cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 09/2001/QĐ-UB ngày 22/01/2001 Ban hành Quy định tạm thời về chính sách khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô cho dân nghèo, đồng bào dân tộc ở địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 09/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Ngày ban hành: 22-01-2001
  • Ngày có hiệu lực: 06-02-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 19-03-2004
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1137 ngày (3 năm 1 tháng 12 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 19-03-2004
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 19-03-2004, Quyết định số 09/2001/QĐ-UB ngày 22/01/2001 Ban hành Quy định tạm thời về chính sách khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô cho dân nghèo, đồng bào dân tộc ở địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 16/2004/QĐ-UB ngày 04/03/2004 Ban hành Quy định tỉ lệ hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/2001/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 22 tháng 01 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC “BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHÍNH SÁCH KHOÁN BẢO VỆ, KHOANH NUÔI RỪNG LỒ Ô CHO DÂN NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC Ở ĐỊA PHƯƠNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định 01-CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ về ban hành bản quy định về việc “Giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp Nhà nước”. Quyết định 661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Theo đề nghị của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định tạm thời về chính sách khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô cho dân nghèo, đồng bào dân tộc ở địa phương.

Điều 2: Các Ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc các sở, ngành : Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính – Vật giá, Kho bạc Nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Giám đốc các lâm trường, Trưởng ban các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tấn Hưng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CHÍNH SÁCH KHOÁN BẢO VỆ, KHOANH NUÔI RỪNG LỒ Ô CHO DÂN NGHÈO, ĐỒNG BÀO DÂN TỘC Ở ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2001/QĐ-UB ngày 22-11-2001)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1 : Đối tượng rừng giao, nhận khoán :

Rừng lồ ô thực hiện khoán bảo vệ, khoanh nuôi trong bản quy định này là trạng thái rừng lồ ô thuần loại, rừng hỗn giao lồ ô – gỗ và gỗ - lồ ô, thuộc các loại rừng phòng hộ cấp 1, cấp 2, cấp 3 và rừng sản xuất.

Điều 2 : Thẩm quyền giao khoán

1. Các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp công ích (lâm trường quốc doanh) các Ban QLRPH, rừng kinh tế (sau đây gọi tắt là bên giao khoán), có thẩm quyền giao khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô.

2. Bên giao khoán thực hiện khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô phải có các điều kiện sau :

- Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay quyết định thuận quy hoạch ranh giới sử dụng đất do UBND tỉnh cấp.

- Có dự án 661, phương án thiết kế khoán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Được giao chỉ tiêu kế hoạch và có nguồn vốn để thực hiện việc giao khoán.

Điều 3 : Đối tượng nhận khoán (gọi là hộ nhận khoán).

1. Đối tượng nhận khoán.

- Những hộ gia đình, cá nhân là dân nghèo, đồng bào dân tộc có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có rừng lồ ô.

- Những hộ thành viên là cán bộ công nhân viên nghèo của chủ rừng.

2.Hộ nhận khoán phải có các điều kiện sau :

- Có nhu cầu nhận khoán thật sự.

- Có lao động, đủ khả năng để thực hiện bảo vệ, khoanh nuôi rừng.

- Được bên giao khoán và UBND xã sở tại đồng nhất trí cho nhận khoán.

Điều 4 : Hạn mức, thời gian giao nhận khoán.

- Hạn mức giao nhận khoán từ 10 ha đến tối đa không quá 30 ha cho một hộ.

- Thời gian ký hợp đồng giao nhận khoán tối đa là 20 năm. Sau đó nếu hộ nhận khoán thực hiện đúng hợp đồng mà có nhu cầu sẽ được ưu tiên cho nhận khoán tiếp.

- Các trường hợp đã ký hợp đồng khoán trước đây không vi phạm hợp đồng thì vẫn được giữ nguyên diện tích, thời hạn như hợp đồng đã ký.

Điều 5 : Hình thức, hồ sơ giao, nhận khoán :

- Việc giao nhận khoán phải thông qua hợp đồng khoán bảo vệ, khoanh nuôi.

- Hồ sơ giao nhận, khoán bao gồm :

+ Đơn xin nhận khoán của hộ nhận khoán được UBND xã sở tại xác nhận.

+ Hồ sơ thiết kế khoán do bên giao khoán lập, được cấp có thẩm quyền phê duyệt (có kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000).

+ Hợp đồng khoán được bên giao và hộ nhận khoán ký kết.

+ Biên bản giao, nhận rừng ngoài thực địa có chứng kiến của trưởng thôn và các hộ giáp ranh (nếu có) cùng ký tên.

+ Hồ sơ khoán phải lập riêng cho từng hộ nhận khoán được UBND huyện phê duyệt và thành lập 04 bộ (bên giao khoán 01 bộ, hộ nhận khoán 01 bộ, UBND huyện 01 bộ, UBND xã 01 bộ).

Chương II

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN GIAO NHẬN KHOÁN

Điều 6 : Trách nhiệm, quyền hạn của bên giao nhận khoán :

1. Trách nhiệm :

- Xác định đúng diện tích , vị trí trên bản đồ và ngoài thực địa, đánh giá đúng hiện trạng, mật độ, trữ lượng, chất lượng rừng.

- Khi rừng đạt tiêu chuẩn cho phép, tiến hành thiết kế khai thác, xác lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành, tiêu thụ sản phẩm lồ ô cho hộ nhận khoán.

- Thanh toán cho bên nhận khoán những chi phí theo quy định và cam kết trong hợp đồng.

- Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho hộ nhận khoán thì phải bồi thường thiệt hại.

2. Quyền hạn :

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khoán đảm bảo đúng Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quy chế quản lý các loại rừng.

- Khi bên nhận khoán vi phạm hợp đồng, căn cứ mức độ vi phạm để quyết định việc bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng, thu hồi lại rừng và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Điều 7 : Nghĩa vụ, quyền hạn của hộ nhận khoán :

1. Nghĩa vụ :

- Chấp hành đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng.

- Thực hiện việc bảo vệ, sử dụng rừng đúng thiết kế, quy định và cam kết trong hợp đồng khoán. Bảo toàn và phát triển vốn rừng nhận khoán.

- Nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật, thanh toán cho bên giao khoán các khoản vay hoặc các dịch vụ ứng trước.

- Bán sản phẩm cho bên giao khoán theo hợp đồng.

- Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên giao khoán thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Trả lại rừng cho Nhà nước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng vào mục đích của Quốc gia.

2. Quyền hạn :

- Được chủ động thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ để rừng không bị xâm hại theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký.

- Được ưu tiên hợp đồng khai thác sản phẩm trên khu rừng nhận khoán theo thiết kế và giấy phép khai thác của cấp có thẩm quyền cấp.

- Được bồi thường thiệt hại hoặc hủy bỏ hợp đồng, trả lại rừng khi bên giao khoán vi phạm hợp đồng.

- Khi chủ nhận khoán bị chết, người đại diện các thành viên trong hộ đươc tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Chương III

CHÍNH SÁCH HƯỞNG LỢI TRONG GIAO KHOÁN

Điều 8 : Đối với rừng tự nhiện

1. Rừng phòng hộ cấp I, II :

- Hộ nhận khoán được thanh toán tiền công bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm (nguồn vốn Trung ương cấp theo Dự án 661).

- Khi rừng nhận khoán được đưa vào khai thác, hộ nhận khoán sẽ không được thanh toán tiền công bảo vệ nữa mà được hưởng lợi như sau:

Căn cứ vào giá bán cây đứng lồ ô được phép khai thác do UBND tỉnh quy định. Sau khi trừ chi phí thiết kế khai thác, nộp thuế tài nguyên theo quy định, giá trị còn lại các bên được hưởng theo tỷ lệ sau:

+ Hộ nhận khoán được hưởng 87%.

+ Bên giao khoán được hưởng 10%.

+ Nộp ngân sách xã 3%, (sử dụng vào mục đích nông nghiệp).

2. Rừng phòng hộ cấp III, sản xuất :

- Hộ nhận khoán được thanh toán tiền công bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm (nguồn vốn ngân sách tỉnh).

- Khi rừng nhận khoán được đưa vào khai thác, hộ nhận khoán sẽ không được thanh toán tiền công bảo vệ nữa mà được hưởng lợi như sau:

Căn cứ vào giá bán cây đứng lồ ô được phép khai thác do UBND tỉnh quy định. Sau khi trừ chi phí thiết kế khai thác, nộp thuế tài nguyên theo quy định, giá trị còn lại các bên được hưởng theo tỷ lệ sau:

+ Hộ nhận khoán được hưởng 87%.

