cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 14/02/2001 Ban hành Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm ngoài giờ chính khóa của giáo viên các cấp do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 08/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Ngày ban hành: 14-02-2001
  • Ngày có hiệu lực: 24-02-2001
  • Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 01-01-2002
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 21-07-2007
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2338 ngày (6 năm 4 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 21-07-2007
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 21-07-2007, Quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 14/02/2001 Ban hành Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm ngoài giờ chính khóa của giáo viên các cấp do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND ngày 11/07/2007 Ban hành Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 08/2001/QĐ-UB

Đà Nẵng, ngày 14 tháng 02 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DẠY THÊM NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP

ỦY BAN NHÂN DÂN

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) ngày 21-6-1994;
- Căn cứ Quyết định số 242/TTG, ngày 24 tháng 5 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về việc dạy thêm ngoài giờ chính khóa của giáo viên các trường phổ thông công lập;
- Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17 tháng 5 năm 2000 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm - học thêm;
- Căn cứ Chỉ thị số 28/CT-UB ngày 07 tháng 10 năm 1997 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc tăng cường công tác quản lý dạy thêm ngoài giờ chính khóa của giáo viên;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng, tại Tờ trình số 1838/GD&ĐT/THHC ngày 11 tháng 12 năm 2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc tổ chức, quản lý dạy thêm ngoài giờ chính khóa của giáo viên các cấp.

Điều 2: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của UBND thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có liên quan đến việc dạy thêm trái với Quy định này đều không còn hiệu lực.

Điều 4: Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ Quyết định thi hành.

 

 

Nơi gửi:
- Như điều 4,
- Bộ GD&ĐT (để b/c),
- TVTU (để b/c),
- TT HĐND (để b/c) ,
- HĐND các quận, huyện
- Lưu VT, tổ PC.

TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Bá Thanh

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DẠY THÊM NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-UB ngày 14/2/2001 của UBND thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Mục đích, yêu cầu của việc dạy thêm ngoài giờ chính khóa

1. Dạy thêm ngoài giờ chính khóa (sau đây viết tắt là dạy thêm) mang tính chất hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng nhằm giúp học sinh yếu kém theo kịp chương trình; bồi dưỡng, nâng cao cho học sinh giỏi, giúp các em dự thi các kỳ thi chọn học sinh giỏi và những học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tốt nghiệp và tuyển sinh;

2. Tuyệt dối không dạy học sinh của mình đang dạy trên lớp (trừ bậc học tiểu học có quy định dưới đây), không biến các buổi học thêm để dạy trước chương trình chính khóa hay cắt xén một phần chương trình chính khóa để dành dạy cho học sinh học thêm hoặc lấy nội dung dạy thêm làm đề kiểm tra ở lớp chính khóa.

Điều 2: Đối trượng học sinh học thêm

1. Học sinh thuộc diện xếp loại yếu, kém nhằm giúp các em vươn lên trung bình, khá;

2. Học sinh xếp loại giỏi có nhu cầu học thêm nhằm bồi dưỡng năng khiếu, chuẩn bị thi học sinh giỏi các cấp, thi vào trường chuyên, trường chất lượng cao;

3. Học sinh cuối bậc học, cấp học (lớp 5 ở bậc tiểu học, lớp 9 và lớp 12 ở bậc trung học) ôn tập, rèn luyện kỹ năng để dự thi tốt nghiệp và tuyển sinh;

4. Học sinh các lớp trung học cơ sở, trung học phổ thông (sau đây viết tắt là THCS, THPT) có nguyện vọng đăng ký học tại các lớp hoặc ở các cơ sở luyện thi tốt nghiệp THCS, THPT hay vào đại học do các cá nhân, đơn vị ngoài ngành giáo dục và đào tạo tổ chức trên địa bàn thành phố;

5. Tất cả các đối tượng học sinh học thêm nói ở khoản 1, 2, 3 và 4 của điều này đều phải tự nguyện có đơn xin học thêm và có xác nhận đồng ý của phụ huynh học sinh.

