cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 21/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ Về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 37/2001/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Ngày ban hành: 21-03-2001
  • Ngày có hiệu lực: 01-06-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-01-2003
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 579 ngày (1 năm 7 tháng 4 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-01-2003
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-01-2003, Quyết định số 37/2001/QĐ-TTg ngày 21/03/2001 của Thủ tướng Chính phủ Về việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ Sửa đổi Điều lệ bảo hiểm xã hội kèm theo Nghị định 12/CP năm 1995 (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 37/2001/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC NGHỈ DƯỠNG SỨC, PHỤC HỒI SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có từ đủ 3 năm làm việc trở lên tại cơ quan, đơn vị mà bị suy giảm sức khoẻ; sau khi điều trị do ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà chưa hồi phục sức khoẻ hoặc lao động nữ nếu yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản.

Điều 2.

1. Người bị suy giảm sức khoẻ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một lần trong năm. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 đến 10 ngày tuỳ thuộc vào mức độ suy giảm sức khoẻ của người lao động.

2. Thời gian nghỉ dưỡng sức không bị trừ vào thời gian nghỉ phép hàng năm của người lao động.

Điều 3.

1. Mức chi phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe gồm 2 mức là:

- 80.000 đồng/ngày/người đối với người nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung;

- 50.000 đồng/ngày/người đối với người nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại gia đình; lao động nữ nếu yếu sức khoẻ sau khi nghỉ thai sản.

2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở quyết định những người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 1 Quyết định này và tổ chức cho người lao động đi nghỉ dưỡng sức; thực hiện việc quyết toán kinh phí dưỡng sức với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Điều 4. Kinh phí để thực hiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm bằng 0,6% tổng quỹ tiền lương thực đóng bảo hiểm xã hội, được trích trong nguồn 5% tính trên tổng quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của đơn vị cho 3 chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2001.

Điều 6. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Quyết định này sau khi trao đổi với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)