+ Bên giao khoán được hưởng 10%.

+ Nộp ngân sách xã 3%, (sử dụng vào mục đích nông nghiệp).

Điều 9 : Đối với trạng thái là rừng khoanh nuôi, tái sinh phục hồi rừng.

1. Rừng phòng hộ cấp I, II :

- Hộ nhận khoán được thanh toán tiền công bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm (nguồn vốn Trung ương cấp theo Dự án 661).

- Khi rừng nhận khoán được đưa vào khai thác, hộ nhận khoán sẽ không được thanh toán tiền công bảo vệ nữa mà được hưởng lợi như sau:

Căn cứ vào giá bán cây đứng lồ ô được phép khai thác do UBND tỉnh quy định. Sau khi trừ chi phí thiết kế khai thác, nộp thuế tài nguyên theo quy định, giá trị còn lại các bên được hưởng theo tỷ lệ sau:

+ Hộ nhận khoán được hưởng 94%.

+ Bên giao khoán được hưởng 3%.

+ Nộp ngân sách xã 3%, (sử dụng vào mục đích nông nghiệp).

2. Rừng phòng hộ cấp III, sản xuất :

- Hộ nhận khoán được thanh toán tiền công bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha/năm, thời hạn không quá 5 năm (nguồn vốn ngân sách tỉnh).

- Khi rừng nhận khoán được đưa vào khai thác, hộ nhận khoán sẽ không được thanh toán tiền công bảo vệ nữa mà được hưởng lợi như sau:

Căn cứ vào giá bán cây đứng lồ ô được phép khai thác do UBND tỉnh quy định. Sau khi trừ chi phí thiết kế khai thác, nộp thuế tài nguyên theo quy định, giá trị còn lại các bên được hưởng theo tỷ lệ sau:

+ Hộ nhận khoán được hưởng 94%.

+ Bên giao khoán được hưởng 3%.

+ Nộp ngân sách xã 3%, (sử dụng vào mục đích nông nghiệp).

Điều 10 : Đối với trạng thái rừng hỗn giao lồ ô – gỗ, gỗ - lồ ô.

Sản phẩm lồ ô khai thác được áp dụng như Điều 9, lâm sản là gỗ không áp dụng theo quy định này, chờ khi Chính phủ có quy định ban hành, tỉnh sẽ áp dụng và có quy định cụ thể.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11 : Tổ chức quản lý và thực hiện.

1. Thiết kế giao khoán.

Do bên giao khoán thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước khi thiết kế bên giao khoán thống nhất với UBND xã sở tại xem xét thống nhất số hộ nhận khoán, diện tích dự kiến từng hộ và thông báo công khai, rộng rãi.

- Chi phí thiết kế lập hồ sơ khoán và trình duyệt là 25.000 đồng/ha, nếu là rừng phòng hộ cấp I, II do ngân sách Trung ương cấp từ Dự án 661, nếu là rừng phòng hộ cấp III, rừng sản xuất do ngân sách tỉnh cấp.

2. Thiết kế khai thác.

Do bên giao khoán thực hiện cho hộ nhận khoán theo quy chế quản lý các loại rừng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. UBND các huyện, xã có trách nhiệm phối hợp tổ chức hợp thực hiện giao khoán và hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.

4. Cơ quan kiểm lâm có trách nhiệm cải tiến đơn giản hóa thủ tục nghiệm thu, xác nhận lồ ô khai thác hợp pháp cho chủ rừng và hộ nhận khoán.

5. Các hợp đồng khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng lồ ô ký kết trước đây được điều chỉnh và áp dụng chính sách hưởng lợi theo quy định này.

Điều 12 :

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, Giám đốc sở, ngành : Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính – Vật giá, Kho bạc Nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Giám đốc các lâm trường, Trưởng ban các Ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Điều 13 : Khen thưởng, kỷ luật.

Trong quá trình thực hiện bản quy định này các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt sẽ được khen thưởng, nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm tùy theo mức độ thiệt hại sẽ phải bồi thường và bị xử lý hành chính. Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng ngoài việc phải bồi thường thiệt hại còn bị truy tố trước pháp luật.