cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 1182/2001/QĐ-UB ngày 17/04/2001 Về Quy định tổ chức quản lý dạy thêm ngoài giờ của giáo viên và tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 1182/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Long An
  • Ngày ban hành: 17-04-2001
  • Ngày có hiệu lực: 02-05-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 09-08-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2290 ngày (6 năm 3 tháng 10 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 09-08-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 09-08-2007, Quyết định số 1182/2001/QĐ-UB ngày 17/04/2001 Về Quy định tổ chức quản lý dạy thêm ngoài giờ của giáo viên và tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND ngày 30/07/2007 Về Quy định dạy thêm học thêm môn văn hóa của cơ sở, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1182/2001/QĐ-UB

Tân An, ngày 17 tháng 4 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ DẠY THÊM NGOÀI GIỜ CỦA GIÁO VIÊN VÀ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN”.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định số 242/TTg ngày 24/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập;

- Căn cứ Thông tư số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 của Liên Bộ GD- ĐT và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập;

- Căn cứ Chỉ thị số 17/GD-ĐT ngày 31/8/1995 của Bộ GD- ĐT về việc tăng cường chỉ đạo tiếp tục thực hiện Quyết định số 242/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập; Chỉ thị số 15/2000/CT-BGDĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;

- Xét đề nghị của Sở Giáo dục- ĐT tại công văn số: 12/CV-GDĐT ngày 03/01/2001 và ý kiến của Sở Tư pháp tại công văn số 49/CV-TP ngày 21/02/2001 về việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Ban hành kèm theo quyết định này quy định về tổ chức quản lý dạy thêm ngoài giờ của giáo viên và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều II: Sở Giáo dục- Đào tạo chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã triển khai huớng dẫn thực hiện.

Điều III: Các Ông, bà Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU - TT.HĐND tỉnh “b/c”.
- CT, PCT.vx
- Ban VHXH- HĐND tỉnh
- Như điều 3
- NC.vx _ Lưu/BHQD-Daythem

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




 

QUY ĐỊNH

VIỆC TỔ CHỨC QUẢN LÝ DẠY THÊM NGOÀI GIỜ CỦA GIÁO VIÊN VÀ CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành kèm theo QĐ số: 1182/2001/QĐ-UB ngày 17/4/2001 của UBND tỉnh Long An).

Học thêm là nhu cầu của một bộ phận học sinh và gia đình nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức. Hiện nay, hoạt động dạy thêm, học thêm đang có xu hướng phát triển rất đa dạng, trong khi đó công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn lỏng lẻo đã tạo nên những tiêu cực, ít nhiều làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ nhà giáo và vi phạm Luật Giáo dục về yêu cầu sư phạm của hoạt động giảng dạy, học tập.

Do đó, từ nay việc tổ chức dạy thêm ngoài giờ của các giáo viên và của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Long An phải thực hiện đúng quy định sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1:

1- Hoạt động dạy thêm nêu trong quy định này là giảng dạy ngoài giờ chính khóa cho học sinh phổ thông được tổ chức trong nhà trường và ngoài nhà trường theo yêu cầu của người học và có thu tiền, bao gồm các hình thức:

a- Dạy thêm theo chương trình phổ thông, luyện thi tốt nghiệp, luyện thi đại học, tuyển sinh trong và ngoài nhà trường do giáo viên đương nhiệm tổ chức.

b- Dạy luyện thi cho học sinh lớp cuối cấp, tin học, ngoại ngữ do các tổ chức, cá nhân ngoài ngành Giáo dục tổ chức.

c- Dạy thêm trong nhà trường do hiệu trưởng tổ chức nhằm ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp, tuyển sinh.

d- Dạy thêm theo hình thức “gia sư”. Đây là hình thức dạy kèm từng học sinh tại nhà theo yêu cầu của phụ huynh học sinh.

Điều 2: Dạy thêm thuộc trách nhiệm phục vụ của các trường phổ thông:

1- Hoạt động dạy thêm nhằm ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ giáo dục thường xuyên của nhà trường, không thu tiền của học sinh để chi cho việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Các hoạt động dạy thêm tại khoản 2 điều này không thuộc phạm vi điều chỉnh của bản quy định. (Theo quy định tại phần II, khoản 1 của chỉ thị số 15/2000/CT- BGDĐT).

2- Hiệu trưởng các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (công lập, bán công, dân lập và tư thục) tổ chức, quản lý việc dạy thêm ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp cuối cấp, trong 1 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 2 buổi cho học sinh lớp 5 và trong 2 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 3 buổi cho học sinh lớp 9, lớp 12. Mức thu tiền theo thông tư Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo-Tài chính số 16/TT-LB ngày 13/9/1993.

Điều 3: Quản lý dạy thêm theo yêu cầu của người học trong và ngoài nhà trường.

1- Các lớp dạy thêm có thu tiền do tổ chức hoặc cá nhân mở trong hay ngoài trường học, chỉ được hoạt động sau khi đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm.

2- Sở Giáo dục- Đào tạo chịu trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học phổ thông. Các phòng Giáo dục- Đào tạo giúp UBND huyện, thị xã quản lý việc dạy thêm các môn học thuộc chương trình trung học cơ sở và tiểu học trên địa bàn.

3- Các hình thức dạy thêm theo điều 1, khoản 1, điểm c, d không thuộc loại hình tổ chức dạy thêm phải đăng ký xin phép, nhưng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung giảng dạy (theo quy định tại phần II, khoản 2 chỉ thị số 15/2000/CT- BGDĐT).

