bệnh viện y học cổ truyền. Tăng cường công tác quy hoạch đào tạo, xây dựng và hoàn chỉnh Trường trung cấp Y tế cả cơ sở vật chất và đội ngủ cán bộ giảng dạy có đủ trình độ để đào tạo và đào tạo lại cán bộ ngành Y có đủ tài lẫn đức.

2. Nâng cao chất lượng công tác phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

a/ Chấn chỉnh và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình y tế.

- Tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch. Đẩy mạnh cuộc vận động vệ sinh môi trường, phấn đấu đến năm 2010 có hơn 80% dân số nông thôn được dùng nước sạch và hố xí hợp vệ sinh.

- Phát động nhân dân hưởng ứng và làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phát hiện và khống chế các dịch bệnh lớn không để xảy ra.

- Duy trì tiêm chủng 6 bệnh truyền nhiễm cho trẻ em đạt trên 98%. Duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt, tiến tới loại trừ uốn ván sơ sinh.

- Phấn đấu giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét hàng năm từ 10 - 15%, hạn chế tối đa tử vong do sốt rét.

- Đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh xã hội, triển khai có hiệu quả các chương trình tại cộng đồng như phấn đấu 100% dân cư ăn muối Iốt, duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, phát hiện và quản lý bệnh nhân tâm thần ở 100% phường xã. Giảm 30% số bệnh nhân mắc bệnh lao.

b/ Công tác khám chữa bệnh.

- Tổ chức lại hệ thống khám và chữa bệnh trên địa bàn tỉnh theo sự phân công của các tuyến từ xã đến tỉnh. Tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng mọi mặt của các cơ sở khám chữa bệnh nhất là tăng cường đầu tư cho trạm y tế đủ sức cấp cứu, khám chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế.

- Củng cố chế độ chuyên môn tại các bệnh viện huyện, phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có nhằm đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều dưỡng người bệnh tại tuyến huyện và tỉnh.

3. Về phát triển ngành Dược:

Phát triển ngành dược theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhằm đảm bảo cung ứng thuốc thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân, chú trọng thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu, thuốc cho các chương trình y tế quốc gia. Đảm bảo cho dân cư vùng khó khăn được hưởng đầy đủ các dịch vụ cung ứng thuốc. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc thuốc trên địa bàn để thuốc lưu thông đảm bảo chất lượng.

III/ Các giải pháp:

- Tăng cường xã hội hóa công tác y tế đến tận thôn bản, gia đình, lòng ghép chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân vào các chương trình dự án. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang và các tổ chức khác, trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Tiếp tục củng cố và phát huy có hiệu quả công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, phát triển mạng lưới tuyên truyền viên đến tận cơ sở.

- Tăng cường công tác đào tạo và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chuyên môn, nghiệp vụ một cách kịp thời, chính xác.

- Tăng cường công tác đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao nhằm không ngừng nâng cao trình độ cán bộ, phát huy hiệu quả công tác.

- Có chính sách phù hợp nhằm thu hút các cán bộ có trình độ cao thuộc một số lĩnh vực quan trọng về làm việc trong tỉnh.

- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước, nguồn vốn viện trợ của tổ chức quốc tế, nguồn đóng góp của cộng đồng, ưu tiên đầu tư cho các vùng nghèo, vùng gặp khó khăn, cả vùng núi và vùng biển...

Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy hoạch của ngành Y tế.

- Sở Y tế căn cứ vào nội dung quy hoạch, phối hợp với các ngành, các huyện thị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện thị, Giám đốc Sở Y tế, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Kho Bạc;
- Lưu.

T/M UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Đinh Hữu Cường