cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Về Quy định tạm thời về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 2424/2000/QĐ-BKHCNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
  • Ngày ban hành: 12-12-2000
  • Ngày có hiệu lực: 01-01-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-02-2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1870 ngày (5 năm 1 tháng 15 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 14-02-2006
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 14-02-2006, Quyết định số 2424/2000/QĐ-BKHCNMT ngày 12/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Về Quy định tạm thời về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 04/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/01/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Về nội dung, thủ tục công bố sản phẩm, hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, pháp quy kỹ thuật (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2424/2000/QĐ-BKHCNMT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG SỐ 2424/2000/QĐ-BKHCNMT NGÀY 12 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CÔNG BỐ HÀNG HOÁ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN"

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Pháp lệnh Chất lượng Hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
Căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số ngày tháng năm 2000 về việc ban hành tạm thời một số quy định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Chất lượng Hàng hoá;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn".

Điều 2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Cơ quan Nhà nước có liên quan tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 1 năm 2001.

 

Bùi Mạnh Hải

(Đã ký)

 

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ CÔNG BỐ HÀNG HOÁ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN
(Ban hành kèm theo Quyết định số / 2000/ QĐ- BKHCNMT ngày 12/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường)

1. Quy định chung

1.1. Văn bản này quy định điều kiện, thủ tục công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn theo các Điều 11,12, và 13 của Pháp lệnh Chất lượng Hàng hoá.

1.2. Công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn là việc Doanh nghiệp thông báo hàng hoá của mình phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

Việc công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn được tiến hành dựa trên một trong các căn cứ dưới đây:

a) Kết quả chứng nhận chất lượng hàng hoá của Tổ chức chứng nhận chất lượng về sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn tương ứng;

b) Kết quả tự đánh giá của Doanh nghiệp về sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn tương ứng.

1.3. Các phương thức công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn bao gồm:

a) Công bố tự nguyện

Công bố tự nguyện được thực hiện đối với hàng hoá nói chung, trừ các hàng hoá nói ở điểm b dưới đây;

b) Công bố bắt buộc

Công bố bắt buộc được thực hiện đối với:

- Hàng hoá thuộc "Danh mục hàng hoá phải áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam" do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường quy định;

- Hàng hoá thuộc "Danh mục hàng hoá phải áp dụng tiêu chuẩn ngành" do Bộ quản lý chuyên ngành quy định.

1.4. Hàng hoá thuộc các Danh mục nêu ở điểm 1.3 (b) chỉ được phép lưu thông trên thị trường sau khi đã được Doanh nghiệp công bố phù hợp tiêu chuẩn.

2. Nội dung và hình thức công bố

2.1 Nội dung công bố

Nội dung công bố bao gồm các thông tin nêu trong Phụ lục 1

Những thông tin bổ sung nói tại Phụ lục 1 bao gồm:

- Tên và địa chỉ của phòng thử nghiệm đã thử nghiệm mẫu hoặc tổ chức chứng nhận đã chứng nhận cho hàng hoá của Doanh nghiệp;

- Viện dẫn giấy chứng nhận hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn do các tổ chức nói trên cấp;

- Viện dẫn giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng của Doanh nghiệp;

- Viện dẫn chứng chỉ công nhận phòng thử nghiệm của Doanh nghiệp.

2.2. Hình thức công bố bao gồm:

a) Bản công bố;

b) Dấu phù hợp tiêu chuẩn;

Dấu phù hợp tiêu chuẩn có thể được trình bày trực tiếp trên hàng hoá và/hoặc bao bì hàng hoá, trong catalô hoặc hướng dẫn sử dụng hàng hoá.

2.3. Hình thức của Dấu phù hợp tiêu chuẩn được quy định tại Tiêu chuẩn Việt nam TCVN 5680:2000.

Tuỳ theo kích cỡ hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá, Dấu phù hợp tiêu chuẩn có thể được phóng to hoặc thu nhỏ, nhưng phải rõ ràng, dễ thấy và bền vững. Mầu sắc của Dấu phù hợp tiêu chuẩn do Doanh nghiệp tự lựa chọn.