Điều 3: Đối tượng dạy thêm (cá nhân, đơn vị dạy thêm)

1. Cá nhân:

a/ Giáo viên đương nhiệm dạy thêm:

- Phải đạt chuẩn về hệ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy ở trường, có phẩm chất đạo đức tốt;

- Đạt danh hiệu giáo viên giỏi từ cấp trường (lao động giỏi) trở lên;

b/ Giáo viên ngoài ngành giáo dục và đào tạo, giáo viên đã nghỉ hưu mở lớp dạy thêm:

- Phải đạt chuẩn về hệ đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, có uy tín và năng lực sư phạm;

2. Tổ chức dạy thêm tại trường:

a/ Hiệu trưởng phải đứng tên xin cấp giấy chứng nhận và lập thủ tục hồ sơ;

b/ Giáo viên dạy thêm tại trường phải đạt các yêu cầu nói tại điểm a hoặc điểm b Khoản 1 Điều này;

c/ Quản lý thu, chi tiền dạy thêm theo đúng quy định của pháp luật;

3. Giáo viên bị các hình thức kỷ luật có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hoặc có những biểu hiện tiêu cực trong dạy thêm không được xét, cấp giấy chứng nhận dạy thêm;

4. Cá nhân, tổ chức chỉ được thực hiện việc dạy thêm sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận dạy thêm.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4: Đối tượng học sinh được giáo viên dạy thêm

1. Giáo viên bậc tiểu học:

a/ Giáo viên lớp 1 được dạy học sinh của lớp mình phụ trách;

b/ Giáo viên từ lớp 2 đến lớp 5 đạt lao động giỏi và là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên mới được dạy học sinh lớp mình phụ trách;

c/ Giáo viên ở bậc tiểu học được mở lớp bán trú tại nhà nhưng phải đảm bảo đủ các điều kiện tại Quy định này;

2. Giáo viên bậc trung học:

a/ Tuyệt đối không được tổ chức dạy thêm học sinh lớp giáo viên đang dạy chính khóa môn đó ở trường;

b/ Không dùng các biện pháp trực tiếp hay gián tiếp để phân biệt đối xử hoặc bắt buộc học sinh phải học thêm dưới bất cứ hình thức nào.

Điều 5: Môn dạy thêm

1. Đối với bậc tiểu học:

Được dạy thêm 2 môn: Tiếng Việt và Toán;

2. Đối với bậc Trung học:

Được dạy thêm các môn: Văn - Tiếng Việt, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Địa lý và Lịch sử;

3. Nghiêm cấm việc tổ chức giảng dạy chương trình lớp 1 cho các cháu ở độ tuổi mẫu giáo.

Điều 6: Thời gian dạy thêm

1. Đối với bậc tiểu học:

a/ Dạy không quá 3 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 90 phút. Đối với học sinh lớp bán trú tại gia đình, dạy không quá 5 buổi/tuần;

b/ Các lớp bán trú (kể cả bồi dưỡng học sinh giỏi) không được dạy thêm vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật;

2. Đối với cấp THCS:

a/ Dạy không quá 3 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 90 phút đối với các môn: Văn - Tiếng Việt; Toán; Ngoại ngữ;

b/ Dạy 1 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 90 phút đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử;

3. Đối với cấp THPT:

a/ Dạy không quá 3 buổi/tuần; mỗi buổi không quá 120 phút đối với các môn: Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ;

b/ Dạy không quá 2 buổi/tuần, mỗi buổi không quá 120 phút đối với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử;

4. Thời gian dạy thêm đối với các môn học của bậc trung học nêu tại khoản 2 và 3 điều này được tính theo môn học, không tính theo phân môn...

Điều 7: Học phí học thêm

1. Đối với bậc tiểu học:

a/ Mức thu học phí tối đa là: 3.000 đồng/buổi/học sinh;

b/ Đối với học kèm: Tối đa không quá 5.000 đồng/buổi/học sinh;

c/ Đối với học bán trú: Mức thu học phí theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và giáo viên, nhưng không quá 100.000 đồng/tháng;

2. Đối với cấp THCS:

a/ Mức thu học phí tối đa là: 3.500 đồng/buổi/ môn/học sinh;

b/ Đối với học kèm: Tối đa không quá 6.000 đồng/buổi/học sinh;

3. Đối với cấp THPT:

a/ Mức thu học phí tối đa là: 4.000 đồng/buổi/môn/học sinh;

b/ Đối với học kèm: Tối đa không quá 7.000 đồng/buổi/học sinh;

4. Học phí học thêm được thu theo hàng tháng, mỗi tháng tính 4 tuần.

Điều 8: Các điều kiện phải bảo đảm khi tổ chức dạy thêm

1. Số lượng học sinh trên lớp:

a/ Đối với bậc tiểu học: Mỗi lớp học thêm không quá 30 học sinh. Mỗi nhóm học kèm không quá 10 học sinh;

b/ Đối với bậc trung học: Mỗi lớp học thêm không quá 40 học sinh/môn. Mỗi nhóm học kèm không quá 10 học sinh;

2. Phòng học phải đủ diện tích (1m2/1hs), thoáng, đủ ánh sáng, đủ bàn ghế và đúng quy cách, có bảng đen, đảm bảo vệ sinh;

3. Tại địa điểm học thêm, xe của học sinh không được lấn chiếm lòng đường, vỉa hè..., gây ách tắc giao thông; giáo viên và học sinh phải có trách nhiệm giừ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi tập trung học thêm.

