Chỉ thị số 41/1998/CT-UB-KT ngày 24/11/1998 Về kế hoạch sử dụng tiền bán cổ phần thuộc vốn nhà nước do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 41/1998/CT-UB-KT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Ngày ban hành: 24-11-1998
- Ngày có hiệu lực: 24-11-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 07-07-2009
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3878 ngày (10 năm 7 tháng 18 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 07-07-2009
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/1998/CT-UB-KT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 11 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG TIỀN BÁN CỔ PHẦN THUỘC VỐN NHÀ NƯỚC
Trong khi chờ sự hướng dẫn của các Bộ Ngành Trung ương, để triển khai thực hiện nhanh việc sử dụng tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước theo Nghị định số 44/1998/NĐ-CP ngày 29/6/1998 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần và Thông tư số 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn những vấn đề về tài chính khi chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị các Sở Ngành có liên quan tổ chức thực hiện các vấn đề sau :
1. Giao Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp cổ phần hóa, xây dựng phương án, dự toán kinh phí : theo hướng ưu tiên giải quyết đào tạo lại để giải quyết việc làm cho người lao động, trợ cấp cho người lao động dôi dư qua việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
2. Đối với doanh nghiệp đã cổ phần hóa thiếu vốn đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ, đào tạo tuyển dụng thêm công nhân. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp lập dự án đầu tư và đào tạo trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định đồng thời đề xuất nguồn vốn được vay từ tiền bán cổ phần, lãi suất cho vay để trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết.
3. Đối với doanh nghiệp cần ưu tiên củng cố : Giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công nghiệp, Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố đề xuất và trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét giải quyết bổ sung vốn cho những trường hợp sau :
- Doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh những ngành nghề ưu tiên phát triển, đang hoạt động có hiệu quả cần phải tập trung vốn đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng liên tục.
- Đối với doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhưng nằm trong quy hoạch phải di dời ra các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu cần hỗ trợ đầu tư, phần đầu tư này coi như sự góp vốn của Nhà nước vào Công ty cổ phần.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có trách nhiệm : tiếp nhận hồ sơ và thẩm định các dự án đầu tư có sử dụng vốn từ tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước. Cân đối nguồn vốn để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.
- Lập và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định việc phân bổ vốn cho các dự án được sử dụng nguồn vốn từ tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước.
5. Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thành phố có trách nhiệm :
- Theo dõi, kiểm tra, đôn độc các doanh nghiệp cổ phần hóa nộp đủ tiền bán cổ phần, lợi nhuận thuộc vốn Nhà nước và cổ phần mua chịu vào tài khoản phong tỏa tại Kho bạc Nhà nước thành phố.
- Kiểm tra hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc ghi tăng vốn tài sản cố định và tổ chức quản lý theo quy định hiện hành đối với tài sản được cấp vốn đầu tư từ nguồn thu cổ phần hóa.
6. Giao Sở Tài chính – Vật giá thành phố
- Mở tài khoản để chuyển tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước từ tài khoản phong tỏa tại Kho bạc vào tài khoản thu về cổ phần hóa của Ủy ban nhân dân thành phố.
Thực hiện việc cấp phát và quyết toán các khoản chi cho các dự án đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt từ nguồn vốn trên đây.
7. Giám đốc các Sở Ngành nêu trên khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này để có thể sử dụng tiền bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước hiện có tại Kho bạc Nhà nước tại thành phố ngay trong năm 1998./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |