cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 07/2001/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi về Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học chuyên ban và trung học cơ sở (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 07/2001/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Ngày ban hành: 30-03-2001
  • Ngày có hiệu lực: 14-04-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 20-04-2002
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 371 ngày (1 năm 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 20-04-2002
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 20-04-2002, Quyết định số 07/2001/QĐ-BGDĐT ngày 30/03/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Sửa đổi về Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học chuyên ban và trung học cơ sở (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 17/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 05/04/2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Về Quy chế thi tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2001/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 07/2001/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP PHỔ THÔNG TRUNG HỌC, TRUNG HỌC CHUYÊN BAN VÀ TRUNG HỌC CƠ SỞ
(Ban hành theo Quyết định số 15/1998/QĐ-BGD&ĐTQĐ số 07/1999/QĐ-BGD&ĐT QĐ số 03/2000/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay sửa đổi, bổ sung một số điều trong Quy chế thi tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học chuyên ban và trung học cơ sở ban hành theo Quyết định số 15/1998/QĐ-BGD&ĐT ngày 01/4/1998, Quyết định số 07/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 27/02/1999, Quyết định số 03/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 28/02/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 6 như sau:

Học sinh theo chương trình nào (THPT,THCB, THCS) sẽ được thi theo chương trình đó. Nội dung thi là toàn bộ chương trình lớp cuối cấp (lớp 9 đối với THCS, lớp 12 đối với THPT, THCB).

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 như sau:

Những học sinh nêu tại khoản 1 Điều 7 được công nhận đủ điều kiện dự thi nếu:

1) Đã học hết chương trình toàn cấp học, được xếp loại cả năm ở lớp cuối cấp về hạnh kiểm từ trung bình trở lên, về học lực không bị xếp loại kém theo quy định hiện hành; trong thời gian tổ chức kỳ thi không bị tạm giam, tạm giữ hoặc mất quyền công dân.

2) Tổng số ngày nghỉ học ở lớp cuối cấp không quá 45 ngày (nghỉ 1 lần hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại).

Đối với những học sinh đang học không đủ điều kiện dự thi, Hiệu trưởng thông báo cho học sinh và gia đình biết trước ngày thi 10 ngày.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 9 như sau:

Chưa quá 20 tuổi đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, chưa quá 24 tuổi đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học chuyên ban.

4. Sửa đổi câu đầu của Điều 14 như sau:

Được công nhận tốt nghiệp những học sinh không vi phạm Quy chế thi, không có bài thi nào bị điểm 0 và đạt tổng điểm bình quân quy định cho mỗi diện như sau:

5. Sửa đổi khoản 2 Điều 16 như sau:

Học sinh diện miễn thi cũng được xếp loại tốt nghiệp nếu có đủ điều kiện dưới đây và được tính điểm bình quân tốt nghiệp như sau:

a) Loại giỏi: Nếu học lực xếp loại giỏi và hạnh kiểm xếp loại tốt; được tính điểm bình quân tốt nghiệp là 9,0

b) Loại khá: Nếu học lực và hạnh kiểm đều xếp loại từ khá trở lên; được tính điểm bình quân tốt nghiệp là 7,0.

c) Loại trung bình: Nếu học lực không bị xếp loại kém và hạnh kiểm xếp từ trung bình trở lên; được tính điểm bình quân tốt nghiệp là 5,0

6. Bổ sung vào nhiệm vụ của Hội đồng sao in đề thi tại khoản 2 Điều 30 như sau:

Hội đồng sao in đề thi có trách nhiệm in thử, đọc lại đề thi, phát hiện và báo cáo về Hội đồng ra đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo những thiếu sót của đề thi để được hướng dẫn sửa chữa, bổ sung trước khi tiến hành sao in đến học sinh.

7. Sửa đổi khoản 1 Điều 34 như sau:

Hội đồng chấm thi tốt nghiệp cho từng cấp học do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể thành lập một hoặc một số Hội đồng chấm thi cho từng cấp học tuỳ theo số lượng thí sinh và điều kiện cụ thể của địa phương.

Việc thành lập Hội đồng làm phách theo từng cấp học độc lập với các Hội đồng chấm thi tốt nghiệp được thực hiện tuỳ theo yêu cầu và điều kiện của từng địa phương. Thành phần, số lượng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng làm phách do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quy định và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

8. Sửa đổi, bổ sung điểm thứ 4 mục 2.1 khoản 2 Điều 34 như sau:

Các giám khảo là những giáo viên đang hoặc đã dạy môn thi ở lớp cuối cấp, không có con, em ruột dự thi. Số lượng và công việc cụ thể của Giám khảo do Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.

9. Sửa đổi, bổ sung Điều 40 như sau:

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, các loại giấy chứng nhận tốt nghiệp, giấy chứng nhận có liên quan đến việc cộng điểm khuyến khích, giấy chứng nhận để được xếp diện ưu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

10. Sửa đổi Điều 44 như sau:

Việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ công chức là cán bộ, giáo viên tham gia làm thi tốt nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 97/1998/NĐ-CP ngày 17/11/1998 và của Chính phủ về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức và Thông tư số 05/1999/TT/TCCP ngày 27/3/1999 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Đối với những người không phải là công chức tham gia làm thi tốt nghiệp, việc xử phạt thực hiện theo quy định của hợp đồng lao động và luật pháp hiện hành.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông (Bà) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ông (Bà) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này .

 

Nguyễn Văn Hiển

(Đã ký)