Quyết định số 2787/2000/QĐ-UB ngày 18/10/2000 Về trình tự thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc dự án nhóm C do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 2787/2000/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Ngày ban hành: 18-10-2000
- Ngày có hiệu lực: 18-10-2000
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 06-03-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 2696 ngày (7 năm 4 tháng 21 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 06-03-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2787/2000/QĐ-UB | Huế, ngày 18 tháng 10 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT VÀ TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH THUỘC DỰ ÁN NHÓM C
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý đầu tư - xây dựng và nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư - xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Quyết định số 349/QĐ-UB ngày 31/01/2000 của UBND tỉnh về việc ủy quyền phê duyệt TKKT và TDT các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm C;
- Xét đề nghị của Giám đốc các Sở: Xây dựng, Công nghiệp và TTCN, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT,
QUYẾT ĐỊNH
Điều I: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trình tự thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán công trình thuộc dự án nhóm C do tỉnh quản lý, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh.
Điều II: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều III: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ |
QUY ĐỊNH
TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT VÀ TỔNG DỰ TOÁN CÔNG TRÌNH THUỘC DỰ ÁN NHÓM C
Ban hành kèm theo Quyết định số: 2787/2000/QĐ-UB ngày 18/10/2000 của UBND tỉnh.
Điều 1: Các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt TKKT và DT các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm C (được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư của nhà nước và vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh) theo lĩnh vực, gồm:
I. Sở Xây dựng: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình xây dựng thuộc dự án nhóm C:
1. Các công trình xây dựng dân dụng: Phần kiến trúc - kết cấu, hệ thống cấp nước sinh hoạt và PCCC tính từ đồng hồ tổng trở vào bên trong, hệ thống thoát nước sinh hoạt tính đến đường ống thoát nước chung của khu vực, hệ thống cấp điện chiếu sáng và sinh hoạt tính từ cầu giao tổng hoặc từ trạm biến áp của công trình đến các phụ tải tiêu thụ.
2. Các công trình công nghiệp: Phần kiến trúc-kết cấu bao che, kết cấu móng máy, kết cấu chịu lực nâng đỡ máy móc thiết bị của dây chuyền công nghệ, cấp nước sản xuất sinh hoạt và PCCC, cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng các hạng mục công trình, hệ thống xử lý nước thải và thoát nước thải tính đến đường ống thoát nước chung của khu vực.
3. Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị: Tuyến ống cấp nước, ống thoát nước, hệ thống xử lý nước thải và chất thải, vỉa hè, lề đường, cây xanh, san sấp mặt bằng, hệ thống giao thông đối nội khu quy hoạch dân cư.
4. Các công trình hạ tầng kỹ thuật nội bộ: Sân vườn, điện chiếu sáng, đường nội bộ.
II. Sở Giao thông vận tải: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình giao thông thuộc dự án nhóm C:
- Công trình cầu, cống, đường bộ ở đô thị và nông thôn;
- Hệ thống đường giao thông đối ngoại qua các khu quy hoạch dân cư;
- Công trình bến phà, bến tàu thuyền;
- Các hệ thống, công trình cơ khí giao thông.
III. Sở Công nghiệp và TTCN: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình thuộc dự án nhóm C:
1. Các công trình điện: Hệ thống đường dây điện dưới 35KV, trạm biến áp, hệ thống điện chiếu sáng đô thị và các công trình công cộng, hệ thống điện chiếu sáng các khu quy hoạch dân cư.
2. Các công trình công nghiệp: Hệ thống thiết bị điện máy của các dây chuyền công nghệ sản xuất, hệ thống điện điều khiển thiết bị và trực tiếp phục vụ sản xuất tại các phân xưởng.
3. Các công trình cơ khí, điện máy.
4. Các công trình liên quan đến mỏ khoáng sản (thiết kế, khảo sát thăm dò, khai thác mỏ...)
IV. Sở Nông nghiệp và PTNT: Phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán các công trình thuộc dự án nhóm C:
1. Các công trình: Đê, đập, hầm, cống thủy lợi, hệ thống kênh mương tưới tiêu, quy hoạch cải tạo đồng ruộng, hồ chứa, trạm bơm.
2. Các công trình bảo vệ bờ sông, hồ, bờ biển và phòng chống bão lụt.
3. Các công trình chuồng trại chăn nuôi và trại giống cây trồng.
Điều 2: Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật (TKKT) và tổng dự toán do chủ đầu tư trình cơ quan thẩm định và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt TKKT và tổng dự toán gồm:
1. Tờ trình thẩm định, phê duyệt TKKT và tổng dự toán (theo mẫu ở phụ lục của Quy định quản lý CLCTXD kèm theo Quyết định số 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng);
2. Quyết định phê duyệt dự án đầu tư (bản sao hợp lệ);
3. Hồ sơ khảo sát thiết kế (theo phụ lục của Quy định quản lý CLCTXD, kèm theo Quyết định 17/2000/QĐ-BXD ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng) với những nội dung chính như sau:
3.1. Nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán:
a. Phần thuyết minh:
- Căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật;
- Thuyết minh thiết kế công nghệ;
-Thuyết minh thiết kế xây dựng;
b. Phần bản vẽ:
- Triển khai mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình;
- Triển khai tổng mặt bằng (nêu rõ diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng...);
- Giải pháp kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng, mặt cắt chính của các hạng mục và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;
- Giải pháp xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, kỹ thuật hạ tầng..
- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp...;
- Bố trí dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị...;
- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...;
c. Phần tổng dự toán:
- Các căn cứ để lập tổng dự toán;
- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;
- Tổng hợp khối lượng xây lắp, máy móc thiết bị....của các hạng mục và toàn bộ công trình (đủ điều kiện để lập hồ sơ mời thầu);
-Tổng dự toán công trình.
3.2. Nội dung hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi cóng - dự toán:
a. Phần thuyết minh
- Căn cứ để lập thiết kế kỹ thuật;
- Thuyết minh thiết kế công nghệ
Thuyết minh thiết kế xây dựng
b. Phần bản vẽ
- Chi tiết mặt bằng hiện trạng và vị trí công trình;
- Chi tiết tổng mặt bằng (diện tích chiếm đất, diện tích xây dựng, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ giới xây dựng...);
- Chi tiết kiến trúc: mặt bằng, các mặt đứng và mặt cắt chính của các hạng mục công trình và toàn bộ công trình, phối cảnh công trình;
- Chi tiết xây dựng: gia cố nền, móng, kết cấu chịu lực chính, cơ điện, công trình kỹ thuật hạ tầng...(yêu cầu triển khai vật liệu);
- Chi tiết các liên kết điển hình, các chi tiết phức tạp (nút khung, mắt dàn, neo cốt thép các kết cấu bê tông cốt thép ứng lực trước...) các chi tiết xây dựng khác;
- Chi tiết bố trí dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị...;
- Bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành...;
- Liệt kê khối lượng các công tác xây lắp, vật tư vật liệu, máy móc thiết bị... của các hạng mục và toàn bộ công trình;
- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp...);
- Quy trình kỹ thuật vận hành, bảo trì công trình.
c. Phần tổng dự toán:
- Các căn cứ để lập tổng dự toán;
- Diễn giải tiên lượng và các phụ lục cần thiết;
- Tổng hợp khối lượng xây đắp, máy móc thiết bị....của các hạng mục và toàn bộ công trình (đủ điều kiện để lập hồ sơ mời thầu);
- Tổng dự toán công trình.
4. Biên bản nghiệm thu sản phẩm khảo sát, thiết kế.
5. Các văn bản chấp thuận thiết kế của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về: an toàn môi trường, an toàn phòng chống cháy, nổ, an toàn đê điều và các yêu cầu có liên quan.
6. Về số lượng hồ sơ, chủ đầu tư phải gửi đến:
- Cơ quan thẩm định TKKT và TDT: 01 bộ;
- Cơ quan phê duyệt TKKT và TDT: 0 1 bộ;
Trường hợp các Sở có xây dựng chuyên ngành vừa là cơ quan thẩm định, vừa là cơ quan được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt TKKT và TDT, vẫn phải nạp 02 bộ để lưu trữ tại Sở và UBND Tỉnh.
Điều 3: Quy trình, nội dung thẩm định, phê duyệt TKKT và TDT
1. Quy trình thẩm định, phê duyệt TKKT và TDT
- Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành là cơ quan thẩm định TKKT và TDT các công trình thuộc dự án nhóm C, theo các lĩnh vực được ủy quyền phê duyệt tại điều 1;
- Trình tự tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, tiến hành thẩm định, lập báo cáo thẩm định và giao trả cho chủ đầu tư được thực hiện theo quy chế cụ thể của các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành; thời gian thẩm định kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo đúng quy định đối với công trình thuộc dự án nhóm C là không quá 15 ngày.
- Trình tự tiếp nhận, thụ lý hồ sơ để ban hành Quyết định phê duyệt TKKT- TDT và giao trả cho chủ đầu tư được thực hiện theo quy chế cụ thể của các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành; thời gian phê duyệt TKKT - TDT, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo đúng quy định đối với công trình thuộc dự án nhóm C là không quá 7 ngày.
2. Nội dung thẩm định, phê duyệt TKKT - TDT:
2.1. Nội dung thẩm định TKKT- TDT:
a. Sự phù hợp của TKKT với nội dung đã được phê duyệt trong quyết định đầu tư về quy mô, công nghệ, công suất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, quy hoạch, kiến trúc, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, cụ thể là:
+ Kiểm tra sự tuân thủ các nội dung được phê duyệt về quy mô xây dựng, công nghệ, công suất thiết kế, cấp công trình, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong báo cáo nghiên cứu khả thi;
+ Kiểm tra sự tuân thủ thiết kế sơ bộ trong báo các nghiên cứu khả thi được duyệt về quy hoạch, kiến trúc (đặc biệt là chỉ giới xây dựng, cao độ xây dựng và mật độ xây dựng);
+ Kiểm tra sự phù hợp của thiết kế kỹ thuật với Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế đã được chấp thuận sử dụng trong Quyết định đầu tư.
b. Kỹ thuật bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ, an toàn lao động, an toàn đê điều, an toàn gian thông.
c. Sự hợp lý của giải pháp thiết kế kỹ thuật: nền, móng, kết cấu, hệ thống kỹ thuật (cấp nước, thoát nước, cơ điện...) trên cơ sở đánh giá nguyên lý làm việc, các đặc điểm và thông số kỹ thuật chính để đảm bảo sự làm việc bình thường, hợp lý, khả thi của các đối tượng thiết kế.
d. Tư cách pháp lý của đơn vị, cá nhân thiết kế.
e. Kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng các định mức, đơn giá, chế độ chính sách của Nhà nước có liên quan đến các chi phí tính trong tổng dự toán.
g. Sự phù hợp giữa khối lượng công tác xây lắp tính từ thiết kế kỹ thuật với khối lượng công tác xây lắp tính trong dự toán.
h. Xác định giá trị tổng dự toán kể cả thiết bị (có sự phối hợp giữa các sở quản lý xây dựng chuyên ngành) để so sánh với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
2.2. Nội dung quyết định phê duyệt TKKT - TDT:
a. Phê duyệt các nội dung chính của TKKT:
+ Tên, địa điểm, quy mô công trình, công nghệ, công suất, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính, cấp công trình, quy hoạch, kiến trúc, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng;
+ Kỹ thuật về bảo vệ môi trường, sinh thái, phòng, chống cháy nổ, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp;
+ Sự hợp lý của giải pháp thiết kế kỹ thuật xây dựng.
b. Phê duyệt những bổ sung của TKKT so với thiết kế sơ bộ, không làm thay đổi nội dung trong quyết định đầu tư;
c. Phê duyệt tổng dự toán, tổng tiến độ xây dựng (đối với dự án phải phê duyệt tổng dự toán và tổng tiến độ xây dựng):
+ Sự hợp lý của các định mức, đơn giá, các chế độ, chính sách có liên quan, các chi phí khác theo quy định của Nhà nước đã áp dụng;
+ Giá trị tổng dự toán kể cả thiết bị phù hợp với quyết định đầu tư.
d. Những nội dung yêu cầu phải hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ (nếu có).
e. Mẫu Quyết định phê duyệt TKKT và TDT thực hiện theo phụ lục của Quy định quản lý CLCTXD, kèm theo Quyết định 17/2000/QĐ-Bộ Xây dựng ngày 02/8/2000 của Bộ Xây dựng. Các Sở có xây dựng chuyên ngành được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt TKKT - DT, khi ban hành Quyết định phê duyệt TKKT - DT, phải gửi:
+ UBND tỉnh để báo cáo;
+ Chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện;
+ Cơ quan chủ quản của đơn vị chủ đầu tư;
+ Các đơn vị có liên quan để theo dõi, quản lý;
+ Các phòng chức năng liên quan trực thuộc Sở để theo dõi, thực hiện và lưu trữ
Điều 4: Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện dự án, nếu có phát sinh điều chỉnh bổ sung thiết kế hợp lý làm thay đổi quy mô, tổng mức đầu tư; Các Sở có xây dựng chuyên ngành được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt TKKT - DT, không được phép phê duyệt bổ sung điều chỉnh vượt quá tổng mức đầu tư đã được phê duyệt khi chưa có chủ trương hoặc ý kiến thống nhất của cấp quyết định đầu tư.
Điều 5: Công trình xây dựng của các tổ chức tôn giáo, việc phê duyệt TKKT - cấp giấy phép xây dựng, thực hiện theo Nghị định số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4 /1999 của Chính phủ về các hoạt động tôn giáo và quy định cụ thể của UBND tỉnh. Đối với các dự án đối ngoại (vốn ODA, NGO, hợp tác phi tập trung) phải có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ trương biện pháp đảm bảo các cam kết với bên đối tác và các quy định của Tỉnh về quản lý công tác đối ngoại.
Điều 6: Công trình xây dựng thuộc dự án nhóm C do UBND tỉnh quyết định đầu tư, đã ủy quyền cho các sở có xây dựng chuyên ngành phê duyệt TKKT-DT, nếu có trường hợp đặc biệt - không thuộc phạm vi điều chỉnh theo các nội dung của Quy định này thì Chủ đầu tư phải báo cáo xin ý kiến của UBND tỉnh chỉ định cơ quan thẩm định, phê duyệt.
Điều 7: Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.
Giám đốc các Sở có xây dựng chuyên ngành tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với tất cả các quyết định được ủy quyền phê duyệt TKKT-DT
Điều 8: Giám đốc các Sở có xây dựng chuyên ngành, Giám đốc các Ban Quản lý dự án chuyên ngành xây dựng, Chủ đầu tư các công trình và Thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần báo cáo ngay cho UBND tỉnh để kịp thời bổ sung, chính lý phù hợp./.