Điều 9: Công tác quản lý dạy thêm

1. Hiệu trưởng các trường Phổ thông, Giám đốc các trung tâm giáo đục thường xuyên (sau đây viết tắt là TTGDTX) có trách nhiệm tổ chức, quản lý và kiểm tra việc dạy thêm của giáo viên trường mình;

2. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện thực hiện việc quản lý dạy thêm của tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục và đào tạo dạy thêm ở bậc tiểu học;

3. Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thực hiện việc quản lý dạy thêm của tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục và đào tạo dạy thêm ở bậc trung học;

4. Nội dung công tác quản lý dạy thêm bao gồm:

a/ Địa điểm dạy thêm;

b/ Môn dạy thêm và giáo viên được dạy thêm;

c/ Danh sách học sinh học thêm theo điều 2 và 4 quy định này;

d/ Chất lượng dạy thêm của giáo viên và nội dung, chương trình dạy thêm;

e/ Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận dạy thêm của giáo viên.

Điều 10: Thẩm quyền cấp giấy Chứng nhận dạy thêm

1. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành giáo dục và đào tạo dạy thêm ở bậc tiểu học sau khi có ý kiến phê duyệt của UBND quận, huyện;

2. Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cấp giấy chứng nhận cho tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành Giáo dục và đào tạo dạy thêm ở bậc trung học sau khi có ý kiến phê duyệt của UBND thành phố.

Điều 11: Hồ sơ cấp giấy chứng nhận dạy thêm

1. Đối với tập thể:

a/ Đơn xin cấp giấy chứng nhận dạy thêm do thủ trưởng đơn vị đứng tên. Nếu là đơn vị ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương (xã, phường);

b/ Danh sách giáo viên tham gia dạy thêm tại trường;

c/ Bằng tốt nghiệp sư phạm của giáo viên dạy thêm (có công chứng);

d/ Nếu thuê, mượn cơ sở để tổ chức dạy thêm thì có giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc của chủ sở hữu cơ sở đó;

e/ Ảnh của người tham gia dạy thêm tại trường (3 ảnh màu 3 x 4);

2. Đối với cá nhân:

a/ Đơn xin cấp giấy chứng nhận dạy thêm:

- Có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nếu là giáo viên đương nhiệm thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố;

- Có xác nhận của chính quyền xã, phường nếu là cá nhân ngoài ngành Giáo dục và đào tạo thành phố;

b/ Bằng tốt nghiệp sư phạm (công chứng);

c/ Nếu thuê, mượn cơ sở để tổ chức dạy thêm thì có giấy xác nhận của thủ trưởng đơn vị hoặc của chủ sở hữu cơ sở đó;

d/ Ảnh của người đứng tên xin dạy thêm (3 ảnh màu 3 x 4).

Chương III

KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT

Điều 12: Khen thưởng

Cá nhân, đơn vị tổ chức thực hiện tốt quy định về công tác tổ chức, quản lý dạy thêm của giáo viên các cấp được xét biểu dương trong sơ kết học kỳ, tổng kết hằng năm.

Điều 13: Kỷ luật

1. Cá nhân, tập thể thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố quản lý nếu vi phạm quy định này tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo các hình thức kỷ luật sau:

a/ Vi phạm lần thứ nhất: Khiển trách trong Hội đồng sư phạm của trường;

b/ Vi phạm lần thứ hai: Cảnh cáo, thu hồi giấy chứng nhận dạy thêm;

2. Đối với giáo viên đã nghỉ hưu, cá nhân ngoài ngành Giáo dục và đào tạo giáo viên các trường Đại học, trường Cao đẳng đã được cấp giấy chứng nhận dạy thêm, nếu vi phạm tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị thu hồi giấy chứng nhận dạy thêm và thông báo cho đơn vị, địa phương biết.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý dạy thêm

1. Sở Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm:

a/ Hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận dạy thêm;

b/ Tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện quy định này của các táp thể, cá nhân dạy thêm;

- Xử lý các hành vi vi phạm trong việc dạy thêm theo thẩm quyền;

2. Đoàn kiểm tra liên ngành quản lý dạy thêm - học thêm của thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm;

3. UBND các quận, huyện có trách nhiệm:

a/ Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai và quản lý việc dạy thêm của giáo viên các cấp trên địa bàn quận, huyện;

b/ Chỉ đạo việc xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân dạy thêm có hành vi vi phạm.

Điều 15: Điều chỉnh, bổ sung Quy định

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phản ánh về UBND thành phố (thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế tại địa phương.