Chỉ thị số 19/CT-UB ngày 31/10/1998 Về tổ chức thực hiện Nghị định 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra kiểm tra đối với các Doanh nghiệp do Tỉnh Lào Cai ban hành
- Số hiệu văn bản: 19/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Ngày ban hành: 31-10-1998
- Ngày có hiệu lực: 31-10-1998
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-08-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 7608 ngày (20 năm 10 tháng 8 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 30-08-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UB | Lào Cai, ngày 31 tháng 10 năm 1998 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 61/1998/NĐ-CP NGÀY 15/8/1998 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC THANH TRA KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP
Trong những năm qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp trên địa bàn Lào Cai đã được các cơ quan có chức năng tổ chức thực hiện tương đối tốt, kết quả công tác thanh tra đã cung cấp được nhiều thông tin xác thực giúp cho công tác quản lý chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị được thuận lợi. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng đồng thời phát hiện các biểu hiện vi phạm và khuynh hướng vi phạm góp phần phòng ngừa ngăn chặn những sai phạm đó trong quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra là chức năng thiết yếu trong quản lý điều hành, tuy vậy việc tổ chức quản lý hoạt động đó phải khoa học, hiệu quả thiết thực tránh phiền hà cho các hoạt động thực hiện kế hoạch nhiệm vụ công tác của tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra. Trên thực tế ở Lào Cai do việc tổ chức phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, điều tra chưa được chặt chẽ nhịp nhàng nên đôi lúc đôi nơi các hoạt động này có biểu hiện chồng chéo. Có nơi một năm có các đoàn thanh tra. kiểm tra đến làm việc cùng một nội dung tương tự nhau, nhiều nơi công tác thanh tra, kiểm tra còn bị bỏ ngỏ. Còn có tình trạng một số cuộc kiểm tra, thanh tra thời gian thực hiện còn kéo dài và cũng còn có cuộc kiểm tra của một số cơ quan chức năng không có kết luận và thông báo kết quả bằng văn bản tới đơn vị được kiểm tra. Tình trạng tiến hành cuộc kiểm tra, thanh tra không có hoặc không công bố quyết định thanh tra, kiểm tra mà chỉ bằng giấy giới thiệu công tác của cấp có thẩm quyền cũng vẫn còn. Có những cuộc thanh tra, kiểm tra kết luận chung chưa cao, chưa đạt yêu cầu quản lý. Mặt khác ở một số không ít trường hợp, những kết luận, kiến nghị xử lý của các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa được các cấp có thẩm quyền thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, làm cho hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh chưa cao.
Ngày 15/8/1998 Chính phủ ban hành Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các Doanh nghiệp. Để thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định của Chính phủ, đồng thời quy định thống nhất trình tự quản lý lập, duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giải quyết xử lý chồng chéo và giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với Doanh nghiệp, UBND tỉnh Chỉ thị:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thi xã, Giám đốc các sở, ban ngành trong tỉnh tổ chức học tập, quán triệt nội dung Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo thực hiện có liên quan.
Đối tượng học tập là những người có liên quan đến công tác quản lý thuộc các phòng ban, đơn vị trực thuộc, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của huyện, thị xã, sở, ngành. Thanh tra tỉnh tổ chức học tập và quán triệt thực hiện cho các tổ chức thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước trong phạm vi địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giáo dục và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra để đáp ứng với yêu cầu của tình hình hiện nay. Phải xây dựng tốt quy chế, quy định quản lý các đoàn thanh tra, kiểm tra làm nhiệm vụ xa trụ sở cơ quan và quản lý quá trình quan hệ thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra ở cơ sở.
3. Tổ chức thanh tra và các cơ quan có chức năng làm nhiệm vụ, kiểm tra ngoài ngành của mình phải tuân thủ đúng đắn các quy định của pháp luật cả về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời gian thanh tra, kiểm tra. Kết thúc các cuộc thanh tra, kiểm tra phải báo cáo kết luận bằng văn bản. Các nội dung kết luận, đặc biệt là kết luận về sai phạm của đối tượng thanh tra, kiểm tra phải thu thập và quản lý được các yếu tố về chứng cứ.
4. Khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra phản ánh không đầy đủ và đúng đắn tình hình các nội dung thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thanh tra, kiểm tra phải có các giải pháp tích cực để xử lý và đôn đốc xử lý vi phạm, thu hồi triệt để tài sản có vi phạm vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
5. Các lực lượng thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm hướng dẫn và phối hợp hoạt động với các tổ chức thanh tra nhân dân ở các cơ sở có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, quá trình thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra ở cơ sở của các tổ chức thanh tra nhân dân. Xây dựng và sử dụng có hiệu quả lực lượng cộng tác viên thanh tra theo quy định của Pháp luật.
6. Trình tự xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra:
Căn cứ Pháp lệnh thanh tra năm 1990 và quy định tại điều 7, điều 9, điều 11 của Nghị định 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ.
Các đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm tra phải lập kế hoạch thanh tra hoặc kế hoạch kiểm tra hàng năm. Kế hoạch thanh tra do các đơn vị cơ sở dự thảo gửi về cấp trên trực tiếp là UBND các huyện, thị xã hoặc thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các Sở, ban ngành xem xét điều chỉnh kế hoạch dự thảo của cơ sở theo quy định của Nghị định 61 và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của cấp mình gửi về thanh tra tỉnh tổng hợp trình UBND tỉnh và đề xuất ý kiến để UBND tỉnh quyết định phê duyệt từng đơn vị.
Thời gian các đơn vị làm dự thảo kế hoạch thanh tra, kiểm tra vào quý IV của năm trước gửi về thanh tra tỉnh trong tháng 11. Kế hoạch được duyệt thông báo trở lại các huyện, thị xã, Sở, ngành trong tháng 12, các đơn vị cơ sở nhận kế hoạch được duyệt chậm nhất vào ngày 10 tháng 1 hàng năm để triển khai thực hiện.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra được lập dựa trên hướng dẫn của cơ quan Nhà nước cấp trên và thực tiễn hoạt động lãnh đạo quản lý, nhiệm vụ kế hoạch, tình hình quản lý cán bộ công chức, dựa trên yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng và khả năng phấn đấu thực hiện của các cơ quan đơn vị.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm phải đề cập đủ các nội dung chủ yếu sau:
- Tên các cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
- Nội dung cơ bản, yêu cầu thực hiện, thời hiệu thanh tra, kiểm tra.
- Thời gian tổ chức thực hiện thanh, kiểm tra, cơ quan hay bộ phận thực hiện.
Các tổ chức thanh tra ở huyện, thị xã, Sở, ngành là đơn vị đầu mối có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp, tham mưu giúp Chủ tịch, thủ trưởng Sở, ngành xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra hàng năm.
Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm được quản lý theo chế độ mật, chỉ thông báo đến các đối tượng theo quy định của pháp luật. Những người không có trách nhiệm thì không được xem xét hoặc thông tin ra bên ngoài bằng mọi hình thức.
7. Trong năm các đơn vị căn cứ vào kế hoạch đã được duyệt, chủ động tổ chức thực hiện tốt các nội dung và mục đích tiến hành kiểm tra. Nếu có nhu cầu phải điều chỉnh một số chi tiết về nội dung thì báo cáo. UBND tỉnh ủy quyền cho Chánh thanh tra tỉnh giải quyết.
Nếu có phát sinh cần phải thanh, kiểm tra ngoài kế hoạch về nội dung hay đối tượng thanh, kiểm tra thì các đơn vị báo cáo UBND tỉnh; giao cho Chánh thanh tra tỉnh tổng hợp đề xuất ý kiến để UBND tỉnh quyết định giải quyết.
8. Quá trình tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trong phạm vi địa bàn tỉnh Lào Cai, mỗi cuộc thanh, kiểm tra được tổ chức ngoài việc báo cáo theo quy định của pháp luật thì đồng gửi về thanh tra tỉnh 1 bản quyết định và 1 bản báo cáo kết luận thanh, kiểm tra để tổng hợp và quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, kiểm tra.
Về tổng kết thực tiễn tình hình thực hiện thanh tra, kiểm tra hàng năm ở các đơn vị cơ sở vẫn làm theo chức năng được pháp luật quy định ở huyện, thị xã, các ngành có tổ chức cả nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thì báo cáo tổng kết công tác kiểm tra đồng gửi về cơ quan thanh tra cùng cấp để tổng hợp trong huyện và ngành mình tổng kết về lĩnh vực thanh tra. kiểm tra. UBND các huyện, thị xã, Thủ trưởng các ngành thuộc tỉnh đồng gửi báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra về thanh tra tỉnh để tổng kết toàn tỉnh về thanh tra, kiểm tra.
9. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu, kiến nghị giải quyết xử lý trong kết luận về thanh tra, kiểm tra. Đồng thời phải bố trí sắp xếp người đại diện Doanh nghiệp và người có liên quan theo yêu cầu của các đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung thanh tra, kiểm tra.
Để làm rõ một nội dung thanh tra, kiểm tra, đoàn thanh tra, kiểm tra phải xem xét đến nhiều hoạt động khác có liên quan ở các đơn vị có liên quan ngoài đối tượng chính thức ghi trong quyết định thanh tra. Các đơn vị có liên quan đến nội dung thanh tra cần xem xét, phải chấp hành các yêu cầu, quyết định của đoàn thanh tra theo quy định của pháp luật.
Chánh thanh tra tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tổ chức và chủ động xây dựng chương trình kế hoạch, tổ chức ngành mình thực hiện tốt Nghị định 61 cũng như các văn bản pháp luật về thanh tra. Nắm, phản ánh và tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh mới.
Trong quá trình thực hiện các cơ quan, đem vị xét thấy có gì vướng mắc thì phản ánh kịp thời về UBND tỉnh để điều chỉnh cho phù hợp.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |