cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Quyết định số 27/2000/QĐ-BXD ngày 08/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Về điều kiện kinh doanh xây dựng (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 27/2000/QĐ-BXD
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Cơ quan ban hành: Bộ Xây dựng
  • Ngày ban hành: 08-12-2000
  • Ngày có hiệu lực: 23-12-2000
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-07-2016
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 5669 ngày (15 năm 6 tháng 14 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-07-2016
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-07-2016, Quyết định số 27/2000/QĐ-BXD ngày 08/12/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Về điều kiện kinh doanh xây dựng (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 22/2016/TT-BXD ngày 01/07/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc liên tịch ban hành”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2000/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG SỐ 27/2000/QĐ-BXD NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 2000 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XÂY DỰNG

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 30/2000/NĐ-CP ngày 11/8/2000 của Chính phủ về việc bãi bỏ một số giấy phép và chuyển một số giấy phép thành điều kiện kinh doanh;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách xây dựng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định Điều kiện kinh doanh xây dựng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ; cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các đoàn thể; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

ĐIỀU KIỆN KINH DOANH XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 27./2000/QĐ-BXD ngày 08/ 12 /2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Các lĩnh vực kinh doanh xây dựng sau đây khi kinh doanh phải có điều kiện (không cần giấy phép):

1. Kinh doanh Khảo sát xây dựng;

2. Kinh doanh Thiết kế công trình;

3. Kinh doanh Thi công xây lắp công trình.

I. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH KHẢO SÁT XÂY DỰNG:

1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về Khảo sát xây dựng;

2. Sử dụng lao động phải thực hiện các qui định của pháp luật về lao động;

3. Sử dụng phòng thí nghiệm để phục vụ cho kinh doanh khảo sát xây dựng thì phòng thí nghiệm đó phải được công nhận hợp chuẩn theo quy định tại "Quy chế công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng" ban hành kèm theo Quyết định số 65/BXD-KHCN ngày 22/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

4. Sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải thực hiện các quy định tại Thông tư số 22/TT- LĐTBXH ngày 08/11/1996 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc "Hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động".

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THIẾT KẾ CÔNG TRÌNH:

1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về Thiết kế công trình;

2. Sử dụng lao động chuyên môn phải qua đào tạo và phải thực hiện các qui định của pháp luật về lao động;

3. Có tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm Thiết kế công trình theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ) và các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (ban hành kèm theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng);

4. Thực hiện các chế độ bảo hiểm có liên quan theo qui định của pháp luật;

5. Người quản lý doanh nghiệp (quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 của Chính phủ) phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình, thực hiện các quy định của Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình ban hành kèm theo Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

III. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH THI CÔNG XÂY LẮP CÔNG TRÌNH:

1. Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về xây dựng;

2. Sử dụng lao động phải thực hiện các qui định của pháp luật về lao động;

3. Có tổ chức quản lý chất lượng xây dựng công trình theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ) và các quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng (ban hành kèm theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng);

4. Thực hiện các chế độ bảo hiểm có liên quan theo qui định của pháp luật;

5. Sử dụng phòng thí nghiệm để phục vụ cho kinh doanh xây lắp công trình thì phòng thí nghiệm đó phải được công nhận hợp chuẩn theo quy định tại "Quy chế công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng" ban hành kèm theo Quyết định số 65/BXD-KHCN ngày 22/3/1995 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

6. Sử dụng các loại máy và thiết bị thi công phải đảm bảo an toàn vận hành. Sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì phải thực hiện các quy định tại Thông tư số 22/TT- LĐTBXH ngày 08/11/1996 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội về việc "Hướng dẫn việc khai báo, đăng ký và xin cấp giấy phép sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động";

7. Người trực tiếp chỉ huy thi công xây lắp công trình xây dựng chuyên ngành phải có trình độ chuyên môn về xây dựng chuyên ngành đó (có bằng trung cấp trở lên) và đã trực tiếp tham gia thi công xây lắp tối thiểu một công trình. Các loại thợ sử dụng trong thi công xây lắp công trình phải qua đào tạo và có chứng chỉ về chuyên môn, nắm vững về kỹ thuật an toàn lao động.

IV. QUẢN LÝ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XÂY DỰNG:

1. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi kinh doanh xây dựng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh tại qui định này, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình; chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý xây dựng địa phương và cơ quan khác có thẩm quyền theo qui định của pháp luật.

2. Cơ quan quản lý xây dựng các cấp có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các điều kiện kinh doanh xây dựng và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.