cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Chỉ thị số 1435/1998/CT-BKHCNMT ngày 28/09/1998 Quán triệt và thực hiện Nghị định 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường ban hành (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 1435/1998/CT-BKHCNMT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Ngày ban hành: 28-09-1998
  • Ngày có hiệu lực: 28-09-1998
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1435/1998/CT-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC QUÁN TRIỆT VÀ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 61/1998/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ NGÀY 15/08/1998 VỀ CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

Ngày 15 tháng 8 năm 1998 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nhăm khắc phục tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, tuỳ tiện, phiền hà đối với các doanh nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, có hiệu quả, tăng cường pháp chế trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để quán triệt và thực hiện Nghị định số 61/1998/NĐ-CP của Chính phủ, khi tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ thị:

1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng thanh tra, kiểm tra và Giám đốc các Sở KH, CN và MT phải trực tiếp chỉ đạo quán triệt sâu rộng tinh thần, nội dung của Nghị định trong đội ngũ công chức và Thanh tra viên; chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý Nhà nước được phân cấp, áp dụng đúng các thủ tục và thẩm quyền quy định về việc ra quyết định, thời gian tiến hành thanh tra, kiểm tra và chịu trách nhiệm về hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp phù hợp với các quy định của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghiêm cấm việc tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp mà không có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tự ý mở rộng đối tượng, phạm vi thanh tra kiểm tra, sử dụng các loại giấy tờ khống chỉ hoặc vi phạm các quy định về thủ tục thanh tra, kiểm tra.

2. Để triển khai đúng quy định của Nghị định trên, các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở KH,CN và MT các tỉnh, thành phố cần tiến hành một số việc sau:

a. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ:

- Hàng năm, vào kỳ xây dựng kế hoạch, đơn vị phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý Nhà nước đã được Bộ quy định, trong đó có kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại các doanh nghiệp, gửi về Thanh tra Bộ trước ngày 30/10 năm trước của năm kế hoạch để tổng hợp trình Bộ trưởng phê duyệt theo Điều 10 của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP.

- Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp phải dựa trên kế hoạch đã được Bộ trưởng phê duyệt (trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra bất thường theo Điều 16 của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP) Các cuộc thanh tra đều phải có Quyết định thanh tra của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 13, các cuộc kiểm tra đều phải có Quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 23 của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP Khi kết thúc thanh tra, kiểm tra phải có văn bản kết luận gửi về Thanh tra Bộ.

- Định kỳ, vào ngày 25 của tháng cuối quý các đơn vị phải gửi về Bộ (qua Thanh tra Bộ) kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong quý và kế hoạch của quý sau để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 13 của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP.

b. Đối với các Sở KH, CN và MT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Hàng năm, khi xây dựng kế hoạch hoạt động KH, CN và MT, phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở tại các doanh nghiệp, gửi về Bộ KH, CN và MT (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 30/10 của năm trước năm kế hoạch để tổng hợp, xử lý chung trong hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành đối với các doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

- Căn cứ ý kiến về kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm tra doanh nghiệp của Bộ KH, CN và MT, các Sở KH, CN và MT tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

- Căn cứ vào chương trình, kế hoạch chung của tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, giám đốc Sở có trách nhiệm xem xét, phê duyệt cụ thể kế hoạch của Thanh tra Sở về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để không trùng lặp về nội dung và quá một lần trong một năm đối với một doanh nghiệp. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền, đảm bảo thủ tục theo quy định của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP Việc tiến hành kiểm tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở phải căn cứ vào kế hoạch đã được phê duyệt hoặc phát hiện có hành vi vi phạm xẩy ra theo quy định tại Điều 23 của Nghị định. Giám đốc Sở ký quyết định thanh tra, kiểm tra và Chánh thanh tra Sở KH, CN và MT ký quyết định thanh tra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở theo quy định tại Điều 13 và Điều 23 của Nghị định.

- Thanh tra Sở KH, CN và MT với tư cách là cơ quan đầu mối về công tác thanh tra, kiểm tra của Sở, chịu trách nhiệm tổng hợp về xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra đối với các lĩnh vực quản lý Nhà nước thuộc Sở.

- Định kỳ, vào ngày 25 của tháng cuối quý, các Sở KH, CN và MT phải gửi kết quả thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong quý về Bộ (qua Thanh tra Bộ) và kế hoạch của quý sau để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

3. Trách nhiệm của Thanh tra Bộ KH, CN và MT:

Để việc thanh tra, kiểm tra thực hiện theo đúng Điều 3 và Điều 31 của Nghị định số 61/1998/NĐ-CP đảm bảo không trùng lặp giữa các đoàn thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở đối với doanh nghiệp, Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổng hợp, đối chiếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở KH, CN và MT tại các doanh nghiệp. Nếu kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở không trùng lặp về nội dung đối với một doanh nghiệp thì trước ngày 5 của tháng đầu của quý thông báo lại để các đơn vị và các Sở tổ chức thực hiện. Trường hợp có trùng lặp (Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra về cùng một nội dung đối với cùng một doanh nghiệp) thì thanh tra Bộ trình Bộ trưởng xem xét chỉ định một đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, theo hướng dẫn của Tổng thanh tra Nhà nước, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Nghị định này, kịp thời rút kinh nghiệm đề xuất với Bộ trưởng giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ và các Sở.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 61/1998/NĐ-CP tuỳ theo tình hình thực tế phát sinh, các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở KH, CN và MT kịp thời phản ảnh về Bộ KH, CN và MT (qua Thanh tra Bộ) để báo cáo Bộ trưởng Bộ KH, CN và MT giải quyết.

 

 

Chu Tuấn Nhạ

(Đã ký)