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

Điều 4: Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm cho đối tượng xin dạy thêm theo loại hình nêu ở điều 1, khoản 1, điểm a và điểm b.

a- Sở Giáo dục-Đào tạo:

Cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành (kể cả giáo viên đã nghỉ hưu) dạy thêm theo chương trình trung học phổ thông, luyện thi tốt nghiệp phổ thông trung học, luyện thi đại học, ngoại ngữ, tin học.

b- Phòng Giáo dục-Đào tạo:

Cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành (kể cả giáo viên đã nghỉ hưu) dạy thêm theo chương trình trung học cơ sở, tiểu học, luyện thi tốt nghiệp trung học cơ sở và tiểu học.

Điều 5: Nội dung dạy thêm, thời gian dạy thêm cho các lớp dạy thêm được cấp giấy chứng nhận:

a- Nội dung dạy thêm:

- Đối với các lớp dạy thêm theo chương trình phổ thông: luyện tập, ôn tập kiến thức đã học ở trường, tuyệt đối không được dạy trước chương trình học tập của học sinh theo quy định hàng tuần của Bộ Giáo dục- Đào tạo.

- Đối với các lớp ngoại ngữ, tin học, luyện thi tốt ngiệp, luyện thi đại học nội dung dạy thêm do tổ chức, cá nhân đề nghị và được ngành Giáo dục-Đào tạo đồng ý.

b- Thời gian dạy thêm:

- Đối với các lớp dạy thêm theo chương trình phổ thông: ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, mỗi lớp dạy thêm chỉ được dạy không quá ba buổi trong tuần; ở cấp tiểu học lớp dạy thêm không quá 2 buổi trong tuần; các buổi học không quá 2 tiết (90 phút). Kế hoạch dạy, thời gian dạy trong ngày là thời gian theo quy định của giờ lao động và được cấp thẩm quyền cấp phép đồng ý; ngoại trừ các lớp tổ chức trong nhà trường có thể dạy từ 17 giờ đến 19 giờ.

- Đối với các lớp ngoại ngữ, tin học, luyện thi đại học thời gian dạy, buổi dạy theo nhu cầu của người học. Riêng đối với lớp luyện thi đại học cho đối tượng học sinh chưa tốt nghiệp thì thời gian dạy thêm thực hiện theo như quy định của lớp theo chương trình phổ thông.

- Trong thời gian nghỉ hè chỉ dạy thêm cho đối tượng học sinh sẽ lên lớp 12 và học sinh luyện thi đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Điều 6: Các điều kiện phải đảm bảo khi tổ chức dạy thêm:

a- Tất cả các lớp dạy thêm theo chương trình phổ thông trong nhà trường và ngoài nhà trường đều phải có ý kiến của phụ huynh học sinh đồng ý cho con em theo học.

b- Nơi tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, phòng học phải đủ diện tích, ánh sáng, đủ chổ ngồi, bàn ghế và bảng đúng quy cách, môi trường vệ sinh thoáng mát, yên tĩnh. Mỗi lớp học không quá 30 học sinh và học sinh theo học phải cùng trình độ.

c- Đối với các lớp dạy thêm theo chương trình phổ thông do giáo viên đương nhiệm xin phép dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên chỉ dạy thêm cho đối tượng không phải là học sinh đang được giáo viên dạy ở lớp chính khóa. (Điểm này không áp dụng khi dạy thêm cho đối tượng là học sinh lớp 12).

d- Cá nhân ngoài ngành Giáo dục khi xin phép dạy thêm, phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tương ứng với cấp lớp dạy trở lên khi dạy ngoại ngữ; có chứng chỉ trung cấp kỹ thuật viên tin học trở lên khi dạy tin học.

e- Không được mở lớp dạy thêm cho học sinh tiểu học theo học lớp bán trú, lớp 2 buổi trong ngày và các trường hợp nhận trông nom học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, giáo viên không được biến việc làm này thành lớp dạy thêm.

III.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 7: Trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo:

a- Ngành Giáo dục- ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện quy định này; phối hợp với UBND địa phương thanh tra, kiểm tra uốn nắn, xử lý hoạt động dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.

b- Ngành Giáo dục- ĐT chịu trách nhiệm quản lý các lớp dạy thêm do các tổ chức, cá nhân ngoài ngành (kể cả giáo viên nghỉ hưu) được cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm theo thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quy định tại điều 3.

Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, Tiểu học (công lập, bán công, dân lập và tư thục) chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp các lớp dạy thêm do nhà trường tổ chức tại trường và các lớp của các giáo viên đương nhiệm được cấp giấy chứng nhận dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.

c- Mọi ý kiến phản ánh trên thông tin đại chúng về các hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, tự ý mở trường lớp dạy thêm... phải được kiểm tra xử lý kịp thời.

Điều 8: Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm và phối hợp với Sở Tài chính-Vật giá trình UBND tỉnh ban hành quy định khung mức học phí, mức thu của từng lớp dạy thêm trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 9: Xử lý vi phạm.

1- Đối với cán bộ, giáo viên đương nhiệm vi phạm các quy định về quản lý dạy thêm, học thêm thì căn cứ vào chỉ thị 15/2000/CT-BGDĐT ngày 17/5/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các văn bản pháp luật về quản lý cán bộ, công chức để xử lý.

2- Đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm nhưng không bảo đảm chất lượng giảng dạy, trình độ người dạy và cơ sở vật chất theo đăng ký hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký dạy thêm thì tùy theo tính chất mức độ mà xử lý cụ thể: thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 10: Quy định này có hiệu lực thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày ký.