cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 298/2001/QĐ-UB ngày 31/01/2001 Về Quy định trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 298/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Ngày ban hành: 31-01-2001
  • Ngày có hiệu lực: 15-02-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 11-02-2008
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2552 ngày (6 năm 12 tháng 2 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 11-02-2008
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 11-02-2008, Quyết định số 298/2001/QĐ-UB ngày 31/01/2001 Về Quy định trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà và tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 07/2008/QĐ-UBND ngày 01/02/2008 Về quy chế soạn thảo, ban hành, rà soát, hệ thống hóa và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 298/2001/QĐ-UB

Nha Trang, ngày 31 tháng 01 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UBND TỈNH KHÁNH HOÀ VÀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/6/1994 ;

- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12 tháng 11 năm 1996 ;

- Căn cứ Nghị định số 101/CP ngày 23 tháng 9 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Xét đề nghị của các ông Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh Khánh Hoà và việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Tỉnh.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố thuộc Tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Chi

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UBND TỈNH KHÁNH HOÀ VÀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 298/2001/QĐ-UB ngày 31 tháng 01 năm 2001 của UBND tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành là các Quyết định, Chỉ thị trong đó có chứa đựng những quy tắc xử sự chung, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước cấp trên và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; được áp dụng nhiều lần đối với mọi đối tượng; có hiệu lực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; được ban hành theo trình tự và tổ chức thực hiện theo quy định này.

Điều 2: Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật.

Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông; cách diễn đạt phải đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu. Đối với các thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải được định nghĩa. Câu, chữ, số phải được viết đầy đủ, chính xác, không viết tắt trong văn bản.

Điều 3: Văn bản quy phạm pháp luật được tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bao gồm:

1- Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương ban hành:

a) Hiếp pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

b) Pháp lệnh, Nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội.

c) Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước.

d) Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

đ) Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

e) Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Quyết định, Chỉ thị, Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

g) Nghị quyết, Thông tư liên tịch giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với Tổ chức chính trị-xã hội.

2- Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương ban hành bao gồm:

a) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp.

b) Quyết định, Chỉ thị của ủy ban nhân dân các cấp và của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp.

Điều 4: Các nguyên tắc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật:

1- Tôn trọng và bảo đảm tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương.

2- Việc tổ chức thực hiện phải nhanh chóng, tích cực và có hiệu quả.

Điều 5: Hàng năm, căn cứ vào Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; căn cứ kết quả công tác rà soát, tập hợp văn bản quy phạm pháp luật và theo tình hình thực tế cần thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân tỉnh trong phạm vi theo dõi của ngành mình thực hiện những việc sau đây:

1- Lập và tổ chức thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

2- Phổ biến tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành.

3- Lưu trữ văn bản quy phạm pháp luật. Rà soát và tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản không phù hợp với pháp luật và không phù hợp thực tế.

4- Tổng kết tình hình ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 6: Những Văn bản quy phạm pháp luật do UBND Tỉnh trình HĐND Tỉnh ban hành được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại chương II dưới đây.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA UBND TỈNH KHÁNH HÒA

Điều 7: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND Tỉnh được thực hiện theo các bước sau đây:

- Lập kế hoạch xây dựng văn bản.

- Tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Tổ chức lấy ý kiến tham gia dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 8: Lập kế hoạch xây dựng văn bản

1/ Căn cứ vào thông tin từ hoạt động quản lý Nhà nước, từ kiến nghị, đề xuất của công dân và các cơ quan, đoàn thể và qua công tác rà soát, tập hợp văn bản quy phạm pháp luật, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm chủ động lập và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi lĩnh vực ngành, đơn vị mình; kế hoạch cho năm sau phải được hoàn thành và gửi đến Sở Tư pháp chậm nhất vào ngày 30/ 11 hàng năm.

2/ Trên cơ sở kế hoạch xây dựng văn bản của các ngành, Sở Tư pháp tổng hợp và lập chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ủy ban nhân dân tỉnh; chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm sau phải được trình UBND Tỉnh chậm nhất vào ngày 15/12 hàng năm.

Điều 9: Tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

1- Văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc ngành nào do ngành đó soạn thảo.

Văn bản có liên quan tới nhiều ngành thì ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ định cơ quan chủ trì soạn thảo.

Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, ngành hữu quan trong việc xây dựng các quy phạm liên quan tới cơ quan, ngành đó.