3. Nội dung, trình tự đánh giá và công bố

3.1. Đánh giá và công bố dựa trên kết quả chứng nhận của Tổ chức chứng nhận chất lượng (bên thứ 3):

Trong trường hợp này, Doanh nghiệp công bố hàng hoá của mình phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng sau khi được Tổ chức chứng nhận chất lượng đánh giá và cấp chứng chỉ hàng hoá phù hợp với tiêu chuẩn đó.

Việc chứng nhận của Tổ chức chứng nhận được tiến hành theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tại một văn bản khác.

3.2. Đánh giá và công bố dựa trên kết quả tự đánh giá của Doanh nghiệp:

Việc tự đánh giá của Doanh nghiệp về sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn tương ứng phải dựa trên điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hoá của Doanh nghiệp và kết quả thử nghiệm mẫu điển hình của hàng hoá; và được Doanh nghiệp thực hiện theo trình tự như sau:

3.2.1. Chuẩn bị đánh giá

a) Xây dựng hoặc hoàn thiện Hồ sơ kỹ thuật nêu tại Phụ lục 2 và triển khai các biện pháp đảm bảo sự phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất và các quá trình liên quan khác;

b) Xác định khả năng thử nghiệm theo các yêu cầu, chỉ tiêu của tiêu chuẩn tương ứng. Đối với các chỉ tiêu chưa có khả năng tự thử nghiệm, Doanh nghiệp xem xét lựa chọn phòng thử nghiệm có khả năng thử nghiệm các chỉ tiêu này (ưu tiên các phòng thử nghiệm đã được công nhận);

c) Lập kế hoạch lấy mẫu và thử nghiệm mẫu điển hình theo quy định của tiêu chuẩn;

d) Lập nhóm chuyên gia đánh giá nội bộ, bao gồm những người am hiểu về công nghệ sản xuất, chất lượng hàng hoá;

e) Lập kế hoạch đánh giá bao gồm: kế hoạch xem xét đánh giá hệ thống tài liệu kỹ thuật và các biện pháp thực hiện đảm bảo phù hợp của hàng hoá với tiêu chuẩn.

3.2.2. Tiến hành đánh giá

a) Đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng và các biện pháp đảm bảo sự phù hợp theo kế hoạch đánh giá đã lập;

b) Tiến hành lấy mẫu và thử nghiệm mẫu theo kế hoạch đánh giá đã lập;

c) Lập hồ sơ đánh giá, bao gồm:

- Hồ sơ kỹ thuật liên quan trực tiếp đến hàng hoá;

- Kế hoạch đánh giá và thử nghiệm mẫu điển hình;

- Các báo cáo kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả thử nghiệm mẫu điển hình;

- Báo cáo các điểm không phù hợp và hành động khắc phục;

- Báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá ;

- Kế hoạch giám sát và đảm bảo phù hợp sau công bố;

- Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng hoặc chứng chỉ công nhận phòng thử nghiệm (nếu có).

Trong trường hợp đã được chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng như ISO 9000, HACCP, GMP, Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, Doanh nghiệp không phải thực hiện các công việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng quy định ở điểm 3.2.1 (a, d, e); thay vào đó là hồ sơ chứng nhận và giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng đã được cấp.

3.2.3. Công bố sự phù hợp

Sau khi đánh giá, nếu hàng hoá được kết luận là phù hợp với tiêu chuẩn, Doanh nghiệp công bố hàng hoá phù hợp theo nội dung và hình thức nêu ở mục 2 của Quy định này.

Trong thời gian 7 ngày kể từ khi chính thức công bố, Doanh nghiệp phải gửi Bản công bố đến các Cơ quan sau đây:

- Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

- Cơ quan đầu mối được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định nói ở điểm 5.1 dưới đây đối với hàng hoá đặc thù thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành.

4. Trách nhiệm của Doanh nghiệp đối với hàng hoá đã công bố phù hợp tiêu chuẩn

4.1. Không được công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn nếu hàng hoá đó chỉ đáp ứng một số quy định của tiêu chuẩn tương ứng, trừ trường hợp có quy định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4.2. Trong quá trình sản xuất hoặc lưu thông hàng hoá, nếu Doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện sản xuất ra hàng hoá phù hợp với nội dung đã công bố hoặc hàng hoá được phát hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng, thì Doanh nghiệp phải chủ động báo cáo ngay với các cơ quan hữu quan đồng thời tiến hành các biện pháp sau:

Đối với công bố tự nguyện

- Tạm ngừng việc sử dụng Dấu phù hợp tiêu chuẩn;

- Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp.

Đối với công bố bắt buộc

- Tạm ngừng việc xuất xưởng và lưu thông các hàng hoá không phù hợp;

- Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp;

4.3. Sau khi đã khắc phục sự không phù hợp, Doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng Dấu phù hợp tiêu chuẩn và lưu thông hàng hoá bình thường; đồng thời thông báo cho các Cơ quan nói tại điểm 3.2.3.

4.4. Doanh nghiệp có trách nhiệm lưu giữ toàn bộ hồ sơ hàng hoá đã công bố phù hợp tiêu chuẩn và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét khi có yêu cầu.

5. Hướng dẫn thực hiện

5.1. Theo lĩnh vực được phân công tại Nghị định 86/CP ngày 8 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá, các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ đạo hoạt động công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn theo Quy định này; chỉ định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm quản lý hoạt động công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn ở Trung ương và địa phương; thông báo danh sách các cơ quan đầu mối này cho các Doanh nghiệp và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

5.2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các cơ quan đầu mối ở Trung ương thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn theo Quy định này.

5.3. Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc quản lý đối với các hàng hoá, trừ các hàng hoá đặc thù thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý chuyên ngành; và phối hợp với các cơ quan đầu mối được chỉ định tại địa phương trong việc quản lý các hoạt động công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn của Doanh nghiệp.

5.4. Hàng quý, các cơ quan được chỉ định ở điểm 5.1, 5.2 và 5.3 trong phạm vi trách nhiệm của mình tổng hợp tình hình thực hiện việc công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn để báo cáo cho Bộ quản lý chuyên ngành và Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

6. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm

6.1. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn theo Quy định này và các quy định hiện hành khác có liên quan.

6.2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

PHỤ LỤC 1

MẪU BẢN CÔNG BỐ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

CÔNG BỐ HÀNG HOÁ PHÙ HỢP TIÊU CHUẨN

Số.............

Doanh nghiệp (tên Doanh nghiệp).............................................................

Địa chỉ ............................................................................................

Điện thoại ............................................................................................

Fax ............................................................................................

E-mail ............................................................................................

CÔNG BỐ:

Hàng hoá (tên, kiểu, loại, mã số hàng hoá).........................................

.............................................................................................

Phù hợp với tiêu chuẩn (số hiệu và tên tiêu chuẩn):

........................................................................................................................

Thông tin bổ sung (nếu Doanh nghiệp thấy cần thiết):

........................................................................................................................

........................................................................................................................

Mẫu dấu phù hợp tiêu chuẩn .........., ngày....tháng.....năm......

Đại diện doanh nghiệp

(tên, chức vụ)

 

PHỤ LỤC 2

HỒ SƠ TÀI LIỆU KỸ THUẬT

Hồ sơ tài liệu kỹ thuật bao gồm:

Các tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến hàng hoá (tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn khác); các quy định kỹ thuật khác;

Bản mô tả chung về hàng hoá (tính năng, công dụng);

Các bản vẽ thiết kế, chế tạo và sơ đồ các bộ phận cấu thành, cụm chi tiết, chi tiết;

Các kết quả tính toán thiết kế, nghiên cứu phát triển và thử nghiệm;

Quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.