Các cơ quan được phân công, mời tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến bằng văn bản hoặc trực tiếp trao đổi với cơ quan chủ trì việc soạn thảo những nội dung liên quan.

2- Cá nhân hoặc nhóm công tác được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm:

a) Nghiên cứu các văn bản, tài liệu có liên quan đến việc xây dựng dự thảo văn bản.

b) Khảo sát tình hình thực tế, thu thập và xử lý các thông tin, dữ kiện phục vụ cho công tác soạn thảo văn bản.

c) Xây dựng đề cương chi tiết và tiến hành soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 10: Tổ chức lấy ý kiến tham gia dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ quan chủ trì việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có thể lựa chọn các hình thức lấy ý kiến tham gia sau đây:

1- Lấy ý kiến thông qua việc gửi dự thảo trực tiếp.

- Cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi dự thảo và tài liệu liên quan đến các cơ quan tham gia góp ý dự thảo.

- Cơ quan tham gia góp ý dự thảo có thể tham gia trực tiếp trên dự thảo hoặc bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì soạn thảo và gửi lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 07 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo văn bản. Sau thời gian nêu trên nếu cơ quan, ngành được hỏi ý kiến không có văn bản trả lời thì coi như nhất trí với dự thảo và phải chịu trách nhiệm về những vấn đề có liên quan.

2/ Lấy ý kiến thông qua Hội nghị:

- Cơ quan chủ trì soạn thảo phải gửi dự thảo và những tài liệu liên quan đến các cơ quan liên quan chậm nhất là 05 ngày trước khi diễn ra Hội nghị.

- Cơ quan tham gia phải nghiên cứu dự thảo và những tài liệu liên quan, chuẩn bị ý kiến góp ý bằng văn bản để trực tiếp tham gia Hội nghị, và gửi lại ý kiến tham gia đó cho cơ quan chủ trì soạn thảo ngay sau khi kết thúc Hội nghị.

Điều 11: Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

1- Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm thẩm định về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi đề nghị ban hành.

2- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan, ngành liên quan tham gia đóng góp ý kiến và những tài liệu có liên quan cho Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa để thẩm định. Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định văn bản quy phạm pháp luật và gửi lại cho cơ quan chủ trì soạn thảo chậm nhất là 10 ngày sau khi nhận được dự thảo.

Điều 12: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

1- Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật lập hồ sơ đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hồ sơ gồm:

- Tờ trình về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Dự thảo hoàn chỉnh văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành.

- ý kiến tham gia của các cơ quan, ngành liên quan.

- ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp.

- Tài liệu có liên quan.

2- Hồ sơ trên được gửi đến Chánh văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và trình ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành.

3- Quy trình thông qua và ký văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh được thực hiện theo quy chế làm việc của UBND Tỉnh và quy chế làm việc của Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa.

Điều 13: Số và ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật.

1- Văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành phải được đánh số thứ tự theo năm ban hành và ký hiệu cho từng loại văn bản. Năm ban hành phải được ghi đầy đủ.

2- Ký hiệu văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được ghi như sau:

Số: ........./ năm ban hành/ / tên viết tắt loại văn bản / tên viết tắc cơ quan ban hành văn bản.

Cách ghi ký hiệu văn bản:

a) Quyết định do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (năm 2000)

Số: ......../2000/QĐ-UB

b) Chỉ thị do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành (năm 2000)

Số: ......./2000/CT-UB

3- Đối với những văn bản có hình thức như tại điều 1 quy định này nhưng không mang nội dung quy phạm pháp luật hoặc có hình thức khác, thì đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản có hình thức khác bao gồm: quyết định về việc nâng bậc lương, khen thưởng, điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, phê duyệt dự án, xử lý hành chính.. . chỉ thị về phát động phong trào thi đua, biểu dương người tốt việc tốt, các báo cáo, thông báo, tờ trình và các công văn hành chính khác.

Điều 14: Gửi văn bản quy phạm pháp luật.

1- Trong thời gian chậm nhất là hai ngày kể từ ngày ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ủy ban nhân dân Tỉnh phải gửi văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành đến Chính phủ, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội liên quan đến việc thực hiện và ủy ban nhân dân cấp dưới. Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân tỉnh sao gửi đúng thời hạn, đảm bảo đúng nội dung và hình thức văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

2- Văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành được Văn phòng UBND Tỉnh truyền, lưu giữ trên mạng tin học của tỉnh và được đăng trên Tập “Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Khánh Hòa” có giá trị như bản gốc.

Văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được đăng trên Tập “Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Khánh Hòa” theo từng quý, 03 tháng một lần.

Văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tập hợp, hệ thống, xuất bản Tập “Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Khánh Hòa”.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ TẬP HỢP VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TẠI ĐỊA PHƯƠNG.

Điều 15: Nhận văn bản quy phạm pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương ban hành được gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Khánh Hòa bằng nhiều hình thức, phương tiện khác nhau(gửi theo đường công văn, truyền trên mạng tin học, đăng trên Công báo, đăng trên ‘Văn bản quy phạm pháp luật tỉnh Khánh Hòa”.. .) nhưng phải được làm thủ tục tiếp nhận theo quy định chung về văn thư lưu trữ.

Điều 16: Tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật.

1-Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Khánh Hòa sau khi nhận được văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền cấp trên ban hành có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện trong các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Đối với văn bản thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lập kế hoạch cụ thể, chi tiết việc tổ chức thực hiện và phải tổ chức thực hiện kế hoạch đó trong phạm vi ngành, cấp mình.

Đối với văn bản quy phạm pháp luật có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành cần sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của ủy ban nhân dân tỉnh thì cơ quan có chức năng về lĩnh vực chuyên môn có trách nhiệm tham mưu, xây dựng đề án triển khai thực hiện tại địa phương trình ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, đồng thời phải trình dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên.

2- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình và việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trên phạm vi thuộc mình theo dõi.

Điều17. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật

1- Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.

Trong trường hợp văn bản có quy định hiệu lực trở về trước, thì áp dụng theo quy định đó.

2- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

3- Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

4- Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới.

Điều 18: Tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật.

1- Văn bản quy phạm pháp luật phải được tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu rộng rãi để các cấp,các ngành, cơ quan, đơn vị và mọi công dân được biết và thi hành.

2- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tùy theo tầm quan trọng và phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật mà lựa chọn hình thức, mức độ tuyên truyền cho phù hợp.

3- Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh -Truyền hình, Đài Truyền thanh ở địa phương có trách nhiệm đưa tin, đăng, phát sóng toàn văn hoặc những nội dung cơ bản của văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các chuyên mục pháp luật nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Điều 19: Rà soát, tập hợp văn bản quy phạm pháp luật.

1/ ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, ngành thuộc địa phương có trách nhiệm thường xuyên rà soát, tập hợp văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương ban hành; nếu phát hiện có quy định trái Hiến pháp, trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, của địa phương thì tự mình kiến nghị hoặc phối hợp với các cơ quan, ngành liên quan kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

2/ Văn phòng ủy ban nhân dân và cơ quan Tư pháp chịu trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp mình ban hành theo định kỳ một tháng một lần và tập hợp ba tháng một lần đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, tập hợp văn bản quy phạm pháp luật cho các ngành và ủy ban nhân dân cấp dưới.

Điều 20: Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân các cấp ban hành.

1/ Văn bản quy phạm pháp luật do ủy ban nhân dân các cấp ban hành chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng một văn bản quy phạm pháp luật do chính ủy ban nhân dân cấp đã ban hành văn bản đó, hoặc bị đình chỉ thi hành, bãi bỏ bởi một văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2/ Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản khác phải có cùng hiệu lực pháp lý như văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ; phải xác định rõ nội dung, tên văn bản, điều, khoản của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.

3/ Văn bản quy phạm pháp luật khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành thì vẫn còn nguyên hiệu lực và phải được nghiêm chỉnh thi hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 21: Theo dõi, kiểm tra thực hiện.

ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình; báo cáo kịp thời kết quả thực hiện văn bản quy phạm pháp luật lên Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và cơ quan chủ quản cấp trên.

Điều 22: Kinh phí tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật:

1/ Các cơ quan, ngành, UBND các cấp chủ động lập dự toán kinh phí cần thiết cho việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật hàng năm.

2/ Cơ quan tư pháp có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tài chính xây dựng định mức chi phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật.

3/ Cơ quan tài chính có trách nhiệm cân đối ngân sách đảm bảo các chi phí cần thiết cho việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.